Giờ đây các đứa trẻ sẽ phải nhớ: Gian lận trong làm bài tập về nhà hoặc chép bài của một bạn khác là xấu, nhưng không xấu bằng việc chia sẻ đoạn nhạc với bạn, hoặc các hành động khác động chạm tới lợi nhuận của các công ty sản xuất nội dung.
Trên đây là một trong những thông điệp của giáo trình mới được phát triển bởi hiệp hội phim ảnh Mỹ, hiệp hội công nghiệp ghi âm Mỹ và các công ty lớn nhất về dịch vụ Internet, trong một dự án thí điểm sẽ được triển khai tại trường tiều học của California nửa sau năm 2014.
Trang WIRED đã có được bản gần hoàn thiện của giáo trình, và thấy rằng từ lớp mầm non đến lớp 6, giáo trình giữ nguyên thông điệp sao chép là lấy cắp, được biến đổi để phù hợp với tâm sinh lí của trẻ trong từng lứa tuổi. WIRED đã yêu cầu tổ chức Electronic Frontier Foundation xem xét tài liệu này, và luật sư sở hữu trí tuệ Mitch Stoltz nhận xét: “Đây là một sự tuyên truyền của các tập đoàn, được nguy trang một cách kém cỏi, viết không chính xác và không phù hợp. Giáo trình đi ngược lại sự thật khi cho rằng ý tưởng là tài sản và bạn luôn phải xin phép khi xây dựng ý tưởng trên ý tưởng của người khác. Thông điệp bao trùm lên giáo trình là thời gian của học sinh nên được dành vào việc lo lắng xem mình có làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của các công ty không thay vì việc sáng tạo.”
Người viết giáo trình là tổ chức thư viện trường học California và Liên hiệp giữ gìn sự an toàn của Internet (Internet Keep Safe Coalition ) kết hợp với trung tâm về vi phạm bản quyền. Trung tâm này có những thành viên hội đồng đến từ MPAA (hiệp hội phim ảnh Mỹ), RIAA (hiệp hội công nghiệp ghi âm Mỹ), Verizon, Comcast và AT&T (công ty cung cấp dịch vụ Internet). Tài liệu của mỗi cấp học bao gồm một đoạn phim ngắn và lời thoại cho các giáo viên để dẫn dắt học sinh tới những điểm cần rút ra.
Trong bản dành cho lớp 6 (link), các giáo viên được yêu cầu phải cho học sinh suy nghĩ về việc: Ở trong trường, nếu chúng ta chép câu trả lời của bạn mình khi làm bài kiểm tra hoặc khi làm bài tập về nhà, chuyện gì sẽ xảy ra?
Câu trả lời là: chúng ta có thể bị đình chỉ học hoặc bị trượt bài kiểm tra. Sau đó giáo viên phải kể cho học sinh biết những hậu quả của việc vi phạm bản quyền còn lớn hơn. Giáo viên sẽ nói “Trong thế giới kĩ thuật số, bạn sẽ khó nhìn thấy ảnh hưởng của việc sao chép, mặc dù ảnh hưởng đó có thể nghiêm trọng hơn”.
Giáo trình không nói về sử dụng hợp lý (Fair Use), một quyền cho phép công dân được sao chép tác phẩm được bảo hộ bởi luật bản quyền mà không phải xin ý kiến của người giữ bản quyền. Thay vào đó, học sinh được dạy rằng sử dụng mà không xin phép là “ăn cắp”.
Luật sư Stoltz nói: “ca sĩ bắt đầu sự nghiệp ca hát bằng việc hát những bài hát của người khác mà không được cho phép và đăng thành quả lên Youtube, như Justin Bieber làm, sẽ bị cho là đã thực hiện hành động xấu theo giáo trình này, và cậu ta có thể bị bỏ tù.”
