Nguyễn Gia Kiểng
“…Lịch sử là một kho dữ kiện mô tả chân dung của một dân tộc trong dòng thời gian. Nó cho ta biết ta là ai và có thể làm gì. Khi lịch sử sai thì chúng ta không hiểu chính mình, làm việc trên những tài liệu sai, và kết luận không thể đúng…”
LTS: Bài này đã được viết cách đây hơn 8 năm
trên trang nhà Thông Luận. Nhân ngày kỷ niệm 50 năm biến cố tang thương
anh em ông Ngô đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị ám sát vào ngày 2/11/1963,
Thông Luận xin giới thiệu lại bài viết này.
* Ngô Đình Diệm do chính phủ Pháp đưa lên cầm quyền và được Pháp hỗ trợ.
* Tại sao Hoa Kỳ quyết tâm lật đổ Ngô Đình Diệm?
Trong Thông Luận số tháng 11-2004, tôi có viết bài "Kinh nghiệm Ngô
Đình Diệm". Sau đó vài ngày tôi nhận được thư của ông Trần Minh Châm,
một người đàn anh quí mến của tôi và cũng là một người rất gần gũi với
gia đình họ Ngô, đặc biệt là với ông Ngô Đình Cẩn. Tôi không khỏi bỡ ngỡ
khi mở thư này: đó chỉ là hai tờ photocopy, mỗi tờ là một trang của
một thư viết tay bằng tiếng Pháp, tuồng chữ hai thư rất khác nhau. Đọc
xong, tôi hiểu là tôi vừa nắm được "cái mảnh còn thiếu" (la pièce
manquante) mà tôi vẫn tìm kiếm về chính quyền Ngô Đình Diệm. Tôi gọi
điện thoại cho ông Châm, và vài ngày sau được trao toàn bộ hai lá thư
này. Tôi không khỏi bâng khuâng: tại sao một sự kiện quan trọng như vậy
mà lại hoàn toàn không ai biết?
Cho tới một thời gian gần đây, hầu như đối với mọi người, ông Diệm
đã được người Mỹ đưa lên cầm quyền trong chủ trương hất người Pháp ra
khỏi Đông Dương. Một vài tác giả còn thêm rằng ông Diệm đã được phe Công
giáo Mỹ, tiêu biểu là hồng y Spellman, đỡ đầu nên đã giành được sư ủng
hộ của Mỹ. Người ta tin như vậy chỉ vì không có giả thuyết nào khác chứ
thực ra việc Mỹ chuẩn bị Ngô Đình Diệm như một giải pháp của họ có nhiều
điều khó hiểu.
Ông Ngô Đình Nhu, con người chủ chốt của chế độ, không tới Mỹ bao
giờ và cũng không hề quen biết một người Mỹ nào trước khi lên cầm quyền.
Cá nhân ông Ngô Đình Diệm chỉ sang Mỹ hai lần, lần đầu năm 1950 và lưu
lại vài tháng nhưng không được chính khách Mỹ nào tiếp cả ; lần thứ hai
năm 1951, ông ở lại lâu hơn và có đi nói chuyện ở một số trường đại học,
nhưng cũng không đi đến kết quả nào vì ông không có tài diễn thuyết và
rất kém về tiếng Anh. Ông trở lại Paris cư ngụ tại nhà một người quen,
rồi sau đó, tháng 5-1953, ông sang Bỉ sống trong một dòng tu Công giáo
cho đến ngày được mời ra cầm quyền. Như thế chứng tỏ rằng ông Diệm chỉ
có rất ít liên hệ với Hoa Kỳ. Hơn nữa, việc ông vào một dòng tu và không
tiếp xúc với ai cũng chứng tỏ ông đã bỏ cuộc. Người ta nói nhiều đến
đại tá CIA Lansdale như là một nhân vật Mỹ nhiệt tình ủng hộ ông Diệm,
nhưng Lansdale đã hoạt động tại Việt Nam từ lâu và cũng chỉ quen biết
với hai ông Diệm và Nhu sau khi họ đã lên cầm quyền. Như vậy ông Ngô
Đình Diệm khó có thể là giải pháp của người Mỹ. Sau này các tài liệu
được công khai hóa của chính phủ Mỹ cũng chứng tỏ Mỹ không hề quan tâm
