Nguyễn Mộng Hoài
Theo blog Quê Choa
Tôi mừng vì tôi là người Hưng Yên, quê xứ nhãn và ngày gần đây tôi
cũng mừng vì có tin Ngài Tổng Bí thư Đảng Cộng sản đã chiếu cố về thăm
xã Nhân Hòa và có đi thăm một số gia đình trong sự canh gác, kiểm soát
nghiêm ngặt của lực lượng bảo vệ vòng trong vòng ngoài. Trong lúc nói
chuyện với những đảng viên địa phương có mặt được nghe Ngài nói tới "bảo
đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng".
Tôi đã tám mươi tuổi, có 40 năm tham gia làm lính cụ Hồ và công tác
Nhà nước và cũng đã về hưu mấy chục năm, được hưởng lộc Đảng, Nhà nước
và lộc Trời cũng khá rồi, chắc chẳng phải có gì ân hận nếu có nhắm mắt
xuôi tay ! Đã được học và đã được nghe không phải chỉ một lần mà hàng
trăm lần về sự "lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng" đối với Nhà
nước và xã hội ta, đất nước ta và nhân dân ta. Lịch sử đã ghi công và
tôn vinh công lao lãnh đạo nhiều năm, tạo nên nhiều bước ngoặt lịch sử
của dân tộc, đã chứng kiến cái đúng và cái sai trong suốt quá trình lãnh
đạo ấy.
Cái được vĩ đại nhất là tập hợp và tổ chức động viên nhân dân hai
miền Nam Bắc hi sinh hàng chục triệu người, trong đó có một số đảng viên
của Đảng để giành về độc lập tự do, thống nhất nước nhà, hòa bình cho
nhân dân và có phần cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, những cái
sai của sự lãnh đạo ấy cũng phải trả giá bằng nhiều nghìn người Việt
Nam, trong đó có đến gần chục nghìn đảng viên Đảng của Ngài trong Cải
cách ruộng đất. Đau hơn nữa, tôi nhớ lại gần như không một đại hội Đảng
nào không có "đồng chí" chết bí ẩn. Điều này thì giải thích như thế nào
trước lịch sử dân tộc ?
Tôi vinh dự, hồi còn trẻ, được tham gia một lớp học chính trị-triết
học-nghiệp vụ bốn năm cũng biết sơ sơ như thế nào là "tuyệt đối" và như
thế nào là "tương đối". Khi phong trào cộng sản và công nhân thế giới
đang lên như diều gặp gió đã xảy ra nhiều luồng lý thuyết về thuyết
"tuyệt đối" và thuyết"tương đối". Cuối cùng thì thuyết "tương đối" đã
thắng thế và ngay cả những nhà lý luận bậc thày của chủ nghĩa cộng sản,
kể cả thế giới, cũng phải thừa nhận sức sống của chủ thuyết "tương đối"
và không hề có cái gì tuyệt đối trên đời này.
Nếu có chỉ là sự mơ tưởng và người ta cần nhấn mạnh một mục đích nào
đó có lợi cho phong trào mà thôi. Càng về già, tôi càng hiểu sâu sắc
thêm "thuyết tương đối" và trong thực tế cuộc sông hằng ngày mà tôi được
sống cùng cộng đồng, tôi càng thấy thuyết "tương đối" đúng đắn hơn cả.
Đó mới là thực tế và sự sinh động của cuộc sống. Cứ ngồi rung đùi nghe
người ta tung hô "Tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng" chỉ là
một sự mơ hồ, thiếu nhựa sống vì nó không phù hợp với tiến triển của cả
thế giới lẫn của cả nước ta.
Cho nên, Ngài hay động viên các đảng viên của Ngài và dân chúng
"cuồng tín" là phải bào đảm sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng.
Thật ra, suốt 83 năm qua kể từ khi có Đảng, chưa bao giờ Đảng không
lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện nhân dân và đất nước Việt nam. Nhưng
thực chất sự lãnh đạo tuyệt đối ấy chỉ thấy trong văn kiện và trong giáo
huấn của Ngài chứ trong cuộc sống thực tế càng ngày càng thấy chẳng có
cái gì tuyệt đối cả và càng không đúng khi người ta nói "Đường lối chính
sách của Đảng là tuyệt đối đúng"
Thưa Ngài, chắc Ngài đã đỗ đến Bằng Tiến sĩ lý luận Mac-Lenin, ngài
hiểu sâu sắc hơn tất cả mọi người, kể cả một lão già lẩm cẩm 80 như tôi.
