Châu Quang
Chắc các bạn cũng biết, tôi là chủ một xe bán hot dog ở thủ đô Washington Mỹ.
Với những bạn chưa biết hot dog, tôi xin cóp vài hàngdựa vào
Wikipedia: hot dog là một loại thức ăn nhanh của Mỹ, gồm một ổ bánh mì
mềm (bun) dài bằng gang tay kẹp một thỏi xúc xích cũng mềm, làm bằng
thịt bò nghiền và được hâm nóng. Các thứ đi kèm khi ăn hot dog gồm có mù
tạc,nước sốt cà chua, hành, mayonnaise, dưa cải xanh hay dưa cải chua
của Đức (sauerkraut). Ai muốn thứ gì đi kèm thì tùy gu.
Tại sao không gọi xúc xích mà gọi dog? Tục truyền rằng, dạo đầu thế
kỷ 20, di dân từ Đức vào Mỹ đã mang món này vào quê hương thứ hai –
giống như di dân tỵ nạn CSVN nhập phở sau 75 – có tin đồn di dân Đức đã
dùng thịt chó để làm ra món này, vì thời đó người Đức xem thịt chó là
bình thường, vô tư.
Riết rồi thành quen, dân Mỹ bèn gọi là chó nóng, thay vì xúc xích nóng, nhằm phân biệt với các loại bánh mì kẹp thịtkhác.
Hot dog trở thành món ăn bình dân, rẻ tiền, ăn lúc nào cũng được, ăn
chơi cũng được mà ăn no cũng được. Thường thường dân Mỹ ăn hot dog đệm
thêm một lon Coca thật lạnh mới đúng điệu, giống như thuốc lá đi kèm cà
phê.
Các bạn đừng tưởng tôi bán những món rẻ tiền như vậy mà không kiếm
bộn bạc đâu. Một cái hot dog tôi bán 3 đô, một lon Coca tôi bán 1 đô,
tổng cộng là 4; trong khi tôi mua sỉtại các vựa chưa tới 1 đô.
Washington là thành phố du lịch, du khách đổ về rần rần, từ 50 tiểu
bang, từ hơn 100 nước trên thế giới, ai cũng muốn biết thủ đô của Mỹ nó
tròn hay méo, chụp vài tấm hình trước cây bút chí, điện Capitol…, tải
ngay lập tức về quê nhà để chứng minh tớ đã đến rồi đấy nhé.
Dù Washington có nhiều xe hot dog chiếm lĩnh nhiều góc đường khác
nhau, chủ nhân các xe hot dog thuộc nhiều quốc gia khác nhau, nghề này
vẫn kiếm ăn được, nhất là vào mùa hè, du khách xếp hàng dài trước các
xe.
Các bạn thử tính đi, trung bình mỗi ngày mùa hè tôi bán được từ 300
đến 400 phần, mỗi phần tôi lời được 3 đô, nếu trừ đi các chi phí – hàng
họ, thuế chỗ, xăng nhớt, điện ga, vân vân – thì bét lắm tôi cũng bỏ túi
được 800 tiền tươi, né thuế.
Vì thế, các bạn đừng ngạc nhiên khi thấy vợ chồng tôi vào những tháng
lạnh, ít du khách hơn, buôn bán hơi slow, vợ chồng tôi thường nghỉ bán,
để xe hot dog ở nhà, đi du lịch, khi thì Âu châu, khi thì Nam Mỹ, Đông
Nam Á. Chúng tôi cũng đi Việt Nam làm từ thiện trong vai ‘doanh nhân
thành đạt.’
Thế nhưng mục đích của tôi ở đây không phải để khoe công chuyện làm ăn ở quê hương thứ hai.
Cái nghề của tôi cho tôi cơ hội tiếp xúc với đủ mọi hạng người, đủ
mọi sắc dân trên nước Mỹ và trên thế giới. Càng bán lâu chừng nào tôi
càng biết những đặc tính, thói quen của từng loại người. Sắc dân này thì
keo kiệt, sắc dân kia thì hào phóng. Có loại triệt để theo cá nhân chủ
nghĩa, lớn nhỏ trai gái gì cũng vậy, mỗi người một phần; có loại người
theo tinh thần cộng đồng, hai ba người share nhau một phần. Sắc dân này
thì ăn to nói lớn, sắc dân kia thì kín đáo, ít nói.
Thế nhưng câu chuyện của tôi không phải về nhân chủng học hoặc xã hội học.
Trong số khách hàng của tôi cũng có những người đến từ Việt Nam. Tôi
có thể chia họ làm hai thành phần. Thứ nhất là du khách cưỡi ngựa xem
hoa hoặc đi công táctrong một vài tuần, thứ hai là sinh viên du học đã ở
Mỹ một hai năm. Thành phần nào cũng có kẻ giàu người nghèo, không phải
ai đi Mỹ cũng thuộc diện lắm bạc nhiều tiền.