đến ông Diệm trước khi ông lên cầm quyền. Không những thế, họ còn có ý
định lật đổ ông vào tháng 4-1955 giữa lúc tình hình đặc biệt gây cấn
giữa ông Diệm và các giáo phái. Họ đã chỉ đổi ý và ủng hộ ông Diệm sau
khi ông Diệm, trước sự bất ngờ của họ, đánh bại quân Bình Xuyên của Bảy
Viễn một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Người đầu tiên cải chính rằng ông Diệm không do người Mỹ đưa lên
cầm quyền là ông Ngô Đình Luyện, em ruột hai ông Diệm và Nhu. Theo ông
Luyện thì chính Bảo Đại đã tự lấy quyết định bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm
thủ tướng. Vì giải thích của ông Luyện phù hợp với những dữ kiện mà Hoa
Kỳ công bố sau này nên tất cả các tác giả viết về ông Diệm từ hơn mười
năm qua đều chấp nhận. Những nhân vật Việt Nam đã tình cờ được biết
những sự kiện lịch sử có đặc tính là họ biết có những điều rất sai và
ảnh hưởng tới lý luận của nhiều người nhưng không thấy cần phải đính
chính. Ông Ngô Đình Luyện đã chỉ kể lại cho những người mà ông quen
biết.
Tôi may mắn là một trong những người được ông Luyện kể lại giai
đoạn ông Diệm được chỉ định làm thủ tướng, có lẽ chi tiết hơn mọi người
khác vì tôi đặt nhiều câu hỏi cho ông. Theo ông Luyện thì chính ông đã
được ông Bảo Đại tiếp xúc và yêu cầu chuyển lời mời ông Diệm làm thủ
tướng. Ông Bảo Đại nói rằng tình hình đã hoàn toàn tuyệt vọng nên cần
một người đủ dũng cảm, sẵn sàng hy sinh tính mạng để cơ nghiệp nhà
Nguyễn không chấm dứt một cách quá tầm thường, và ông Diệm có thể là
người đó. Điều này có lẽ ông Luyện không nói với ai nên không thấy tác
giả nào viết ra. Cũng theo ông Luyện, chính vì nghĩ rằng cơ nghiệp nhà
Nguyễn không còn gì nên ông Bảo Đại đã chấp nhận trao toàn quyền cho ông
Diệm. Ông Luyện cũng kể thêm một chi tiết khôi hài là chính ông nhận
quyết định này từ tay ông Bảo Đại đang đánh bạc tại sòng bài Palm Beach ở
Cannes, một thành phố nghỉ mát miền Nam nước Pháp.
Ở đây cũng xin mở một ngoặc đơn để nói về quan hệ đặc biệt giữa hai
ông Bảo Đại và Ngô Đình Luyện. Hai người rất thân nhau vì ông Luyện
được chọn ngay từ hồi mới 10 tuổi để được nuôi dạy chung với ông Bảo
Đại, cho thái tử có bạn. Hai người cùng được gửi đi Pháp du học từ thời
thơ ấu, sống với nhau và trưởng thành cùng với nhau.
Tóm lại, ông Ngô Đình Luyện khẳng định là quyết định đưa ông Ngô
Đình Diệm lên cầm quyền hoàn toàn do ông Bảo Đại, chính phủ Hoa Kỳ hoàn
toàn không có vai trò gì và chỉ biết đến ông Diệm sau khi ông đã nhận
chức thủ tướng. Còn Pháp thì không những không giúp gì mà còn phá ông
Diệm.
Tôi đã thảo luận nhiều với ông Luyện về chuyện này, đặc biệt là vào
ngày 1-11-1986 khi tôi cùng với ông đi dự lễ giỗ ông Diệm vào buổi
sáng, sau đó chúng tôi nói chuyện suốt buổi chiều và buổi tối, đến gần
nửa đêm tôi mới đưa ông về nhà. Tôi tin sự thành thực và chính xác của
những gì ông Luyện kể, hơn thế nữa không ai thân cận với cả ông Bảo Đại
lẫn ông Diệm bằng ông để biết rõ sự thực. Tuy nhiên tôi vẫn thấy nó
không hợp lý.
