Phạm Chí Dũng
Dịch hạch và dịch tả
2013 là một năm kỳ diệu và không kém phần kỳ quặc. Lần đầu tiên Nhà
nước Việt Nam được “đặc cách” vào Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc với
96% phiếu thuận - một tỷ lệ chỉ có thể so sánh với công tác bầu bán vào
thời thịnh trị của chính thể luôn đau đáu với điều 4 Hiến pháp, hoặc
ngang ngửa với con số mà Tổng thống Saddam Hussein nhận được trong cuộc
bầu cử cuối cùng trước khi ông bị lật đổ ở Iraq.
Toàn bộ giới ngoại giao, tuyên giáo và báo chí khối đảng lại một lần
nữa bày tỏ thái độ đắc thắng trước các “thế lực thù địch”. Một tuyên
truyền viên cao cấp ngay lập tức cho rằng thành công vào Hội đồng nhân
quyền của Nhà nước Việt Nam là một đòn mạnh giáng vào luận điệu xuyên
tạc của những thế lực không mấy trong sáng đó.
Trước đó, một trong những “thế lực thù địch” - ông Vũ Quốc Dụng,
nguyên tổng thư ký Hiệp hội nhân quyền quốc Tế, ISHR (Đức), ẩn dụ rằng
theo một câu châm ngôn của Tây phương, sẽ chỉ là một sự chọn lựa giữa
bệnh dịch hạch và bệnh dịch tả nếu bất cứ quốc gia nào được bầu dù là
Trung Quốc, Ả Rập Xê Út hay Việt Nam.
Câu châm ngôn độc địa trên lại bị xem là phát tác không thể tốt lành
hơn trên mảnh đất tuyên giáo màu mỡ Việt Nam. Dù giữ thái độ im lặng và
biểu tả tự ti một cách rất không bình thường trước thời điểm Nhà nước
“lên bàn mổ” của Hội đồng nhân quyền, các báo đảng lại đồng loạt vỡ òa
niềm vui ngay sau đó.
Cường điệu và khoa trương đến mức bất chấp liêm sỉ cũng là một căn
bệnh luôn được định dạng như một thói tật rất, rất thiếu trong sáng của
người Việt.
“Dân khốn khổ đến tận cùng rồi!”
“Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền con người” là một khẩu ngữ mang tính thể diện duy nhất để đối phó với bất kỳ thế lực vô liêm sỉ nào.
Việt Nam nào?
Và quyền con người cho ai?
Cùng thời gian diễn ra cuộc bầu bán ở Hội đồng nhân quyền Liên hiệp
quốc, vụ việc 10 năm tù oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở một vùng nông
thôn miền Bắc đã nổ ra. Một kiểm sát viên có thâm niên thổ lộ rằng đó
chỉ là vụ hãn hữu được phát hiện, nằm trong rất nhiều án oan khác còn
phải trình diện mỗi buổi sáng trong các buồng giam tối mít.
“Tui chẳng biết hội đồng nhân quyền là cái gì, mấy ông chính
quyền vô đó làm chi. Chỉ thấy rằng mấy ổng đã làm cho dân khốn khổ đến
tận cùng rồi!” - một bà lão dân oan đất đai, người ròng rã mang đơn
khiếu kiện từ Nam chí Bắc cả hàng chục năm qua và còn bị công an xô dập
mặt, hổn hển thốt lên.
Từ khóe mắt bà thảng thốt tuôn lăn những giọt nước mắt.
Rất, rất nhiều trường hợp oan trái lẫn đau xót như thế đã hầu như
không được các cơ quan phát ngôn của Đảng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và
Mặt trận Tổ quốc nhắc đến.
Cũng không một lần, các tờ Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Công An Nhân
Dân và Đại Đoàn Kết dám nói lên tiếng lòng xé ruột của dân chúng về bản
chất lobby chính sách về thu hồi đất đối với các dự án kinh tế xã hội -
tác nhân đã gây ra biết bao thảm cảnh tột cùng cho một tầng lớp dân oan
thời đại cùng tư tưởng sống chết giữ đất.
Ngay cả hàng loạt vụ xả lũ thủy điện như một cách “giết sống” đến vài
chục người người dân vùng rốn lũ mà đã dồn dập xảy ra trong thời gian
“kinh tế - xã hội vẫn cơ bản ổn định” của Quốc hội thứ 6 khóa XIII - nơi
đang tìm mọi cách rút ngắn chặng đường sửa đổi Hiến pháp, cũng không
làm cho các đại biểu dân bầu động lòng. Còn báo đảng cũng theo đó mà
chìm vào một trạng thái mà người dân Hà Nội thường chì chiết: cấm khẩu.
Hoặc đã gần một phần tư thế kỷ lặng cúi từ khi Hiến pháp 1992 ban
hành, nhưng điều không thể hiểu nổi là những chủ đề thiết thân về quyền
con người như Luật biểu tình, Luật lập hội, Luật trưng cầu dân ý vẫn chỉ
gục đầu trên bàn nghị sự của gần 500 nghị viên.
Rất, rất nhiều chuyện cần và phải được đặc tả về thực hư quyền con
người ở Việt Nam, kể từ thời điểm 1982 khi quốc gia này ký kết Công ước
quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, hoặc không ít cái chết của dân
thường trong các đồn công an mà đã làm nên một sắc thái ngọt ngào cho
gương mặt nhân quyền của chế độ trên trường quốc tế.
Hương sắc ngọt ngào ấy lại là một nghịch lý của hệ thống báo đảng:
trong khi vồ vập phát bài về “thắng lợi chính trị và ngoại giao” và điều
được coi là thành tích vào Hội đồng nhân quyền, chẳng mấy tin tức xuất
hiện trên báo đảng về câu chuyện Nhà nước Việt Nam rốt cuộc đã phải ký
Công ước quốc tế về chống tra tấn.
Cũng không hề đề cập đến chi tiết việc ký Công ước chống tra tấn chỉ
diễn ra 5 ngày trước khi Liên hiệp quốc xem xét cho giới lãnh đạo đầy
tham vọng của Việt Nam một cái ghế trong Hội đồng nhân quyền - như một
chủ trương đối thoại thay cho đối đầu của cơ quan làm nhiệm vụ hài hòa
thế giới.
Và càng không có bất kỳ thông tin nào về những cái chết luôn bị lấp liếm là “đột tử” của người dân trong đồn công an.
Cũng như câu chuyện buôn bán người nhan nhản và còn hơn cả nhẫn tâm đang tràn ngập ở các địa phương trên đất nước này…
Quyền con người cho ai? Hoặc vì ai?
Cái áo không làm nên thày tu
Sự khác biệt còn lại chỉ là thái độ nhận biết và biểu hiện “tẩy chay”
của báo chí phi lề đảng, làm nên một biên giới chưa từng thấy với giới
tuyên giáo và nội bộ báo đảng.
Chiếm ít nhất 90% trong tổng số gần 1.000 báo in và báo điện tử ở
Việt Nam, tuyệt đại đa số báo giới đã đồng loạt không đăng phát bài về
sự kiện Nhà nước Việt Nam được bước qua khe cửa Hội đồng nhân quyền.
Bất chấp định hướng tuyên truyền đầy khích lệ của Ban tuyên giáo
trung ương, một số tờ báo đã chỉ xếp tin tức “Luôn tôn trọng và bảo đảm
quyền con người” vào mục tin vắn, cùng chỗ với loại tin thu hút nhiều
người đọc như vụ một nhà sư giết người tình rồi phi tang xác chết…
P. C. D.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN