J.B Nguyễn Hữu Vinh
Trong bài viết “Ba nguồn gốc và ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác”, Lênin viết: “Trái
lại, tất cả thiên tài của Mác chính là ở chỗ đã giải đáp được những vấn
đề mà tư tưởng tiên tiến của nhân loại đã nêu ra. Học thuyết của ông ra
đời thành sự thừa kế thẳng và trực tiếp học thuyết của các đại biểu
xuất sắc nhất cho triết học, chính trị kinh tế học và chủ nghĩa xã hội.
Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó chính xác, nó hoàn bị và
chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không
thoả hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một
hành vi nào bảo vệ áp bức của giai cấp tư sản.” (Giáo dục”, số 3, tháng Ba, 1913).
Đúng 100 năm sau, Chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ còn là mớ kinh sách vẫn
được dùng để tụng niệm tại một vài nước châu Á. Khi mà các đệ tử môn
phái này đang rã rời, buồn ngủ, mơ màng những bữa tiệc linh đình và tìm
cách hưởng thụ những món tư bản khổng lồ cướp được nhờ địa vị thống trị
của mình, dưới cái nhãn mác cách mạng và ô che của cái Học thuyết Mác –
Lênin “vĩ đại” danh cho giai cấp vô sản kia.
Những thực tế đang diễn ra, đã chứng minh rằng những điều Lênin đã
viết kia, đã ca tụng và lăng xê trên, chỉ là những món bánh vẽ và là sản
phẩm của những sự hoang tưởng dưới sự kiểm chứng của lịch sử. Họ đã
phần nào thành công trong một giai đoạn lịch sử, đã ru ngủ cả chục
triệu, thậm chí là hàng trăm triệu người. Nhưng họ đã thất bại trong một
quá trình lịch sử, cái lý thuyết huyễn hoặc đó đã nhanh chóng bộc lộ
những vô lý và tự hủy. Có thể nói, sự thất bại của Chủ Nghĩa Cộng sản
không phải ở chỗ thực hành, mà ngay cả phần lý thuyết cũng đã được thực
tế chứng minh là: hão huyền và ảo tưởng.
Việt Nam là một trong ba địa chỉ hiếm hoi còn lại trên thế giới đang
tiếp tục bám víu vào thứ hỗn mang này. Hai phần ba thế kỷ bám trụ, đi
theo, sáng tạo, kiên định… đủ cả mọi ngôn từ và tốn máu xương hàng triệu
người, từng phần lãnh thổ đất nước thì thực tế xã hội hôm nay đã chứng
minh được điều gì?
Thực tế của “Ba cuộc cách mạng”
Thay cho “một nền sản xuất có năng suất cao hơn hẳn so với nền sản
xuất TBCN” thì năng suất lao động của “phương thức sản xuất XHCN” đã trở
thành chuyện hài hước nếu đem so sánh. Thay cho mối quan hệ sản xuất
tiên tiến, thì phương thức này đã đẻ ra một mối quan hệ sản xuất sử dụng
30% số người làm việc và 30% số công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về. Đó
là những kết luận của quan chức, báo chí Việt Nam tại Cộng hòa Xã hội
Chủ nghĩa Việt Nam hôm nay.
Thay cho mối quan hệ sản xuất lấy giai cấp công nhân làm trọng tâm,
mọi thành phần được hưởng thụ thành quả lao động xã hội, thì sản phẩm xã
hội tập trung vào một đám tư bản đỏ là đảng viên Cộng sản. Chức năng
của đám này là bòn rút, tích lũy, phá phách sản phẩm xã hội và là giặc
nội xâm của đất nước.
Mới mối quan hệ, trình độ sản xuất và năng suất lao động đó, thì đời
sống vật chất mà được nâng cao để dần tiến tới “làm theo năng lực, hưởng
theo nhu cầu” là chuyện điên rồ.
