Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

NHÂN nào có QUYỀN ở Việt Nam?

Lê Vinh
Kính gửi quí cơ quan truyền thông báo chí,
Trong lãnh vực nhân quyền, hơn 30 năm trước, lãnh đạo đảng đã tham gia ký tên vào các công ước quốc tế về quyền con người, tức cam kết thực thi nhân quyền theo định nghĩa và tiêu chuẩn mà các công ước đó đề ra.
Với thời đại Internet, khi không còn có thể bưng bít các thông tin, hình ảnh vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc và Việt Nam, 2 Ban Tuyên Giáo Trung Ương bắt đầu đưa ra những "khác biệt nhận thức" về nhân quyền. Cứ mỗi luận điểm bị thế giới bẻ gẫy và chỉ trích kịch liệt, họ lại vặn vẹo sang luận điểm mới cũng không kém phần ngụy biện.
Kính chuyển đến quí vị bài viết "NHÂN nào có QUYỀN ở Việt Nam?" của tác giả Lê Vĩnh và kính mong được tiếp tay phổ biến.
Trân trọng,
Mai Hương,
Trưởng Ban Liên Lạc Truyền Thông Đảng Việt Tân
Để dọn đường cho việc CSVN ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, trong mấy ngày đầu tháng 11 vừa qua, tờ Quân Đội Nhân Dân đã liên tục tung ra những bài xã luận tô hồng “thành tích nhân quyền” tại Việt Nam dưới sự cai trị của đảng. Việc báo đài công cụ ca tụng những “thành tựu” nhân quyền ở Việt Nam trong mấy chục năm qua thực ra cũng chẳng phải là điều gì mới. Chúng tương tự như hàng ngàn bài khác ca tụng “những thành tựu kinh tế” dưới sự lãnh đạo của đảng - có khi xuất hiện trong cùng số báo đăng các bài về tình trạng kinh tế khó khăn khắp nơi.

Trong lãnh vực nhân quyền, hơn 30 năm trước, lãnh đạo đảng đã tham gia ký tên vào các công ước quốc tế về quyền con người, tức cam kết thực thi nhân quyền theo định nghĩa và tiêu chuẩn mà các công ước đó đề ra. Cho đến nay, việc thực thi này như thế nào thì chính những nhà lãnh đạo đảng CSVN đã buộc phải nói ra (1) khi họ mập mờ đề cập đến sự “khác biệt nhận thức” [về nhân quyền], trước những hạch hỏi của quốc tế về các vi phạm của Hà Nội. Cũng cần nhấn mạnh là việc ký tên vào các văn bản quốc tế đó do chính nhà cầm quyền Hà Nội tự nguyện chứ chẳng có thế lực nào ép buộc họ. Bên cạnh đó, các cuộc họp nhân quyền thường kỳ giữa Hà Nội với Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu, Úc, v.v... để “giải quyết những khác biệt” là một bằng chứng khác cho thấy việc thực thi nhân quyền của nhà cầm quyền Hà Nội sau hơn 30 năm cam kết đã đi đến đâu. Liệu các trang báo tô vẽ thành tích nhân quyền của đảng đủ sức che lấp các thực tế hiển nhiên đó không?
Với thời đại Internet, khi không còn có thể bưng bít các thông tin, hình ảnh vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc và Việt Nam, 2 Ban Tuyên Giáo Trung Ương bắt đầu đưa ra những "khác biệt nhận thức" về nhân quyền. Cứ mỗi luận điểm bị thế giới bẻ gẫy và chỉ trích kịch liệt, họ lại vặn vẹo sang luận điểm mới cũng không kém phần ngụy biện.
    1/ Luận điểm thứ nhất: Cứ mỗi lần bị phê phán, lãnh đạo CSVN và CSTQ lại khẳng định rằng: Nhân quyền Á Đông khác nhân quyền Tây Phương.
    Điều có thể nói ngay là: nếu “khác” như vậy thì tại sao Hà Nội (và Bắc Kinh) lại tự nguyện tham gia và ký kết thực thi các công ước quốc tế nhân quyền khi mà các công ước này có tiêu chẩn chung không phân biệt Á Đông hay Tây Phương, không phân biệt quốc gia hay chủng tộc? Ngay cả với tính cách và sắc thái riêng của từng quốc gia thì Nhật Bản, Nam Hàn, Thái Lan, Đài Loan v.v... không nằm tại Á Đông sao? Họ cũng có cùng loại văn hóa đặt căn bản trên nền tảng tư tưởng Khổng - Lão - Phật tương tự như Việt Nam và Trung Quốc, thế thì tại sao họ tôn trọng và thực thi giá trị nhân quyền đồng nhất với nhân loại?