Nếu đường lối chính sách của Đảng là tuyệt đối đúng thì vì sao, ngay
sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương sau đó là Đảng Cộng sản Việt nam, rồi
Đảng Lao động Việt Nam được thành lập và lãnh đạo cách mạng Việt Nam,
chúng ta đã mắc những sai lầm "chết người" mà lịch sử Đảng của Ngài cũng
đã thừa nhận trong các giáo trình giảng dạy về lịch sử Đảng trong các
trường chính trị. Đó là cuộc cách mạng nông dân mang tên Xô viết Nghệ
Tĩnh là một cuộc "khởi nghĩa" non, bị thực dân đế quốc dìm nhân dân,
trong đó có nhiều đảng viên trong biển máu.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 cũng có yếu tố "non" chưa chín mùi.
do vậy thiệt hại không phải nhỏ. Từ những kinh nghiệm "non" ấy chúng ta
mới "cân thận" hơn trong việc chớp thời cơ làm cuộc cách mạng tháng Tám
thành công như lịch sử đã ghi nhận. Tuy nhiên, cục diện sau này, thế
giới có nhiều biến đổi nhanh chóng, phong trào cộng sản và công nhân thế
giới cũng có những chuyển biến mau lẹ. Quốc tế cộng sản chia rẽ thành
Đệ Tam, Đệ nhị. Sau đại chiến thế giới lần thứ hai, thế giới hình thành
"phe xã hội chủ nghĩa" gồm mười mấy nước trong số 205 nước và vùng lãnh
thổ, do Liên Xồ vừa đứng đầu vừa là thành trì của thế giới xã hội chủ
nghĩa. Ta là nước cộng sản đầu tiên lập chính quyền công nông ở vùng
Đông Nam Châu Á. và bằng những cuộc cách mạng long trời lở đất của mình
là là nới gióng lên những hồi chuông cáo chung chủ nghĩa thực dân cũ,
đồng thời cũng là nơi làm mồ chôn chủ nghĩa thực dân mới. Điều này thế
giới đã công nhận và lịch sử đã ghi công.
Thế nhưng trước sự biến đổi chính trị trên bàn cờ thế giới, dưới sự
lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã không theo kịp trào lưu của thế giới, dẫn
đến những tụt hậu xa, ngày càng xa so với bánh xe lịch sử tiến hóa của
nhân loại. Ấy là chưa kể trong từng giai đoạn cách mạng, dưới sự lãnh
đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng mà chúng ta vẫn mắc phải những sai
lầm nghiêm trọng sau khi hòa bình lập lại năm 1954 ở miền Bắc. Đó là các
cuộc cải tạo tư sản mại bản, công tư hợp doanh, chống nhân văn giai
phẩm, quản lý hộ tịch hộ khẩu trong các thành phố mới giải phóng.
Tiếp đó là sai lầm nghiêm trọng trong giảm tô, cải cách ruộng đất đợt
cuối ở miền Bắc đã xử trí oan chết người đối với nhiều nghìn đảng viên
Đảng Lao động, trong đó phần lớn đã có công lao trong 9 năm kháng chiến
chống thực dân Pháp. Cuộc đấu tranh "chống bọn phản động Nhân Văn Giai
Phẩm" đã làm thui chột không biết bao nhiều tài năng về văn hóa văn nghệ
của đất nước, mãi cho đến bốn năm chục năm sau, chính Đảng và Nhà nước
phải thừa nhận những văn nghệ sĩ trong "Nhân Văn Giai Phẩm" là những
người thực sự có tài và sản phẩm tinh thần của họ để lại xứng tầm lịch
sử và họ đều được giải thưởng lớn quốc gia. Chỉ tiếc rằng hầu hết những
người này đã chết vì già yếu, vì bị đối xử tàn tệ và bị "kết án" không
án suốt nửa thế kỷ...
Nếu như Đảng lãnh đạo tuyệt đối đúng trong tất cả mọi trường hợp, mọi
lĩnh vực thì nhân dân ta đâu phải chịu nỗi oan khốc nặng nề như cải
cách ruộng đất ở miền Bắc 1956 ? Nếu đường lỗi hợp tác hóa nông nghiệp
của Đảng tuyệt đối đúng thì làm sao chúng ta lại có được "Chỉ thị 100
TƯ" làm sáo có được "Khoán 10" như là một sự sửa sai của đường lối hợp
tác hóa nông nghiệp không xuất phát từ đặc điểm dân tộc và giai cấp ở
Việt Nam mà lại đi áp dụng triệt để cái của người khác vào đất nước mình
mới có sai lầm như vậy. Nếu không có "đổi mới" năm 1986 mà thực chất là
trở lại mầu sắc của "chủ nghĩa tư bản thời sơ khai" thì làm sao chúng
ta có được 45 triệu tấn thóc không những đủ ăn cho 90 triệu dân mà còn
có dư để xuất khẩu gạo đứng thứ nhất thứ nhì thế giới ? Nếu sự lãnh đạo
của Đảng tuyệt đối và toàn diên, nhất là đường lối của Đảng chính sách
của đảng bao giờ cùng tuyệt đối đúng thì làm sao nhân dân ta lại bị
nhiều oan trái như vậy?
