Từ Công Việt
Trong tình đất nước như hiện nay, tâm lý bất an trong dân là hiển nhiên. Khi đọc bài của tướng Lê Văn Cương, một công dân suy ngẫm, tự hỏi và viết những điều mình biết sau đây:
Phong trào đấu tranh cách mạng của người cộng sản theo chủ nghĩa Mác –
Lê Nin có vai trò quan trọng và ý nghĩa đối với lịch sử nhân loại: tác
động lớn đến sự thành công phong trào giải phóng dân tộc của các nước
trước là thuộc địa trên toàn thế giới, phá tan hệ thống thuộc địa và cáo
chung chủ nghĩa thực dân cũ, là mệnh lệnh thay đổi, cải cách đối với
chủ nghĩa tư bản đang ngày càng tham lam. Nhưng nó đã khởi nguồn xây
dựng một hệ thống xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới đã để lại nhiều hệ
lụy đến hôm nay, nhất là đối với nhóm XHCN đang còn lại trên thế giới.
Đối với Việt Nam, đó là con tàu chuyên chở dân tộc đến bến bờ độc lập
mà giờ đây đã quá cũ kỹ, mục nát và trở thành phương tiện để nhóm tha
hóa trong đảng cầm quyền bòn rút tài nguyên đất nước, mồ hôi nước mắt
của nhân dân, đè nén ý chí nhân dân, làm cho đất nước trở nên tụt hậu
ngày càng xa so với các nước khác. Người dân Việt đã thấy quá rõ qua
việc sử dụng nguồn lực quốc gia, từ đồng tiền thuế của nhân dân, từ
những nợ nần vay vốn quốc tế để vá víu những vết thủng Vinashin,
Vinaline …và nhiều vết thủng khác đang được che dấu, tiềm ẩn trong các
tập đoàn kinh tế nhà nước. Con tàu này quá gỉ sét rồi, người ta đã nhận
biết và từ bỏ từ hơn 20 năm trước để chấm hết vai trò lịch sử của nó,
sao nở lại cứ để nó đày đọa người dân.
Trên thế giới hôm nay, những nước có nền khoa học công nghệ dẫn đầu,
nền kinh tế phát triển bền vững, cuộc sống nhân dân ấm no, tự do, hạnh
phúc là ở những nước xã hội chủ nghĩa ư? Khi Liên Xô hoặc một số nước xã
hội chủ nghĩa đang ở đỉnh cao (chủ yếu là tiềm năng quân sự) có phải
nhân dân ở các nước này có đời sống sung túc, thoải mái hơn nhân dân ở
các nước tư bản? nhất là về mặt văn hóa, tư tưởng? Để rồi Cái nôi Liên
Xô và phần lớn các nước xã hội chủ nghĩa khác phải thêm mất mát, hy sinh
xương máu trở lại với chủ nghĩa tư bản. Giờ đây, trên thế giới chỉ còn
lại bốn nước XHCN: Cu Ba, Triều tiên, Trung Quốc và Việt Nam. Trong nhóm
này, Trung Quốc từng là anh hai của khối XHCN lớn mạnh nhất về tiềm
năng quân sự, kinh tế đang tìm cách nuốt chững người anh em phía nam.
Trung Quốc được xem là thành công, mạnh nhất của nhóm do huy động, khoan
vào sức dân, là đất nước của nghịch lý “Nước giàu dân nghèo”. Nhưng cho
dù bỏ qua những sai sót, những thất bại trong thời gian qua, nếu Việt
Nam chấn chỉnh, cải cách để thành công như Trung Quốc hiện nay thì có gì
hay và lý tưởng để tiếp tục định hướng CNXH: thực dân kiểu mới bành
trướng lãnh địa, mưu đồ chiếm đoạt tài nguyên các nước xung quanh và với
cả anh em cùng ý thức hệ, nền kinh tế phát triển không bền vững đã bất
chấp hủy hoại môi trường và nguy hại trực tiếp mạng sống con người mà cụ
thể là hàng hóa TQ mà ai cũng biết (Người Việt bị tiêm nhiễm nặng vấn
đề này, nhất là đối với thực phẩm sản xuất cho chính người Việt dùng),
và câu hỏi: TQ là nơi có môi trường xã hội tốt mà người Việt Nam hoặc
dân nghèo các nước mơ đến định cư ?