Trước hết ông Diệm đã giành được thắng lợi một cách quá dễ dàng
trong giai đoạn rất gay cấn từ tháng 9-1954 đến tháng 5-1955, khi ông bị
tướng Nguyễn Văn Hinh, tổng tham mưu trưởng quân đội Quốc Gia Việt Nam,
và các lực lượng vũ trang Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo chống đối. Ông
đã trục xuất được Nguyễn Văn Hinh vào tháng 11-1954, đánh đuổi được quân
Bình Xuyên trong một vài ngày vào cuối tháng 4-1955, thu phục được
Trịnh Minh Thế, vô hiệu hóa được Trần Văn Soái (Năm Lửa) và Nguyễn Thành
Phương, mặc dù liên minh chống đối ông được cả chính phủ Pháp lẫn Bảo
Đại yểm trợ, trong khi ông chỉ có trong tay một vài tiểu đoàn. Tướng
Paul Ely, tư lệnh quân đội Pháp, phải rời Việt Nam vào tháng 6-1955. Cần
nhắc lại là Mỹ đã chỉ yểm trợ ông Diệm sau khi ông đã toàn thắng. Vậy
phải giải thích thế nào? Tôi không tin là thắng lợi này do bản lĩnh phi
thường của hai ông Diệm và Nhu vì họ đã tỏ ra rất kém sau đó.
Một điều cũng khó hiểu là mặc dù chống Pháp, chính quyền của ông
Diệm thuần túy là một sự tiếp nối rất bình thường của bộ máy cầm quyền
mà người Pháp để lại, rất khác với một chính quyền đặt nền tảng trên
tinh thần quốc gia dân tộc. Các hạ sĩ quan, trung úy, đại úy của quân
đội Pháp được thăng nhanh chóng lên cấp tướng để cầm đầu quân đội Việt
Nam Cộng Hòa, các đốc phủ sứ, tri phủ, tri huyện được lưu dụng và trọng
dụng. Những người đã từng làm công an thời Pháp, đã truy lùng, bắt bớ,
tra tấn những người tranh đấu cho độc lập trở thành nòng cốt của chế độ
Việt Nam Cộng Hòa, ngay cả cái máy chém và đội đao phủ đã từng hành
quyết những người yêu nước cũng được giữ lại. Con cái các bộ trưởng và
cả con cháu họ Ngô tiếp tục học trường Pháp (hình như không có một bộ
trưởng nào của ông Diệm cho con học chương trình Việt cả). Hơn thế nữa,
chính quyền Ngô Đình Diệm còn tiếp tục đàn áp thô bạo các đảng phái quốc
gia chống cả thực dân Pháp lẫn cộng sản như Việt Nam Quốc Dân Đảng và
Đại Việt.
Mặt khác, tại sao ông Bảo Đại đã coi cơ nghiệp của nhà Nguyễn là
hết và đã trao toàn quyền cho ông Diệm sau này lại trở mặt đòi cách chức
ông Diệm ? Tôi tin là ông Ngô Đình Luyện đã thuật lại đúng những lời
ông Bảo Đại, nhưng không tin là ông Bảo Đại đã nói thực, vì một lý do
giản dị là nếu ông biết nghĩ tới danh dự của nhà Nguyễn thì ông đã không
sống nếp sống trụy lạc và bê tha như thế. Đối với tôi, Bảo Đại là một
người hoàn toàn không có một quan tâm nào với bất cứ ai, ngoài cờ bạc và
ăn chơi.
Sau cùng, để chỉ giới hạn trong một vài điểm chính, tại sao chính
quyền Pháp mặc dù chống ông Diệm, lại bênh vực ông Diệm trong việc từ
chối tổng tuyển cử theo đòi hỏi của Hà Nội ? Tại sao chính quyền Pháp,
dưới chính phủ xã hội Guy Mollet, lại lấy quyết định chỉ nhìn nhận một
chính quyền Việt Nam Cộng Hòa như là đại diện duy nhất của Việt Nam ?
