Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Giới thiệu nước Thuỵ Điển và “mô hình Thuỵ Điển”

Võ Thành Chung
Thuỵ Điển (tiếng Thuỵ Điển là Sverige), là 1 vương quốc ở Bắc Âu, phía tây giáp Na Uy, phía đông-bắc giáp Phần Lan, phía nam nối với Đan Mạch bằng cầu Oresund. Phần biên giới còn lại giáp biển Baltic và biển Kattegat.
Thuỵ Điển có diện tích 449.964 km2, lớn thứ 3 trong Liên minh Châu Âu. Dân số năm 2009 là 9.373.379 người, mật độ 20 người/1 Km2, mức tập trung cao ở nửa phía nam đất nước, 12 % dân số là di dân trong đó đông nhất là Phần Lan. Khoảng 80% sống trong các đô thị và quá trình đô thị hoá vẫn đang tiếp diễn. Thủ đô Thuỵ Điển là Stockholm, thành phố lớn nhất nước. Thành phố lớn thứ 2 là Goteborg có dân số 500.000 người, kể cà ngoại vi là 900.000 người. Đơn vị tiền tệ là Krona (SEK).
Ngôn ngữ chính thức là tiếng Thuỵ Điển. Tiếng Na Uy tương tự tiếng Thuỵ Điển, được hiểu gần như ở khắp đất nước. Một số vùng nói tiếng Phần Lan. Gần 80% người Thuỵ Điển nói tiếng Anh như ngoại ngữ thứ nhất. Đa số học sinh chọn tiếng Đức hoặc tiếng Tây Ban Nha là ngoại ngữ thứ 2.
Thuỵ Điển gia nhập Liên hiệp quốc từ tháng 12 năm 1946, gia nhập Hiệp hội mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA) từ tháng 11 năm 1959. Năm 1995 Thuỵ Điển gia nhập Liên minh Châu Âu và là thành viên của OECD. Năm 2004 chỉ số HDI của Thuỵ Điển là 0,949 (mức cao). Theo tạp chí The Economist, Thuỵ Điển đứng đầu thế giới về chỉ số dân chủ và đứng thứ 7 trong Liên hiệp quốc về chỉ số phát triển con người.

Thể chế chính trị của Thuỵ Điển

Thuỵ Điển theo thể chế Quân chủ lập hiến. Hiến pháp thừa nhận sự tồn tại đa đảng chính trị. Hiện tại (năm 2013) quốc vương là Carl XVI Gustaf. Thủ tướng là Fredrik Reinfeldt. Quốc hội có 1 Nghị viện 349 nghị sĩ, được bầu 4 năm 1 lần. Quốc hội có 8 đảng được quyền tham gia quốc hội và hiện nay chia thành 2 liên minh, gồm: Liên minh De rodgrona có 3 đảng là: Đảng dân chủ xã hội 112 ghế, Đảng Xanh (còn gọi là Đảng môi trường) 25 ghế và Đảng cánh tả 19 ghế. Liên minh Alliansen có 4 đảng là: Đảng ôn hoà 107 ghế, Đảng tự do 24 ghế, Đảng trung tâm (Centerpartiet) 23 ghế và Đảng dân chủ cơ đốc giáo 19 ghế. Không thuộc 2 liên minh này có Đảng dân chủ hoạt động độc lập, có 20 ghế.
Quốc hội bổ nhiệm Thủ tướng. Thủ tướng bổ nhiệm các bộ trưởng.
Từ 1932 đến 1969 Đảng dân chủ xã hội liên tục cầm quyền. Sau một thời gian phe bảo thủ cầm quyền, đến năm 1994 Đảng dân chủ xã hội trở lại cầm quyền cho đến nay.
Mặc dù nằm gần nước Nga, năm 1917, Thuỵ Điển đã tránh được sự đe doạ xảy ra một cuộc cách mạng vô sản của những người theo chủ nghĩa xã hội. Từ thế kỷ 20, suốt trong 2 cuộc chiến tranh thế giới, Thuỵ Điển là quốc gia trung lập, kể cả thời gian Chiến tranh lạnh và cho đến nay Thuỵ Điển vẫn không tham gia liên minh quân sự nào. Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn những tranh cãi xung quanh vai trò trung lập của Thuỵ Điển. Do không bị chiến tranh tàn phá và dựa vào tài nguyên thiên nhiên sẵn có, Thuỵ Điển đã phát triển ngành công nghiệp, cung cấp cho công cuộc tái thiết Châu Âu sau chiến tranh thế giới thứ 2 và trở thành 1 trong những quốc gia giàu nhất thế giới vào thập kỷ 60.
Thể chế của Thuỵ Điển có 1 điều đặc biệt là nguyên tắc công khai. Giới báo chí và tất cả các cá nhân đều có thể xem các văn kiện của công sở nhà nước, ngoại trừ một số ít trường hợp đặc biệt. Một điều đặc biệt khác của Thuỵ Điển là có hệ thống thanh tra viên (ombudsman). Những thanh tra viên này bảo vệ quyền lợi của cá nhân công dân khi mà họ tiếp xúc với chính quyền và theo dõi việc thi hành các luật lệ quan trọng. Khi người công dân cho rằng mình bị đối xử không công bằng có thể tìm đến thanh tra viên. Họ sẽ điều tra những trường hợp này và có thể mang vụ việc ra trước toà án với tư cách là nguyên cáo đặc biệt. Họ đồng thời có nhiệm vụ cộng tác với cơ quan nhà nước để nắm bắt tình hình trong phạm vi của họ, thi hành công việc giải thích và đưa ra những đề nghị thay đổi luật lệ.
Bên cạnh những thanh tra viên về luật pháp, Thuỵ Điển còn có thanh tra viên của người tiêu dùng, thanh tra viên về trẻ em, thanh tra viên về quyền bình đẳng, thanh tra viên về phân biệt đối xử chủng tộc và phân biệt đối xử vì các khuynh hướng tình dục.
Trong một thời gian dài, Thuỵ Điển đã được xem như một nước dân chủ xã hội điển hình và nhiều người theo cánh tả ở Châu Âu đã xem Thuỵ Điển như một ví dụ điển hình cho một “con đường thứ ba“, giữa chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường.

