Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

Con người khuyết tật hay xã hội khiếm khuyết?

Nguyễn Công Thảo
Một loạt chính sách liên quan đến người khuyết tật được ban hành từ năm 1998 với mục đích bảo vệ, chăm sóc và tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng một cách tốt nhất. Đây là chủ trương đúng, phản ánh tính nhân văn, quyền con người. Đáng tiếc là chính sách thì đã có, đã rõ, đã khá đầy đủ nhưng việc thực thi trên thực tế thì vẫn ở dạng “đầu voi, đuôi chuột”, thậm chí có trường hợp đi ngược lại với tinh thần của Pháp lệnh về người tàn tật của Quốc Hội. Điều này thể hiện khá rõ ở khía cạnh tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng.

Ảnh: người khuyết tật chủ động làm việc và cống hiến cho xã hội (nguồn: internet)
Đa phần bãi đỗ xe ở những cơ quan nhà nước mà tôi biết không hề có chỗ dành riêng cho người khuyết tật, dù cho họ đủ chỗ cho người ngoài gửi xe hàng ngày, hàng tháng để thu tiền. Việc thiết kế đường lên xuống riêng cho xe lăn trên hè phố còn khá tùy tiện, chỗ có, chỗ không dù cho có đủ chỗ cho cơ man là quán xá, điểm trông giữ xe trái phép. Hệ thống xe buýt thì tuyệt nhiên chẳng thấy bóng dáng công cụ hỗ trợ lên xuống hay bố trí chỗ ngồi thuận tiện cho họ. Thầm kín, tế nhị hơn là toa lét của nhiều công sở ở Hà Nội cũng mặc nhiên không tính đến nhu cầu của nhóm yếu thế này.

Ở chiều cạnh khác, một số trường đại học như Đại học Ngoại thương, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thậm chí còn từ chối tuyển sinh người khuyết tật dù cho đó không phải là những trường đặc thù thuộc ngành công an, quân đội, sân khấu. Khá nhiều người cũng bị từ chối không được thi bằng lái xe ô tô, xe máy dù được bác sĩ chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe, thần kinh, phản xạ…
Điều này trái ngược với nguyên tắc bình đẳng tích cực yêu cầu, dành riêng những không gian và hỗ trợ thuận tiện nhất cho người khuyết tật và chúng không thể xâm phạm. Tôi đã từng chứng kiến một người bình thường đỗ xe vào nơi dành cho người khuyết tật bị xử phạt nặng ở các nước phương tây, dù cho chỗ đó không phải lúc nào cũng có người sử dụng. Tôi từng chứng kiến nhiều người phải ngồi xe lăn nhưng vẫn được phép lái xe ô tô bởi phanh, ga đã được thiết kế lại, có thể điều khiển bằng tay. Tôi cũng từng tận mắt được thấy trong nhiều nhà khách của chính phủ ở đó, ít nhất có một phòng được thiết kế riêng cho người khuyết tật, dù cả tháng có khi không có người ở. Sự khác biệt này có lẽ không phải do điều kiện kinh tế quy định mà dường như phản ánh tầm nhìn nửa vời, quan niệm hời hợt và thái độ thiếu tâm, thiếu tầm, chưa thực sự thấu hiểu người khuyết tật của nhiều lãnh đạo cơ quan công quyền xứ ta.
Dường như họ hoài nghi vào khả năng đóng góp cho xã hội của những con người vì lí do nào đó có khiếm khuyết hình thể, giác quan. Ho quên mất rằng không ít người khuyết tật trên thế giới đã có đóng góp, ảnh hưởng lớn đến nền khoa học, âm nhạc, công luận như Stephan Hawking, Ludwid van Beethoven hay Nick Vujicic. Ngay ở nước ta, thầy Nguyễn Ngọc Ký, rồi hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, doanh nhân Nguyễn Sơn Lâm hay Nguyễn Thảo Vân cũng là các minh chứng cụ thể nhất về nghị lực, khát vọng và mong muốn sống có ích, đóng góp cho xã hội.
Dường như họ quen với việc nhìn nhận người khuyết tật như là gánh nặng của xã hội, chỉ biết nhận sự giúp đỡ hảo tâm từ mọi người. Họ thiếu niềm tin vào khả năng của những con người thiếu may mắn về thể chất đó. Họ không chịu nhận ra rằng trong số hơn 5 triệu người khuyết tật, đa phần có đủ sức khỏe, năng lực, nghị lực và khát vọng được cống hiến. Họ quên mất một điều cốt lõi “người ta không được chọn sinh ra như thế nào, nhưng hoàn toàn có quyền được chọn sống như thế nào”.
Chúng ta không tốn thêm bao nhiêu khi thêm một góc nhỏ riêng cho người khuyết tật ở bãi đỗ xe, vài thanh tay vịn trong nhà vệ sinh, , hay lắp thêm công cụ hỗ trợ người khuyết tật trên xe buýt . Những cái thêm nho nhỏ này lại đưa lại thông điệp to lớn về quyền con người, giá trị nhân văn, và có ý nghĩa giáo dục cộng đồng to lớn. Nó thể hiện tâm và tầm của một xã hội.
Khẩu hiệu sẽ chỉ là vô nghĩa nếu những điều nhỏ nhặt nhất không làm được. Đã đến lúc chúng ta phải hành động để đáp ứng quyền của người khuyết tật. Nếu không, xã hội chúng ta mãi là xã hội khiếm khuyết, không đối xử công bằng với tất cả các công dân của mình.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"