Lục Phong
Photo: Saami Family
Việt Nam là Nhà, Việt Nam là một gia đình. Đã có ai từng nghĩ vậy chưa? Nếu chưa thì đã đến lúc rồi đấy.
Đã có quá nhiều bài báo và lời đồn của bọn nước ngoài về việc đất
nước chúng ta đang rất là rối loạn, phần lớn dân chúng thờ ơ với mọi
người xung quanh – với đất nước, học sinh đi học nhiều nhưng trình độ
dân trí còn thấp. Tại sao vậy?
Bởi vì dân chúng Việt Nam thờ ơ. Còn tại sao thờ ơ thì là cả một quá trình dài…
Chẳng khó khăn gì để tìm thấy một bé gái dễ thương, xinh xắn học
trường tiểu học chuẩn quốc gia ném một hộp sữa ra đường khi vừa uống
xong, được má chở, không xuống xe được nên quăng mẹ nó xuống đường cho
tiện.
Chẳng khó khăn gì để tìm thấy một vụ tai nạn giao thông trên đường
mà 100 người bu chi có một người giúp và hai người hỗ trợ. 7 trong số
100 sẽ đứng đó còm men, đôi khi dở chứng tốt bụng sẽ gọi dùm xe cấp cứu.
Số còn lại đứng dòm ngơ ngác (nếu tôi không muốn nói là thờ ơ và vô
cùng vô cảm). Thấy tông xe thì đứng nhìn, về nhà kể, chi vậy? Được cái
mẹ gì đâu?
Gặp bất cập, bất công trong xã hội thì nói là: Chừng nào đến lượt
mình hẳn lo/ Không phải việc của mình/ Đừng lo chuyện bao đồng/ blah,
bleh, bluh…
Xin lỗi nhá. Xã hội là tập hợp các mối quan hệ giữa con người với
nhau. Khi một xã hội nát bét thì đừng mong là sẽ không đến lượt mình. Cứ
ngồi đó thắp nhang đi, nếu thích.
Cho một ví dụ dễ thấy, với tình trạng cướp bóc hiện nay thì Việt Nam
là địa ngục so với Hà Lan – 8 nhà tù đã phải đóng cửa do không có phạm
nhân. Dân trí thấp, ăn trộm ăn cướp nhiều thì cứ xài Iphone là nó giật,
đeo nhẫn kim cương thì nó chặt tay, hở một chút là mấy thằng du đãng nó
chạy ẩu tông cho thượng lộ nằm im.
Nên đừng có bảo là chưa tới lượt hay không phải chuyện của mình. Đó
là một không gian mà tất cả mọi người phải chịu đựng. Không khí mà ô
nhiễm thì cả đám cùng hít chứ không riêng một thằng nào cả. Đừng có mong
là sẽ gặp may mãi, có thể thoải mái không khi sáng đông đúc chạy ngoài
đường, mới quẹt xe nhau nhẹ một cái là bị ăn chửi, hổ báo như trường mẫu
giáo.
Có rất nhiều người tự cho rằng họ tốt. Ôi thôi! Cách mà họ cho rằng
chỉ là sống yên phận chỉ biết riêng cho bản thân mình. Tại sao chỉ biết
sống yên phận cho riêng mình? Bởi vì họ sợ rắc rối, họ sợ mệt mỏi,
nguyên nhân sâu xa mà tôi cho là có thể lý giải cho việc này là: Lười.
Đừng có nói với tôi dân Việt Nam có truyền thống chăm lao động. Đó chỉ
là quá khứ thôi, giờ thì hết rồi. Giới trẻ Việt Nam hiện đại so với Hàn
Quốc thì làm việc kém chuyên nghiệp, kém kỷ luật và lười hơn cả chục
lần.
Chúng ta được học văn học qua rất nhiều tác phẩm, được dạy yêu nước,
thương dân, kính trên nhường dưới, hiếu thảo với cha mẹ và cụ già các
kiểu nhưng rất tiếc chúng ta không làm được. Người ta nói gia đình là tế
bào của xã hội. Tế bào mà nát bét thì đố tìm ra một cơ thể khỏe mạnh.
Nhà nào lo nhà đó, thầy cô thì dạy yêu nước thế này, phần lớn cha mẹ thì
dạy con sống thế kia – không bon chen với đời, thì làm sao mà tạo ra
tính nhất quán và niềm tin mạnh mẽ cho tụi trẻ được? Mà một khi đứng
lưng chừng thì con người có xu thế thoái lui hơn là tiếp tục, bầy đàn đã
thế, xã hội đã thế, cha mẹ nói thế, ngu gì mà xía vào chuyện xã hội cho
mang họa vào thân. Đó là tư tưởng của đại đa số dân chúng Việt Nam này,
một điều rõ như ban ngày, không cần phải chứng minh chi cho thừa thải.
Chẳng mấy ai có ý nghĩa “Việt Nam là nhà”. Tại sao tôi nhắc đến luận
điểm này? Vì một khi người ta coi đó là nhà, là nơi để sống, để nói
chuyện, để chia sẻ vui buồn, cười đùa, để yêu thương, để thư giản và các
nhu cầu: ăn, ngủ, nghỉ, hưởng thụ thì họ chắc cú sẽ sống khác đi, sẽ
sống có trách nhiệm. Tất cả mọi người đều yêu gia đình, đây là điều
không thể chối cãi được. Nên nếu mỗi cá nhân tự coi rằng: Đất nước là
nhà, Việt Nam là nhà, thì tự họ sẽ biết phải làm gì mà thôi. Không cần
phải nói hay được dạy dỗ rằng “tôi yêu nước”, chỉ cần nói rằng “Việt Nam
là nhà” thì mọi thứ sẽ khác. Trên một phương diện khách quan, ngôn ngữ
chỉ là hình thức, nó không thật. “Tôi yêu nước”, “hãy yêu nước” là những
từ không thật, không có khả năng tác động và thiếu tính ảnh hưởng. bởi
vì nó quá nhàm, không còn ai muốn nghe. Nhưng một khi nhắc đến chữ “nhà”
hay “gia đình” thì mọi thứ sẽ có chiều hướng khác.
