Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Báo chí và tự do

Trần Văn Chánh
Bản chất của báo chí là phải được tự do. Suy cho cùng, nếu không được tự do, báo chí sẽ trở nên kém hữu ích, có hại, hoặc thậm chí mị dân. Trong trường hợp này, báo chí không giúp nâng cao trình độ dân trí đủ để người dân nhận thức sáng suốt những vấn đề cơ bản liên quan quyền lợi thiết thân cùng nghĩa vụ của họ, trong bất kỳ xã hội nào đặt nền tảng trên nguyên tắc người dân được quyền làm chủ.
Thomas Jefferson (1743-1826), tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ, người được chọn để dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776, đã từng phát biểu một câu rất nổi tiếng liên quan vai trò của báo chí trong đời sống quốc gia: “Nếu bắt tôi phải chọn lựa chúng ta nên có một nền chính quyền không báo chí hay có một nền báo chí không chính quyền thì tôi không hề do dự chọn lựa ngay cái thứ hai”.
Từ rất lâu, ở nhiều nước trên thế giới, báo chí thường được ví như “cơ quan quyền lực thứ tư” (đệ tứ quyền), nhân tố quyết định để có được một xã hội công bằng, giàu mạnh, và điều xác tín này hầu như không ai có thể nói khác được.
Hơn nửa thế kỷ trước, trong bài báo 10 chính sách Việt Minh viết theo lối diễn ca, cựu chủ tịch nước Hồ Chí Minh đã từng nói:
Hội hè, tín ngưỡng, báo chương, Họp hành, đi lại có quyền tự do.
Như vậy, quyền tự do báo chí hẳn phải là mục tiêu của mọi cuộc vận động cách mạng để đạt được xã hội dân chủ. Cũng vì vậy mà Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua nhiều lần sửa đổi (với lần sau cùng thông qua ngày 28.11.2013, có hiệu lực từ 1.1.2014) trước sau vẫn khẳng định quyền tự do báo chí, ghi rõ tại điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Tính đến khi Luật báo chí sửa đổi, bổ sung của Việt Nam ra đời năm 1999 thì ở Điều 2, vấn đề quyền tự do ngôn luận/ báo chí lại một lần nữa được xác nhận rõ thêm: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng”.
Xét lịch sử báo chí trên toàn thế giới, người ta thấy hai chữ “tự do” luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt thể hiện trong hầu hết nếu không muốn nói tất cả các bộ luật báo chí khắp nơi và từ xưa đến giờ. Mác cũng nói đạo đức của báo chí là tự do, và quan niệm báo chí chính là sự thể hiện cái tinh thần, con mắt và trái tim của nhân dân.
Luật báo chí năm 1881 của Pháp (áp dụng chung cho cả những nước thuộc Pháp, gồm cả Việt Nam) chỉ là một đạo luật quy định quyền tự do ngôn luận. Theo đúng truyền thống Cách mạng Pháp, các nhà lập pháp năm 1881 cho rằng: “Con người trung bình đủ lương tri để tự mình phân biệt chân ngụy giữa những mớ tin tức và bình luận trái ngược…”.
Tuy nhiên trên thực tế, giai cấp thống trị và một số nhà độc tài vẫn thường tìm cách hạn chế báo chí cách này cách khác với đủ mọi lý do. Bất cứ nhà độc tài nào cũng cho rằng chỉ có mình hoặc phe đảng mình mới thực sự nắm vững nguyện vọng của dân chúng và có sứ mạng thực hiện các nguyện vọng ấy theo kiểu riêng của họ; sự bền vững của chế độ là trọng, còn tự do của cá nhân thì không đáng kể. Nhà độc tài Mussolini (người Ý, 1883-1945) đã từng tuyên bố: “Báo chí là một bộ phận của chế độ và một sức mạnh để phục vụ chế độ” (la presse est un élément du régime et une force à son service).
