Khánh Sơn
Theo BBC
Vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, ngụ thôn Me, xã
Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) được “tạm thời” giải oan,
đã thu hút sự quan tâm của dư luận khá lớn trong mấy ngày qua. Ai cũng
mừng cho ông, rất nhiều giọt nước mắt đã rơi trong ngày ông được cởi bỏ
chiếc áo tù và đoàn tụ cùng gia đình sau mười năm dài đằng đẵng.
Người ta vừa giận, vừa thương Lý Nguyễn Chung, một người thanh niên
cùng thôn, sinh năm 1988, người được cho là đã đầu thú nhận tội của mình
sau mười năm trốn tránh.
Ông Chấn đoàn tụ với gia đình trong ngày đầu ra tù.
Với tuổi đời khi phạm tội còn rất trẻ (năm 2003 Chung chỉ mới 15
tuổi), thì có thể hiểu được tại sao Chung lại chọn cách ứng xử như thế
với luật pháp trong 10 năm qua.
Tuy nhiên, điều gì đến thì cuối cùng đã phải đến, Chung đã sa lưới
pháp luật và chắc chắn sẽ phải đối diện với sự trừng phạt thích đáng
dành cho mình.
Sự “nghiêm minh của pháp luật”?
Khá nhiều ý kiến đã đặt câu hỏi về sự nghiêm minh của pháp luật?
Người ta bàn luận và lên án về sự lỏng lẻo, dễ dãi của nó. Nhưng liệu
như thế có thỏa đáng không khi một vụ trọng án như vụ giết người này, dù
muốn dù không thì cơ quan điều tra công an tỉnh Bắc Giang cũng đã “có
được hung thủ”?
Mười năm trước, khi những người “có trách nhiệm”
thở phào nhẹ nhõm bởi hồ sơ vụ án cuối cùng cũng đã được khép, thì mười
năm sau, không biết họ đã nghĩ gì trong đêm nhà ông Chấn sáng rực đèn
hạnh phúc hội ngộ?
Họ đã hoàn thành nhiệm vụ, nhanh chóng khép hồ sơ với đầy đủ “tang
chứng, vật chứng, không thể chối cãi” để định tội ông Chấn. Mức án chung
thân đã được tuyên cho ông qua hai lần xét xử, há chẳng phải là “nghiêm
minh” hay sao?
Liệu rồi từ nay, một số cơ quan công quyền trên địa bàn Bắc Giang
như công an, tòa án, những cơ quan đang nhân danh pháp luật, nhân danh
đạo đức, lương tri, nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam, phải làm sao để được người dân tiếp tục tin tưởng đón nhận và tin
yêu vào cái sự “nghiêm minh” của mình, sau những gì họ đã được chứng
kiến?!
Dẫu sao, cũng đã có một niềm động viên an ủi, khi vụ án oan sai động
trời này đã được các cơ quan truyền thông mạnh dạn đưa tin rộng rãi,
thậm chí là cả trên kênh thời sự của Đài truyền hình Việt Nam. Chủ tịch
nước đã có chỉ đạo xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm, liệu rồi
đây dư luận, người dân có nhìn được tín hiệu khả quan nào sau những
động thái này hay không?
Họ có đón nhận được đúng điều mà họ đang mong chờ hay không?
Tự vấn
Tôi cứ tự hỏi, không biết những điều tra viên năm xưa, những người
trực tiếp thụ lý vụ án, sẽ nghĩ gì khi chứng kiến những giọt nước mắt
đoàn tụ của gia đình ông Chấn?
Họ có cảm thấy xấu hổ, hay day dứt lương tâm mình? Khi mười năm qua,
người nông dân này đã bị gán cho một khung tội tày đình, xấu xa đến như
vậy?
Nghiệp vụ của họ để đâu? Khi sau mười năm, thủ phạm được phát giác
cuối cùng, lại đến từ chính …gia đình thủ phạm, chứ không phải là nhờ
họ?
Mười năm trước, khi những người “có trách nhiệm” thở phào nhẹ nhõm
bởi hồ sơ vụ án cuối cùng cũng đã được khép, thì mười năm sau, không
biết họ đã nghĩ gì trong đêm nhà ông Chấn sáng rực đèn hạnh phúc hội
ngộ?
Phải chăng với họ, sự vô cảm bởi căn bệnh nghề nghiệp đã đến mức độ, chỉ việc khép được hồ sơ sau mỗi vụ, là coi như xong?!
K.S