Về các thông điệp thiếu chính xác và không phù hợp trên, phó chủ tịch của hiệp hội thư viện trường học California, Glen Warren lại lảng tránh bằng cách trả lời: “chúng tôi vẫn còn phải chỉnh sửa”. Hiệp hội thư viện trường học California là tổ chức phi lợi nhuận đã giúp sản xuất tài liệu trên cùng với Liên hiệp giữ an toàn cho Internet và các công ty.
Một tác giả khác của giáo trình, liên hiệp giữ an toàn cho Internet là tổ chức phi lợi nhuận có liên kết với nhiều chính phủ và một số công ty lớn nhất Mỹ như Google, Microsoft, Facebook, Target, Xerox, HP…
Chủ tịch tổ chức này, bà Marsali Hancock cho rằng sử dụng hợp lý (Fair Use) không nằm trong tài liệu vì học sinh lớp 6 không hiểu được điều này. Bà trả lời phỏng vấn qua điện thoại rằng “giáo trình được phát triển nhất quán với những gì học sinh có thể học trong độ tuổi nhất định” và nhóm tác giả sẽ phát triển tài liệu cho học sinh lớn hơn và có bàn tới sử dụng hợp lý.
Ví dụ như một đoạn phim dài 45 giây cho học sinh lớp hai sẽ kể về một cậu bé chụp ảnh và quyết định nên bán, giữ hay chia sẻ những bức ảnh ấy. Khi đó, theo tài liệu cho giáo viên, học sinh sẽ được dẫn dắt là: “Bạn chưa đủ lớn để bán bức ảnh của mình trên mạng, nhưng sẽ không lâu nữa đâu. Khi đó bạn sẽ mong muốn rằng người khác sẽ tôn trọng công sức của bạn bằng cách không sao chép bức ảnh và không tùy tiện làm những gì chúng tôi muốn với nó.”
Hancock nói rằng giáo trình được phát triển bởi các “chuyên gia về giáo dục ngôn ngữ”, và một số chỗ vẫn cần chỉnh về cách dùng từ.
Bà còn cho biết giáo trình được xây dựng, gọi là “Hãy trở thành một người sáng tạo”, vẫn chưa được sự duyệt bởi trung tâm vì thông tin bản quyền CCI, nhóm ủy thác việc xây dựng chương trình.
Về trung tâm vì thông tin bản quyền (Center for Copyright Information): trung tâm này được biết tới trong hoạt động cùng Nhà Trắng và các bên có quyền lợi nhằm xây dựng chương trình quản lý Internet cùng với một số nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất nước. Chương trình này sẽ thông qua sự trừng phạt ngoài luật dành cho các khách hàng dùng Internet có hành động tải các tác phẩm bản quyền mà không được cấp phép. Bắt đầu từ đầu năm nay, 2014, các hình phạt cho những người lặp lại hoạt động vi phạm bản quyền sẽ bao gồm cắt mạng Internet hoặc làm giảm tốc độ kết nối mạng.
Giám đốc điều hành của trung tâm vì thông tin bản quyền CCI, Jill Lesser, đã nói với một tiểu ban Nhà Trắng rằng bà mong chương trình sẽ được triển khai trên “tất cả các trường học trong nước Mỹ.”
Bà còn bảo đảm rằng cách tốt nhất để tấn công vào sự vi phạm bản quyền là thông qua giáo dục lớp trẻ. “Theo những nghiên cứu được thực hiện, chúng tôi tin rằng đối tượng trẻ là một trong những mục tiêu quan trọng của nỗ lực giáo dục về bản quyền. Vì thế, chúng tôi phát triển một chương trình dạy về bản quyền, sẽ được thử nghiệm vào năm học tới của California.”
Jill Lesser tiếp tục: “chương trình sẽ giới thiệu khái niệm về nội dung sáng tạo theo một cách mới lạ và phù hợp lứa tuổi. Chương trình được thiết kế để giúp trẻ hiểu được chúng có thể trở thành người tiêu dùng và người sáng tạo nội dung, và khái niệm về bản quyền sẽ quan trọng trong cả hai trường hợp trên.” Trích lời công bố của Jill Lesser.