Tôi thường tranh thủ để gieo vào đầu họ một vài ý tưởng để họ hoặc
ngại ngùng né tránh, hoặc thấy cũng có lý, mang theo ý tưởng đó khi trở
về.
Đối với khách hàng Việt Nam nào mà tôi thấy ‘low tech’, trước khi đưa
lon Coca cho họ, tôi hỏi anh chị muốn Coca hay Pepsi, nếu họ hỏi tại
sao thì tôi trả lời, thì Pepsi cũng là nước giải khát có mùi vị từa tựa,
anh chị đã biết Coca rồi thì thử thưởng thức Pepsi mới biết cái nào
ngon dở.Cũng may là có Pepsi cạnh tranh với Coca, nếu thằng Coca cứ một
mình một chợ thì nó muốn chém mình giá nào cũng được.
Đối với khách hàng Việt Nam nào mà tôi thấy ‘high tech’, hay dùng
‘Fây’, tôi khen cái Samsung dùng Android của bạn tốt đấy nhỉ. Cũng may
trên thị trường có iPhone lại có Android, nhờ vậy chúng mình mới có giá
cả cạnh tranh, có nhiều app để nghịch, nếu chỉ có mình iPhone chiếm lĩnh
thị trường thì nó chặt bao nhiêu mình cũng phải đưa cổ cho nó chặt,
đúng không bạn?
Gặp một bạn khác, tôi hỏi: bạn có biết Dân biểu Cao Quang Ánh không?
(Đúng ra là tôi dùng ‘Hạ nghị sĩ’ theo kiểu Hà Nội cho anh bạn đó dễ
hiểu). Dạ biết chú, ông ý ở bang Louisiana phải không chú? Chính xác!
Sao hả chú? Bạn có nghĩ là nếu cái ông Ánh này mà còn ở bên Việt Nam thì
chức Chủ tịch huyện ông ta vẫn chưa nắm được chứ đừng nói chi Hạ nghị
sĩ liên bang?
Thậm chí có những bạn thích lối nói chuyện cà tửng của tôi, xin phép
‘selfie’ với tôi một phát, lấy hậu cảnh là chiếc xe hot dog. Có bạn sẽ
bảo tôi nó chụp ảnh để nó đưa cho công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất, tống cổ
người trong ảnh trở về Mỹ về tội tuyên truyền chống chế độ. Nhưng tôi
đã có câu trả lời, tôi chỉ trò chuyện về thị trường, về xã hội thôi chứ
có đụng chạm gì đến chính trị đâu.
Đi đêm cũng có ngày gặp ma các bạn ạ.
Hôm nọ, gặp lúc thưa khách, tôi có trao đổi với một anh bạn trẻ, chắc
là U30 cao hay U40 thấp gì đó, về chuyện giàn khoan. Tôi phàn nàn là
giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, ngư dân ngày ngày bị bắt nạt như thế này mà
lòng dân thì thờ ơ, lãnh đạo thì người nói thế này người nói thế khác,
quốc tế nó muốn giúp Việt Nam mà Việt Nam thì cứ õng a õng ẹo, cứ như
cái điệu này mà tiếp tục thì sẽ mất nước để giữ đảng quá.
“Không thể xảy ra chuyện đó đâu chú ơi.” Anh bạn phán.
“Sao vậy?” Tôi hỏi.
“Hồi xưa thời vua Quang Trung của mình, nội bộ Việt Nam cũng đâu
có đoàn kết gìđâu. Ngay chính trong gia đình Nguyễn Huệ cũng năm người
mười ý, ngoài Bắc thì Lê Chiêu Thống đã bán đứng cho Tàu. Ấy vậy mà chỉ
55 ngày Quang Trung đã đánh tan quân nhà Thanh không còn manh giáp.”
“Thế à?”
“Chưa hết đâu chú. Dưới thời Lê Lợi, nếu dân mình tài giỏi thì đâu
đến nỗi Nguyễn Trãi phải than ‘Ngặt vì, nhân tài như là mùa thu, tuấn
kiệt như sao buổi sớm…’ vậy mà cũng xóa sổ được bao nhiêu vạn quân Minh
đấy chú.”
Sau khi nghe anh bạn này chứng minh, tôi không còn cách nào khác hơn
là cám ơn, cầu mong, hy vọng, và tuyên bố với anh rằng phần hot dog và
Coca của bạn hôm nay free, do tôi chiêu đãi.
Là người dốt về lịch sử, hôm nay tôi xin thành khẩn khai báo với các bạn đọc danchimviet.info để
nhờ các bạn chỉ giáo cho tôi liệu những kinh nghiệm lịch sử đó có đúng
hay không, chúng ta có hy vọng gì lập lại lịch sử trong cái vụ giàn
khoan hiện nay hay không?
© Đàn Chim Việt