Về phân tích nguyên nhân sụp đổ Liên Xô:
Theo phân tích của Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên nhân cốt lõi làm
tan rã Liên Xô tựu trung do sự tha hóa đạo đức của con người, cụ thể là
những đảng viên ĐCSLX nắm quyền lực đất nước, do cơ chế thực thi dân chủ
và cơ chế giám sát quyền lực như trích lược dưới đây:
Trích 1: Đảng Cộng sản Liên Xô chưa xây dựng được cơ
chế hữu hiệu để đảm bảo dân chủ thực sự trong sinh hoạt Đảng. Đảng CSLX
đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong suốt quá trình hoạt động.
Theo chúng tôi, đây là điểm khởi thuỷ, nguồn gốc của mọi biểu hiện khác
về sự thoái hoá của Đảng CSLX.
Trích 2: Đảng Cộng sản Liên Xô đã vi phạm nguyên tắc
tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Đi liền với nó là các bệnh tật:
độc đoán, chuyên quyền, không chấp nhận những ý kiến khác với mình; coi
thường tập thể, coi thường cấp dưới, tự cho mọi ý kiến của mình là chân
lý buộc mọi người phải tuân theo, coi những ai có ý kiến ngược lại là
chống đối, thậm chí là thù địch, khi cần thiết bảo vệ "cái uy" của mình,
họ sẵn sàng đối xử với đồng chí, đồng đội như đối với kẻ thù”.
Trích 3: Đảng CSLX trước đây không có lực lượng nào
và không có cơ chế nào thực hiện giám sát và phản biện hoạt động của
Tổng Bí thư, của Bộ Chính trị. Một nhóm nhỏ này, có khi chỉ dăm ba người
nắm quyền lực tối cao, tự tung tự tác, ai có ý kiến khác sẽ bị họ chụp
cho cái mũ là "chống đối", "là phản động", "là chống Đảng", thậm chí là
"phản bội Tổ quốc"...
Qua bài viết này, người đọc dễ dàng nhìn thấy tình hình tương tự đó
đang hiển thị ở Việt Nam, toàn bộ quyền lực điều hành đất nước đang
trong tay những người đảng viên ĐCSVN, đã được hiến định độc tôn để lãnh
đạo đất nước và sẽ tiếp tục được duy trì như dự thảo sửa đổi Hiến pháp
năm 1992.
Làm sao có thể xây dựng cơ chế dân chủ, cơ chế giám sát quyền lực ở
một nước độc đảng cầm quyền. Độc đảng chính trị cầm quyền sinh độc
quyền, độc tài, sinh ra đặc lợi gây bất công xã hội, từ đó gây ra các hệ
lụy và trở thành nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Cho dù các nhà nghiên
cứu trong giới cầm quyền VN có môi mỏng thế nào cũng không thể khỏa lấp
được thực tế tồi tệ đã in hằn trong tâm trí người dân. Cho dù nhà nước
không có đảng cầm quyền lãnh đạo toàn diện vinh quang như đảng CSVN,
nhưng các nước ở châu Á vẫn có thể xây dựng nền kinh tế thuộc hàng top
ten trên thế giới, có đời sống văn minh như ở Nhật Bản, Hàn Quốc… và cho
dù các nhà nguyên cứu trong giới cầm quyền có đưa ví dụ về một nhà nước
dân chủ, đa đảng rối ren, tranh giành quyền lực như Thái Lan thì họ vẫn
có đời sống văn minh và thu nhập hơn ta gấp nhiều lần.
Vậy làm sao công dân Việt có cơ hội tự hào dân tộc với hộ chiếu gắn
Quốc huy khắc tên hai chữ Việt Nam. Trước đây, người dân Việt đã từng tự
hào dân tộc khi có được cuộc chiến thắng giành độc lập vang dội. Giờ
đây, với nền kinh tế nước nhà tụt hậu, yếu kém, nội lực suy yếu, thấp cổ
bé họng trước giặc ngoại xâm đến nổi phải ức hiếp dân mình khi lên
tiếng bảo vệ chủ quyền. Tự hào dân tộc cho lớp trẻ Việt chỉ là ánh hào
quang của cha, ông đã đỗ xương máu thôi sao? Tiền nhân phải ngậm ngùi
nơi chín suối!
Theo tướng Cương, nguyên nhân cốt lõi nhất đối với sự sụp đổ Liên Xô
chủ yếu do sự tha hóa của đảng cầm quyền, nhất là các vị trong Bộ Chính
trị, BCHTƯ Đảng Cộng sản Liên Xô.
