Trần Đình Sử
Sách là kho tàng tri thức của dân tộc và nhân loại. Đọc sách là
phương thức tích lũy, phát triển, tiếp biến tri thức của nhân loại.
Phương tiện dùng để cố định, sản xuất và lưu truyền văn bản có tác dụng
hình thành các thói quen đọc sách và học tập của con người. Sự thay đổi
phương tiện lưu truyền văn bản và sự thay đổi điều kiện sinh hoạt kinh
tế, văn hóa cũng kéo theo sự thay đổi các thói quen đọc sách và học tập.
Có một nghịch lí là trong thời gian chiến tranh và thời kì bao
cấp, tuy đời sống kinh tế khó khăn, lương tiền ít ỏi, nhưng nhu cầu đọc
sách văn học nghệ thuật của xã hội ta rất cao. Sách văn học, sách dịch,
sách nghiên cứu có giá trị đều có số in khá lớn lớn. Ví dụ cuốn Hạnh phúc ngắn ngủi của Mắc com bơ của Hemingway in 15.000 cuốn, cuốn Mười nhà thơ lớn thế giới in 8.000 cuốn, cuốn Hải Triều bàn về nghệ thuật 6.000 cuốn, cuốn Hiện thực, nghệ thuật, con người của Khrapchenco in 6.100 cuốn…. Bạn đọc phải có phiếu mua sách, có thân quen mới mua được sách, đặc biệt là sách dịch văn học nước ngoài.
Bước vào thời kì kinh tế thị trường, nhu cầu nhân lực lên cao,
bằng cấp có giá trị để xin việc, thế là người đọc chuyển sang mục đích
thực dụng. Họ chủ yếu tìm đọc các sách tri thức, sách dạy kinh doạnh,
dạy quản lí, kế toán, sách công cụ như các loại từ điển, sách tham khảo
để dùng vào việc thi cử, do đó số lượng các sách đó tăng vọt. Chưa bao
giờ như bấy giờ các hiệu sách chất đầy các sách từ điển và các sách tham
khảo. Có nhà xuất bản lớn tự biến mình thành nhà kinh doanh sách tham
khảo cho học sinh. Các sách tri thức cao cấp bị coi là không có đầu
ra, thường bị các nhà xuất bản từ chối, nếu in thì chỉ 500 - 1.000 bản.
Nhu cầu tri thức thực dụng tăng vọt so với nhu cầu đọc để làm phong phú
đời sống tâm hồn. Văn hóa đọc của người Việt đã đổi thay đáng kể.
Bước vào thế kỉ XXI nhu cầu tri thức và thưởng thức có được chú ý
hơn trước, điều này khiến sách dịch văn học và tri thức cao cấp gia
tăng. Nhà xuất bản tri thức xuất hiện với tủ sách tri thức cao cấp là
một đóng góp to lớn đối với dân trí. Nhưng cảnh mua sách cũng rất lèo
tèo và số phận nhà xuất bản gặp nhiều khó khăn.
Vào thời kì phát triển các phương tiện điện tử, các trang mạng,
sách điện tử xuất hiện, tập quán đọc sách cũng thay đổi lớn. Mạng điện
tử là một thành kênh tuyệt vời của thời đại, nó không chỉ đem đến kênh
chữ, mà quan trọng không kém là có kênh hình, kênh tiếng, không chỉ
tranh ảnh mà còn cả phim ảnh sinh động, thoả mãn một lúc nhiều nhu cầu
của con người. Thêm nữa, mạng là không gian giao tiếp xã hội rộng lớn,
bao gồm các trang mạng cá nhân, các FB, các trang blog, các giao tiếp
ảo. Nó là không gian công cộng, đồng thời cũng là không gian cá nhân,
riêng tư. Các cá nhân có thể công khai các ý kiến cá nhân mà không cần
kiểm duyệt, thông tin rất bác tạp, đa chiều. Đặc điểm đó làm cho hoạt
động đọc mạng nhiều hơn đọc sách giấy. Bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tuổi
ban đêm thức say sưa lướt các trang mạng, hết trang này sang trang
khác, ngoài đủ loại thông tin còn có các hình ảnh, phim ảnh hấp dẫn.