Nếu giải thích là do áp lực của Hoa Kỳ thì tại sao sau này họ lại bênh
vực Hà Nội và chống lại sự can thiệp của Hoa Kỳ tại Việt Nam ? Tóm lại,
có những điều rất khó hiểu, thậm chí vô lý. Tôi vẫn nghi là có một cái
gì đó còn thiếu và cần được phát giác ra.
Tôi đã trình bày những điểm trên, và nhiều điểm khác, với ông
Luyện. Ông Luyện nhún vai trả lời ngắn gọn: "Logique ou pas, c'est la
vérité" (Hợp lý hay không, đó là sự thực).
Trở lại với hai lá thư mà ông Trần Minh Châm giao cho tôi. Một lá
thư là của ông Jacques Bénet, bạn thân của ông Ngô Đình Nhu, gửi cho bà
Nhu đề ngày 18-10-2004, thư thứ hai đề ngày 20-4-1955 là của ông Nhu gửi
ông Bénet.
Trong thư gửi bà Nhu, tình cờ nhân một xung khắc giữa hai người,
ông Bénet nhắc lại rằng chính ông đã là đầu mối đưa ông Diệm lên cầm
quyền (trong khi bà Nhu thì tin rằng ông Diệm đã lên cầm quyền là do ý
Chúa). Ông Bénet thuật lại rằng vào khoảng tháng 3-1954, khi trận Điện
Biên Phủ đã chứng tỏ sự nguy ngập của Pháp, ông Ngô Đình Nhu đã nảy ý
kiến thuyết phục chính phủ Pháp, lúc đó là một chính phủ cánh hữu do ông
Laniel làm thủ tướng, đưa ông Ngô Đình Diệm lên cầm quyền. Ông viết:
"(…) Chồng bà, Ngô Đình Nhu, đã có một ý kiến thiên tài, chắc chắn là do
Chúa khiến, là lúc này, vào tháng 3-1954 giữa lúc trận Điện Biên Phủ
đang diễn ra, là lúc để thuyết phục chính phủ Pháp (chính phủ
Laniel-Bidault-Reynaud) nên mau chóng đưa Ngô Đình Diệm lên cầm quyền"
(1).
Ông Nhu đã cử bạn ông là ông Trần Chánh Thành sang Paris và nhờ ông
Jacques Bénet giúp đỡ để tiếp xúc và thuyết phục chính quyền Pháp về đề
nghị này. Ông Bénet đã làm được việc này nhờ một người bạn tên là
Antoine Ahond quen thân nhiều nhân vật quan trọng trong chính quyền
Pháp, đặc biệt là các ông Germain Vidal, chánh văn phòng thủ tướng, ông
Bourgenot, bộ trưởng tại phủ thủ tướng, và ngoại trưởng Bidault. Mặt
khác, chính ông Trần Chánh Thành cũng tỏ ra xuất sắc. Nhờ thế mà ông
Diệm đã được chính quyền Pháp chấp nhận và ép buộc ông Bảo Đại phải chấp
nhận.
Ông Bénet viết như sau: "Điều này (việc đưa ông Diệm lên cầm
quyền) đã có thể làm được chủ yếu là vì chính phủ Pháp lúc đó có nhiều
phương tiện khác nhau để gây áp lực quyết định đối với Bảo Đại" (2).
Như vậy, theo ông Bénet thì rõ ràng là chính phủ Pháp đã chọn giải
pháp Ngô Đình Diệm và buộc Bảo Đại phải chấp nhận. Có lẽ cũng vì ông
được Pháp chọn lựa và áp đặt nên ông Diệm đã thừa thắng xông lên đòi ông
Bảo Đại phải trao toàn quyền. Ông Bảo Đại quá lệ thuộc Pháp để có thể
cưỡng lại. Bí mật này có lẽ chỉ có hai người là ông Nhu và ông Bénet
biết rõ mà thôi, ông Trần Chánh Thành biết giai đoạn đầu nhưng không
biết rõ khúc sau, còn chính ông Diệm có lẽ cũng không biết rõ giai đoạn
đầu.
