Thanh Thượng phương bảo kiếm đang chỉ hua trong không khí. Chém ai, chém vào đâu được khi giờ đây, trên đầu những người tố cáo đang lơ lửng lưỡi gươm damocles
4 năm sau khi nhận lời chúc từ Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Thiện Nhân “giữ mãi được chữ nhân của người VN, chữ nghĩa của phận làm cha và chữ đức của người làm thầy”, thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã buộc phải giã từ ngôi trường Vân Tảo.
Mái tóc xanh năm nào của “biểu tượng cuộc chiến chống tiêu cực” trong ngành giáo dục đã nhuốm bạc sau chỉ 4 năm. “Người đương thời” một thời bấy giờ bảo việc ông phải giã từ ngôi trường đã thân thuộc là “một quyết định khó khăn”. Nhưng ông không còn sự lựa chọn nào khác. “Tôi cũng thấy “đấu tranh” chán quá rồi, không “đấu” được nữa”.
Không bạc tóc không được khi sau vinh quang của chiến thắng, là sự cô độc khi người ta tránh ông như tránh… hủi. Sau thăm hỏi, chúc tụng, tung hô, người ta tung tin bôi xấu ông như một kẻ tâm thần “lúc nào cũng kè kè cái máy ghi âm”. Áp lực của miệng lưỡi đến nỗi cô con gái nhiều lúc đã không dám nhận là con bố Khoa. Cô đơn, giống như sự tẩy chay, đến nỗi người vợ có lúc như phát điên, định bế con đi khỏi nhà.
Sau đấu tranh là cô đơn.
Sau đấu tranh là tẩy chay.
Sau đấu tranh là bị trả thù.
Sau đấu tranh là bi kịch.
Và Bi kịch của Thầy Khoa cũng chính là bi kịch chung của những người đương đầu với tiêu cực, tham nhũng.
Sáng nay, trước nghị trường, ĐBQH Lê Như Tiến đã khảng khái nói thẳng 4 chữ “Nợ xấu niềm tin” như một món nợ, một hệ quả, một phái sinh của cuộc chiến chống tham nhũng. Và vì thế, cần một thanh Thượng phương bảo kiếm, vừa để chém giặc nội xâm tham nhũng, vừa như một biểu tượng bảo vệ những người tố cáo.
“Có một hiện tượng đáng buồn là Người dân đã thờ ơ, không mấy mặn mà, thiếu lửa, giảm nhiệt” khi những thông tin tham nhũng hoặc không được xử lý hoặc rơi tõm xuống hố sâu của sự “im lặng đáng sợ”.
Đó là món “nợ xấu” khi người đấu tranh đôi khi lại là nạn nhân của kẻ tham nhũng với việc “kẻ tham nhũng, vốn có tiền, không từ một thủ đoạn đê hèn nào, từ gây ra TNGT, ngụy tạo chứng cớ, tố cáo ngược người chống tham nhũng, lén bỏ ma túy vào nhà, vào xe, giương bẫy tình, bắt cóc người thân. để đây áp lực”.
Đó là tình trạng “Người tố cáo trở thành đơn thương độc mã”.
Đó là tâm lý xã hội người ngay sợ kẻ gian, tâm lý thờ ơ, vô trách nhiệm hoặc makeno”.
Có người ví hiệu quả của cuộc chiến chống tham nhũng như những viên đạn không đầu.
Có người giải thích thanh Thượng phương bảo kiếm đã được rút ra nhưng không biết chém vào đâu khi mà “một bộ phận không nhỏ” ở đâu đó, khi- nói như ông Lê Như Tiến- “Xung quanh chúng ta toàn đồng chí tốt, bộ phận không nhỏ ở nơi khác, cơ quan khác, ngành khác, địa phương khác”.
Hầu hết các vụ tham nhũng đều được phát hiện từ những người tố cáo. Nhưng khoản “nợ xấu niềm tin” hay lẽ công bằng cho những người dân dũng cảm chừng nào còn chưa trả được thì chừng đó thanh thượng phương bảo kiếm vẫn chỉ hua trong không khí mà thôi.
Chém ai, chém vào đâu được khi giờ đây, trên đầu những người tố cáo đang lơ lửng lưỡi gươm damocles.