Việt Nam hiện chưa có con số thống kê, song dựa vào con số thống kê của
tryền thông Trung Quốc cũng cho ta một hình dung khái quát về thực trạng
thay đổi chung. Theo tin Tân Hoa xã ngày 23 /4 /2013 cho biết tỉ lệ
sách giấy và sách điện tử dược đọc trong năm như sau: năm 2011 là 5/77,
năm 2012 là 6/74 quyển. Rõ ràng ưu thế thuộc về sách điện tử. Bạn đọc
cho biết đọc sách điện tử xong không cần mua sách giấy nữa. Như vậy là
đọc sách điện tử lấn át đọc sách giấy nhiều lần. Đặc biệt là đọc báo,
người ta có khuynh hướng đọc mạng thay cho đọc báo giấy. Điều này có lí
do của nó. Sách giấy để tốn chỗ, sách điện tử thì không tốn không gian,
giá sách. Sách điện tử giá rẻ hơn sách giấy nhiều. Đọc báo mạng có thể
tiếp xúc với thông tin nhiều chiều, khác hẳn đọc báo giấy chính thống có
thông tin một chiều. Sách giấy phụ thuộc vào số lượng, sách điện tử mua
mấy cũng không hết. Rất tiếc là hệ thống sách điện tử, thư viện điện tử
của chúng ta chưa phát triển. Không cung cấp tiện lợi cho người học,
người đọc như ở nước ngoài.
Có người rất lạc quan, cho rằng từ nay thư viện sách giấy không
còn mấy giá trị. Ở trường Đại học sư phạm Hà Nội, khi một giáo sư đem
tặng cho khoa ngữ văn bộ sưu tập toàn bộ tạp chí Văn hóa nghệ thuật mấy
chục năm từ khi ra đời, đã đóng thành tập kĩ lưỡng. Có giáo su đã chế
giễu: Sách giấy đã đến ngày tận số. Người ta sẽ đưa dữ liệu vào máy
tính, tìm nhanh, đọc nhanh, không ai tìm đến sách giấy nữa. Nhưng lạc
quan thế là tếu.
Sách và văn bản điện tử quả thật là rất tiện lợi. Tìm kiếm
nhanh, lưu trữ dễ. Tra cứu thuận lợi. Nhưng mặt khác chất lượng đọc sách
điện tử cũng như đọc mạng thường không cao. Đọc sánh điện tử, đọc báo
mạng thường không sâu, nhiều khi tạp. Nhiều trang mạng thông tin tạp
nham, linh tinh lấn át thông tin chính. Báo mạng thiên về thức ăn nhanh,
tin gây sốc, chú trọng ấn tượng cảm quan. Sa vào đó là giết hết thì
giờ. Đọc mạng người ta có ấn tượng đầy ắp nhưng vụn vặt rời rạc. Có
người nhận định phương tiện mạng tạo thành một thói quen đọc phiếm,
giống như nói chuyện phiếm, gặp đâu nói đó, đọc mạng gặp đâu đọc đó, dễ
mất đi sức tập trung, thiếu trọng điểm. Nếu không phải người có bản
lĩnh, dễ biến mình thành mảnh vụn, mảnh vỡ của thông tin mạng. Đây là
đặc điểm đối lập với thói quen đọc truyền thống. Đọc truyền thống do
lượng sách có hạn, mục đích cụ thể, đọc thường tập trung. Đặc biệt đối
với người nghiên cứu, đọc sách giấy vẫn có nhiều ưu thế không thay thế
được. Khi đọc sách giấy, người đọc có thể dọc đi đọc lại, đối chiếu
trước sau, trang trước trang sau đều hiện diện trước mắt, trong khi đó
sách điện tử lúc nào cũng chỉ hiện diện cái trang đang đọc, trang cần so
sánh đã khuất, khi có trang này thì mất trang kia. Ít nhất đối với tôi
là như vậy. Làm học thuật không chỉ cần đọc nhiều, chiếm lĩnh nhiều
thông tin, mà cần đọc sâu đọc kĩ một số sách hữu hạn, dở đi dở đi dở lại
nhiều lần. Trong trường hợp này sách giấy có ưu thế hơn cả.
