GS Trần Quốc Vượng
Kính gởi Ban Biên tập Khoahocnet,* * *
Đây là một tham luận của Cố GS Trần Quốc Vượng viết cho một hội thảo về vua Gia Long tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1996. Do liên quan đến quan điểm chính trị nên hội thảo này không tổ chức được, và bài viết này cho đến nay được đăng lần nào.
Nhiều nhà nghiên cứu ở Việt Nam rất thích bài viết này, nhưng rất tiếc chuyên luận này chưa hề được công bố.
Bản thân tôi đã sưu tập được bài viết này từ hơn 15 năm và ấp ủ nó được đăng chính thức để lưu trữ, nay xin gởi Khoahocnet. Nếu Khoahocnet đăng tải thì chắc chắn đây là lần đầu tiên được công bố.
Xin cảm ơn Ban Biên tập.
Nguyễn Anh Huy
GS TRẦN QUỐC VƯỢNG – MẤY VẤN ĐỀ VỀ VUA GIA LONG
* PHẦN MỘT
0.1. Tôi không phải là một chuyên gia về lịch sử, đặc biệt là về nhà
Nguyễn, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng có những nghĩ suy và thực ra là từ
những năm giữa thập kỷ 70 cho đến gần đây, đầu xuân Bính Tý 1996. Tôi
vẫn thường qua lại xứ Huế và viết dăm bẩy bài về vị thế địa – văn hóa
của xứ Huế và vai trò của các chúa Nguyễn, bắt đầu từ Chúa Tiên Nguyễn
Hoàng (1558-1613) đến các vua đầu nhà Nguyễn, mở đầu là vua Gia Long
(1802-1820) và kết thúc là vua Bảo Đại (1925-1945).
Tôi đã nói và viết tản mạn nhiều vấn đề về xứ Đàng Trong, về thời Nguyễn và nhà Nguyễn.
0.2. Ông Nguyễn Khoa Điềm – thuộc dòng họ Nguyễn Khoa nổi danh từ
các chúa Nguyễn mà bà nội ông (Đạm Phương Nữ Sĩ) là cháu nội vua Minh
Mạng, sinh ra thân phụ ông là nhà Mác-xít và là một trong những người
cộng sản đầu tiên, tức Hải Triều Nguyễn Khoa Văn – đã từng phát biểu ở
trường Đại học viết văn Nguyễn Du trong dịp lễ khai giảng khóa 5
(1995-1998), rằng khi ông là tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí Sông
Hương ở một thời chưa đổi mới lắm, ông đã cho đăng bài của tôi về “Xứ Huế và vị thế lịch sử của Huế”
và đã cùng ban biên tập tạp chí ấy tặng tôi giải thưởng đặc biệt cho
bài viết này, mà khi ấy người ta cho là một sự “xét lại” về mặt sử học.
Bởi trước đó, theo giới Sử – Văn – Triết – Mỹ chính thống của Việt Nam,
thì gần như là một sự “phủ định sạch trơn” (table rase) về thời Nguyễn
và nhà Nguyễn, trong khi đó ở bài viết ấy và những bài tiếp theo, tôi
cùng với các nhà nghiên cứu Dân tộc – Xã hội – Mỹ học như Nguyễn Đức Từ
Chi, Trần Lâm Biền đã đề nghị một cách nhìn hơi khác, tóm tắt lại là:
- Cần phân biệt thời Nguyễn, đời Nguyễn và nhà Nguyễn.
- Cần phân biệt thời các chúa Nguyễn và các vua Nguyễn.
- Và trong các vua Nguyễn, cũng cần phân biệt các vua đầu Nguyễn như
Gia Long, Minh Mạng (1820-1840) và các vua cuối Nguyễn như Tự Đức
(1848-1883); và ngay cả các vua Nguyễn sau Tự Đức, cũng cần phân biệt
những ông Đồng Khánh, Khải Định với những ông vua yêu nước như Hàm Nghi,
Thành Thái, Duy Tân. Lại càng nên phân biệt chính trị triều Nguyễn và
học thuật, trước tác và mỹ thuật của nền Quốc học Nguyễn. Có “cộng đồng”
triều đình và có các “cá thể” vua – quan nữa chứ!
