NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Cũng như Phương Uyên, cuối cùng rồi Đinh Nhật Uy cũng được trở về nhà nhưng lại bị thòng vào một cái án treo.
Phương Uyên được thả ra với cái án treo 3 năm, mức cao nhất của án treo.
Mặc dù Uyên bị truy tố theo tội danh tuyên truyền chống nhà nước nhưng
tìm cả bản cáo trạng dài ngoẵng vẫn không thấy họ đưa ra được hành vi
nào chống Nhà nước.
Đinh Nhật Uy bị truy tố theo điều 258, tội lợi dụng các quyền tự do dân
chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức,
công dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, Đinh Nhật Uy bị bắt là vì Đinh Nguyên Kha, em
trai Uy. Không có Kha thì Uy sẽ không bị bắt. Họ bắt Uy để khủng bố, tác
động đến tâm lý Kha và chị Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của Uy và Kha, buộc
Kha và mẹ phải nhượng bộ, hợp tác, nhận tội.
Trong bản kết luận điều tra cơ quan điều tra đã đưa ra những hành vi rất
vớ vẩn, thậm chí vô lý và nực cười để ghép Uy vào tội "xâm phạm lợi
ích..." (mời xem lại Thấy gì qua bản kết luận điều tra vụ án Đinh Nhật Uy)
Đến bản cáo trạng, họ đã lược bớt đi một số chi tiết nực cười, bôi bác
đó nhưng cũng chẳng cho thiên hạ thấy được Uy đã xâm phạm lợi ích của tổ
chức cá nhân như thế nào.
Việt truy tố Uy theo điều 258 vô lý đến mức, có rất nhiều người tự nhận
"tội" của mình nặng hơn Uy gấp nhiều lần. Chị Liên cho rằng, tiếp theo
con chị là Đinh Nhật Uy thì người bị bắt tiếp theo sẽ là chị vì chị
"cũng lập lại như cháu Uy đã từng làm với em nó (lên tiếng kêu gọi bảo
vệ Đinh Nguyên Kha).
Chị nói về việc cơ quan tư pháp kết tội con chị như sau:
"Cháu Uy chê trách mạng internet của Viettel và VNPT lấy tiền mà không
[đáp ứng dịch vụ cho tốt]. Tôi nghĩ, đây là chuyện khách hàng, chuyện
giữa [nhà cung cấp dịch vụ] không làm đúng theo hợp đồng đã ký kết thì
khách hàng có quyền chê và phản ánh [nhà cung cấp dịch vụ] là chuyện
bình thường. Trong bản cáo trạng, tôi không thấy Viettel và VNPT đưa ra
một bằng chứng nào cho thấy họ bị mất khách hàng, mất quyền lợi, [mất
doanh thu]… Bản cáo trạng như thế là phi lý và phi hiến. Tiếp đến, cháu
Uy nói trên facebook là ở gần nhà cháu Uy có bà vào đảng viên nhưng
không bao giờ thấy bà ấy giúp người nghèo. Làm đảng viên như thế thì chỉ
ô danh chức đảng viên. Nhưng VKS lại cáo buộc và chụp mũ cháu Uy là nói
xấu đảng nhưng thực chất cháu Uy chỉ nói cách sống của bà hàng xóm đã
làm ô danh đảng. Kế tiếp, đài Long An phát tin tức là công an đã phá
được vụ án của Nguyên Kha và Phương Uyên nên tết mỗi người được thưởng
10 triệu đồng. Thấy thế cháu Uy mới viết trên facebook là các anh công
an có tiền thưởng để ăn tết thì các anh nên trích tiền đó ra để phụ đi
thăm nuôi Nguyên Kha và Phương Uyên đang ở trong tù vì hai đứa nó đang
khổ sở, không có cái gì ăn. Ấy thế mà họ cũng quy chụp và cho rằng cháu
Uy nói xấu công an Long An và nói riêng an ninh Long An.
(Chị Liên trả lời truyền thông Dòng Chú cứu thế)
Qua chuyện chị Liên kể, ta thấy nó bi hài đến mức khó tin.
Nói thế để thấy rõ hơn việc người ta cố tình ghép tội Đinh Nhật Uy như thế nào.
Dù thả Uy ra, nhưng phạt Uy 15 tháng tù treo nghĩa là Uy vẫn có tội.
Phải chăng, ý kiến cho rằng "cứ mang ra tòa là có tội" là một nhận xét
đúng với các vụ án chính trị hiện nay.
Dù có tội hay không, họ vẫn phải kết cho bị cáo một cái án nào đó, dù
nhẹ. Chẳng lẽ, tuyên trắng án, hóa ra ngành tư pháp sai, điều này đối
với họ là không thể chấp nhận được. Rồi tuyên trắng án thì bồi thường
cho người ta thế nào đây. Không phải vì không có tiền bồi thường mà nó
có một điều gì đó như làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ngành tư
pháp. Nhưng theo tôi, nếu bị cáo không có tội thì tuyên trắng án, sai
thì sửa chữa, bồi thường, điều đó chỉ làm tăng uy tín cho ngành tư pháp
mà thôi.
Trong lịch sử, đã có những vụ án chính trị được tuyên trắng án, đó là
Đi-mi-tơ-rốp được trắng án phiên tòa Leipzig hoặc Tống Văn Sơ (một biệt
danh khác của Nguyễn Ái Quốc) không bị tuyên phạt bất kỳ tội danh nào
sau 9 phiên tòa kéo dài đến 4 tháng. Có thể kể thêm Phi đen Caxtơro tuy
bị kết án 15 năm tù nhưng cũng chỉ 1 năm sau được thả ra.
Nhưng, trớ trêu thay, đó lại là tòa án của phát xít, đế quốc xử những
người cộng sản. Còn ở đây là những người cộng sản xử những công dân dám
cất lên tiếng nói đấu tranh.
Hiện nay, nhiều người vô tội vẫn bị kết án, thậm chí án rất nặng. Muốn
có những bản án tuyên bị cáo vô tội trong các vụ án chính trị, trước
hết, ngành tư pháp cần phải có một sự độc lập trong việc xét xử, không
bị áp lực từ phía Đảng hay chính quyền. Ngoài ra, những người xét xử cần
phải có trình độ về pháp luật, có lương tâm... Nhưng nói ra những điều
này trong tình hình chính trị hiện nay cũng chỉ là nói lên sự kỳ vọng,
chứ đòi hỏi lúc này thì xa xỉ lắm thay.
31/10/2013
NTT