Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Ngư dân ta phải hứng chịu tai họa đến bao giờ?

Nguyễn Trần Sâm
Theo dõi số phận những ngư dân đánh bắt xa bờ, nhất là ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, chỉ có những kẻ vô cảm mới không thấy xót xa, uất hận và không cảm thấy mắc nợ họ quá nhiều.
Không phải chỉ đến giờ, khi hàng trăm tàu TQ quần đảo chung quanh cái giàn khoan chết tiệt, những ngư dân ta mới phải chịu cảnh bị đâm tàu, bị bắt, bị làm nhục cả về thể xác lẫn nhân phẩm. Việc đó đã xảy ra nhiều năm nay rồi!
Ngày 4 tháng 7 năm 2009, báo chí TQ đăng ảnh khoe hải quân TQ bắt giữ, trói gô những người ngư dân Quảng Ngãi cùng các chiến sỹ hải quân VN. Trước đó, họ đã bị đánh đập, đến lúc “lên ảnh” thì họ ở trong tư thế dúm dó, vẻ mặt sợ hãi vô cùng.
Ngày 4 tháng 8 năm 2009, báo VN đưa tin: lại một tàu đánh cá VN bị hải quân TQ đuổi bắt, và sau đó không ai biết số phận của những ngư dân trên tàu ra sao.
Ngày 10 tháng 6 năm 2010, Thông Tấn Xã VN cho hay tàu cá QNg-66478-TS cùng 9 ngư dân bị TQ bắt.
Ngày 20 tháng 8 năm 2011, sở ngoại vụ tỉnh Quảng Bình thông báo 5 ngư dân tỉnh này bị TQ bắt.
Ngày 23 tháng 4 năm 2012, báo chí VN đưa tin tàu cá QNg-66074 đưa 21 ngư dân Quảng Ngãi bị TQ bắt và giam cầm hàng tháng trời đã trở về đến đảo Lý Sơn.