1.0. Nay theo yêu cầu của Ban tổ chức Hội nghị về vua Gia Long
(1802-1820), tôi chỉ xin nói tóm tắt đôi điều mà tôi cảm nhận được về
Nguyễn Ánh – Gia Long.
1.1. Về Nguyễn Ánh: Nếu tôi nhớ không nhầm thì cuộc khởi nghĩa Tây
Sơn (mà những người theo lý thuyết Mác-xít thường gọi là “Khởi nghĩa
nông dân”) bắt đầu xảy ra vào năm 1771, khi Nguyễn Huệ sau này trở thành
vua Quang Trung vĩ đại bấy giờ mới 18 tuổi, thì lúc đó Nguyễn Ánh còn
kém Nguyễn Huệ ít ra là 7 tuổi, nghĩa là mới chỉ một cậu bé con trên 10
tuổi, cháu của chúa Nguyễn Phước Thuần. Thế mà chính “cậu bé” Nguyễn Ánh
đó – sau khi chúa Nguyễn và gần như hết thảy những nhân vật của dòng
chúa đã bị họ Nguyễn Tây Sơn thủ tiêu sạch trơn – đâu chỉ khoảng 14
tuổi, từ xứ Huế, xứ Quảng chạy vô châu thổ sông Cửu Long và gần như là
đại diện duy nhất còn lại của dòng chúa Nguyễn, đã trở thành vị Nguyên
Soái chống lại phong trào Tây Sơn đang dâng lên và lan tỏa trong toàn
quốc từ Nam chí Bắc như triều dâng thác đổ.
1.2. Tôi không bao giờ phủ định rằng phong trào Tây Sơn đã có những công tích vĩ đại, ít nhất ở ba mặt sau đây:
- Ở Đàng Trong thì lật đổ “trào đình” của các chúa Nguyễn rồi tiến
ra Đàng Ngoài lật đổ “trào đình” của các chúa Trịnh cùng với triều Lê –
mà những ông vua Lê từ quãng đầu thế kỷ XVII trên diễn trình lịch sử đã
trở thành những ông vua “bù nhìn”, hay là các “con rối” (puppet) trong
tay các chúa Trịnh.
- Chiến thắng vĩ đại chống quân xâm lược Xiêm mà đỉnh cao là trận
Rạch Gầm – Xoài Mút ở Mỹ Tho (Tiền Giang) vào cuối năm 1784 đầu 1785.
Quân xâm lược Xiêm 5 vạn đã “sợ Tây Sơn như sợ cọp” và chính là do lợi
dụng việc Nguyễn Ánh cậy nhờ mà định sang chiếm đoạt miền Nam. Nguyễn
Ánh mãi mãi mang tiếng xấu “cõng rắn cắn gà nhà”, cầu ngoại viện để giải quyết vấn đề quốc sự.
- Đại chiến thắng chống vài chục vạn quân xâm lược Thanh đầu xuân Kỷ
Dậu 1789 – mà ông vua cuối cùng của nhà Lê là Chiêu Thống đã cầu cứu.
Và cũng như Nguyễn Ánh, ông vua Lê ấy cũng mang một bộ mặt nhọ nhem
trong lịch sử.
1.3. Nguyễn Ánh cùng Chiêu Thống càng lem luốc bao nhiêu trước lịch
sử thì hình ảnh Nguyễn Huệ – Bắc Bình Vương – Quang Trung càng được xem
là bộ mặt tỏa rạng và có một vai trò lịch sử lớn lao bấy nhiêu trong
lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII.
Nhưng bảo rằng Huế – Phú Xuân là do vua Quang Trung xây dựng thành
một đô thị thủ đô thì theo tôi lại là một lối viết quá đà! Huế, với
thành Lồi ở Long Thọ bờ phải sông Hương và thành Lý Châu – sau đổi là
Hóa Châu ở lưu vực sông Bồ đã trở nên một thị thành, một cảng thị
(City-Port, Nagara) – từ thời Chiêm Thành và sau đó thời Đại Việt Huyền
Trân nhà Trần (sau 1306) và sau đó nữa là Quãng Phước, Kim Long thời
chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên và Phú Xuân thời chúa Thượng Nguyễn Phước
Lan (1636-1648) và sau chót là Gia Long – Minh Mạng (trước Gia Long, Phú
Xuân vẫn chỉ là Làng Xã).