Khí hậu ở Thuỵ Điển

So với vị trí địa lý, khí hậu ở Thuỵ Điển tương đối ôn hoà do gần Đại Tây Dương có dòng hải lưu Gonstrim ấm áp. Phần lớn lãnh thổ có khí hậu ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ ít thay đổi về mùa đông và mùa hè. Thuỵ Điển nằm giữa vĩ độ 55 độ và vĩ độ 69 độ và một phần ở trong vòng cực Bắc nên có sự cách biệt lớn về ánh sáng giữa ánh sáng ban ngày dài trong mùa hè và ánh sáng ban đêm dài trong mùa đông. Ở phần phía bắc do có sự xuất hiện nhiều núi và khí hậu cận cực, mùa đông lạnh hơn và tuyết rơi nhiều hơn so với miền nam. Vào 1 phần của mùa hè, mặt trời xuất hiện đến tận nửa đêm hoặc không lặn. Vào mùa đông mặt trời chỉ xuất hiện trong vài giờ hoặc không xuất hiện. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1000 mm. Vào tháng giêng, nhiệt độ trung bình ban ngày khoảng O độ C ở phía nam, nhiệt độ âm 16 độ ở phía bắc. Vào tháng 7, nhiệt độ trung bình khoảng 17 đến 18 độ C ở Gotaland och Svealand và trên 10 độ C ở phía cực bắc của Thuỵ Điển.