    Hơn thế nữa, nếu so sánh ra, thì xã hội Việt Nam và Trung Quốc phải ÍT tính Á Đông hơn ai hết vì xã hội tại cả 2 nước này đã bị gần 3/4 thế kỷ cải tạo theo khuôn mẫu của Lênin-Stalin từ đất Nga và dân chúng bị nhồi nhét vào đầu những ý nghĩ của Marx từ Âu Châu. Và theo tiêu chuẩn cộng sản từ trời Âu đó, các anh hùng dân tộc bị đạp đổ cùng với các "tàn dư tư tưởng phong kiến" khác; các giá trị đạo đức tôn giáo truyền thống cũng bị liệt vào cùng hạng với "thuốc phiện" và bị tẩy rửa. Chính lãnh đạo 2 đảng cộng sản đã cố tình loại trừ tính Á Đông ra khỏi Việt Nam và Trung Quốc.
    Do đó, việc Bắc Kinh và Hà Nội núp sau "giá trị Phương Đông" để tránh né tôn trọng nhân quyền đã bị cả thế giới, đặc biệt là các nước dân chủ tại Á Châu, xem là quái dị và giả dối.
    2/ Luận điểm thứ hai được lãnh đạo đảng đưa ra để biện bạch là: Nhân quyền các nước dân trí cao khác nhân quyền các nước dân trí thấp.
    Trước hết, sau hơn nửa thế kỷ đảng CSVN cầm quyền, nắm độc quyền giáo dục trong tay để bây giờ nền giáo dục Việt Nam đã trở thành rữa nát không còn phương cách cứu chữa, mà ngay cả báo chí “lề đảng” cũng phải thừa nhận, thì trách nhiệm dìm dân trí trong tăm tối là của ai? Nay đảng lại dùng lý cớ “dân trí thấp” để biện minh cho việc không cho người dân được hưởng quyền con người thì không chỉ là điều khôi hài, mà còn là một luận cứ kết án chính sự lãnh đạo giáo dục của đảng.
    Bên cạnh đó, kinh nghiệm chung trên thế giới cho thấy, chẳng một chế độ độc tài nào thực sự muốn mở mang dân trí, vì khi “mặt bằng dân trí” được nâng cao, người dân sẽ ý thức được rằng những kẻ cầm quyền đang cướp đoạt một cách bất lương các quyền mà đương nhiên thuộc về họ. Điều này khiến chiếc ghế cai trị của các nhà độc tài ngày càng dễ dàng bị gãy đổ. Chế độ độc tài CSVN cũng không khác.
    Hơn thế nữa, khi đã là những quyền cơ bản và đương nhiên của mỗi con người - như chính ông Hồ Chí Minh đã mượn ý tưởng cơ bản này của hiến pháp Mỹ đưa vào phần đầu của bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1945 - thì hà cớ gì đối với người Việt Nam dân trí lại được đưa ra như một điều kiện trước khi được hưởng nhân quyền? Không lẽ người Việt Nam ít "tính người" hơn các dân tộc khác?
    Và kinh nghiệm trên khắp thế giới đều cho thấy, mỗi đất nước thoát khỏi chế độ độc tài và chuyển sang dân chủ đều chứng kiến sự phục hồi và thăng tiến dân trí rất nhanh. Không chỉ học sinh, sinh viên được giáo dục quân bình và lành mạnh hơn, mà toàn khối dân tộc được tiếp cận tự do với khối kiến thức của nhân loại. Không còn rào cản nào nữa.
    Do đó, việc viện dẫn tình trạng dân trí thấp để không thực thi nhân quyền chỉ cho cả thế giới thấy tâm địa tàn nhẫn của những kẻ sẵn sàng dìm cả dân tộc trong lạc hậu, phải sống dưới giá trị con người để phục vụ cho một nhóm nhỏ các gia đình lãnh đạo ở thượng tầng.