Chẳng có gì lạ! Đó là quy luật tất yếu. Ban đầu,
những người lãnh đạo cộng sản đẹp đẽ như những vị vua anh minh trong
lịch sử mang niềm tin cho dân chúng trong một thời gian, sau đó luôn
được thay thế bằng các vị vua cường bạo, phơi bày một xã hội thối nát
như một quy luật tất yếu của nhà nước phong kiến, được biện chứng xuyên
suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Đã có sự so sánh tương tự giữa nhà
nước phong kiến với nhà nước độc đảng cầm quyền: Quyền cai trị, quyền
lãnh đạo mãi mãi; Cha truyền, con nối; Quốc sự: nghị quyết của Đảng như
là chỉ dụ của Vua; Cửa quan là nơi dân sợ đến; Đất đai là “sở hữu toàn
dân”, là của vua; Quan lại tham nhũng là “văn hóa” đương nhiên, bất trị.
Trị tham nhũng (thanh tra, kiểm toán,…) là để tham nhũng; Nạn mua quan,
bán chức; Chính sách mị dân (tuyên truyền và bưng bít thông tin)…
Bức tranh sinh động ở VN: để xây dựng CNXH nhất định phải có con
người mới XHCN. Sau mấy mươi năm xây dựng CNXH, rèn giũa, lựa chọn những
con người ưu tú lãnh đạo đất nước mà kết quả như toàn dân biết đến. Đó
là một đương kim thủ tướng xem văn hóa từ chức quá lạ lẫm, cho dù có
sai phạm đến mấy cũng là do Đảng giao phó, không thể thoái thác (tuyên
bố trước Quốc hội VN). Rằng đó là một đương kim Tổng bí thư thường phát
biểu dưới chuẩn và phi chính trị, đến nổi nhà báo trẻ Nguyễn Đắc Kiên
phải có vài lời với TBT rằng “…ông không đủ tư cách để nói những lời đó với nhân dân cả nước…”,
hoặc TBT phát biểu ngụ ý rằng cương lĩnh của đảng ông quan trọng trên
cả Hiến pháp của dân tộc. Tam quyền phân lập trong một thể chế nhà nước
là một tiến bộ của nhân loại, nhằm kiểm soát các nhánh quyền lực luôn có
nguy cơ lạm quyền và đã minh chứng hữu hiệu tại các nước tiên tiến.
Vậy, TBT cho rằng người dân đề nghị “Tam quyền phân lập” là
thoái hóa chẳng khác gì khẳng định tính độc trị, không chịu sự kiểm soát
của nhà cầm quyền. Hoặc xét cho cùng, việc đề nghị thành lập Hội đồng
bảo hiến, hay Tòa án bảo hiến cũng nhằm để bảo vệ cho nhân dân nhưng đã
được các đảng viên là đại biểu Quốc hội bàn lui, bàn lùi cũng lộ rõ Đảng
đã xa dân như thế nào. Thế đấy! Những người chuyên chính vô sản trong
bộ máy cầm quyền giờ là những người hữu sản với cuộc sống xa hoa trong
mắt người dân, dù tài sản khủng đã được ẩn dấu. Nói một đằng, làm một
nẻo đã trở thành nếp sống của “một bộ phận nhỏ” đảng viên ĐCS tha hóa.
Không còn niềm tin trong dân để chính danh, tồn tại như thời chiến được
dân che chở, được dân hy sinh ủng hộ, thì đảng có “lực lượng vũ trang”
tuyệt đối trung thành sẽ được ghi vào Hiến pháp VN sắp tới.
Nay, một tình trạng VN quá giống Liên Xô, đó là: “1, Những đảng
viên chân chính thường chiếm tỷ lệ nhỏ, 2. Những người thực hiện, chấp
hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng như cái máy (chiếm khoảng hơn 96 %);
3. Những kẻ cơ hội , xu thời, nịnh bợ (phần lớn trong bộ máy công quyền)
; 4. Những người im lặng (phần lớn họ là những người có hiểu biết nhưng
sợ bị trù dập nên họ giữ im lặng, không dám phát biểu)”.
Và điều nữa, cho dù được tuyên truyền, nhồi nhét thế nào, người ta
cũng dễ dàng nhìn thấy kẻ thù đế quốc Mỹ năm xưa mất dần nét xấu xa, ghê
rợn như đã tô trát trước đây. Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện từ năm
1945 và bị đế quốc này tiếp quản một thời gian giờ đã là một cường quốc,
và rồi câu hỏi: Đế quốc này đã làm thiệt thòi hay đe dọa thôn tính đất
nước nào khi họ đã là đồng minh hoặc quan hệ đối tác?
Sau cùng, cảm nhận thông điệp từ bài viết của tướng Cương, tuy không
nuối tiếc như ông đang tư cách một đảng viên ĐCS, từng là nhà nguyên
cứu chiến lược của Bộ công an, tôi nghĩ ông thuộc những đảng viên có tỷ
lệ nhỏ, cho dù có sự khác biệt, tình yêu tổ quốc luôn là chung./.
Từ Công Việt