Trong khoảng 5 năm qua, đã có hàng chục, thậm chí có lẽ gần 100 vụ TQ bắt giữ, đâm chìm tàu hoặc đánh đập ngư dân ta. Chúng đem những người ngư dân này về TQ rồi bắt gia đình những nạn nhân đó phải bán cốt lột xương lấy tiền đem sang tận nơi chuộc họ về.
Trong khi đó, cách đây vài năm, ngay tại diễn đàn quốc hội, đã có một vị có địa vị cao lắm, nói: “Tình hình biển Đông có gì nghiêm trọng lắm đâu.”
Nhiều vụ gây hấn nghiêm trọng trên biển Đông chỉ được đưa tin chung chung, và quy tội cho “tàu lạ”.
Nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải trước hết là của lực lượng hải quân, và các chiến sỹ hải quân cũng sẵn sàng gánh vác. Thế nhưng không hiểu tư duy kiểu gì mà ở quốc hội có những vị “dân biểu” đề nghị giao súng cho ngư dân, để họ thay hải quân chiến đấu bảo vệ vùng biển! Hãy thử hình dung những ngư dân cầm súng chưa thạo, khi giơ súng lên trước lực lượng hải quân Tàu Cộng thì sẽ thế nào? Tất nhiên, họ sẽ bị bọn côn đồ đó đánh đập thẳng tay hoặc bắn bỏ tức thì. Và bọn chúng có cớ để biện hộ cho hành động độc ác của chúng. Vậy phải chăng mấy vị dân biểu kia định tạo cớ hộ bọn cướp biển để chúng giết ngư dân ta?!
Từ hai tháng nay, trong tình thế nguy nan, những ngư dân nhẹ dạ cùng với một ít tàu kiểm ngư vẫn đang tiếp tục bị biến thành lực lượng chính trong cuộc vật lộn giữ chủ quyền trên biển. Những chiếc tàu gỗ của họ lúc nào cũng có thể bị húc bể, đâm chìm. Lúc nào những người dân lành này cũng có thể hứng đòn của giặc Tàu, thậm chí tính mạng của họ cũng bị đe dọa.
Ngày 26 tháng 5 vừa qua, tàu TQ đã đâm chìm tàu cá ĐNa-90152 cùng 10 ngư dân, đồng thời còn cố tình ngăn các tàu cá khác và tàu kiểm ngư VN đến cứu những ngư dân này.
Ngày 3 tháng 7, 6 ngư dân Quãng Ngãi bị lính TQ dùng súng đe dọa và bắt giữ. Sau đó, truyền thông TQ đã thừa nhận vụ việc với một thái độ hết sức láo xược.
Trong khi đó, những người có quyền hạn và trách nhiệm đã làm gì để giảm bớt tai họa cho những ngư dân cùng lực lượng kiểm ngư?
Nói là không thì không đúng. Họ có làm. Và không ít việc.
Họ cho đài phát thanh, truyền hình hát những bài nêu cao khi thế chiến đấu, ca ngợi những người dám xông ra tuyến đầu, chịu hy sinh vì tổ quốc, để khích lệ ngư dân và kiểm ngư cố chịu đựng hiểm nguy, tiếp tục xông ra làm lá chắn giữ gìn hải phận.
Họ cho người đến tặng cho ngư dân và kiểm ngư một ít quà cáp, và nói với những người đó rằng họ đang làm một nhiệm vụ vô cùng vẻ vang, và đang được cả nước, nhất là các đồng chí lãnh đạo cao cấp, hướng về với cả tình yêu bao la. (Những ngư dân đó vốn chất phác thật thà, lại cả đời chưa được ai tặng quà khích lệ như vậy, thôi thì cũng cố gắng, lấy hết tinh thần để tiếp tục ra khơi.)
Họ cho các cấp “mặt trận” vận động ủng hộ vật chất và tinh thần cho ngư dân và các chiến sỹ đang canh giữ biển trời. Bằng những việc làm như… nhịn đói, bớt bữa để góp gạo gửi nuôi ngư dân!
Chao ôi! Đó là những sự hỗ trợ được thực hiện ở một quốc gia gần 100 triệu dân với mức “thu nhập trung bình”! Một quốc gia với chế độ xã hội “ưu việt”!
Đúng là gần đây thì cấp trên còn có những quyết sách mạnh mẽ hơn. 16 ngàn tỉ đã được quyết chi để đóng tàu và làm những việc khác để hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân. (Quyết chi, nhưng bao giờ và bao nhiêu phần trăm của cái con số 16 ngàn tỉ đó đến được với những người khốn khổ?)
Một việc rất thiết thực, với những con số và kết quả cụ thể, và chắc chắn sẽ đến được với những con người cần được giúp, nhưng lại là do quyết tâm của một cá nhân: ông Phạm Ngọc Lâm, chủ tịch công ty Đức Khải, Sài Gòn. Ông đã quyết định đầu tư đóng 100 tàu cá công suất 500-1500 mã lực và mua 2 trực thăng để cùng ngư dân bám biển. Vì nỗi gì mà một vài cá nhân phải làm thay việc của cả một quốc gia như vậy?
Nhưng dù ngư dân có được hỗ trợ cỡ nào thì việc để họ phải lăn vào nơi nguy hiểm cũng là thiếu tình người.
Và liệu họ còn phải “hưởng vinh quang” làm “điểm tựa” cho cả nước đến bao giờ nữa? Nếu cần có những người đánh cá bám biển, sao không cho chính lực lượng vũ trang kiêm nghề đánh cá để những ngư dân có chỗ mà nương tựa?
* * *
Từ vài năm nay, tôi đã rất muốn viết gì đó về nỗi khổ của những người đi biển, những người bất đắc dĩ phải làm thay việc của các “lực lượng mạnh” hiện đang ẩn mình kín đến mức dường như không tồn tại. Nhưng thật khó, vì nếu viết thì lại phải nói những điều nặng nề, đôi khi có thể gây nguy hiểm cho người duy trì một trang báo mạng.
Đến giờ thì tôi buộc phải viết ra những dòng này. Chỉ là nói cho bớt nặng nề, chứ biết rằng cũng chẳng đi đến đâu.
Ôi, những con người đang làm vật hy sinh để những con người khác duy trì một “tình hữu nghị” ở “tầm cao”…
NGUYỄN TRẦN SÂM

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"