Việt Nam là Nhà, Việt Nam là một gia đình. Đã có ai từng nghĩ vậy chưa ? Nếu chưa thì đã đến lúc rồi đấy.
“Thế giới đã chịu tổn thất quá nhiều, không phải bởi vì những kẻ xấu mà vì sự im lặng của người tốt.” – Napoleon
Nếu bạn nghĩ rằng, đợi cho đến khi chính trị, nhà nước, cán bộ thay
đổi đã, rồi đất nước sẽ tự tốt lên thì tôi nghĩ bạn nên biến mất khỏi
trái đất này được rồi đấy. Một người giỏi nhưng không chịu thể hiện,
cạnh tranh, làm việc để cống hiến mà dành phần cho mấy thằng ngu làm,
rồi sau đó sống chịu theo ảnh hưởng của mấy thằng ngu thì đó là một tội
ác với mọi người xung quanh. Một người giỏi và tốt nhưng lại ở ẩn, không
chịu giúp đời thì đó là một tội ác. Người giỏi ở ẩn thì chẳng giúp ích
gì được cho đời có khác gì một con khỉ đu cây trong rừng đâu. Nhưng nó
lại có một chút khác, vì nó là tội ác, nó ác hơn việc con khỉ đu cây.
Trời phú ban cho cuộc sống 50% thiện, 50% ác. Thế mà cái thiện nó biến
đâu mất, để bây giờ cái ác lan tràn, đánh chiếm tơi bời.
Một lần nữa, đừng có ai nói với tôi là đất nước đã thoát khỏi chiến
tranh, xã hội chúng ta đang sống rất tốt đẹp, chỉ có một ít là trộm cắp
và các tệ nạn khác. Mọi thứ mà những người tự che mắt mình đó thấy, cùng
lắm chỉ là những hình thức mà thôi. Thử nhìn và ngẫm mà xem, nước thì ô
nhiễm, đồ ăn thì toàn thuốc – toàn độc, phòng trọ cho sinh viên thì tồi
tàn, con người đối xử với nhau lạnh lùng, nhỏ nhen. Một vụ tai nạn
không phải là vấn đề, mà là cách mọi người nhìn vào tai nạn đó và hành
xử mới là vấn đề. Để ý mà xem, nó tệ và phát tởm đến mức nào rồi ?
Tôi không cố ý dạy đời bất kỳ ai, tôi chỉ cố gắng nhìn nhận, đối mặt
và nói ra sự thật. Đừng tự che mắt mình thêm nữa, gia đình của tôi ạ,
anh chị em của tôi ạ. Hãy chung tay giải quyết tất cả các bất công gặp
phải hàng ngày, đôi khi không phải là đấu tranh bằng hành động mà còn là
đấu tranh trong tư tưởng nữa.
Việt Nam là nhà của chúng ta, Việt Nam là một gia đình. Chúng ta
không thể nhìn gia đình mình gặp nạn mà không cứu, gặp khó khăn mà không
giúp đỡ được, phải không ?
Cứu đi, làm gì đó đi, gì cũng được, và đừng bao giờ bỏ cuộc hay
thoái lui – điều đó hèn nhát. Mỗi khi chán nản, hãy nghỉ ngơi, tôi và
nhiều người khác sẽ làm phần việc đó giúp bạn. Trong khi đó, hãy nạp lại
năng lượng và nghĩ lại lý do của ngày đầu: Vì sao tôi lại chiến đấu và
đóng góp tích cực để bảo vệ, xây dựng Việt Nam – gia đình của tôi ? Nhé
!
Mọi người là anh em một nhà, cụ già đều là ông bà, và người lớn đều
là cha mẹ của chúng ta. Hãy thử nghĩ và sống như thế đi. Thờ ơ chắc chắn
sẽ không còn nữa. Nó không quá khó đâu, ít nhất thì tôi thấy nó cũng
không khó như việc học lịch sử và văn học và các cụm từ thuộc lòng như
“yêu nước”, “yêu thương”, “kính trọng”. Tôi thấy nó dễ hiểu và dễ cảm
nhận hơn nhiều.
Việt Nam bây giờ đã đạt chỉ số “dân số vàng” rồi. Thời hoàng kim đã
đến rồi, còn chờ gì nữa, bây giờ không làm thì bao giờ nữa đây?
Văn đã dài rồi, viết sao chi hết. Thôi thì tạm dừng bút ở đây.
Một câu nói mà tôi luôn muốn nói với tất cả mọi người: Đã đến lúc, đã đến lúc rồi đấy, làm đi thôi, làm đi thôi !
Ai có muỗng dùng muỗng, ai có tai dùng tai, ai có tóc dùng tóc, ai
có răng dùng răng, ai có chữ dùng chữ, ai có thể nói hãy nói…
Đã đến lúc
Đã đến lúc rồi
Nước Việt Nam
Một gia đình
Đừng bơ
Gia đình,
Đừng thờ ơ…
Đã đến lúc rồi
Nước Việt Nam
Một gia đình
Đừng bơ
Gia đình,
Đừng thờ ơ…
-Lục Phong-