Bản thân tôi vốn dĩ không thích tư duy từ chương và thiếu khoa học
của những người nghiên cứu cũng như áp dụng chủ nghĩa Marx nhưng tôi
thấy khá khó hiểu về một bài viết phê bình chủ nghĩa Marx mới đăng trên
đây (“Học Thuyết Mác – Lê Đã Không Còn Giá Trị Gì Nữa“).
Tôi không rõ bài viết nhằm mục đích học thuật hay giải trí nhưng tiêu
đề tạo cho tôi hướng đến một bài phê bình khoa học nghiêm túc. Bài viết
nhìn chung nhắm vào mối tương quan giữa Karl Marx, Lenin và những người
xung quanh nhiều hơn là phân tích các quan điểm của học thuyết Marx –
Lenin như tác giả đưa ra.
Mở đầu tác giả bài viết lập luận rằng: “lý thuyết của Lénine chủ
trương độc tài, độc đảng đã bị ngay những người bạn của mình chỉ trích
khi Lénine lập lên nhà nước cộng sản đầu tiên, để cho những người còn mù
quáng trên từ từ mở mắt ra.” và “lý thuyết của Marx đã bị những người
cùng thời chỉ trích nặng nề, chẳng hạn như Proudhon, Lassalle, Bernstein
và ngay cả những người cùng quê quán của ông chối bỏ.” và rất nhiều
đoạn tương tự như vậy. Và dẫn chứng của tác giả cũng khá quen thuộc như
bao vị ngoài đường và trong quán vẫn thường hay đàm tiếu: “hơn 100 triệu
người chết, tất cả những nước cộng sản đều tụt hậu về đủ mọi mặt, là
những nước vô cùng bất công, hoàn toàn đi ngược lại chủ đích ban đầu.
Bởi lẽ đó chủ thuyết Mác-Lê không còn một chút gì là giá trị hiện tại.”
và “Lý thuyết Mác Lê ngày hôm nay không có một tý gì là giá trị thực
tiễn, thời đại. Ngay cả những đảng cộng sản ở những nước tân tiến như Ý,
Pháp, Nhật cũng đã bỏ ba nguyên tắc chính của lý thuyết này là bạo động
lịch sử, đấu tranh giai cấp và độc tài vô sản. Đảng cộng sản Nhật vừa
mới họp Đại hội vừa qua đi đến chỗ chấp nhận cả Nhật hoàng.”
Xin nêu vài lỗi của tác giả trong bài viết này. Đây là ý kiến chủ quan của tôi nên sẽ có không ít sai sót.
- Về mặt từ ngữ và thuật ngữ: tác giả đã vi phạm những nguyên tắc cơ
bản khi trích dẫn từ có gốc tiếng Pháp để chú dẫn cho lý thuyết của Marx
trong đoạn sau đây: “Chữ Pháp chủ nghĩa có nghĩa là “doctrine” , là
toàn thể những ý niệm, ý tưởng, tư tưởng, mà người ta cho rằng, giả
thuyết rằng là đúng, nhưng đối với người khác chưa chắc đã đúng, để
hướng dẫn hành động và cắt nghĩa những sự kiện lịch sử, xã hội, kinh tế,
chính trị, triết học. Định nghĩa như vậy, thì lý thuyết Mác Lê được coi
như một chủ thuyết, một chủ nghĩa. Tuy nhiên nó không nhất thiết là
đúng”. Tác giả đã làm lệch khung ngôn ngữ. Trong khi tác giả không đưa
được dẫn chứng Karl Marx đã thể hiện quan điểm của mình như một hệ thống
lý luận, hệ tư tưởng hay học thuyết mà ngay từ đầu đã áp đặt đó là “học
thuyết”.
Tác giả tự mâu thuẫn với chính mình khi ở trên nói rằng: “Chủ thuyết
hay chủ nghĩa là những tư tưởng….” nhưng vừa xuống dưới tác giả đã biến
nó thành “học thuyết”. Phải chăng theo định nghĩa của tác giả “chủ
nghĩa” tương tự với “học thuyết”?
Có một số thuật ngữ tác giả dường như không nắm nhưng vẫn cố dịch. Do
Thái giáo không có chức vị tư tế nào gọi là “mục sư”. Chức vị tư tế của
Do Thái tiếng Pháp (vì tác giả hay trích Pháp) là Rabbin nghĩa gốc
tiếng Do Thái là thầy dạy hay thầy giảng. Cũng xin nói thêm thân phụ của
Karl Marx đã từ bỏ Do Thái giáo để chuyển sang Tin Lành Luther và các
con ông (trong đó có Karl Marx) cũng là người Tin Lành chứ không phải
như tác giả đề cập: “Không nói đâu xa, ngay chính một người con gái của
Marx, ngày xưa đi theo tư tưởng của cha, nhưng sau thấy không tưởng, sai
lầm, nên đã bỏ và trở về đạo Do Thái giáo, đạo gốc của gia đình.” Tác
giả có thể đọc thêm các sách của giáo sư sử học Mỹ Jonathan Sperber
nghiên cứu khá kĩ lưỡng và sâu sắc về Marx như: Karl Marx: His Life and
Environment, Karl Marx: A Nineteenth-Century Life…
Khi dùng thuật ngữ “giai tầng sĩ phu, trí thức” tác giả đang muốn nói
đến “giai cấp trí thức” chăng? Xin thưa “trí thức” được gọi là “bộ
phận” hay “tầng lớp” hay “đội ngũ” chứ không phải “giai cấp”. Nếu đang
diễn đạt về lập trường của Marx – Lenin thì đây là điều tối thiểu cần
biết.
