Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Vì sao xã hội dân sự Việt Nam yếu (9): Thiếu tính chuyên nghiệp và sự hợp tác

Nguyễn Văn Thạnh

1. Một cơ hội bị bỏ lỡ:

Sau bài viết phản biện lời phát biểu của tổng bí thư hết sức sắc sảo, nhà báo Nguyễn Đắc Kiên đã tạo nên một làn sóng ủng hộ anh vượt mọi sự tưởng tượng. Làn sóng đó bùng nổ mạnh mẽ khi anh bị tòa báo sa thải vào ngày hôm sau. Hàng chục ngàn người ký tên ủng hộ anh, thậm chí trên mạng còn lập một fanpage “Những người bạn của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên” với hàng ngàn người Like và thành viên. Một cách nhanh chóng, anh có sự ủng hộ và “quyền lực mềm” mà một người dấn thân tranh đấu phải qua một thời gian dài mới có thế có. Nhưng rồi theo thời gian, vụ việc chìm xuống, tên tuổi nhà báo Nguyễn Đắc Kiên cũng mất hút trên màn hình rada dân chủ. Vì sao vậy?
Có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng tôi thấy một số nguyên nhân sau:
Anh Kiên chưa chuẩn bị tâm thế cho một người dấn thân tranh đấu cho dân chủ. Những lời anh viết phản biện có thể là sự nhận thức cá nhân về đúng sai khi nghe lời phát biểu của vị tổng bí thư. Sự tình cờ làm anh nổi tiếng trong khi anh chưa có chuẩn bị cho một sự dấn thân, không làm anh đi xa. (Có thể anh cũng ko muốn dấn thân?)
Anh Kiên chưa nắm được qui luật chuyên nghiệp, hợp tác trên mặt trận dân chủ. Một mảng rất quan trọng trên mặt trận dân chủ là tự do báo chí, tự do cho nhà báo. Lẽ ra anh Kiên nên tập trung vào việc này, nơi anh có thế mạnh nhất. Bản thân anh là một nhà báo có bản lĩnh, lại là một một nạn nhân của nền báo chí chính quyền nuôi. Cần có một người, một phong trào với sự mệnh phá bỏ (hoặc làm suy yếu) thứ báo chí quốc doanh này để mang lại tự do cho đệ tứ quyền lực. Khi nào đệ tứ quyền lực tự do thì dân chủ mới có.

Thay vì tập trung vào lĩnh vực mà mình có thế mạnh, anh Kiên lại mất thời gian vào những việc khác như: viết thơ để kêu gọi sự dấn thân, trăn trở của mọi người (tập thơ Những số không vòng trắng), hoặc viết kế hoạch “Một con đường cải tổ”. Thật sự, trên “thị trường dân chủ”, nhiều tổ chức làm việc này tốt hơn anh Kiên nhiều. Nếu anh Kiên tập trung và kiên trì trong lĩnh vực của mình, có lẽ càng ngày anh càng có sức mạnh.
Anh đã bỏ lỡ vì lạc mất mục tiêu mình nên theo đuổi, thật sự rất tiếc!
(Trên đây là những phân tích, nhận xét mang tính cá nhân của tôi với mục đích duy nhất là rút ra bài học kinh nghiệm cho phong trào dân chủ. Tất cả chí là phỏng đoán cá nhân. Xin lỗi anh Kiên nếu có những điều không phù hợp với những toan tính của anh).

2. Vấn đề các phong trào dân chủ mắc phải:

Có câu chuyện vui kể về người VN và người Nhật: “một người Nhật thua một người VN nhưng ba người VN thua một người Nhật”. Câu chuyện trên nói lên rằng, người VN làm việc nhóm, hợp tác nhau rất kém.
Xã hội hiện đại, không ai có thể làm hết mọi việc, dù có tài giỏi đến đâu. Mỗi người chỉ có thể làm tốt một việc mà mình có khả năng nhất, điều mà kinh tế học gọi là lợi thế cạnh tranh.
Cũng như thị trường hành hóa, có lúc mặt hàng này được chuộng, có lúc mặt hàng khác lên ngôi, phong trào dân chủ cũng vậy. Có những giai đoạn thì vấn đề này nổi lên; ví dụ có giai đoạn quyền con người được đề cao, có giai đoạn thì xã hội bàn luận về hiến pháp, bàn về lập đảng,… Vấn đề là mỗi cá nhân, mỗi nhóm phải kiên trì làm tốt “sản phẩm” của mình thay vì chạy theo trào lưu và phong trào. Theo quan sát cá nhân tôi, rất ít người tranh đấu chuyên nghiệp trong lĩnh vực mình, phần lớn họ có xu hướng phát động nhiều phong trào mà nội dung lại na ná như nhau, chồng chéo nhau. Thậm chí là ganh tỵ đấu đá nhau,…
Một trong những nguyên nhân nữa là chúng ta thiếu những người dấn thân tranh đấu chuyên nghiệp, xem đó như một sự nghiệp đời mình. Tâm lý phần lớn người dân Việt nam cho rằng chính trị là bẩn thiểu là đấu đá, giành giật,…cho nên nhiều người giữ đạo đức bằng cách…. xa lánh chính trị. Đây là một suy nghĩ, một tìm thức ăn sâu vào cộng đồng, nó cản trở rất lớn cho sự lớn mạnh của XHDS.

3. Giải pháp:

Đấu tranh chính trị như hoạt động kinh tế, mỗi người, mỗi nhóm nên xác định một lĩnh vực mà mình có thế mạnh nhất, làm tốt nhất việc đó. Có những giai đoạn, xã hội ủng hộ phong trào này, ko ủng hộ phong trào kia, nhưng theo thời gian, tất cả phong trào đều cần thiết.
Ví dụ: nhóm chuyên tấn công về mặt pháp lý của đảng cầm quyền (Nhóm 72), chuyên tập trung vào các vấn đề như hiến pháp, điều 4, vận động thành lập đảng mới.
Nhóm phản bác điều luật phi lý (Mạng lưới blogger) thì đi chuyên nghiệp về lĩnh vực này: tấn công, vận động bãi bỏ những điều luật phi lý. Quá trình vận động cả trong nước và quốc tế.
Nhóm cổ xúy quyền con người thì nên tập trung vào các ‘sản phẩm” về nhân quyền.
Tương tự như vậy đối với các nhóm còn lại như: nhóm lên tiếng cho dân oan, nhóm lên tiếng cho sự vẹn toàn lãnh thổ (NoU), nhóm kêu gọi quan chức từ chức,… Chúng ta cần rất nhiều mũi giáp công trên sân chơi dân chủ.
Bên cạnh tinh thần chuyên nghiệp trong giải pháp mà chúng ta theo đuổi, chúng ta cần có tinh thần hợp tác để thúc đẩy sự nghiệp chung.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"