    3/ Luận điểm thứ ba mà lãnh đạo CSVN dùng để biện minh cho việc ngăn cấm nhân quyền là: Nhân quyền tại các nước giàu khác nhân quyền tại các nước nghèo, vì các nước nghèo cần ổn định để phát triển - nghĩa là đồng hóa nhân quyền với xáo trộn xã hội.
    Trước hết nhìn vào dữ kiện thực tế trên cả thế giới người ta có thể thấy ngay tại các nước dân chủ pháp quyền và tôn trọng nhân quyền, mức độ ổn định chính trị luôn ở mức cao nhất. Việc thay đổi người lãnh đạo quốc gia ở thượng tầng, ở các bộ, ở các tỉnh đều diễn ra một cách quá bình thường. Sự phát triển tại những nước đó không chỉ nhanh mà còn lành mạnh, quân bình và không để lại nhiều phó sản độc hại. Lý do là vì nếu xẩy ra sự bất quân bình hay tác hại thì người dân dùng ngay các quyền bất khả tước đoạt của mình để thay thế những người lãnh đạo, thay thế chính sách phát triển xã hội trước khi mức tuột dốc quá xa.
    Ngược lại, tại những quốc gia độc tài, bộ mặt ổn định chính trị, xã hội và kinh tế đều chỉ là những nồi nước đang sôi sục nhưng các vung nồi bị niềng chặt xuống bằng dây xích. Mỗi lần thay đổi nhân sự lãnh đạo ở thượng tầng là một cơn đấu đá sinh tử và cả nước bị xiềng chặt hơn nữa trong mấy năm liền. Cùng lúc, các chính sách phát triển hầu hết đều thiên lệch và bệnh hoạn, khi thì chỉ tập trung vào túi một thành phần rất nhỏ, khi thì bỏ mặc môi sinh cho nhiều thế hệ sau lãnh đủ, và nhất là căn bệnh tham nhũng ăn thấu cốt lõi tất cả mọi công trình, dự án, kế hoạch. Nỗi ai oán trong dân chúng, tức các nạn nhân, luôn ở độ sôi sục nhưng nhà cầm quyền luôn tìm nơi đổ tội, từ các thế lực thù địch nước ngoài, đến các thành phần bất mãn phá hoại, v.v....
    Đặc biệt nếu nhìn vào xã hội Trung Quốc, nơi mà các lãnh đạo CSVN dùng làm mẫu mực để tiến lên, người ta sẽ thấy rất rõ. Sau ba chục năm “xiết nhân quyền - mở kinh tế” chính cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo trong những tháng cuối nhiệm kỳ đã phải báo nguy nhiều lần về “bốn không” của nền kinh tế Trung Quốc: không ổn định, không cân đối, không phối hợp và không bền vững. Cùng lúc, Trung Quốc trở thành “trung tâm đầu độc thế giới” với đủ loại thứ độc hại trong thực phẩm, dù cố tình bỏ vào hay không còn khả năng loại ra. Một nửa nước Tàu nay bị nạn mưa axít và 1/3 dân Tàu không còn nguồn nước sạch để sinh sống hàng ngày nữa. Vô số ao, hồ, sông, suối, và cả các vùng biển gần bờ trở thành các vùng đất “chết” lồng dưới bầu không khí ô nhiễm nặng nề. Trong xã hội, những "cuộc tụ tập đông người” phản đối nhà cầm quyền ngày càng gia tăng về cả số người lẫn nhịp độ. Chỉ trong năm 2012 con số “tụ tập” như vậy đã lên đến gần 200 ngàn vụ, trung bình mỗi ngày có 500 cuộc biểu tình ở Trung Quốc (2). Nguy cơ động loạn ở cấp vùng là có thực, mà chính ông Tập Cận Bình đã phải thừa nhận trong một buổi nói chuyện với một số cán bộ hồi tháng 4/2013. Buổi nói chuyện này đã bị thu âm và tán phát trên mạng.
    Do đó, chính việc ngăn cấm nhân quyền mới là nguyên nhân tạo ra tình trạng mất ổn định, phát triển bệnh hoạn, và tê liệt giải pháp; chứ không phải ngược lại.
