Diên Vỹ chuyển ngữ
Tôi đến đây vào ngày 19 tháng Mười và được chào đón với mẩu tin
này: Thời tiết lạnh, thiếu gió cộng với việc sưởi ấm bằng than đá và
nông dân đốt đồng sau vụ mùa đã tạo ra một cơn bão ô nhiễm hoàn hảo tại
thành phố công nghiệp Cáp Nhĩ Tân thuộc miền đông bắc với dân số 10
triệu người. Tình hình tệ đến nỗi các tài xế xe buýt bị lạc vì những con
đường bị sương bụi phủ kín khiến họ chỉ trông thấy được vài mét phía
trước. Trang mạng chính thức của thành phố Cáp Nhĩ Tân đã cảnh báo rằng
‘khi lái xe phải bật đèn pha, không được lái quá tốc độ của người bộ
hành và liên tục nhấn còi vì người lái không thể thấy được giao thông
trước mặt vài mét.’”’
Đài Quan sát Địa cầu của cơ quan NASA cho biết rằng một số khu vực ở
Cáp Nhĩ Tân “đã có thành phần tập trung lượng phân tử vật chất nhỏ
(PM2.5) cao đến mức 1.000 microgram trong mỗi một mét khối. Trong khi
đó, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ nói rằng tiêu chuẩn khí thở an toàn
phải chứa lượng PM2.5 thấp dưới 35 microgram mỗi mét khối.” Có nghĩa là
Cáp Nhĩ Tân cần cắt giảm 97 phần trăm lượng ô nhiễm để đạt được mức độ tối cao
mà chính quyền Mỹ cho phép. NASA nói rằng các bệnh viện Cáp Nhĩ Tân cho
biết đã có “30 phần trăm trường hợp nhập viện liên quan đến vấn đề hô
hấp, và một số nhà thuốc ở Cáp Nhĩ Tân đã bán sạch các mặt nạ chống ô
nhiễm.” Ca sĩ nhạc jazz người Mỹ Patti Austin đã huỷ bỏ buổi trình diễn
tại Bắc Kinh đầy bụi khó vì bị “chứng suyễn trầm trọng cùng với hệ thống
hô hấp bị nhiễm trùng,” trang mạng của ban tổ chức cho biết.
Vì thế không gì ngạc nhiên khi tại buổi họp mặt của các nhà hoạt động
bảo vệ môi trường tại Thượng Hải được bảo trợ bởi cơ quan Hợp tác về
Năng lượng Sạch Hoa Kỳ - Trung Quốc (JUCCCE) mà tôi đã tham dự, phần lớn
câu chuyện giữa các ông bố bà mẹ là việc nên sống ở đâu tại Trung Quốc,
lúc nào thì cho con ra ngoài chơi và nên tin vào loại thức ăn nước uống
nào. Trong khi trao đổi tin tức về cơn “Đại nạn không khí” vài ngày sau
đấy, Hal Harvey, tổng giám đốc công ty Energy Innovation, hiện đang làm
việc với chính phủ Trung Quốc để tìm cách đưa chất lượng khí thở quốc
gia này nằm trong tầm kiểm soát, đã đưa ra một câu hỏi đáng suy nghĩ:
“Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc đạt được mọi tiêu chuẩn của một nền
kinh tế thành công ngoại trừ một điều: Bạn không thể sống ở đấy được.”
Thật thế, tốt đẹp gì khi có những ngôi nhà mới lộng lẫy nhưng lại bị
giam chặt trong đấy? Tốt đẹp gì nếu sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung
Quốc đã giúp bốn triệu người dân ở Bắc Kinh tậu được xe riêng cho mình
nhưng lưu thông lại tắc nghẽn? Tốt đẹp gì nếu thu nhập bình quân đầu
người của Trung Quốc đã tăng đến mức để hàng chục triệu người nông dân
nghèo khổ ngày xưa giờ đây có thể ăn thịt và uống sữa nhưng lại không
dám tin vào các thương hiệu? Tốt đẹp gì với những con số GDP tăng vọt
nhưng lại chẳng khó khí lành để thở?
