Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Nhân quyền Việt Nam: cần "nỗ lực phi thường và thay đổi chính mình"

Phạm Lê Vương Các thực hiện
Nhân sự kiện Việt Nam ký kết Công ước chống tra tấn và trúng cử vào chiếc ghế thành viên Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Cùi Các đã có cuộc hỏi chuyện ngắn với ông Lê Thăng Long, một nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền Việt Nam. Qua đó để xem nhận định của ông xung quanh những sự kiện này, cũng như tìm hiểu về tác động của phong trào Con đường Việt Nam-mà ông là một người đồng khởi xướng, với công cuộc đấu tranh bảo vệ quyền con người.

Ông Lê Thăng Long (Ảnh: tác giả cung cấp)
Thưa ông. Vào ngày 12/11 vừa qua, VN đã trúng cử vào chiếc ghế thành viên Hội đồng Nhân Quyền LHQ, theo ông điều này thể hiện sự mong muốn của nhà cầm quyền trong việc cải thiện nhân quyền hay chỉ là một “quyết tâm chính trị”?

Lê Thăng Long: Theo tôi sự việc này thể hiện cả hai điều trên. Tuy nhiên giữa mong muốn, ký kết và thực thi thì còn khoảng cách rất xa mà nhà cầm quyền Việt Nam cần phải có những “nỗ lực phi thường” trong thời gian tới và phải “thay đổi chính mình” rất nhiều mới có thể đáp ứng được chuẩn mực chung theo thông lệ quốc tế trong việc đảm bảo nhân quyền.
Trước khi trúng cử vài ngày, VN đã ký kết Công ước chống tra tấn. Là một người đã từng ở 3 năm trong tù, ông có nhận định như thế nào về thực trạng nhà tù Việt nam hiện nay, trong đó có việc tra tấn và đối xử vô nhân đạo với tù nhân?
Lê Thăng Long: Thực tế tại Việt Nam tình trạng tra tấn và đối xử vô nhân đạo với tù nhân vẫn còn tồn tại khá, tuy có tiến bộ so với trước đây. Tình trạng tạm giam, tạm giữ bị tra tấn vẫn còn không ít. Kể cả có trường hợp đánh chết người, mà báo chí gần đây đã nêu lên và mới được nói ra. Việc tra tấn đối xử vô nhân đạo còn thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: tra tấn thể xác và tinh thần, tra tấn bí mật và công khai, tra tấn trực tiếp và gián tiếp. Gây khó khăn cho gia đình tù nhân cũng là hình thức tra tấn gián tiếp. Công an “bật đèn xanh” cho người tù đánh người tù cũng là một hình thức tra tấn. Giam trong phòng đặc biệt, cùm chân cũng là một hình thức tra tấn. Hiện tại, tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức đang bị đối xử, giam giữ “đặc biệt” tại Xuyên Mộc là một minh chứng cụ thể. Tôi cho rằng, tình trạng chung này không phải là chủ trương của nhà cầm quyền Việt Nam, nhưng với thể chế, cơ chế lãnh đạo, quản lý đất nước như hiện nay thì sẽ dung túng và bao che cho những tệ nạn này còn nhiều và biến dạng tinh vi hơn.

Ông Lê Thăng Long (áo trắng, giữa) ra tòa cùng doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, Ls Lê Công Định, Ths Nguyễn Tiến Trung, hôm 20/1/2010.
Ông có lo ngại rằng Công ước chống tra tấn sẽ được nhà cầm quyền VN diễn giải “sự khác biệt do đặc thù của mỗi quốc gia”, để rồi tiếp tục vi phạm, như ta đã từng thấy ở Công ước Về Các quyền Dân sự và Chính trị 1966 hay không?
Lê Thăng Long: Tôi hoàn toàn có thể lo ngại về điều này. Như chúng ta đã từng thấy ở Công ước Về Các quyền Dân sự và Chính trị 1966, Việt Nam đã gia nhập vào năm 1982, nhưng cho đến hiện nay quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do tôn giáo… vẫn chưa được thực thi đầy đủ trên thực tế. Trong quyền tự do ngôn luận, một trong những điều chưa được thực hiện đầy đủ là không có báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình tư nhân. Chưa có quyền tự do lập hội thực sự, đó là còn cơ chế xin cho và ngăn cản theo chủ quan của nhà cầm quyền; đúng ra lập hội, lập đảng thì chỉ cần đăng ký. Trong quyền tự do tôn giáo: Các lực lượng công an, quan chức cao cấp trong chính quyền, sỹ quan quân đội, vẫn bị hạn chế lấy vợ chồng là gốc Thiên chúa giáo.v.v… Vụ án chính trị của chúng tôi - “nhóm nghiên cứu Chấn”, cũng là một minh chứng cụ thể cho việc vi phạm Công ước Về Các quyền Dân sự và Chính trị 1966. Đây có thể ví như một trường hợp “ông Chấn” nữa! Nhưng chưa được giải oan! Chúng ta hãy chờ xem còn bao lâu nữa?! Chống tra tấn là một trong những hoạt động bảo vệ quyền con người. Công ước chống tra tấn là một công cụ pháp lý mang tầm quốc tế. Pháp luật của quốc tế mà quốc gia nào đã tham gia và được công nhận phổ quát toàn cầu có mức độ cần phải được tuân thủ cao hơn pháp luật của quốc gia đó. Trách nhiệm của chính quyền trong việc thực hiện là phải phổ biến, diễn giải chính xác cho nhân dân quốc gia mình được nắm vững, đồng thời đảm bảo việc thực thi đầy đủ công ước này trên thực tế.
Là một người đồng khởi xướng Phong trào Con Đường VN với mục tiêu tối hậu thúc đẩy cho quyền con người, ông có thể cho biết Phong trào Con Đường VN sẽ có những bước đi nào trong tương lai để vận động và giám sát nhà cầm quyền thực thi Công ước này?
Lê Thăng Long: Phong trào Con đường Việt Nam sẽ thông qua các hoạt động về bảo vệ quyền con người của mình để vận động nhân dân và có tiếng nói thuyết phục mạnh mẽ với nhà cầm quyền nhằm thúc đẩy Công ước chống tra tấn được sớm thực thi đầy đủ trên thực tế. Tôi tin rằng chúng ta sẽ có nhiều sáng kiến hành động trong thời gian tới về chương trình này. Chúng tôi cũng kêu gọi Liên hợp Quốc và các tổ chức quốc tế liên quan có các biện pháp thúc đẩy và giám sát việc thực thi công ước này của nhà cầm quyền Việt Nam. Mặt khác, theo quan điểm của tôi, cái gốc của vấn đề chính là nhà cầm quyền Việt Nam do đảng Cộng Sản lãnh đạo toàn diện và đã sử dụng một chủ thuyết có nhiều sai sót để lãnh đạo đất nước. Đã đến lúc, toàn thể đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam cần phải thay đổi, loại bỏ những điều gì sai sót trong chủ thuyết chủ nghĩa cộng sản Mác – Lê Nin, kế thừa tinh hoa trí tuệ của toàn nhân loại để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, đưa Việt Nam phát triển thực sự dân chủ, công bằng, thịnh vượng và văn minh.
Xin cảm ơn ông!
Cùi Các thực hiện

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"