Kinh nghiệm thực tế ở mọi nước đều cho thấy báo chí luôn được tự do và cũng luôn bị hạn chế. Chẳng hạn một nước đang tuyên chiến với nước khác thì dù đang theo chính sách tự do cũng không thể để cho nhà báo trong nước tự do sách động dân chúng đi theo đối phương được. Đó là chính trị, cũng là đời thường, như một lẽ tự nhiên không có gì phải tranh cãi. Điều đáng nói là đôi khi trong thời bình, một số nhà chính trị độc tài cũng tìm cách hạn chế báo chí bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, mặc dù ngoài miệng họ vẫn luôn nói đến tự do và quyền lợi của công chúng. Thường khi đây lại là vấn đề có liên quan đến tầng lớp thống trị đặc quyền như Mác đã từng viết: “Vấn đề không phải là cần biết có quyền tự do báo chí hay không vì quyền này vẫn có. Vấn đề chính là cần biết quyền tự do báo chí là đặc quyền của một thiểu số cá nhân hay đặc quyền của con người”.
Trên cơ sở của quyền tự do ngôn luận, báo chí phải đồng thời giải quyết ổn thỏa hai mối quan hệ vừa đối với công chúng vừa đối với các nhà đương cuộc. Trong quan hệ thứ nhất, tự do báo chí còn là tự do của độc giả có quyền được biết tin tức đầy đủ và chính xác, do vậy nhà báo luôn bị một mối ràng buộc thuộc bản chất nghề nghiệp là không phải muốn dùng tờ báo của mình để loan tin gì cũng được, hoặc muốn nói gì thì nói. Trong quan hệ thứ hai (với chính quyền), vì bản chất nghề nghiệp là phải luôn bênh vực quyền lợi của công chúng, nhất là đối với tầng lớp lao động nghèo khổ bị áp bức, nhà báo luôn coi quyền lợi của nhân dân là luật pháp tối thượng hơn cả mọi luật pháp, và đôi khi còn phải có can đảm phê phán những luật lệ đương thời, hoặc chủ trương, chính sách, hành động sai trái của các nhà chức trách. Ở khắp mọi nơi và từ xưa đến giờ, chưa hề có một nhà báo nào được gọi tiến bộ và được công chúng tin cậy mà lại chỉ chuyên xu phụ tô điểm cho chính sách sai lầm của các nhà cầm quyền. Những nhà báo như vậy đâu đâu cũng bị đặt cho cái tên chung quen thuộc là “bồi bút”, bị thiên hạ xem thường.
Cũng có hạng nhà báo vì cuộc sống cá nhân hay vì nhiều loại lý do khác nữa sẵn sàng phục vụ cho các chính quyền mị dân bằng cách viết những bài báo mà mới xem qua thì có vẻ phê phán kịch liệt những sai trái của các nhà đương cuộc nhưng thực tế lại chỉ đụng đến những phần râu ria không thuộc bản chất của những vấn đề cần nghiên cứu giải quyết tận gốc rễ. Điều tai hại này khiến cho một bộ phận dân chúng ngây thơ hồn nhiên tưởng rằng tình trạng tiêu cực của các nhà chức trách sắp bị triệt tiêu rồi mà không dè làm như vậy chỉ là một cách thông hơi để giúp duy trì lâu hơn cho tình trạng bê bối tiêu cực. Nếu những nhà cách mạng cũng là nhà báo tiền phong tiền bối như Mác, Lênin, Hồ Chí Minh, Nguyễn An Ninh, Cù Thu Bạch, Lỗ Tấn… mà cũng làm báo kiểu đó thì các tầng lớp thống trị đương thời họ chắc chắn sẽ hoan nghênh họ hết sức, và họ cũng không thể góp phần tạo ra những tình huống cách mạng thuận lợi để đấu tranh cho những người cùng khổ.
Ngược lại, mọi chính quyền sáng suốt và vì dân luôn biết lợi dụng báo chí theo một chiều khác để phát hiện và sửa chữa những sai lầm của mình trên căn bản lý thuyết và đường lối, nhờ vậy vừa duy trì được lý tưởng của chế độ vừa tranh thủ được sự ủng hộ và tình cảm chân thực của mọi tầng lớp nhân dân. Lênin thường biết chú ý lắng nghe ý kiến của những người đối lập, thậm chí đọc cả các sách báo của kẻ thù viết về cuộc cách mạng ở tháng 10 Nga (năm 1917), và tự nhủ: “Những người này đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều. Họ nhắc chúng ta chú ý đến tất cả những sai lầm và hành động ngốc nghếch mà chúng ta đã mắc phải. Chúng ta phải cám ơn họ” (Lênin, Về văn học nghệ thuật, NXB Văn Hóa Nghệ Thuật, Hà Nội, 1963, tr. 114).