Trung Quốc đã xây dựng một phần cứng đầy ấn tượng trong 30 năm qua -
những thành phố, đường xá, sân bay, cảng biển và hệ thống viễn thông
hiện đại - đưa người dân ra khỏi mức sống nghèo khổ nhanh hơn bất kỳ
quốc gia nào trong lịch sử thế giới. Người dân Trung Quốc có thể tự hào
về nhiều điều. Tuy nhiên, mọi nền kinh tế khoẻ mạnh đêu dựa trên một môi
trường khoẻ mạnh. Trung Quốc sẽ chững bước nếu Chủ tịch Tập Cận Bình và
chính quyền của ông không xây dựng phần mềm - những luật lệ, toà án và
qui tắc được hiến pháp hoá - để có thể bảo đảm rằng những phát triện
trên sẽ không bị ảnh hưởng bởi một cơn dịch bệnh về cưỡng đoạt đất và
không khí dơ bẩn.
Điều này thì nói dễ hơn làm. Trung Quốc là một chế độ độc đảng mà bên
trong có vô số phe lợi ích cạnh tranh nhau. Những nhà lãnh đạo đảng
nào ở Bắc Kinh thức tỉnh hơn có thể tuyên bố rằng “Chúng ta phải dọn
sạch môi trường,” nhưng họ vẫn phải chờ những vị lãnh đạo địa phương -
những người mà phần thưởng của họ tuỳ thuộc hầu hết vào việc thúc đẩy sự
tăng trưởng kinh tế - “để nhận định những quyền lợi môi trường ít nhất
phải mạnh ngang bằng với quyền lợi kinh tế,” Harvey nói. Điều này đòi
hỏi việc áp đặt giá trị thực và giao phó quyền và sức mạnh hiến định
thực sự cho những ai trong chính quyền tin rằng việc bảo vệ các yếu tố
chung - không khí, nước, đất, an toàn thực phẩm - cũng quan trọng tương
đương với việc phát triển chúng, giống như việc có được các chất liệu
tốt để làm chiếc bánh cũng quan trọng như việc làm chiếc bánh lớn ra.
“Nói cho cùng,” Harvey nói, “nếu chiếc bánh không ăn được, thì việc nó
lớn bao nhiêu không còn là vấn đề nữa.”
(Chúng ta cũng cảm ơn số phận may mắn của mình khi có được những
người Mỹ nhìn xa trông rộng, từ năm 1970, họ đã thành lập những cơ quan
bảo vệ không khí và nước uống. Lần sau nếu bạn nghe ai dèm pha cơ quan
EPA (Environmental Protection Agency - Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa
Kỳ), cứ mời họ đến sống ở Cáp Nhĩ Tân trong một tuần.)
Peggy Liu, người sáng lập tổ chức JUCCCE, hiện đang làm việc với giới
tiêu thụ, giới sản xuất và giới hành chánh Trung Quốc để định nghĩa và
tiến hành một “Giấc mơ Trung Quốc” phù hợp hơn, và phải khác với giấc mơ
Mỹ với căn nhà, chiếc xe và một nền kinh tế chuyên xả rác cho mọi
người. Tôi cho rằng việc xây dựng một nền hậu thuẫn hiến định cho một
giấc mơ Trung Quốc phù hợp hơn là điều quan trọng nhất mà Chủ tịch Tập
có thể làm.
“Trung Quốc không cần phải có những con sông đỏ rực chất thải công
nghiệp, hoặc những hồ nước và bờ biển phủ đặc tảo xanh, hoặc 18 nghìn
con lợn chết vì nhiễm trùng nổi lềnh bềnh trên sông Hoàng Phố,” bà Liu
viết. “Chúng ta không cần phải kiểm tra chỉ số chất lượng khí thở bằng
ứng dụng trên điện thoại mỗi ngày để quyết định có nên cho con cái mình
ra ngoài chơi hay không. Không nên có thêm những trẻ em Trung Quốc lần
đầu tiên ra nước ngoài lại hỏi: “Mẹ ơi, tại sao bầu trời xanh thế?...
Trung Quốc có thể tốt đẹp hơn thế. Trung Quốc cần phải tự mở con đường
riêng cho mình để hướng đến một cuộc sống sôi động và một cộng đồng ổn
định - một con đường bền vững lâu dài. Nếu chúng ta không làm sớm điều
này, chúng ta sẽ có được một Cơn Ác mộng Trung Quốc. Và chắc chắn rằng
một Ác mộng Trung Quốc sẽ là một ác mộng của thế giới.”