Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Vì sao tòa án “nương tay” với thanh niên yêu nước?

Hòa Ái, phóng viên RFA



Sinh viên Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên tại phiên xử sáng ngày 16/05/2013 ở Tòa án Nhân dân tỉnh Long An.
Trong thời gian vừa qua, các bản án xét xử của tòa án Tỉnh Long An dành cho các thanh niên như Đinh Nguyên Kha, Đinh Nhật Uy và Nguyễn Phương Uyên được cho là chính quyền Hà Nội có động thái nhượng bộ với những người hoạt động và đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam.

Do quốc tế can thiệp?

Những hình ảnh về nụ cười hạnh phúc của Đinh Nhật Uy trong vòng tay bạn bè ngay sau khi phiên tòa xét xử tại tỉnh Long An kết thúc vào khoảng 12 giờ trưa ngày 29/10/13 được lan truyền khắp các trang mạng xã hội không chỉ làm ấm lòng cho người mẹ của anh, bà Nguyễn Thị Kim Liên, mà còn an ủi rất nhiều cho những gia đình có thân nhân đang trong vòng lao lý với tội danh “tù nhân lương tâm” ở khắp các trại giam từ Bắc tới Nam.

VN đang trên xu thế hòa nhập với thế giới, không thể tách rời với thế giới cho nên VN phải chấp nhận những yêu sách yêu cầu mà quốc tế đưa ra nếu không muốn đơn độc.
» Bạn Sơn
Trước đây không lâu, hồi tháng 8, những người quan tâm cũng chưa quên hình ảnh của nữ sinh Nguyễn Phương Uyên được phóng thích ngay tại tòa với bản án 3 năm tù treo cùng với bản án tù dành cho Đinh Nguyên Kha được giảm nhẹ hơn so với bản án sơ thẩm. Những thanh niên này lên tiếng trước tòa rằng mình vô tội vì đã đấu tranh cho chủ quyền lãnh thổ Việt Nam do sự xâm lược của Trung Quốc, đấu tranh cho quyền lợi của người dân bị xâm phạm và đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực. Mặc dù vậy, họ vẫn phải nhận lãnh những bản án mà công luận cho là “tùy tiện” và “phi lý”. Thế nhưng, với những bản án trong thời gian ngắn 2 tháng vừa qua, nhiều người cho rằng Nhà nước Việt Nam tỏ dấu “nhẹ tay” hơn với những người bất đồng chính kiến và đấu tranh dân chủ ôn hòa ở trong nước. Bạn Đinh Công Thủ, 1 bạn trẻ ở Saigon cho biết cảm nghĩ của mình:
“Theo cách nhìn của em, những bản án vô lý đó, không có tội gì mà họ buộc tội thì miễn bàn. Nhưng theo em nghĩ kết quả của những bản án xét xử vừa rồi thì đó là chính quyền Việt Nam bắt đầu nhượng bộ trước phong trào dân chủ, phong trào tự do ngôn luận hay đòi quyền con người”.

Anh Đinh Nhật Uy, sau khi rời khỏi tòa án vào ngày 29 tháng 10 năm 2013. Photo by Bạch Hồng Quyền.
Vì sao Nhà nước Việt Nam lại tỏ dấu nhượng bộ như nhận xét của người bạn trẻ vừa nêu? Có phải những người điều hành quốc gia bắt đầu thay đổi cách nhìn đối với những người góp tiếng nói dù khác biệt cho một Việt Nam được tiến bộ văn minh hơn? Hay có phải vì chính quyền Hà Nội phải nhượng bộ trong thời gian ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2013-2016? Hay còn vì nguyên nhân nào khác nữa? Bạn Khúc Thừa Sơn ở Đà Nẵng cho đài ACTD biết một trong những tác động tích cực lên Nhà nước Việt Nam hiện nay là nhờ vào sự can thiệp của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Nhân quyền Quốc tế, Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Phóng viên không Biên giới cũng như của Chính phủ Hoa Kỳ... Bạn Sơn nói:
“Họ quan tâm nhiều lắm. Hầu như mỗi một động thái, một hành động mà chính quyền Việt Nam áp đặt lên người dân Việt Nam đặc biệt trong công cuộc đấu tranh của những bạn trẻ vì nước Việt Nam thì hầu như tất cả các cơ quan quốc tế ngay lập tức đồng loạt lên tiếng ủng hộ, bênh vực cho các bạn trẻ ngay. Đặc biệt là tiếng nói của Hoa Kỳ gây áp lực lên chính quyền Việt Nam một cách mạnh mẽ. Trong thời buổi này, Việt Nam đang trên xu thế hòa nhập với thế giới, không thể tách rời với thế giới cho nên Việt Nam phải chấp nhận những yêu sách yêu cầu mà quốc tế đưa ra nếu không muốn đơn độc”.