Kinh tế của Thuỵ Điển

Ngày nay Thuỵ Điển có nền kinh tế phát triển cao. Thuỵ Điển có 9,37 triệu dân (bằng 1/10 dân số Việt Nam) nhưng năm 2005 đạt GDP (PPP) 381,469 tỉ USD.
Trong nửa sau của thế kỷ 19, Thuỵ Điển còn là 1 quốc gia nông nghiệp với 90% dân số sống nhờ vào nông nghiệp. Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Thuỵ Điển đã là 1 trong những quốc gia công nghiệp dẫn đầu của thế giới. Sự phát triển công nghiệp đạt đến đỉnh cao ở giữa thập niên 60. Từ thập niên 70, do đã cơ khí hoá hiện đại hoá, cơ cấu lao động trong xã hội thay đổi, số người lao động trong nông nghiệp và trong công nghiệp giảm bớt, khu vực dịch vụ tăng trưởng thêm. Đến năm 2002 nông nghiệp chỉ còn chiếm 2% tổng sản phẩm quốc nội, khu vực công nghiệp là 28%, khu vực dịch vụ là 70%.
Nền nông nghiệp Thuỵ Điển mang dấu ấn những điều kiện địa chất và khí hậu. Khoảng 10% diện tích của quốc gia dùng cho nông nghiệp. Phần lớn các công ty nông nghiệp là sở hữu gia đình. Trồng trọt nhiều nhất là ngũ cốc, khoai tây, các loại cây cho dầu. Khoảng 58% thu nhập trong nông nghiệp thuộc ngành chăn nuôi, nhất là sản xuất sữa. Trợ giá nông nghiệp của Liên minh Châu Âu chiếm khoảng 24% thu nhập.
Do Thuỵ Điển là 1 trong những quốc gia nhiều rừng ( chiếm đến 25% diện tích lãnh thổ ) nên ở Thuỵ Điển ba phần tư số công ty nông nghiệp đều có rừng và kết hợp giữa nông nghiệp và lâm nghiệp.
Thuỵ Điển giàu khoáng sản. Đồng, chì, kẽm được khai thác vượt quá nhu cầu trong nước và còn xuất khẩu. Bạc đáp ứng được 60% nhu cầu trong nước, vàng đáp ứng được 80%.
Điểm đặc biệt của công nghiệp Thuỵ Điển là thành phần các công ty lớn chiếm tỉ lệ tương đối cao.Các ngành công nghiệp lớn nhất là chế tạo xe cơ giới (năm 1996 chiếm 13% giá trị sản xuất) với các công ty Volvo, Scania; ngành máy bay và kỹ thuật du hành vũ trụ Saab AB; ngành công nghiệp gỗ và giấy (cũng chiếm 13% giá trị sản xuất) với 4 công ty lớn; ngành chế tạo máy chiếm 12% với các công ty Electrolux, SKP, Tetra-Pak, Alfa-Laval; ngành công nghiệp điện-điện tử chiếm 19% với các công ty nổi tiếng Ericsson, ABB.
Khu vực dịch vụ đóng góp 70% tổng sản phẩm quốc nội mà trước tiên là do khu vực nhà nước đã tăng trưởng mạnh trong các thập niên gần đây. Tuy vậy khu vực dịch vụ tư nhân vẫn chiếm hơn 2/3 sản lượng.
Kinh tế Thuỵ Điển phụ thuộc mạnh vào ngoại thương. Các nước xuất khẩu chính là Mỹ, Đức, Na Uy, Anh. Các sản phẩm nhập khẩu quan trọng nhất là các sản phẩm điện và điện tử, máy móc, xe cơ giới và các thành phần của xe cơ giới. Tỉ lệ đầu tư trực tiếp của nước ngoài tại Thuỵ Điển tương đối cao. Có khoảng 50 tập đoàn quốc tế chiếm 2/3 tổng lượng xuất khẩu của Thuỵ Điển.

Cuộc sống xã hội ở Thuỵ Điển

Mô hình Thuỵ Điển là một khái niệm từ thập niên 1970, chỉ hệ thống phúc lợi xã hội, một hệ thống phúc lợi và chăm lo xã hội rộng khắp, kết quả của sự phát triển hàng trăm năm của Thuỵ Điển.
Trong thời gian 1890-1930, một phần cơ sở cho một hệ thống phúc lợi xã hội đã hình thành nhưng phải mãi đến những năm của thập niên 1930, đặc biệt từ khi Đảng Công nhân dân chủ xã hội Thuỵ Điển thành lập chính phủ năm 1932, việc xây dựng một quốc gia phúc lợi xã hội mới trở thành một dự án chính trị và được đẩy mạnh. Hệ thống phúc lợi xã hội Thuỵ Điển cuối cùng đã bao gồm tất cả mọi người, từ trẻ em (thông qua hệ thống chăm sóc trẻ em của làng xã), cho đến những người về hưu (thông qua hệ thống chăm sóc người già của làng xã).
Cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng đầu thập niên 1990 dẫn đến việc cắt giảm phúc lợi xã hội và sự phát triển nhân khẩu đã buộc Thuỵ Điển phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống hưu trí, hệ thống mà từ nay được gắn liền vào phát triển kinh tế. Các cuộc bầu cử vừa qua ở Thuỵ Điển cho thấy những phần cốt lõi của hệ thống phúc lợi xã hội vẫn được các công dân Thuỵ Điển rất yêu mến.
Võ Thành Chung
Tham khảo tư liệu của Bách khoa toàn thư (http://vi.wikipedia.org/)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"