Văn Quang – Viết từ Sài Gòn
Mười năm tù oan, vợ điên, con thất học bị cả làng khinh bỉ
Vụ án này đang tràn ngập trên khắp các trang báo, bạn đọc báo nào ở
VN cũng thấy nhiều chi tiết rất đáng chú ý. Nhưng điều đáng chú ý nhất
lại là tâm trạng của người dân, một “người dân thực thụ” đang sống trên
đất nước VN này. Tức là anh dân đen, không hề quen biết một thế lực nào,
chỉ biết làm ăn chân chỉ. Bên cạnh sự phẫn nộ tất nhiên của con người,
có lúc người dân cay đắng và tự đặt mình vào trường hợp bị bắt oan.
Thoáng một chút lo sợ là tâm trạng chung. Họ biết trông cậy vào đâu?
Nếu bị bức cung, ép cung, họ phải nhận bừa một tội nào đó để khỏi bị
đánh, rồi cũng như ông Nguyễn Thanh Chấn bị tù oan tới 10 năm, vác đơn
đi từ cửa nhỏ đế cửa lớn vẫn chẳng có kết quả gì. Chỉ đến khi kẻ gây ra
tội ác tự đứng ra đầu thú mới được minh oan. Khi đó khi gia đình đã tan
nát rồi, vợ phát điên, con bỏ học, cả làng khinh bỉ xa lánh.
Nỗi tủi nhục ấy rất có thể rơi vào bất kỳ một người dân nào đó đang
sống yên lành. Nỗi lo tuy có vẻ mơ hồ nhưng có thật. Số phận của một con
người đã bị vùi dập đến tận cùng bởi cách làm tắc trách của một số cơ
quan công quyền. Ông Chấn là con của liệt sĩ còn bị tù oan thì anh dân
đen, trên không chằng, dưới không rễ còn dễ dàng bị tù oan hơn nhiều.
Thật ra phải coi ông Chần đã bị thi hành án tử hình rồi nhưng là con
liệt sĩ nên được giảm án còn tù chung thân. Một độc giả đã viết trên báo
Người Lao Động, “Khủng khiếp quá, lỡ một ngày không may mình cũng giống
như ông Chấn thật, thì sao nhỉ.” Nỗi lo đó của người dân là có thật.
Vụ án đi lòng vòng qua nhiều cửa, nhiều cấp, nhiều tòa nên nó rối
tinh rối mù, dài lòng thòng với hàng chục lời vừa nhận lỗi vừa trần tình
và hàng ngàn ý kiến của mọi người dân... Tôi chỉ tóm tắt rất gọn nội
dung để bạn đọc dễ hiểu.
Vụ án hiếp dâm, giết người 10 năm trước xảy ra như thế nào?
Theo thông báo của Viện Kiểm Sát Nhân Dân (KSND) Tối Cao, ngày
15-8-2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, (tỉnh Bắc Giang)
xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Nạn nhân bị
nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu
cấp... dẫn đến tử vong.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang sau đó đã ra quyết
định khởi tố vụ án “giết người” và đến ngày 29-9-2003 ra quyết định khởi
tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với ông Nguyễn Thanh Chấn về tội danh
giết người.
Ngày 26-3-2004, TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị
cáo Nguyễn Thanh Chấn và đã ra bản án tuyên bị cáo phạm tội giết người
với mức án tù chung thân. Tiếp đó, ngày 26 và 27-7-2004, Tòa phúc thẩm,
Tòa án (TAND) tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ
thẩm.