Bất chấp luật pháp

Bên cạnh những ý kiến cho là Nhà nước Việt Nam tỏ dấu hiệu nhượng bộ thì vẫn còn có ý kiến không đồng tình. Trao đổi với Hòa Ái vào tối 30/10, ông JB Nguyễn Hữu Vinh nhận thấy Nhà nước Việt Nam khi hành xử thế này lúc hành xử ngược lại. Ông JB Nguyễn Hữu Vinh nói chính quyền Hà Nội bất chấp luật pháp, bất chấp những nguyên tắc tố tụng để tuyên án đối với những người đấu tranh, những người bất đồng chính kiến mà Nhà nước không thích:
Một khi nhà nước không hành xử theo 1 nguyên tắc pháp luật nhất định, không hành xử theo những định chế của pháp luật quy định đối với công dân thì Nhà nước đó thể hiện sự bất lực của mình.
» JB Nguyễn Hữu Vinh
“Tôi nghĩ rằng qua phiên tòa đối với Đinh Nhật Uy thì bản án đó rất nặng nề chứ không thể nói rằng nhẹ hơn được. Tức là vấn đề không phải ở chỗ người này phạm tội gì, người kia phạm tội gì hoặc chiếu theo điều luật nào phải vào khung hình phạt nào, phải xử sự như thế nào mà đó chỉ đơn giản vì người đó là ai và thái độ của người đó như thế nào bởi vì Nhà nước có thích họ hay không để mà hành xử. Một khi nhà nước không hành xử theo 1 nguyên tắc pháp luật nhất định, không hành xử theo những định chế của pháp luật quy định đối với công dân thì Nhà nước đó thể hiện sự bất lực của mình. Do vậy, chuyện tại sao các bạn trẻ được xử sự như thế này, luật sư Lê Quốc Quân được xử sự như thế kia thì rất đơn giản vì luật sư Lê Quốc Quân không được Nhà nước thích hoặc ghét nhiều hơn hoặc cảm thấy nguy hiểm cho họ hơn so với những người trẻ. Nhưng điều đó nói lên cách hành xử như thế nào thì cho thấy bản chất của sự việc”.
Trong khi nhiều người tin vào cơ sở Nhà nước Việt Nam không có lựa chọn nào khác hơn là thay đổi tình trạng vi phạm nhân quyền đối với người dân nhằm mục đích ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2013-2016 cũng như hòa nhập vào cộng đồng thế giới thì vẫn còn nhiều suy nghĩ e ngại Việt Nam chẳng có thay đổi gì theo như lời kể trước đây của nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn khi lên tiếng Nhà nước vi phạm điều 19 của công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị và điều 19 của tuyên ngôn quốc tế nhân quyền đối với nhà văn thì lại nhận được câu trả lời từ trưởng đoàn thanh tra, ông Trần Minh Thái rằng “chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có tham gia công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị nhưng chúng tôi không trực tiếp áp dụng công ước quốc tế đó vào sinh hoạt của người dân”.
Qua những chia sẻ của các bạn trẻ ở trong nước với đài ACTD, họ cho biết dù Nhà nước Việt Nam có thay đổi cách hành xử đối với những người hoạt động cho quyền con người và tự do ngôn luận tại Việt Nam hay không thì niềm tin vào phong trào đấu tranh cho dân chủ và công bằng để đất nước Việt Nam được tốt đẹp hơn trong tương lai không bao giờ bị dập tắt. Vì đây là một cuộc đấu tranh chính nghĩa cho dân tộc nên không có bất cứ điều gì có thể ngăn cản được sự lan tỏa trong mỗi tấm lòng con dân đất Việt.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"