Người Buôn Gió
Ngày xửa ngày xưa có cậu bé nghèo tên là Vệ. Bố mẹ mất sớm, Vệ phải
đi làm thuê chăn trâu cắt cỏ cho nhà tên địa chủ Thực. Hàng ngày cậu bé
Vệ phải dậy từ rất sớm để đưa đàn trâu ra bãi ven sông gặm cỏ. Đến
chiều tối lùa đàn trâu về chuồng, Vệ mới được nghỉ ngơi và tranh thủ học
được ít chữ. Cuộc sống khốn khổ cứ thế trôi đi, thoắt cái Vệ đã thành
một chàng trai khôi ngô cao lớn.
Cứ tưởng cuộc đời chàng Vệ mãi gắn bó cùng đàn trâu và bãi cỏ ven
sông. Nhưng vào một mùa thu, đúng năm chàng 18 tuổi thì xảy ra một
chuyện lạ.
Bữa đó Vệ vào một buổi chiều rất thanh bình, đàn trâu hiền lành đủng
đỉnh gặm cỏ trên bãi cỏ xanh mướt, những con sáo đậu trên lưng trâu loi
choi tìm con bọ. Nước sông chảy êm đềm. Chàng Vệ ngồi thổi sáo vi vu.
Bỗng nhiên từ bên kia sông có một con thuyền ập vào bờ. Một cụ già râu
dài, mắt sâu, trán rộng, má hóp bước lên bờ. Cụ già vẫy tay gọi Vệ lại
gần hỏi han tình cảnh của Vệ.
Vệ thấy cụ già phúc hậu, ăn nói dịu dàng, đoán là người tốt, bèn kể
hết sự tình là chẳng rõ bố mẹ là ai, chỉ nghe bà con nói lại là bố mẹ
mất sớm, được nhà Thực nuôi làm đầy tớ chăn trâu, cứ thế mà sống đến
giờ.
Cụ già nghe xong chuyện của Vệ, cụ móc túi lấy cái khăn tay chấm con
mắt bên phải, chấm con mắt bên trái, chấm bên nào xong bên mắt bên đó đỏ
hoe. Cụ chấm một lúc nữa thì thật lạ lùng, cả hai hốc mắt cụ rỏ ra hai
giọt lệ.
Vệ thấy cụ khóc tài tình, biết là thần nhân xuất hiện, bèn cúi đầu dâng bầu nước và mo cơm mời cụ xơi.
Cụ già ăn xong mo cơm, uống hết bầu nước, đứng dậy xoa đầu Vệ bảo:
- Con không phải là không có cha, mà con chưa tìm được cha con đó
thôi. Ta thương con tốt bụng, thật thà, ăn ở hiền lành, nên từ nay trở
đi ta nhận làm cha của con. Ta là thiên tướng thuộc phái nhà Sản được
trên trời phái xuống xứ này để cứu thoát những người như con khỏi cảnh
bóc lột của tên Thực gian ác. Giờ ta cho con cuốn sách này, con ráng học
và bảo mọi người cùng học, rồi có lúc sẽ dùng đến, ta sẽ quay lại với
con.
Nói rồi cụ vỗ đùi hét tiếng lớn, nhảy tót lên mũi thuyền. Lập tức con
thuyền quay ngược đầu sang bờ phía Bắc lao đi. Vệ nghe trong sương
chiều văng vẳng tiếng thơ ngâm.
Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng cụ phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn cụ
Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất
Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn cụ
Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất
Bốn phía nhìn không một bóng hàng tre
Từ ấy trong Vệ bừng nắng hạ, Vệ mang sách về nhà học ngày đêm, lại rủ
cả chúng bạn học cùng. Sách dạy rằng muốn thay đổi số phận mình đánh
đuổi tên Thực, tự mình làm chủ thì chỉ có cách mạng. Mà cách mạng là
phải có vũ khí. Muốn có vũ khí thì phải mua. Muốn mua thì phải có tiền.
Không có tiền thì mua chịu. Muốn mua chịu thì phải làm cam đoan. Muốn
làm cam đoan thì tất cả phải đồng lòng chọn một người đứng lên làm cam
đoan... Vệ và các bạn say sưa đọc cuốn sách chỉ đường cách mạng. Đọc đến
đâu hiểu đến đấy như là có thần nhân dẫn dắt. Được ba tháng thì Vệ và
các bạn ai cũng hiểu cả, lòng dạ sáng ngời chân lý, tinh thần hừng hực
khí thế cách mạng.
Đêm ấy Vệ nằm thấy cụ già báo mộng, ngày ấy, năm ấy sẽ qua sông. Dặn Vệ bảo dân tình ra đón.
Vệ mừng lắm, chàng chạy đi khắp xóm thì thụt báo tin cho mọi người.
Cả đêm chàng trằn trọc mong cha già của mình về. Đến sáng Vệ và mọi
người ra đến bờ sông chờ sẵn. Từ phía bên kia sông, một con thuyền lao
sang vun vút, trên đầu thuyền cụ già đứng hiên ngang, quắc thước, tay
cầm dao gọt khoai, tay cắp nách hòn gạch bọc trong tờ giấy ,miệng ngâm
thơ sang sảng.
- Đời bồi tầu lênh đênh trên sóng bể
Xa nước rồi mới hiểu nước đau thương.
Xa nước rồi mới hiểu nước đau thương.
Vệ nghe tiếng thơ quen, nhìn dáng quen bèn hô lớn:
- Cụ đã về rồi, cha già của chúng ta đã về rồi.
Mọi người xúc động, òa lên khóc nức nở. Khi cụ lên bờ, dẫm phải đống
phân trâu, cụ thò tay xuống gạt khỏi giày, bỗng nhiên đống phân trâu
thành đống đất thịt màu mỡ, thơm mùi cỏ ải quê hương. Cụ đưa nắm đất cho
mọi người ngửi, ai cũng thấy thơm mùi đất thịt. Tất cả đều nể phục biết
cụ là thần nhân thiêng tướng nhà trời giáng xuống để giúp dân.
Cụ già đặt hòn gạch xuống đất, hòn gạc biến thành một cái bàn đá quý
rất đẹp, tỏa sáng ngời. Cụ trải tờ giấy bọc hòn gạch lên bàn đá, tờ giấy
biến thành một cuốn luận cương của trời. Cụ lấy dao gọt khoai phạt mấy
ngọn cỏ dựng thành một căn nhà sản cực kỳ lộng lẫy. Mọi người đứng dưới
sàn nhà nghe cụ phân công công việc, ai nấy đều nghe rõ dạ vang trời.
Một sáng như đã hẹn, mọi người theo chân cụ đi lấy vũ khí từ dưới
sông do thuyền bên kia bờ mang đến theo lệnh cụ. Và tất cả tiến đến dinh
cơ tên Thực, đánh đuổi tên Thực và bè lũ. Sau đó suy tôn cụ lên làm
vua, còn gọi là cha già dân tộc.
Nhân dân cảm ơn công đức cụ, đều nhất trí để cho con cháu cụ truyền
ngôi đời này sang đời khác vĩnh viễn không thay đổi sang tay người khác,
gọi là nhà Sản. Còn đất nước thì đặt tên theo chàng trai mồ côi, gọi là
nước Vệ. Vì lúc cụ qua sông, xử dụng nhiều phép thuật cao cường như
biến cứt trâu thành đất, biến gạch thành bàn đá... toàn là chuyện dị
thường thường cả.
Bởi thế sau này, để ghi nhớ chuyện đó, người ta soạn ra sách Đại Vệ Chí Dị cho dễ nhớ.