Đáng chú ý, trong khi bị điều tra bị cáo có khai nhận hành vi giết
người nhưng tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo không nhận
tội. Trong trại giam, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn tiếp tục kêu oan và bị
ép cung. Trong đơn kêu oan đề gửi Thanh tra Bộ Công an, ông Chấn viết
rõ:
Ngày 30/8/2003, ông nhận được giấy mời lần 1 đến Công an huyện Việt
Yên để làm việc. Cụ thể, cơ quan điều tra lấy dấu chân và dấu vân tay,
đồng thời hỏi ông có biết gì về cái chết của cô Hoan, ông trả lời không
biết gì cả. Đến 20/9/2003, ông nhận được giấy triệu tập lần 2 và vẫn trả
lời không biết gì về cái chết của cô Hoan. Sáng hôm sau, ông đến theo
hẹn thì cán bộ Nguyễn H.T. lại lấy dấu chân, dấu tay nhiều lần rồi tra
hỏi, đánh ông rất đau. Từ đó, khoảng 6 cán bộ thay nhau canh ông suốt
đêm này sang đêm khác không cho về và không cho ngủ, dọa nạt, ép buộc
ông. Đơn viết:
“Cán bộ Trần N.L bắt tôi vẽ dao, tôi không vẽ loại dao gì lại bảo cho
mày cái búa vào đầu cho mày chết bây giờ. Cán bộ H.T trên tay lúc nào
cũng cầm dao hăm dọa, ép buộc tôi phải nhận. Tiếp đó, cán bộ Ngô Đ.D đọc
và bắt tôi viết đơn tự thú ngày 28/9/2003. Thế là đến chiều chuyển tôi
về trại Kế - Bắc Giang.”
Nguyên do xảy ra vụ án
Nguyên do xảy ra vụ án
Luật sư Nguyễn Đức Biền, người bào chữa cho anh Chấn cho biết:
Theo cáo trạng, ngày 15/8/2003 tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện
Việt Yên, Bắc Giang tổ chức bóng đá giao hữu, vợ chồng Nguyễn Thanh Chấn
bán nước ở sân. Khi tan trận, chị Chiến (vợ anh Chấn) bảo chồng đi múc
nước. Trên đường đi qua nhà Hoan, nhìn thấy cô từ nhà tắm đi ra, Chấn
vào sàm sỡ. Bị Chấn khống chế, Hoan đập vỡ chai bia để tự vệ. Chấn rút
dao bấm trong người ra đâm nhiều nhát và dùng tay đập đầu Hoan xuống đất
cho đến chết. Toàn bộ vụ án chỉ có vậy.
‘Cơ quan tố tụng hồ đồ’
Luật sư Biền nói, “Đọc và nghiên cứu hồ sơ, tôi thấy những chứng cứ
trên "lỏng lẻo,” hơn nữa nhân chứng không có. Viện kiểm sát cho rằng dấu
chân hung thủ để lại hiện trường khớp với dấu chân của Chấn, nhưng kết
luận này là hồ đồ vì đó là dấu chân chứ không phải vân chân. Với những
người có khổ bàn chân tương đương nhau, khi ướm vào sẽ vẫn vừa.
Còn một tình tiết quan trọng là theo cáo trạng, Chấn khai có dùng con
dao trong người để đâm hung thủ, dao bị gãy tại hiện trường, Chấn cầm
chuôi về sau đó vứt tại một bãi sắt vụn. Thế nhưng cơ quan điều tra lại
không tìm được hung khí đó.
Thời điểm xảy ra vụ án mạng, có người chứng kiến Chấn cho người gọi
nhờ điện thoại, bảng kê cuộc gọi do bưu điện cung cấp cũng xác định cuộc
gọi lúc hơn 7 giờ chiều. Đó là một chứng cứ ngoại phạm.
Nhận định nhân chứng vụ giết người không có, các chứng cứ thì lỏng lẻo, tôi đề nghị tuyên bị cáo vô tội nhưng tòa không chấp nhận.”
Nhận định nhân chứng vụ giết người không có, các chứng cứ thì lỏng lẻo, tôi đề nghị tuyên bị cáo vô tội nhưng tòa không chấp nhận.”
