Phạm Đỗ Chí
Theo Viet-Studies
Chưa năm nào có nhiều hội thảo và tranh luận sôi nổi về hiện
trạng nền kinh tế như năm nay. Các giới chức và chuyên gia trong chính
phủ thì cho là kinh tế Việt Nam đã ổn định khá và đang phục hồi. Vài đại
biểu và chuyên gia Quốc Hội thì nhìn thấy “màu xám”, còn vài chuyên gia
ngoài chính phủ hay nhiều nhóm dân cư lại vẫn thấy “màu tối”, theo báo
chí. Chuyện gì đang xảy ra?
Một nhận định của nhiều người trong kỳ hội thảo mùa thu về Kinh tế
[1] mới đây là nền kinh tế đang rất xấu với nguy cơ “vỡ trận tài chính”
trong năm 2014 và triển vọng trung hạn 2013-15 cũng không mấy sáng sủa
vì việc tái cấu trúc kinh tế chưa được triển khai hiệu quả bằng hành
động. Riêng trong phát biểu mở đầu, TS Trần Đình Thiên gọi kinh tế VN
vẫn đang mò đáy, chứ chưa thoát đáy như vài nhà kinh tế khác lạc quan
hơn đã nhận định mới đây.
Thêm một chuyên gia độc lập nhận xét là tình trạng sản xuất trong
nền kinh tế VN gần như tê liệt vì các doanh nghiệp thi nhau phá sản hay
đóng cửa từ 2011, tăng trưởng GDP có thể trì trệ hơn và nạn thất nghiệp
gia tăng mạnh hơn các con số chính thức, gây ra các tệ nạn xã hội báo
động. Trong khi chính sách tín dụng trong cả nước cũng hoàn toàn nghẽn
mạch—một phần vì doanh nghiệp không đủ sức hấp thụ và vì ngân hàng không
muốn cho vay (với thanh khoản yếu do nợ xấu gây ra).
Nói chung, hoạch định chính sách kinh tế có thể khó khăn hơn nếu
không được dựa trên dữ kiện rõ ràng hay chính xác (economic planning
without facts), như nhà kinh tế nổi tiếng Kornai đã từng cảnh cáo cho
nền kinh tế Hung ga ri thời còn bao cấp.
Bài trình bầy của nhóm nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Fulbright ở
Saigon qua Giám đốc Nguyễn Xuân Thành [2], phân tích trong 4 động cơ
liên quan đến tăng trưởng thì 3 “động cơ nội” trục trặc, chỉ có một động
cơ “ngoại” là khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang
chạy tốt, và nhận định quan trọng là 3 động cơ nội trục trặc là do bị
ảnh hưởng của thể chế kinh tế (khu vực quốc doanh làm chủ đạo), động cơ
ngoại chạy tốt do không bị ảnh hưởng hoăc bị ảnh hưởng rất ít của thể
chế trong nước. Tỷ trọng giá trị gia tăng của khu vực FDI trong GDP là
13% năm 2000, đến năm 2012 tỷ lệ này tăng khoảng 7 điểm phần trăm lên
xấp xỉ 20%; lượng tiền chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài (chi trả sở
hữu – thu từ sở hữu) của năm 2012 tăng khoảng 25 lần so với năm 2000 và
nếu loại trừ yếu tố giá thì tỷ lệ này cũng tăng xấp xỉ 9 lần.
Điều này làm nổi bật một điều là do đóng góp đáng kể của FDI vào
tăng trưởng GDP, thu nhập quốc gia gộp (GNI—gross national income) không
tăng nhanh theo cùng mức với GDP, và thu nhập lẫn tiêu thụ nội địa đều
yếu dẫn đến mức tổng cầu yếu đã được ghi nhận từ ba năm qua. Từ những
lập luân trên phải chăng càng tăng trưởng GDP theo kiểu này thì luồng
tiền và của cải của đất nước càng sụt giảm, trong khi FDI càng thu lợi
nhờ nhân công và thuê đất rẻ lại tránh được thuế (xem dưới đây)?
Mặt khác, khi đã xác định được sự đình trệ của khu vực sản xuất
trong nước phần lớn là do thể chế thì các nhà họach định chính sách có
thể cải thiện thể chế để phục hồi cơ cấu sản xuất và cả nền kinh tế.