Ngoài ra, cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật được coi là “then chốt”
thì kết quả thảm hại thay. Cả đất nước không tìm nổi một cơ sở sản xuất
chiếc đinh ốc đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế để có thể đảm đương vai trò
đại lý sản xuất cho một hãng tư bản con con. Mọi thành quả kỹ thuật của
“Phe Xã hội Chủ nghĩa” đều là sự học mót hoặc ăn cắp của “bọn tư bản
giãy chết”.
Có lẽ, cần phân tích sâu sắc hơn về cuộc cách mạng thứ 3: Cuộc cách mạng Tư tưởng và văn hóa – Một cuộc phá hủy nền văn hóa lâu đời và niền tin tôn giáo
Khi đảng cộng sản hò hét “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa Xã hội (CNXH), bằng ba cuộc Cách mạng”
thì cả nước rùng mình bởi những trận càn vào tâm linh, tôn giáo, văn
hóa cội nguồn. Đặc biệt nhất là trong ba cuộc cách mạng, cuộc “Cách mạng
Tư tưởng và văn hóa” có chiều sâu nhất đánh vào tâm tư, suy nghĩ, lối
sống, đạo đức và tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc.
Mở đầu là cuộc Cải cách ruộng đất, một chiến dịch làm tan rã quan hệ
sản xuất và nền văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh việc
chiếm đoạt công cụ sản xuất, tài sản ruộng vườn của “giai cấp địa chủ”,
chiến dịch này còn làm băng hoại những nét văn hóa truyền thống mà để có
nó, người dân Việt phải mất hàng ngàn năm chắt lọc và xây dựng. Cuộc
“cải cách” đó thực hiện phương châm “Trí, phú, địa, hào đào tận gốc,
trốc tận rễ”, nghĩa là mọi thành phần ưu tú của dân tộc đều sẽ bị tiêu
diệt.
Bên cạnh việc một tầng lớp người dân bị mất tài sản, thì tư duy cướp
tập thể, cướp trắng thành quả lao động bao đời, tư duy bất chấp sự công
bằng xã hội xóa bỏ sự lương thiện của con người được công khai du nhập,
khuyến khích dưới cái tên mỹ miều: Cách mạng vô sản.
Tiếp đến là cuộc cách mạng vào văn hóa, văn học, báo chí… những công
cụ trên mặt trận tư tưởng. Vụ Nhân Văn giai phẩm, hàng loạt tác phẩm bị
lên án, thủ tiêu, hàng loạt tác giả bị cầm tù, đày đọa, thậm chí là tù
đày đến chết.
Thế rồi, hàng loạt chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ, thánh thất bị triệt
hạ không thương tiếc. Khi đó, Đức Chúa, Đức Phật, Thánh, Thần… đều được
xếp vào thành phần phản động. Một cuộc “cách mạng vô sản” được thực thi
nhằm trục xuất Chúa Trời ra khỏi vũ trụ, trục xuất tư hữu ra khỏi xã
hội, trục xuất thần thánh ra khỏi đời sống và trục xuất linh hồn ra khỏi
con người.
Tất cả để phục vụ một cuộc “cách mạng văn hóa và tư tưởng”.
Điển hình, là những phe nhóm cộng sản vô thần được đưa vào chùa
chiền, lập căn cứ, nhen nhóm các lực lượng vũ trang, chém giết… những
hành động hoàn toàn đi ngược lại với chùa chiền là nơi tu tâm phát đức.
Còn những chùa chiền khác không có tác dụng cho những việc đó thì bị đập
bỏ không thương tiếc.
Điển hình là những thánh thất, nhà thờ, đền Thánh… nếu không được sử
dụng cho cuộc bạo lực cách mạng, nếu không bị đập bỏ, thì hạn chế đến
mức tối đa dẫn tới tự tiêu diệt. Tiến hành chiếm, cướp, lấn lướt và chèn
ép đến mức có thể nhằm trục xuất khỏi đời sống xã hội. Đặc biệt, thay
vì những nơi tôn nghiêm, thờ tự, nêu cao tình yêu thương, nhà cầm quyền
Cộng sản dùng Nhà thờ, thánh thất làm “Nơi ghi dấu tích tội ác”.