Như thế, nếu chạy theo hứng thú, chỉ say sưa đọc mạng coi nhe đọc sách giấy thì chất lượng đọc nhất định bị sa sút.
Nhiều người thường viện dẫn thói quen đọc sách truyền thống thời
xưa. Chỉ mấy bộ Tứ thư ngũ kinh, mấy bộ chư gia tinh tuyển, đọc đi đọc
lại nghìn lần cho đến khi sách rách nát, người học cũng có thể trở thành
chuyên gia về tư tưởng, thành học giả đáng kính trọng. Điều này cho
thấy đọc sách thời điện tử rất đáng hâm mộ, đáng tận dụng các ưu thế của
nó, mà đồng thời cũng cần giữ thói quen đọc truyền thống, đào sâu vào
một số sách kinh điển trong nghệ của mình. Đối với loại sách kinh điển
này, tốt nhất là sách giấy.
Nguời đọc ngày nay không chỉ cần đọc mạng để biết rộng, mà còn
phải đọc sách kinh điển để biết sâu. Phát triển sách điện tử phải là một
chiến lược để đem lại nhiều sách tiện lợi giá rẻ cho người đọc. Mặt
khác sách giấy, đặc biệt là loại sách kinh điển thuộc các ngành khoa
học, nhất là khoa học nhân văn cần được phát triển nhiều hơn nữa để đáp
ứng nhu cầu học tập chuyên sâu. Sách điện tử và sách giấy sẽ có sự phân
công, đáp ứng nhu cầu học tập nghiên cứu của người hiện đại. Nhiều người
cho rằng đọc sách giấy giống như bữa ăn chính, còn đọc sách điện tử,
đọc mạng như là bữa ăn thêm, ăn phụ, ăm dặm, thường thực hiện vào những
lúc thời gian vụn vặt của ngày. Có người hiểu ngược lại. Câu trả lời còn
ở phía trước.
Theo dõi việc đọc sách trong thời gian ba mươi năm trở lại đây
ta thấy việc đọc sách giải trí tăng lên, đọc sách nghệ thuật cao cấp và
đọc sách kinh điển giảm xuống. Có người nêu danh sách 10 cuốn sách không
cần đọc trước khi chết, bao gồm Iliad, Odissey, Ulysse, Chuông nguyện
hồn ai, Chiến tranh và hòa bình, Kiêu hãnh và định kiến… thể hiện khuynh
hương coi nhẹ đọc kinh điển.
Để nâng cao văn hóa đọc điều quan trọng là cần đề xuất một danh
sách sách kinh điển cần được đọc để xây dựng nền tảng văn hóa nhằm đi
vào lĩnh vực chuyên sâu. Kinh điển là những tác phẩm vĩ đại, có sức tác
động mạnh mẽ đối với tâm hồn người, thể hiện sức sáng tạo lần đầu của
nhân loại, thể hiện trong các nền văn minh, các nền văn hóa có giá trị
bất hủ. Mỗi đất nước, tùy theo truyền thống văn hóa của mình mà đề xuất
cho người đọc nước mình một danh sách đọc tối thiểu. Người Trung Quốc
xem Thập tam kinh, Kinh thi, Sử kí, thơ Đường Tống, tiểu thuyết Minh
Thanh là kinh điển, đồng thời cung coi Iliad, Odissey, Thần khúc,
Shakespeare, Chiến tranh và hòa bình, Kinh thánh là kinh điển phải đọc.
Có người quy vào 10 tác phẩm dân tộc và 10 tác phẩm thế giới. Đọc được
20 tác phẩm ấy coi như có được trình độ văn hóa cơ bản của dân tộc và
nhân loại.