Hậu quả của bản án này khiến bốn đứa con của anh Chấn đều phải bỏ học
vì không chịu được búa rìu dư luận. Vợ anh Chấn phải nhập viện tâm thần
cách đây 2 năm sau hơn 8 năm kêu oan cho chồng. Vừa nuôi con nhỏ vừa vị
cả làng khinh bỉ.
Một người đàn ông sống cùng làng, không muốn nêu tên, cho hay: Mẹ con
chị Chiến khổ vô cùng. Nhiều người tin anh Chấn bị oan nhưng họ sợ vạ
lây điều tiếng, nên chẳng còn dám đi lại như trước, chứ chưa nói tới
chuyện giúp đỡ. Ngoài ra, người nhà anh Chấn đi tới đâu cũng bị người
làng bàn tán sau lưng. Năm mẹ con cứ thui thủi với nhau ngày này qua
ngày khác. Người này kể, “Tội gì tôi không biết, nhưng cái tội hiếp dâm,
cướp của rồi giết người thì nó kinh khủng vô cùng. Như ở quê tôi thì có
gột rửa tới mấy đời cũng không hết tai tiếng.” Nỗi oan khổ, nhục nhằn
đó ai chịu trách nhiệm?
Thủ phạm chính đầu thú
Sự việc chỉ sáng tỏ khi bất ngờ ngày 25-10-2013, tên tội phạm thực
thụ là Lý Nguyễn Chung (người cùng thôn) đã ra đầu thú và khai nhận đã
thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào tối ngày 15-8-2003 để
cướp tài sản. Tại cơ quan điều tra, Lý Nguyễn Chung khai nhận đã giết bà
Hoan để lấy tiền và hai chiếc nhẫn vào tối 15/8/2003. Sau khi giết bà
Hoan, Chung về nhà thay quần áo dính máu ra ngâm ở chậu. Đến khoảng 4g
sáng hôm sau, mẹ Chung (bà Nguyễn Thị Lành) giặt quần áo thấy trong nước
ngâm bộ quần áo của Chung có màu hồng nên gọi Chung dậy hỏi, “Có phải
hôm qua mày làm chuyện đó không?,” Chung đã thừa nhận. Bà Lành và ông
Chúc (bố Chung) đã bảo Chung về quê ở Lạng Sơn. Chung về Lạng Sơn kể lại
sự việc và đưa hai chiếc nhẫn cho Lý Văn Phúc. Số tiền lấy được của chị
H. đếm được 59,000 đồng, Chung tiêu hết, sau đó trốn vào Đắk Lắk làm
ăn.
Nhờ vậy ông Chấn được minh oan. Chiều 6-11, 2 bản án sơ thẩm và phúc
thẩm tuyên ông Nguyễn Thanh Chấn tội giết người đã chính thức được hủy
bỏ xong để chính thức trở thành người vô tội ông Chấn còn phải đợi kết
thúc điều tra, xét xử vụ án giết người, tuyên đúng người có tội.
Đến bù cho ông Nguyễn Thanh Chấn
Chủ tịch nước yêu cầu khẩn trương minh oan, đền bù, khôi phục đầy đủ
quyền lợi hợp pháp của người bị oan; điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh
người phạm tội và những sai phạm của các tập thể, cá nhân thuộc các cơ
quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông
Nguyễn Thanh Chấn và báo cáo chủ tịch nước kết quả đã giải quyết.
Chúng ta hãy đợi kết quả này. Tuy nhiên nếu tội phạm thực thụ đó trốn
biệt tăm hoặc lăn ra chết thì vụ án mãi mãi đi vào đêm tối. Đó là cách
làm việc thiếu trách nhiệm, vô cảm của các cơ quan, viện kiểm sát và các
cấp tòa án tại tỉnh Bắc Giang. Số phận của một con người đã bị vùi dập
đến tận cùng. Không thể có thứ gì đền bù lại cho danh dự và 10 năm tù
dài đằng đẵng đầy đau khổ mất mát kia.