Hậu quả là gì?
Một đất nước kiệt quệ, một xã hội hỗn loạn và băng hoại, không có
trật tự, con người xử sự với nhau như dã thú. Đạo đức xã hội suy đồi,
những hiện tượng con đánh cha, trò đánh thầy, con chửi bố mẹ… là chuyện
cực hiếm trong văn hóa đất nước trở thành chuyện thường ngày. Một xã hội
ích kỷ và vô cảm, tệ nạn và đồi trụy được hình thành và dẫn đầu bởi
chính cái gọi là “Đội ngũ ưu tú của giai cấp công nhân và dân tộc”.
Năm 1977, Liên Xô – được coi là thành trì của phe XHCN – tuyên bố đã
hoàn thành giai đoạn xây dựng Chủ Nghĩa xã hội để bắt đầu xây dựng Chủ
Nghĩa Cộng sản. Thế mà chỉ 12 năm sau, cả thành trì xây dựng bao công
sức máu xương kia đổ cái rụp không thể nào chống đỡ.
Sau mấy chục năm khẳng định con đường quá độ đi lên Chủ Nghĩa xã hội
mà “đảng và bác đã chọn” hộ dân tộc Việt Nam là con đường hiện thực, duy
nhất đúng đắn, dần dần các lãnh đạo cộng sản mới thừa nhận sự u mê và
hão huyền mơ hồ khi đặt niềm tin vào đó. Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh còn
mơ hồ theo kiểu “năm ăn năm thua” rằng: “Chủ nghĩa xã hội sẽ dần dần sáng tỏ”. Còn mới đây Tổng bí thư Đảng Cộng sản ngao ngán thổ lộ: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.
Nghĩa là, cứ đi hết thế kỷ này theo con đường quá độ và yên chí là chưa
có cái Chủ nghĩa xã hội, còn khi đến đó, nó là cái gì thì sẽ biết. Nếu
là quả núi thì leo lên ngồi, nhỡ không may là hố sâu, thì cả dân tộc cứ
xuống đó mà lặn.
Niềm tin yếu ớt vào “ngày mai tươi sáng của Chủ nghĩa xã hội” đã
nhanh chóng rơi rớt ngay chính từ những người lãnh đạo, từ chính những
đảng viên cộng sản. Hàng loạt cán bộ cộng sản cao cấp đến cấp thấp,
những người đã tự nhận, được tôn xưng là người cộng sản gộc đã từ bỏ tư
tưởng của mình cách này cách khác, bằng hình thức này hoặc hình thức
khác, khi thì cá nhân, khi thì tập thể, khi thì một nhóm, khi cả hệ
thống. Điều này rất dễ thấy.
Với thể chế đảng lãnh đạo tuyệt đối, luôn nghĩ thay, định hướng thay,
lựa chọn thay cho người dân, do vậy khi hàng ngũ đảng viên, lãnh đạo
mất phương hướng, thiếu niềm tin, thì xã hội cũng khủng hoảng niềm tin
là điều không lạ.
Vì vậy, nó tạo nên sự thất vọng ở ngay chính những thành phần cộng
sản, tạo nên sự hoang mang và đó là cơ hội cho thói mê tín, dị đoan phát
triển. Bên cạnh đó, chủ nghĩa thực dụng, dối trá cũng được dịp bùng nổ ở
mọi tầm cao thấp.
