Sau rất nhiều những trò làm
mình làm mẩy với cộng đồng quốc tế và làm mẽ với dân chúng trong nước,
mới đây “lãnh tụ quang minh” Kim Ủn vừa tung ra một chiêu mới: đề xuất
với Hàn Quốc là hai miền sẽ thống nhất dưới một chính thể liên bang.
Hay! Rất rất hay!
Vậy Kim Ủn trù tính những gì khi đưa ra đề xuất này? Và triển vọng của nó ra sao?
Tất nhiên, đồng chí Ủn biết rằng đề xuất là đề xuất. Rất ít khả năng phía bên kia chấp nhận.
Nhưng mà dù không chấp nhận thì
Ủn cũng đạt được một vài điều gì đó. Đấy, tôi đã tỏ rõ thiện chí rồi đấy
nhé. Tôi cai trị đất nước theo nguyện vọng của nhân dân. Nhân dân muốn
có một đất nước thống nhất, để anh em ruột thịt và đồng tộc được sum họp
một nhà. Chấm dứt tình trạng thù địch. Và tôi đã chiều lòng nhân dân.
Chấp nhận hay không là phụ thuộc vào thiện chí của các anh các chị bên
đó. Nếu không chấp nhận, tôi có cớ để la lên với dân hai miền và cả thế
giới rằng chính các vị bên đó muốn chia rẽ dân tộc, muốn duy trì tình
trạng thù địch. Và dân miền Nam sẽ có những người phản đối các vị. Như
vậy, tôi được tiếng với quốc tế và dân của các vị nhé. (Nói “các vị” cho
lịch sự chứ trong thâm tâm Ủn gọi cánh kia là “chúng mày” tuốt!) Và
kiểu gì thì phía Nam Hàn cũng phải mất công nghĩ cách tỏ thái độ về
tuyên bố của Ủn.
Mà biết đâu dần dần lại có những
chính khách miền Nam thích cái ý tưởng nhà nước liên bang? – Ủn nghĩ.
Nếu vậy thì sẽ rất hay đấy! Đã là một liên bang thì phải thế nào nhỉ?
Một là mức sống phải dần dần được
san bằng. Mà thế thì bọn miền Nam phải ra sức đóng góp vào quỹ liên
bang. Tiền đó sẽ được trích mấy chục phần trăm cho việc nâng cao mức
sống cho dân miền Bắc, để bọn chúng mang ơn ta sâu nặng hơn. Nhưng mà
phát chẩn bao nhiêu cho dân Bắc là quyền của ta. Vì chỉ có nhờ chính
sách khôn ngoan của ta thì hai miền mới thống nhất, miền Nam mới đổ tiền
của ra cho miền Bắc chớ! Ở miền Bắc, ta vẫn là nhà lãnh đạo tối cao,
mọi cái do ta quyết hết. Vẫn chế độ như hiện nay. Một quốc gia, hai chế
độ mà. (Cảm ơn ý tưởng tuyệt với của lão già họ Đặng người Đại Hán. Bọn
Đại Hán đại đểu, nhưng chính vì thế mới có cái cho ta học theo.) Lúc bấy
giờ thì việc ta kiếm được hàng tỉ đô (và tậu vài chục em chân dài, kể
cả tóc vàng mắt xanh) nào có khó gì.
Càng nghĩ càng thấy phục chính
mình. Thế mới biết cái bọn Đông Đức ngày trước sao mà ngu. Giá thống
nhất theo kiểu liên bang một quốc gia hai chế độ, tức là theo ý tưởng
như của ta thì cái lão già Hô Nếch Cơ Nếch Kiếc đâu đến nỗi phải ra tòa
nhỉ!
Hoan hô Ta, hoan hô Kim Ủn. Kim Ủn muôn năm!
Tôi chắc chắn khi đưa ra cái ý
tưởng nhà nước liên bang, đồng chí Ủn đã nghĩ như vậy. Cái khôn lỏi đó
không lạ. Nó cũng họ hàng với cái ý đồ ngồi chờ quốc hội Huê Kỳ ra nghị
quyết liên quan đến biển Đông. Đó, thấy chưa? Chúng ta khéo léo thế đấy.
Ngăn cản được sự ngông cuồng quá đáng của ông bạn lớn nhưng vẫn giữ
được tình hữu nghị. “Cái đó mới khó!” Thật thiên tài! Dân ta tha hồ mà
kính phục.
Cho nên khi nghe đến cái đề xuất của đồng chí Ủn, tôi buồn cười lắm lắm!
Bây giờ thì thử xem triển vọng của kế hoạch liên bang hóa bán đảo Triều Tiên sẽ thế nào.
Cho là ở miền Nam, tức Đại Hàn
Dân Quốc, có những quan chức thấy cái ý tưởng đó hay đi. Nhưng đến khi
bàn vào những vấn đề cụ thể thì đó sẽ là một quá trình kéo dài vô hạn.
Và thỉnh thoảng, thấy không như ý, Ủn lại cho bắn mấy quả tên lửa. Rồi
hai bên lại ai về nhà nấy, dừng đàm phán. Bảy tám tháng sau, lại phát
tín hiệu nối lại đàm phán. Cứ thế, không vô hạn thì chắc cũng kéo dài
vài trăm năm, như cái sự “xây dựng CNXH hoàn thiện” ở đâu đó, hô hô!
Và có một điều rất bất lợi cho Ủn mà Ủn không thể nào nghĩ ra. Nó là thế này.
Từ xưa đến giờ, người dân một khi
đã chịu chính sách ngu dân thì không dám có ý nghĩ nghi ngờ kẻ thống
trị. Kiểu gì họ cũng khó mà nhận ra sự thật. Cùng lắm họ chỉ ngờ ngợ
rằng hình như ở nước khác dân chúng sướng hơn họ thì phải. Khó có gì làm
cho họ nghĩ khác đi. Theo lối đó, dân Bắc Hàn có thể không tin rằng ở
phía Nam dân chúng sung sướng hơn họ gấp vạn lần.
Nhưng đó là khi không có hy vọng
gì rằng mức sống được nâng lên. Còn khi có một tia hy vọng rằng trong
một nhà nước Triều Tiên thống nhất, họ sẽ được hưởng rất nhiều thứ đem
đến từ miền Nam thì chính cái hy vọng đó lập tức sẽ làm dân Bắc nghĩ
khác về thực tế ở miền Nam. Cái hy vọng làm đảo lộn trạng thái tâm lý.
Và một khi đã tin chắc rằng dân Nam so với dân Bắc thì giống như đang
sống trên thiên đường, một cái gì đó sẽ làm thay đổi hoàn toàn tâm thế
của hàng chục triệu người miền Bắc.
Khi đó, nếu chờ mãi mà không thấy thống nhất, chẳng thấy liên bang, sẽ có những nguy cơ mà Ủn không thể nào lường hết.
Thôi thì ít ra cũng có thể chúc mừng Ủn vì đã có một giấc mơ đẹp. Giấc mơ Triều Tiên!
NGUYỄN TRẦN SÂM