Việc cải thiện thể chế không chỉ đơn giản là cải cách hành chính hay
chống tham nhũng như một số giới kêu gọi, hay là giãn giảm thuế thu nhập
doanh nghiệp, mà chính là thiết lập thật sự sân chơi bằng phẳng, minh bạch đối với khu vưc tư nhân và nông nghiệp. Đây chính là nền tảng thiết yếu của chính sách tái cơ cấu kinh tế đang muốn thực hiện bởi chính phủ. Vì nến tảng chưa được thiết lập, việc áp dụng mới bị bế tắc!
Điều này không tốn kém nhưng cũng rất khó khăn vì phải tái cơ cấu tư
duy của các nhà lãnh đạo và điều hành kinh tế! Việc đạt được thành tích
tăng trưởng cao ngắn hạn mỗi năm thực sự không quan trọng bằng việc
phục hồi 3 động cơ “nội”, theo cách phân tích nói trên của nhóm
Fulbright.
Từ nghiên cứu quan trọng của nhóm này, chúng ta cũng có thể suy nghĩ
thêm về những mảng sáng tối, và những lý do đàng sau, của bức tranh
kinh tế Việt nam khá phức tạp năm nay với các diễn đạt khác biệt từ
những góc nhìn khác nhau.
Cả nền kinh tế nói chung vẫn trong tình trạng tương đối trì trệ của 2
năm trước với mức GDP thực tế chỉ tăng quanh 5% (con số chính thức được
coi là lạc quan!). Nhưng phần lớn tăng trưởng được ghi nhận là do nhóm sản xuất FDI. Và đó cũng là lý do cho điểm sáng hiếm hoi của xuất khẩu vẫn tăng khá năm nay. Nhưng với các kỹ thuật chuyển giá để khai lỗ của
nhóm doanh nghiệp FDI, đóng góp vào thuế doanh nghiệp của khu vực này
gần như rất ít, trong khi các doanh nghiệp tư nhân ngoài FDI và nhà nước
thua lỗ nên không thể đóng thuế: thêm một lý do cho thất thu thuế năm nay, ngoài chuyện trì trệ sản xuất.
Ngoài ra do tình trạng suy yếu của sản xuất nói chung, mức nhập siêu
10-12 tỷ USD của các năm trước 2011 đang trở thành xuất siêu, giúp cho
cán cân vãng lai và thanh toán tổng thể được thặng dư, và là lý do căn
bản làm bớt được áp lực tỷ giá.
Áp lực lên tỷ giá cũng bớt đi do chuyên độc quyền vàng miếng SJC làm bớt nhu cầu nhập lậu vàng. Trong
khi NHNN có thể hân hoan với kết quả này, câu hỏi bất cập khác xuất
hiện là khối vàng trên 60 tấn do NHNN độc quyền bán ra đã đi đâu? Khoảng
30 tấn được giải thích là cho nhu cầu tất toán của hệ thống ngân hàng
trong năm, nhưng còn hơn 30 tấn vàng kia đi đâu? Báo chí
xuất hiện thêm loạt bài nói là “tham nhũng ưa chuộng vàng miếng”, làm
dấy lên mối lo ngại trước đây về các kênh tẩu thoát của vàng không được
mong muốn, một câu hỏi nhức nhối khó trả lời và cần thời gian.
Chuyện bán ra khối vàng quan trọng cùng với việc phát hành 170.000
tỳ đồng trái phiếu chính phủ cũng được coi là hai biện pháp giúp rút bớt
khối tiền đồng lưu hành để tránh áp lực lạm phát do việc NHNN mua vào
thành công khối dự trữ ngoại hối tăng đến mức kỷ lục 28 tỷ USD, so với
sự thất bại năm 2007 do thiếu biện pháp này để trung hòa khối tiền đồng
tung ra để mua khoảng 10 tỷ USD do FDI và đầu tư gián tiếp FII mang đến.
Câu hỏi đặt ra là tiền lớn đều chui vào vàng và chi tiêu chính
phủ, còn đâu “room” cho đầu tư của tư nhân khi bị khu vực chi tiêu chính
phủ chèn ép?
Sau hết, sản xuất trì trệ nói chung trên đây cũng gây trở ngại cho
mức tổng cầu và hấp thụ tín dụng của nền kinh tế. Do đó, tín dụng mới
tăng hơn 6% cuối tháng 10 và cả năm khó đạt mục tiêu tăng 12%, và là
nguyên nhân chính giúp giảm áp lực lạm phát.