Lá thư thứ hai, của ông Nhu gửi ông Bénet, khẳng định một cách rõ
ràng ông Diệm hành động trong một thỏa thuận với Pháp. Thư đề ngày
20-4-1955, giữa lúc tình hình đang cực kỳ căng thẳng với lực lượng Bình
Xuyên. Tám ngày sau cuộc chiến bùng nổ và lực lượng Bình Xuyên bị đánh
bại nhanh chóng hầu như không kháng cự, Bảy Viễn chạy về Rừng Sát để rồi
năm tháng sau bị tấn công trong chiến dịch Hoàng Diệu, do đại tá Dương
Văn Minh chỉ huy, phải bỏ chạy sang Pháp. Ít lâu sau, tướng Hòa Hảo Ba
Cụt Lê Quang Vinh ở Long Xuyên cũng bị truy kích, rồi bị bắt trong lúc
ra thương thuyết để đầu hàng và bị chém đầu. Trong thư này ông Nhu yêu
cầu ông Bénet vận động để chính quyền Pháp thực hiện khẩn cấp một kế
hoạch đã được dự trù. Ông Nhu viết: "Phải vận động để những chỉ thị theo
chiều hướng này, mà tao chắc chắn là đã chuẩn bị sẵn, được khẩn cấp gửi
sang Sài Gòn" (3). (Trong thư ông Nhu gạch dưới để nhấn mạnh đoạn này,
ông Nhu xưng hô mày, tao với ông Bénet vì hai người rất thân nhau).
Nhưng "chiều hướng này" là chiếu hướng nào ? Trong thư ông Nhu nói khá
rõ là phải nắm được quân đội quốc gia (do Nguyễn Văn Hinh làm tổng tham
mưu trưởng) và dẹp các giáo phái vũ trang, để sau đó tổ chức tuyển cử.
Ông Nhu cũng than phiền là tướng Ely (tư lệnh quân đội Pháp tại Việt
Nam) là một con người tiêu cực và thiếu quả quyết. Một cách hàm ý, ông
yêu cầu chính phủ Pháp triệu hồi tướng Ely. Không đầy hai tháng sau
tướng Ely về Pháp.
Tất cả trở thành rõ ràng. Ông Diệm lên cầm quyền do một kế hoạch
của Pháp và ông đã được Pháp giúp đỡ một cách tận tình, dù kín đáo.
Chính nhờ sụ giúp đỡ này mà ông Diệm đã toàn thắng. Tất cả là một kịch
bản đã được sắp đặt. Việc ông Diệm tỏ ra chống Pháp và ngược lại Pháp tỏ
ra chống ông cũng chỉ là một kịch bản. Ông Nhu viết: "Không thể lập
lại sai lầm của giai đoạn 1945-1954. Nếu chỉ được phương Tây yểm trợ
chúng ta sẽ chắc chắn thua cộng sản tại châu Á. Phải có hậu thuẫn của
nhân dân Việt Nam và cảm tình của các nước châu Á" (4).
Ông Bảo Đại đã không hiểu kịch bản này, khi thấy có sự căng thẳng
bề ngoài giữa Pháp và Ngô Đình Diệm ông đã tưởng là có thể dựa vào
Nguyễn Văn Hinh, Bảy Viễn và các giáo phái để lật ông Diệm. Chính ông đã
bị truất phế. Cũng cần nói thêm là chiến dịch Hoàng Diệu tấn công vào
Rừng Sát do đại tá Dương Văn Minh chỉ huy chỉ là một dàn cảnh. Không hề
có giao tranh. Pháp đã chuẩn bị sẵn để đem Bảy Viễn đi khỏi Việt Nam.
Bây giờ người ta có thể hiểu tại sao ông Diệm đã trọng dụng nhân sự
của Pháp để lại, bảo vệ các quyền lợi kinh tế của người Pháp, duy trì
văn hóa Pháp, và ngược lại tại sao chính quyền Pháp sau đó đã chỉ nhìn
nhận chính quyền Ngô Đình Diệm mà không nhìn nhận chính quyền Hồ Chí
Minh. Việc ông Diệm và ông Nhu bí mật tiếp xúc với phe cộng sản trước
khi bị lật đổ cũng nằm trong chủ trương của Pháp. Và người ta cũng hiểu
luôn tại sao sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, cảm tình của Pháp lại dần
dần hướng về Bắc Việt.