1.4. Tuy không phải là một nhà sử học chính tông, nhưng tôi không
bao giờ dám thể tất cho Nguyễn Ánh khi ông vì thế cùng lực kiệt, đã qua
giám mục Bá Đa Lộc (Evêque D’Adran) và cậu bé tí hon hoàng tử Cảnh (lúc
bấy giờ khoảng 6 tuổi) đi cầu viện các thế lực phương Tây (nhất là
Pháp), đã dám cho vị giám mục người Pháp đó toàn quyền đại diện cho nước
Việt phương Nam ký với Pháp cái gọi Hiệp ước Versailles, nhượng cho
Pháp nào đảo Côn Lôn, nào cảng cửa Hàn… để mong nước Pháp quân chủ cuối
mùa (1787) cứu một nền quân chủ cũng cuối mùa nốt của Đại Việt. Cho dù
cái nước Pháp quân chủ cuối mùa ấy đã không giúp đỡ gì được cho Nguyễn
Ánh và đã được / bị cuộc cách mạng 1789-1790 xóa sổ khỏi lịch sử phương
Tây, nhưng sao chăng nữa, việc đó cũng tạo “tiền lệ” cho giới thực dân
phương Tây mà trước hết là Pháp cùng với vài thế lực Thiên chúa giáo
thân (Pro) thực dân can thiệp ngày càng sâu vào nội trị Việt Nam, và dẫn
tới việc mất nước của ta vào nửa cuối thế kỷ XIX. Ký hiệp ước, hòa ước
để nhượng địa rồi “mãi quốc cầu vinh” là những thủ đoạn hèn hạ của thực dân đầu mùa và quân chủ cuối mùa.
1.5. Tuy sự thật lịch sử cho tôi – và cho chúng ta – biết rõ rằng
những điều khoản của Hiệp ước Versailles ấy đã không thực hiện và sau
này, khi đại diện của chính phủ Pháp đòi vua Gia Long thực hiện hiệp ước
Versailles thì vua Gia Long đã kiên quyết từ chối với lý do rất chính
đáng là: nước Pháp có thực hiện điều khoản nào của hiệp ước Versailles
đâu!
Trên đường từ Pháp về Pondichery (Ấn Độ), giám mục Bá Đa Lộc chỉ
tuyển được một số sĩ quan, kỹ sư, kẻ “phiêu lưu” người Pháp và với một
số rất ít kinh phí mua được vài cái tàu bọc đồng – mà vua Quang Trung
coi là những sự hù dọa vớ vẩn – để mang về giúp Nguyễn Ánh. Cho nên theo
tôi, cố giáo sư Trần Đức Thảo và một số người khác đã viết hơi quá đà,
rằng sự viện trợ của Pháp là một trong những nhân tố quan trọng nhất để
tập đoàn Nguyễn Ánh đã đánh bại phong trào triều đại Tây Sơn, từ Nguyễn
Nhạc đến Cảnh Thịnh – Bảo Hưng (1792-1802).
1.6. Như vậy, với những điều viết trên, là tôi đã có một hàm ngôn
rằng, sự thắng lợi của Nguyễn Ánh đối với triều đại Tây Sơn chủ yếu là
do những nguyên nhân nội sinh, và đứng về mặt cá nhân tôi hay
là của chúng ta nhỉ, cũng đáng nên “khâm phục” dù “chút chút” – Nguyễn
Ánh – một người có cá tính mạnh, từ một cậu bé con của một ông chúa bị
giết hại trong tù, gần như đã nhiều lúc không còn một mảnh giáp, không
còn một tấc đất, đã lấy lại được quyền bính trong cả nước Việt Nam từ
Lạng Sơn đến Cà Mau. Theo PGS Trần Lâm Biền, nền mỹ thuật Việt Nam chỉ
có những thi pháp kiến trúc chung từ xứ Lạng đến Gia Định thành là từ
Nguyễn Gia Long.