Về nhu cầu chính sách tương lai trong ngắn hạn, có 2 luồng ý kiến: thứ nhất là kích cầu từ đầu tư công qua nới rộng mức độ bội chi ngân sách và thứ hai là “kiên trì” ổn định kinh tế vĩ mô.
Việc “kích cầu”, qua đầu tư công thiếu hiệu quả, có thể nhất thời làm
tăng GDP nhưng không bền vững và chỉ nhằm mục đích “thành tích” ngắn
hạn, và một vòng xoáy lạm phát – suy trầm bị e ngại sẽ lại tiếp diễn
trong năm 2014 như đã xảy ra các năm trước đây. Hơn nữa trong lúc các
tỉnh thành lớn đều hụt thu nội địa thì việc nâng trần bội chi ngân sách
quốc gia (lên 5,3% cho năm nay và năm tới) để dáp ứng việc giải quyết
tăng GDP ngắn hạn là một việc không nên làm trong lúc này.
Điều gây bức xúc nhất vẫn là chính sách trung hạn: tiếp tục
in trái phiếu khoảng 150.000-200.000 tỷ mỗi năm như lối ra cho chính
sách tài khóa theo dự kiến hiện tại quả là không ổn cho bức tranh lạm
phát và tổng thể. Và không giải quyết được nghẽn mạch tín dụng bằng việc
tiếp tục vô thời hạn các biện pháp hành chính hiện nay trong chính sách
tiền tệ, thay vì các biện pháp thị trường, do chính NHNN đã khổ công
xây dựng trong nhiều năm trước đây mà kinh tế đất nước cũng đã rất quen
thuộc-- mới là chuyện quan trọng: liệu có thể để các doanh nghiệp tiếp
tục dẫy chết và guồng máy sản xuất suy đốn thêm?
Nhìn chung, búc tranh kinh tế 2013 có những điểm sáng như xuất khẩu
tăng, tỷ giá ổn định, lạm phát giảm dần, được một số nhà kinh tế quen
thuộc trong nước ngợi khen, nhưng nghĩ kỹ đều phản ánh những tia sáng le
lói khó bền vững, vì chỉ đi ra từ sự kiệt quệ của nền kinh tế tư nhân
với hàng chục ngàn doanh nghiệp đóng cửa hay lỗ nặng hàng tháng. Cạn
nguồn thuế, ngân sách không thể kéo dài chuyện in tiền qua phát hành
trái phiếu của chính phủ hay của các doanh nghiệp nhà nước được bảo
lãnh. Đây không thể là tình trạng kéo dài thêm được lâu nữa.
Trong phần tóm tắt kết luận hội thảo, một nhân vật hữu trách quan trọng khẳng định là nền kinh tế không hề tê liệt
để trả lời thẳng vào nhận xét chuyên gia trên đây, nhưng lại cũng hoàn
toàn im lặng về các đề xuất thay đổi thể chế như nêu trên. Thay vào đó,
vị này nhấn mạnh về yếu tố phục hồi tăng trưởng cho năm tới, và nêu nhận
xét là các chuyên gia đã rõ ràng và đồng thuận trong phần nhận định
hiện trạng, nhưng chưa đưa ra được các giải pháp chính sách phục hồi
kinh tế cụ thể. Và hình như đó là bế tắc của khóa hội thảo mùa thu, cũng
như của nền kinh tế suốt bốn mùa!
Trước bế tắc đó, phải chăng cần nghĩ đến giải pháp “cuối cùng” như
chuyên gia Võ Đại Lược vừa đề nghị với Ủy ban Kinh tế Trung ương là mời
IMF trở lại để trợ giúp cả kỹ thuật lẫn tài chính? Kỹ thuật vì họ có cái
nhìn khách quan vượt trên được các nhóm lợi ích và có thể giúp tái lập
bức tranh tổng thể với số liệu chính xác. Tài chính vì nhu cầu vốn để
xóa món nợ xấu ngân hàng cũng như giảm khối nợ công quốc gia khổng lồ
(ước tính vượt 100% GDP, gồm cả nợ của các doanh nghiệp nhà nước do
chính phủ bảo lãnh) có thể lên đến 40-50 tỷ USD, con số ít ai dám nghĩ
đến, nhưng là số dựa vào kinh nghiệm trợ giúp của IMF cho Thái lan và
Nam dương.
__________________
[1] Do Ủy ban Kinh tế Quốc Hội tổ chức ở Huế vào hai ngày 26-27/9/2013.
[2] Tóm tắt của TS Bùi Trinh trong một bài viết ngắn chưa xuất bản.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 13-11-13