Những chiếc phao cứu sinh vội vàng chắp vá
Chính sự hỗn mang đó đã tạo ra một thứ tôn giáo hổ lốn theo ý những
người cộng sản. Trước hết, đảng khẩn cấp sáng tác ra cái gọi là Tư tưởng
Đạo đức Hồ Chí Minh, một sản phẩm mới được sáng tác vội vàng lấp vào
chỗ trống khi phe cộng sản sụp đổ và người ta thấy những giòi bọ nhung
nhúc trong nội tạng của nó. Môn đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh như một món
ăn mới được chế biến tốn kém nhưng bởi những đầu bếp tồi. Không đủ sức
thay thế món bánh vẽ ngọt ngào về Chủ nghĩa Cộng sản mà người ta vẫn
được ru ngủ, được xài miễn phí bấy lâu nay. Do vậy, đảng tiếp tục chi
tiền dân cho việc lũng đoạn tôn giáo hoặc sáng tác các tôn giáo mới. Đó
là thứ tôn giáo phục vụ sự tồn tại và cai trị của đảng bằng bất cứ giá
nào. Đó là thứ tôn giáo “Đoàn kết Công giáo”, là thứ Phật giáo “Đạo pháp
– Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” dần dần bị hủ hóa miễn là đảng nắm được
thứ tôn giáo đó từ gốc đến ngọn.
Đó cũng là các thứ tà đạo như tà đạo Hồ Chí Minh, các chùa chiền
khổng lồ, các loại ngoại cảm, bói tướng, thầy pháp, đồng bóng, vàng mã…
những thứ mà đã một thời là kẻ thù của Chủ nghĩa Cộng sản.
Người ta không cần e ngại đảng có trăm tay, nghìn mắt khi người ta đốt vàng mã hàng trăm triệu đồng.
Người ta không sợ hãi khi “gọi hồn” chính ông Hồ Chí Minh – ông tổ Cộng
sản vô thần ở Việt Nam lên để mà truy hỏi… Người ta cũng không ngại
dùng “nhà ngoại cảm” để gọi hồn Hà Huy Tập, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Phùng Chí Kiên, thậm chí là cả Trần Phú.
Thậm chí, ngay cả khi người ta đúc tượng Thánh Gióng, họ còn đúc cả
tim cho tượng Thánh Gióng và tượng con ngựa. Điều đặc biệt hài hước, là ý
tưởng này lại xuất phát từ Thủ tướng Chính phủ, một người đã tự hào là
đi theo đảng tận 51 năm nay.
Nếu như, những người cộng sản hôm nay còn có niềm tin vào Chủ nghĩa
Mác – Lenin, thì những hành động này, là sự phỉ báng công khai cái lý
tưởng Cộng sản, cái mà cả đời ông Hồ Chí Minh, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn
Cừ, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Phùng Chí Kiên, Võ Nguyên Giáp… đã theo
đuổi.
Nếu như Các Mác, người đã dành cả đời hoạt động, chiến đấu cho cái
“Công”, để rồi khi chết, lại phải chui vào một nghĩa địa “Tư” để nằm,
thì những người Cộng sản Việt Nam đã phấn đấu cả đời để chứng minh cho
Chủ nghĩa Cộng sản không thần thánh, mà quỷ và linh hồn… đã phải cậy nhờ
ma quỷ, thần thánh và linh hồn để tìm lại thân xác mục nát của mình.
Và khi sử dụng những biện pháp này, nghĩa là người ta đã phủ nhận
công khai những gì họ nói, rằng Chủ nghĩa Mác – Lenin luôn là sợi chỉ
đỏ, là nền tảng tư tưởng của Đảng cộng sản. Hoặc nói cách khác, họ ngang
nhiên coi đảng cộng sản mà họ là thành viên chẳng có ký lô giá trị nào
trong thực tế.
Thế nhưng, từ chỗ không tin thần thánh, ma quỷ theo chủ thuyết cộng
sản, đến chỗ khủng hoảng và vơ váo bất cứ thần thánh nào, miễn giúp họ
thực hiện được giấc mơ thực dụng về vật chất và thăng quan tiến chức
bằng mọi giá để thỏa mãn nhu cầu đó, họ đã làm băng hoại các tôn giáo để
phục vụ mục đích của họ.
Đó là những thể hiện sinh động của mất phương hướng của người Cộng sản Việt Nam hôm nay.
Hà Nội, ngày 31/10/2013
J.B Nguyễn Hữu Vinh