Còn một câu hỏi khác. Tại sao chính quyền Kennedy lại quyết tâm lật
đổ ông Diệm cho bằng được? Họ không chỉ ủng hộ các tướng lãnh để lật đổ
ông Diệm, họ đã trả tiền cho các tướng để lật ông. Ông Trần Văn Đôn,
trong hồi ký "Việt Nam Nhân Chứng", đã nhìn nhận là trung gian của Mỹ đã
mua chuộc các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa, ông trưng cả các biên lai
nhận tiền (một trong những biên nhận này là của ông Nguyễn Văn Thiệu,
nhận một triệu đồng). Nhiều người nói rằng tổng thống Kennedy đã tỏ ra
rất xúc động khi nghe tin ông Diệm và ông Nhu bị giết chết. Nhưng sự xúc
động này không chứng tỏ rằng Kennedy không chủ trương lật đổ ông Diệm.
Sự xúc động trước một án mạng do chính mình gây ra không có gì là lạ.
Nhưng sự xúc động đó đã không ngăn cản chính quyền Mỹ giao ông Ngô Đình
Cẩn cho các tướng lãnh để bị xử bắn khi ông Cẩn vào tòa đại sứ Mỹ xin tị
nạn. Cũng đừng nên quên là Kennedy có quan hệ cá nhân với các mafia và
đã được mafia tài trợ để tranh cử tổng thống. Kennedy không phải là một
người hiền lành. Theo tôi, chính quyền Kennedy phải bằng mọi giá lật đổ
hai ông Diệm-Nhu vì họ chống lại việc đem quân đội Mỹ vào Việt Nam.
Kennedy lên cầm quyền đầu năm 1961 với chủ trương sống chung hòa
bình với Liên Xô và chống Trung Quốc. Từ đầu năm 1962, Kennedy và
Kruschev bắt đầu những cuộc hội nghị thượng đỉnh tại Vienne, thủ đô Áo,
trong dó theo nhiều tài liệu được tiết lộ, Liên Xô đã thông báo với Mỹ
là họ có thể tấn công Trung Quốc để phòng hờ hậu họa. Vào lúc đó căng
thẳng giữa Liên Xô và Trung Quốc đã đạt tới mức cao nhất. Thế giới đều
lo sợ viễn tượng một Trung Quốc lớn mạnh và hiếu chiến, đã gây ra cuộc
chiến Cao Ly, tấn công Kim Môn, Mã Tổ, đánh chiếm Tây Tạng và đang đe
dọa Đài Loan. Một cuộc tấn công Trung Quốc là điều mà nhiều quốc gia cho
là nên làm. Hơn nữa, Trung Quốc lại vừa trải qua thảm kịch "Bước Nhảy
Vọt" làm hơn 40 triệu người chết đói, bất mãn lên tới tột đỉnh. Đó là
thời điểm lý tưởng để tấn công Mao Trạch Đông. Tóm lại, một cuộc tấn
công Trung Quốc rất có thể xảy ra và Hoa Kỳ phải đổ quân vào Việt Nam để
sẵn sàng trước mọi biến cố. Họ không thể cho phép Ngô Đình Diệm ngăn
cản kế hoạch này, nhất là khi họ khám phá ra rằng ông Ngô Đình Diệm đang
bí mật tiếp xúc với Hà Nội theo một kế hoạch của Pháp. Sự khám phá ra
ông Ngô Đình Diệm là lá bài của Pháp có lẽ càng khiến họ quyết tâm hơn.
Độc giả có thể hỏi: ông Diệm do một chính phủ cánh hữu của Pháp đưa
lên, tại sao lại tiếp tục được các chính phủ cánh tả sau đó ủng hộ, mặc
dầu vài ngày trước khi ông Diệm lên cầm quyền thì chính phủ Pháp đã
thay đổi, cánh tả đã thay thế cánh hữu ? Câu trả lời giản dị là cánh tả
còn ủng hộ ông Diệm mạnh hơn là cánh hữu. Một giải pháp tương tự như
giải pháp Ngô Đình Diệm là điều mà cánh tả đã chủ trương từ lâu. Hơn nữa
ông Nhu, người sắp đặt tất cả, chỉ có hậu thuẫn của cánh tả Pháp.