Bà trả lời trong phần vấn qua điện thoại rằng hội đồng của trung tâm vì thông tin bản quyền CCI sẽ sớm thông qua chương trình, nhưng cũng lưu ý là nó mới đang là bản nháp. Tài liệu sẽ được đưa lên trong một hoặc hai tuần tới trên trang website của trung tâm.
Gigi Sohn, giám đốc của Public Knowledge (kiến thức cộng đồng) và là một cố vấn của trung tâm vì thông tin bản quyền CCI đã từ chối bình luận với lý do chưa được xem giáo trình.
Nhìn chung, thông điệp của giáo trình là mọi thứ trừ “chia sẻ là quan tâm – sharing is caring”. Trong bài giảng cho học sinh lớp 1 có đoạn: “chúng ta đều thích tạo ra cái mới – bức tranh, đoạn nhạc, bộ phim, tác phẩm bằng giấy, các công trình, kể cả các ngôi nhà. Điều đó thật tuyệt – nếu bạn không lấy trộm tác phẩm của người khác. Chúng ta tôn trọng các nghệ sĩ và tác phẩm của học khi chúng ta xin phép trước khi sử dụng. Đây là một phần quan trọng của bản quyền. Chia sẻ có thể rất thú vị và hữu ích và dễ thương nhưng lấy cái gì đó mà không xin phép là độc ác.”
Trong bài giảng cho học sinh lớp 5 có phần giới thiệu về giấy phép Creative Commons, giấy phép mà tác giả sẽ cho phép quyền tái sử dụng có giới hạn. Nhưng kể cả khi giải thích về Creative Commons, bài giảng cũng nói việc tạo ra bản sao của tác phẩm bản quyền là vi phạm pháp luật. Như vậy, việc cho bài hát trong CD của bạn vào iPod được cho là phạm pháp.
Bài giảng có câu: “Nếu một bài hát hoặc một bộ phim được bảo hộ bản quyền, bạn sẽ không được sao chép, tải nó hoặc sử dụng trong sáng tác mà không xin phép. Tuy nhiên Creative Commons giúp nghệ sĩ nói với người dùng khi nào việc sử dụng tác phẩm là được phép. Ví dụ, nếu một nhạc sĩ không phiền khi bản nhạc của mình được tải về miễn phí, họ sẽ đưa nhạc lên website với thông điệp “Free download – tải miễn phí”. Một nghệ sĩ cho bạn biết cách bạn có thể sử dụng tác phẩm của mình bằng giấy phép Creative Commons.”
Warren tới từ tổ chức thư viện cũng đồng ý rằng việc nói với học sinh rằng chúng không bao giờ được sử dụng tác phẩm bản quyền mà không được sự đồng ý của tác giả là thiếu chính xác. Ông nói cách dùng từ của giáo trình đã bị thay đổi bởi những người nằm quyền ở trung tâm vì thông tin bản quyền CCI.
Ông nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Đối với những ngôn từ và giọng điệu tới từ bên kia hàng rào thì chúng tôi đang đồng hành với chúng để cố gắng giúp mọi thứ trở nên tỉnh táo hơn.”
Theo David Kravets
Nguồn: Wired.com
Thông tin thêm:
Một lý do vì sao các trường học ở California, Mỹ lại dạy về luật bản quyền:
Vào 2006, bang California, Mỹ thông qua luật điều chỉnh về quỹ giáo dục về công nghệ. Các trường học công muốn xin tiền từ quỹ giáo dục về công nghệ sẽ phải thể hiện rằng họ có kế hoạch giáo dục các học sinh về hành vi đạo đức khi sử dụng công nghệ thông tin; khái niệm, mục đích và tầm quan trọng của luật bản quyền, và các hành vi chia sẻ tệp vi phạm luật pháp.