Rồi những năm gần đây, do suy thoái về chính trị tư tưởng, do hoạt
động dữ dội của các nhóm lợi ích vừa hữu hình vừa vô hình, đã để xảy ra
"một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên tham nhũng, lãnh phí quan liêu
xa dân và ức hiếp dân, làm xói mòn có thể làm đổ vớ lòng tin của dân
chúng đối với Đảng. Nhiều vị lãnh đạo cao của Đảng trong đó có Ngài Tổng
Bí thư cũng đã dũng cảm thừa nhân "tham nhũng như bầy sâu", "nhìn vào
đâu cũng thất tiêu cực" và Bà Phó Chủ tịch nước đã cay đắng nói rằng "
người ta "ăn" không từ một cái gì !" ...Vậy thì tại sao lại có việc bằng
giả bằng thật, mua quan bán chức, hố sâu ngăn cách giầu nghèo. Cùng
dưới sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng, mà sao lại có những
đảng viên có tiền triệu đô la mua nhà sang "tặng bồ"?
Phải chăng, các sếp lớn nhỏ của Đảng hiện nay việc "cặp bồ" là thói
chơi thời thượng mà khi còn sống Bác Hồ của chúng ta vô cùng căm ghét
thói "hủ hóa" trong cán bộ đảng viên. Không phải ngấu nhiên mà những năm
đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp Bác Hồ phải thức trắng đêm trước
khi ký y án tử hình Trần Dụ Châu, một cán bộ hậu cần quân đội thoái hóa
biến chất dẫn đến sa đọa cùng cực làm hại chiến sĩ. Ngày nay, tham nhũng
nhan nhản như "quân Nguyên" mà ban bệ bài binh bố trận rất hùng hậu,
cuối cùng chưa có diệt được "con sâu bự nào !" mà chỉ mới bắt được một
vài mèo con hoặc là chuột nhắt. Chưa thấy vị lãnh đạo cao nào của chúng
ta thừa nhận sai lầm và dũng cảm từ chức cho dân nhờ !
Cho nên hiểu như thế nào cho đúng lời huấn thị của Ngài Tổng Bí thư
về bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng đối với Nhà nước
và xã hội ? Theo tôi được biết thì chỗ nào cũng có Đảng lãnh đạo thì tại
làm sao lại có mấy chục vạn nữ thanh niên bỏ ra nước ngoài tìm chồng
rồi trong số đó phải làm dâu làm vợ những ông già thần kinh và hầu hạ
những kẻ ốm yếu không quen biết đã gần đất xa trời, làm sao đất nước lại
có đến hơn 30 vạn "gái làm tiền" do đâu, do hoàn cảnh đưa đẩy hay do
chị em thích cái trò khỉ ấy ? Con người sinh ra đâu phải để làm cái trò
tệ hại ấy ? để rồi bị liệt vào "tệ nạn xã hội" và bị chống lại và "ăn
chia" không ít với họ
Thưa Ngài Tổng Bí thư, dư luận đang xôn xao về một số vụ án oan sai,
có vụ oan 10 năm bị giam cầm khổ ải, có vụ bị oan có thể dẫn đến tử hình
(may mà chưa thi hành án). Hàng nghìn vụ án oan khác nữa chứng tỏ nền
tư pháp của ta chưa trong sáng, chưa có luật pháp thật công bằng và nhất
là coi mạng người như con sâu cái kiến. Vậy Đảng lãnh đạo tuyệt đối sao
không lãnh đạo việc này cho minh bạch, không để oan sai một trường hợp
nào. Rồi việc xác định sở hữu đất đai thuộc toàn dân đã gây ra không
biết bao nhiều đau khổ thất cơ lơ vận vì đất thậm chí đổ máu vì
đất...Bao giờ thì lòng dân mới yên ?
Nếu còn Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì chúng tôi sắp sửa về với
Tổ tiên của mình chỉ mong Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện đúng đắn
và không bỏ sót một người nào, một lĩnh vực nào không được hưởng ân huệ
từ sự lãnh đạo của Đảng, để ít thập kỷ nữa, cùng lắm là một thế kỷ nữa
ta có thể theo kịp một số nước bầu bạn trong khu vực chứ chưa nói đến
các nước hiện đại trên thế giới, phải không Ngài Tổng Bí thư ? Mong lắm
thay ! Dân Việt chúng tôi quen sống bằng cơm gạo và nước uống hằng ngày
không quen sống bằng những khẩu hiệu với những ngôn ngữ hùng hồn và hoa
mỹ !
Nguyễn Mộng Hoài