Muốn hiểu rõ những gì đã xảy ra cần hiểu con người Jacques Bénet.
Ông này là bạn thân của ông Nhu ; hai người cùng học trường Ecole des
Chartes. Ông thuộc đảng Xã Hội, vợ ông là chị em họ với tổng thống
François Mitterrand. Ông Nhu mặc dù thân Pháp theo truyền thống gia đình
nhưng quan niệm rằng Việt Nam phải được độc lập. Lập trường này được
cánh tả Pháp ủng hộ nhưng lại bị cánh hữu bác bỏ. Chính vì vậy mà ông
Nhu, qua trung gian của Jacques Bénet, chỉ quan hệ với đảng Xã Hội Pháp.
Cánh hữu Pháp chỉ dùng những người hoàn toàn theo Pháp như Nguyễn Văn
Xuân, Nguyễn Văn Tâm, Trần Văn Hữu, v.v. Chỉ đến khi Pháp đã sa lầy tại
Điện Biên Phủ và hoàn toàn tuyệt vọng họ mới phải miễn cưỡng chấp nhận
giải pháp độc lập mà cánh tả Pháp chủ trương từ lâu. May cho ông Diệm và
ông Nhu là họ lên cầm quyền cùng một lúc với cánh tả Pháp, nếu không
chắc chắn họ sẽ gặp nhiều khó khăn với cánh hữu. Người ta có thể nhận
xét là từ sau khi cánh hữu, với tướng De Gaulle, lên cầm quyền từ 1958,
Pháp không còn dễ dàng với chính quyền Ngô Đình Diệm như trước nữa.
Điều có vẻ khó hiểu là Jacques Bénet dù thuộc đảng Xã Hội đã vận
động được chính phủ cánh hữu ủng hộ ông Diệm vài tháng trước khi nhường
chính quyền cho cánh tả. Jacques Bénet đã làm được việc này bởi vì ông
là một trong những người tham gia kháng chiến tích cực trong lúc Pháp bị
Đức chiếm đóng. Ông đã vào sinh ra tử, bị bắt ba lần và vượt trại ba
lần. Hầu hết những người cầm quyền tại Pháp sau thế chiến II, dù thuộc
cánh tả hay cánh hữu, đều đã tham gia kháng chiến và quí trọng nhau
trong gian nguy. Jacques Bénet là dân biểu quốc hội lập hiến, quốc hội
đã khai sinh ra nền cộng hòa thứ tư của Pháp. Ông có nhiều bạn thân giữ
vai trò quan trọng trong cánh hữu. Họ tin ông và đã chấp nhận giải pháp
Ngô Đình Diệm vì không còn giải pháp nào khác, để bảo vệ những quyền lợi
kinh tế và văn hóa,vào lúc nước Pháp đã thất bại rõ ràng tại Việt Nam.
Tôi gặp ông bà Jacques Bénet lần đầu tiên cách đây hơn mười năm
trong một bữa ăn do ông bà Trần Minh Châm khoãn đãi. Chúng tôi nói
chuyện suốt nửa ngày về nhiều vấn đề chính trị, nhưng tuyệt nhiên không
đề cập đến ông Ngô Đình Diệm. Tôi không thể ngờ rằng chính ông lại là
đầu mối của một biến cố chính trị lớn trong lịch sử Việt Nam cận đại.
Sau khi đọc xong hai lá thư do ông Trần Minh Châm trao, tôi lại được gặp
lại Jacques Bénet lần nữa trong một bữa cơm trưa cùng với ông Trần Minh
Châm. Ông Jacques Bénet năm nay đã ngoài 90 tuổi nhưng còn rất minh
mẫn. Ông lái xe đến nhà ông Châm để gặp tôi. Ông nhớ rất rõ những gì đã
xảy ra và kể cho tôi mọi chi tiết. Sự thành thực của ông là tuyệt đối.