Ở Việt Nam vào năm 1957 nhà văn Trần Thanh Mại trong sách Thanh niên
với sáng tác, lần đầu tiên nêu ra yêu cầu đọc tối thiểu đối với nhà văn
trẻ như sau: Về cổ văn, cần thấm nhuần nền văn học truyền miệng của
dân tộc: tục ngữ, ca dao, truyện cổ tích, truyện tiếu lâm, câu đố, câu
đối, phú, văn tế. Ca dao tục ngữ cần học thuộc lòng, thật nhiều. Những
văn kiện này có nhiều khả năng xây dựng cho cái năng khiếu văn nghệ.
Đọc nhiều thơ Đường luật của ta,. Truyện Kiều thì tất nhiên phải học
thuộc lòng từng đoạn. Anh mà không thuộc lấy được 812 câu trong 3254
câu của Truyện Kiều thì anh đừng hòng trở thành văn nghệ sĩ Việt Nam.
Học thuộc lòng thơ Hồ Xuân Hương, thơ Tú xương, cố gằng tìm hiểu thơ
Nguyễn Trãi, Đọc Hoàng Lê nhất thống chí. Nghiên cứu nhiều văn chương Tư
lực văn đoàn, đặc biệt là Thạch Lam. Học thuộc lòng một số thơ của Xuân
Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính. Học thơ Tố Hữu, đọc Vũ Trọng
Phụng, Nguyễn Tuân, Chí Phèo của Nam Cao. Về văn học Trung Quốc trước
hết cần đọc hết các bộ truyện từ Đông Chu liệt Quốc cho đến Hán Đường
Tống Nguyên, Minh, Thanh. Đọc Thuyết Đường, Phản Đường, Tiết Nhân Quý
chinh Đông, Tiết Đinh San chinh Tây, Không thể bỏ sót Tam Quốc, Tây Du,
Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng, Tây Sương kí, Liêu Trai, Học thuộc lòng một số
thơ Đường. Học thuộc lòng nguyên văn bài Tỳ bà hành và Quy khứ lai hề.
Nguyên văn chữ Hán Việt bài Đằng vương các. Anh không đọc làu làu, không
nằm một mình mà ngâm nga một số thi phú cổ Trung Quốc bằng tiếng Hán
Việt, làm cho các cô gái hàng xóm phải dứng chân ngoài cửa sổ ngơ ngác
nhìn vào, thì anh đừng hòng làm nhà thơ Việt Nam.” Hãy nhớ đây là
đề nghị vào năm 1957. Tập thơ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi phải đến
sau đó mới do Phạm Trọng Điềm và Nguyễn Khắc Hanh phiên âm. Thơ chữ Hán
Nguyễn Du chưa phiên dịch. Năm 1961 mới có đánh giá toàn diện về Nam
Cao. Sự quan tâm nhiều đến thơ Mới và Tự lực văn đoàn cũng như thơ văn
cổ đã khiên cuốn sách bị phê phán nặng nề. Tác giả cũng nhắc đến đến văn
học phương Tây, các công trình văn hóa như kinh thánh, kinh Phật. Trần
Thanh Mại chỉ chưa nói đến văn học chủ nghĩa hiện đại, nhưng quan niệm
của ông rất rộng mở, tất nhiên danh sách có chỗ hơi nhiều, hơi thừa.
Điều này đã cho thấy nhà văn Việt Nam từ lâu đã quan tâm đến văn hóa đọc
của nhà văn, xây dựng một danh sách tác phẩm kinh điển đối với người
muốn trởi thành nhà văn Việt Nam. Tất nhiên những người làm công việc lí
luân, phê bình văn học, các nhà giá văn học, ngoài các tác phẩm trên,
còn cần xây dựng cho mình một bộ sách kinh điển khác nữa gồm những tác
phẩm lí luận phê bình nổi tiếng thế giới. Bộ sách kinh điển là thước đo
kiến thức tối thiểu đối với người làm nghề, cái tạo nên ngôn ngữ chung
để cùng bàn bạc.
Nói đến văn hóa đọc không thể không nói đén thói quen đọc, phương
pháp đọc và danh mục sách cần phải đọc. Đọc đủ thứ mà bỏ qua một tối
thiểu kinh điển không thể nâng cao trình độ văn hóa lên được.
5 – 11 – 2013, TĐS.