Nếu còn chút thành thật, can đảm, hay tự trọng, có lẽ lãnh đạo đảng CSVN và CSTQ nên thừa nhận chỉ có sự khác biệt duy nhất, đó là: Nhân quyền tại các nước XHCN khác nhân quyền của phần còn lại của nhân loại. Nhân quyền tại các nước XHCN bao gồm những gì?
    Quyền của nhóm cai trị ở thượng tầng bao gồm quyền tự do khai thác mọi loại tài nguyên quốc gia cho túi riêng, tự do biến mọi phương tiện quốc gia thành công cụ riêng của nhóm cai trị, tự do cưỡng đoạt mọi loại đất đai tài sản làm của riêng cho gia đình, tự do bịt miệng và bịt mắt toàn dân, tự do thao túng hiến pháp, luật pháp, và toàn bộ hệ thống tòa án như hàng trang trí nội thất, tự do đóng vai cha mẹ ban phát ân huệ cho hệ thống xin-cho trong mọi lãnh vực, và nhất là tự do cắt xén, dâng nhượng chủ quyền đất nước. Tóm lại, đây là loại quyền không có giới hạn ngoại trừ sự thỏa thuận trong nội bộ nhóm cai trị với nhau. Quyền của những kẻ làm việc cho giới lãnh đạo thượng tầng. Thành phần này bao gồm tất cả những kẻ làm việc cho chế độ, từ công an đến cán bộ mọi cấp mọi ngành, đặc biệt là những ngành đang đóng vai trò bảo vệ chế độ. Họ được quyền làm tất cả những gì cần thiết để bảo vệ chế độ, bao gồm cả quyền tự do bắt bớ, bỏ tù, đánh đập (có khi đánh đến chết), tự do kết án oan sai, tự do vu khống,v.v.... Và để thưởng công cho những đóng góp đó, họ được quyền tự do trấn lột, tự do ăn cắp của công, tự do hối mại quyền thế. Họ biết rất rõ các tuyên bố bài trừ tham nhũng chỉ là diễn kịch vì nhóm cai trị thượng tầng tham nhũng hơn họ gấp trăm lần và cũng đang rất cần họ để giữ vững cả chế độ.
    Tóm lại, “hệ thống nhân quyền” mà lãnh đạo CSVN muốn duy trì không khác loại “nhân quyền” của các chế độ phong kiến hàng mấy trăm năm trước. Trong đó 80 phần trăm quyền hành nằm trong tay nhà vua và hoàng gia, 20 phần trăm còn lại nằm trong tay các quan lại và những kẻ thi hành lệnh lạc của thành phần nắm quyền.
    Và như vậy quyền của người dân còn lại những gì không còn cần câu trả lời.
*****
Điều mỉa mai cho nhân loại và cho dân tộc Việt Nam nói riêng là sự kiện đại diện lãnh đạo CSVN vừa len chân vào Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, nơi mà Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hứa hẹn sẽ "thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên Liên Hiệp Quốc". .. chỉ 30 năm sau ngày họ đặt bút ký kết tôn trọng các điều khoản trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và nay vẫn xem việc dân chúng truyền tay nhau văn bản này là phạm pháp.
Sự kiện này nhắc nhiều người nhớ lại việc chế độ độc tài Gaddafi của Libya cũng trở thành thành viên Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 5/2010. Qui chế này bị đình chỉ vào tháng 3/2011 khi Gaddafi ra lệnh cho quân đội tàn sát dân chúng. Và chế độ Gaddfi chính thức tan rã vào tháng 10/2011.
- - -
Ghi chú:
(1) Trong cuộc viếng thăm Thuỵ Điển cuối tháng 9 vừa qua, ông Trương Tấn Sang đã trả lời cuộc phỏng vấn của báo chí và vô tình bị coi là “xẩy miệng”. Báo Thanh Niên đăng bài về cuộc họp báo đó đã phải rút bài xuống chỉ vài giờ sau khi được đưa lên. Ông Trương Tấn Sang nói đại ý rằng, toàn dân Việt Nam ai cũng quan tâm đến nhân quyền. Khi ai cũng phải “quan tâm đến” tức đó là sự hung hiểm, giống như hiện nay cả nước quan tâm đến cơn bão Hải Yến (Haiyan) vì sự nguy hiểm của nó. Còn những quốc gia mà nhân quyền là điều đương nhiên thì chẳng ai phải quan tâm đến.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"