1.7. Cho nên, cũng không phải quá đáng lắm khi linh mục Nguyễn
Phương và một số nhà sử học nước ngoài khác – từ phe XHCN (cũ) đến phe
tư bản chủ nghĩa – cho rằng Nguyễn Ánh là người trên thực tế đã thống nhất đất nước
chứ không phải là ông vua anh hùng Nguyễn Huệ – Quang Trung, mặc dù ông
vua anh hùng 3 lần vĩ đại này đã gạt bỏ những thế lực quân chủ thối nát
ở Đàng Trong, Đàng Ngoài và những lực lượng ngoại xâm đứng đàng sau
những quyền lực khốn nạn ấy. Và như vậy, xét về mặt lịch sử khách quan
là đã góp phần rất lớn vào công cuộc thống nhất đất nước(1).
1.8. Không nói gì đến ông Nguyễn Lữ – là “thầy tu” hay là “thầy võ” –
không đủ nội lực để đối địch với Nguyễn Ánh ở miền Nam, chỉ nói đến ông
anh Nguyễn Nhạc xuất thân “nậu nguồn” và ông em Hồ Thơm (Nguyễn Huệ)
thì, do sự chia rẽ ngay trong nội bộ gia đình, mà theo tôi “ghê tởm”
nhất là ông anh cả Nguyễn Nhạc đã vì sự thỏa mãn nhỏ nhen được làm Trung
ương Hoàng đế ở thành Trà Bàn, rồi vì ghen tị và “chãnh chọe” với em
sau vụ Bắc Bình Vương “xóa hận sông Gianh” tiến ra Thăng Long, đã vội vã
ra Bắc kéo em về, rồi lại hãm hiếp cô em dâu – vợ Nguyễn Huệ – tạo mối
thù hận khôn nguôi và chiến tranh giữa hai anh em, khiến dưới triều Tây
Sơn có một ông hoàng đế ở Quy Nhơn và một ông hoàng đế ở Phú Xuân. Vậy
làm sao có thể nói được là nước ta đã được thống nhất ngay dưới thời Tây
Sơn? Đó là một “lập trường giai cấp” máy móc đang chuyện nọ (chống
ngoại xâm) “xọ chuyện kia” (chống quân chủ Nguyễn – Trịnh).
1.9. Ở đây có một vấn đề thuộc phương pháp luận sử học cần được làm
sáng tỏ là: Lịch sử bao giờ cũng có một sự gián cách giữa lịch sử – thực
tại (Histoire – Réalité) và lịch sử nhận thức (Histoire – Conscience).
Mà cái lịch sử nhận thức thì luôn gắn liền với chủ quan nhà sử học –
nhưng trách nhiệm và bổn phận của nhà sử học chân chính là luôn luôn cần
cố gắng có cái nhìn khách quan đến mức cao nhất. Mức cao nhất đó là như
các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam cuối thế kỷ XX nói: Hơn ai hết là
nhà sử học cần “nhìn thẳng vào sự thật! ”, nói đúng sự thật, và
giải thích một cách khoa học cái sự thật khách quan ấy. Vẫn theo tôi,
“tâm thức tiểu nông” Việt Nam là nền tảng tinh thần của nền “dân chủ
làng xã”, của sự đồng dạng văn hóa (Cultural Identity) ở cấp văn hóa xóm
làng Đại Việt – Việt Nam một thời. Thống nhất rồi chia rẽ, đó là “trách
nhiệm lịch sử” của cấu trúc quân chủ Phật giáo (Lý – Trần), rồi quân
chủ Nho giáo (Lê – Nguyễn). Lịch sử chính trị và lịch sử văn hóa, có cái
CHUNG và cũng có cái RIÊNG. Quy mọi thứ vào chính trị hay vào kinh tế
là cái nhìn (Point of view) đã “lỗi thời” (Over time) lâu rồi, quá lâu
rồi!
(còn tiếp)