Đã hẳn quyền tự do báo chí là không thể chối cãi, nhưng cái cách thể hiện tự do thì trên thực tế còn tùy thuộc vào truyền thống dân chủ và hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi nước. Ở nhiều nơi, quyền tự do báo chí đương nhiên được công nhận trên Hiến pháp, nhưng các viên chức có trách nhiệm thực thi trực tiếp thường không chỉ ra được chỗ giới hạn rõ rệt khiến các nhà báo dù có nghĩa khí đến đâu cũng không biết hành động viết lách ra sao cho phải, để vừa không bị chụp mũ (“phản động”, “diễn biến hòa bình”…), vừa không có mặc cảm tội lỗi với công chúng mà vẫn phụ lực được cho các nhà chức trách trong công cuộc hợp tác xây dựng xứ sở. Để khắc phục tình trạng này, các điều khoản ghi trong luật báo chí cần phải rõ ràng minh bạch hơn nữa, tuyệt đối tránh những câu chữ mù mờ lưỡng nghĩa mà ai muốn giải thích và bắt chẹt ra sao cũng được. Có luật rõ ràng rồi, nếu ai làm trái luật thì cứ đem ra tòa xét xử.
Tuy nhiên, liên hệ với tình trạng thực tế Việt Nam, cho mãi tới hiện nay, điều khó khăn nhất đối với một nhà báo vẫn là phải luôn suy lường, cảnh giác để xác định đâu là cái lằn ranh hay “vùng cấm” vô hình buộc mình phải tự hạn chế, tự biên tập lấy bài trước khi bị ông tổng biên tập cắt xén vào những chỗ tâm đắc nhất, vì việc này ngoài kinh nghiệm thực tế ra, không có một quy chuẩn hay sách vở, luật lệ nào chỉ rõ. Riêng cái gọi “vùng cấm”, hay thứ tương tự là những “vấn đề nhạy cảm”, trước sau vẫn mờ mờ ảo ảo, như chuyện tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, trước đây không ai bảo ai bị coi là vấn đề nhạy cảm, thậm chí vùng cấm, nay các nhà báo lại đồng loạt nói huỵch toẹt ra, bình luận đủ thứ. Giả định cứ để cho được tự do hơn, vấn đề có lẽ đã biến chuyển theo những hướng khác, thuận lợi cho phía Việt Nam hơn, vì dân phải “biết” thì mới “bàn” được, từ đó phát huy quyền làm chủ và tinh thần trách nhiệm, cùng nhau tính kế bảo vệ Tổ quốc.
Một số người vì không muốn vướng vào những sự phức tạp tế nhị như thế đã tự động bỏ nghề, hoặc chuyển qua chỉ viết cho các báo mạng, để cố nói lên các sự thật. Đơn giản bởi vì nhà báo chân chính vốn không chỉ yêu sự thật mà còn phải ra sức bảo vệ sự thật nữa. Đây vừa là trách nhiệm vừa là lương tâm của người cầm bút, thể hiện một cách cụ thể trong quá trình viết lách, hoặc biên tập và quyết định bài vở của người khác, trên cơ sở lấy lợi ích của nhân dân làm cốt mà không hề khuất phục bất kỳ một thế lực nào. Nếu tính trung thực luôn gắn liền với lòng can đảm thì lương tâm và trách nhiệm cũng thế, không thể tách rời nhau được. Vì vậy, lời phát biểu sau đây của nhà báo Pháp nổi tiếng Jean Lacouture được trích dẫn từ bản tiếng Việt của tạp chí Người đưa tin UNESCO (tháng 9.1990, tr. 13) thật đáng để cho mọi nhà báo suy gẫm, nhân Ngày Nhà báo Việt Nam 21.6 năm nay: “Nhà báo là một sinh vật có một lương tâm mà không một ông trùm báo chí nào, không một hệ tư tưởng thống trị nào, không một sự đồng lõa với phe đảng nào khuất phục được hoàn toàn”.
21.6.2014
Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo, số 204 (1.7.2014)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"