Hơn nữa, điều ông kể ra rất hợp lý. Điều quan trọng trong lịch sử không
phải là biết những gì đã xảy ra mà là hiểu tại sao chúng đã xảy ra như
thế. Vả lại, hơn tất cả các địa hạt khác, trong lịch sử nếu không hiểu
thì càng không thể biết đúng, ngay cả khi chính mình là tác nhân, chưa
nói là chứng nhân. Khi tôi hỏi ông có ý thức được rằng ông đã can thiệp
một cách quan trọng vào lịch sử Việt Nam không thì ông trả lời với một
nụ cười: "Tôi biết lắm chứ".
Cho đến nay, ngoại trừ ông Ngô Đình Nhu và ông Jacques Bénet, mọi
người đều hiểu lầm về giai đoạn ông Diệm lên cầm quyền. Chính ông Luyện
cũng không biết rõ, nếu không chắc chắn ông đã nói với tôi. Ngay cả ông
Diệm, mặc dù trước khi rời Paris về nước có tới thăm và cảm ơn ông Bénet
có lẽ cũng chỉ biết một phần sự thực.
Phát giác này làm tôi bâng khuâng. Nếu không vì một xích mích nhỏ
với bà Nhu, vì một tập hồ sơ cũ, thì ông Bénet đã không viết lá thư này
nói lên những gì đã xảy ra để ông Trần Minh Châm có được mà gửi cho tôi,
và sự hiểu lầm sẽ tiếp tục.
Lịch sử là một kho dữ kiện mô tả chân dung của một dân tộc trong
dòng thời gian. Nó cho ta biết ta là ai và có thể làm gì. Khi lịch sử
sai thì chúng ta không hiểu chính mình, làm việc trên những tài liệu
sai, và kết luận không thể đúng. Một giai đoạn còn rất gần với chúng ta
và được bình luận nhiều như giai đoạn Ngô Đình Diệm mà còn có thể sai
như vậy thì những gì sử Việt Nam chép lại của trăm năm, nghìn năm về
trước có mức độ chính xác nào ? Các sử gia sẽ còn cần nhiều cố gắng tìm
kiếm, phân tích và phê phán để lịch sử được đúng đắn hơn. Trước hết
những người có may mắn được biết những sự kiện có giá trị lịch sử phải
nói ra hết sự thực. Đó là bổn phận đối với cộng đồng quốc gia. Đó cũng
là điều mà rất tiếc là họ hoặc chưa làm, hoặc chưa làm một cách đầy đủ.
Nguyễn Gia Kiểng
Chú Thích
(1) "Or votre mari, Ngô Dinh Nhu, a eu l’intuition géniale -
dictée, bien sûr, par la Providence - que le moment était arrivé, en
mars 1954 pendant la bataille de Dien Bien Phu, d’essayer de convaincre
le Gouvernement Français d’alors (Gouvernement Laniel-Bidault-Reynaud)
qui disposait encore de quelques atouts déterminants quant au Destin de
l’ancienne Indochine de permettre d’urgence la venue au Pouvoir de son
frère, Monsieur Ngô Dinh Diem, personnalité nationaliste vietnamienne
d’une réputation sans tâche et d’une notoriété évidente, afin de prendre
la tête du Gouvernement du Viêt Nam non communiste".
(2) "Cela fut possible parce que les gouvernements français d’alors
disposaient vis à vis de Bao Dai, particulièrement, de divers moyens de
pression déterminants".
(3) "Il faut travailler de manière à ce que des instructions en ce
sens, qui sont, j’en suis persuadé, déjà prêts, soient envoyées
d’urgence à Saigon".
(4) "Car il ne faut plus recommencer l’expérience de 1945-1954.
Soutenus seulement par le camp occidental, nous sommes sûrs d’être
battus par le communisme en Asie. Il faut avoir le concours du peuple
vietnamien et la sympathie du Monde asiatique, pour que l’aide
occidentale, dédouanée par la personnalité du Président Ngô, puisse être
utile, ayant reçue l’étiquette asiatique".
Về giai đoạn Ngô Đình Diệm, độc giả có thể đọc hai tác phẩm chi
tiết và công phu: "Việt Nam 1945-1995" của Lê Xuân Khoa và "Vietnam,
pourquoi les Américains ont-ils perdu la guerre?" của Nguyễn Phú Đức.
(Nguồn: thongluan.org/ngày 05/04/2005)