“L’anarchisme” hay “chủ nghĩa vô chính phủ” (“vô trị”) phủ nhận mọi
chính quyền nhà nước và mọi quyền lực chính trị khác, không thừa nhận
một trật tự chung đối với tất cả mọi người trong quan hệ giữa người với
người, tuyên truyền sự tự do vô hạn của cá nhân. Chủ nghĩa này là một
cơn giông tai hại cho thế giới tư bản Tây Âu cuối thế kỉ XIX. Không rõ
tác giả muốn nói gì khi đề cập đến Paul Lafargue và chủ nghĩa vô chính
phủ của ông. Phải chăng muốn nói rằng do Marx mà Paul Lafargue trở nên
tệ hại? Vậy Paul Lafargue chỉ là một con lừa học vẹt theo những điều
“xấu xa” từ Marx hay đã “diễn dịch” một cách mù quáng học thuyết của
Marx?
Đó là một số lỗi từ chính. Bên cạnh đó có thể thấy sự thiếu thống
nhất trong tên riêng như lúc dùng Mác, lúc dùng Marx hay Lenin và
Lenine
- Về mặt phương pháp và lập luận: tác giả chủ yếu dựa vào quan hệ nguyên nhân – hệ quả.
Tác giả cho rằng “một chế độ cộng hòa và một cuộc bầu cử phổ thông
đầu phiếu thực sự tự do” là một “lý thuyết không tưởng, thiếu thực tế”.
Vậy các nước tư bản phương Tây đang làm gì? Quân chủ và bầu phiếu không
phổ thông sao?
Một lập luận khá phổ biến khi nói về một tư tưởng của ai đó: phần
đông chúng ta (quá khứ lẫn hiện tại) không chấp nhận tư tưởng ai đó suy
ra nó là sai lầm. Lỗi mắc phải ở đây là đang khái quát hóa một hệ tư
tưởng khổng lồ của Marx về: thế giới quan, tư duy – nhận thức, hình thái
chính trị, kinh tế, xã hội… mà không suy xét từng khía cạnh cụ thể. Về
khía canh học thuật sự tranh cãi hệ tư tưởng của bất kì một triết gia
nào vẫn đang diễn ra hàng ngày không chỉ Marx – Lenin mà cả các tiền bối
và hậu sinh người Đức của các ông như: Kant, Hegel, Nietzsche,
Wittgenstein, Marcuse… và tất nhiên không ai dám khẳng định các triết
gia (kể cả Marx) đúng hay sai hoàn toàn. Lỗi này lại tiếp tục cho đến
cuối cùng: “Lý thuyết Mác Lê ngày hôm nay không có một tý gì là giá trị
thực tiễn, thời đại. Ngay cả những đảng cộng sản ở những nước tân tiến
như Ý, Pháp, Nhật cũng đã bỏ ba nguyên tắc chính của lý thuyết này là
bạo động lịch sử, đấu tranh giai cấp và độc tài vô sản. Đảng cộng sản
Nhật vừa mới họp Đại hội vừa qua đi đến chỗ chấp nhận cả Nhật
hoàng.”???? Tác giả có thực sự hiểu họ đang làm gì không?
“Chúng ta thấy ở Đức có 13 và khắp nơi trên thế giới có gần 100
trường dạy sinh ngữ đức mang tên cuả Goethe (Goethe Institut), Viện
Goeth, chứ không có Viện Marx.”
Nước Đức không thiếu những danh nhân có tầm quốc tế: Otto von
Bismarck, Ludwig van Beethoven, Immanuel Kant, Albert Einstein… Việc đặt
tên là Viện Goeth nhằm tưởng nhớ Johann Wolfgang von Goethe người đầu
tiên đã mang những “giá trị Đức” đến với nhân loại, phù hợp với mục đích
của Viện.
Vấn đề “đi ngược lại những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa xã hội đó
là tôn trọng tự do và dân chủ” và “hơn 100 triệu người chết, tất cả
những nước cộng sản đều tụt hậu về đủ mọi mặt, là những nước vô cùng bất
công, hoàn toàn đi ngược lại chủ đích ban đầu.” của việc áp dụng chủ
nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước khác có thể đúng là đã xảy ra nhưng
theo logic có thể có 2 kết luận: chủ nghĩa cộng sản mà những nước đó
triển khai là sai về bản chất lý luận hoặc thực tiễn áp dụng. Nếu chỉ
đơn thuần lập luận nhận thức xác thực bắt nguồn từ sự kiểm nghiệm hay
kết quả thực nghiệm thì tác giả đang rơi vào chủ nghĩa thực chứng chứ
không phải là quan điểm của Marx. Ý kiến của bà Rosa Luxembourg: “Cái
đảng và nhà nước độc tài mà anh xây dựng lên” rõ ràng đang hướng đến
thực thể chính trị chứ không phải là “học thuyết” mà tác giả đề cập.
Tóm lại, tác giả đã hoàn toàn không đưa ra một bằng chứng thống kê xã
hội nào, cũng không đưa ra bất kì một phản biện nào về mặt tư tưởng và
lý thuyết của chủ nghĩa Marx – Lenin. Bài viết dường như đang khuyên mọi
người nhắm đôi mắt tư duy để suy xét toàn diện về chủ nghĩa Marx –
Lenin hơn là chủ trương “để cho những người còn mù quáng trên từ từ mở
mắt ra” của tác giả.