Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Chế độ Ngô Đình Diệm - Cơ hội bị bỏ lỡ

Giao Lưu
Đến nay đã 50 năm kể từ ngày đệ nhất cộng hòa sụp đổ cùng với cái chết của 2 ông Diệm, Nhu. Đã có quá nhiều tài liệu, nhân chứng nói về đề tài này. Về nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chế độ và cái chết của 2 ông thì dường như đã rõ ràng, dĩ nhiên phía quốc gia có lý giải khác với phía CS và phía Mỹ. Tựu trung lại thì nguyên nhân cơ bản mà các bên đều có sự thống nhất là do ông Diệm đã tạo nên chế độ độc tài gia đình trị (bao gồm cả những người thân với người trong gia đình), tôn giáo trị. Trong khuôn khổ bài viết, tôi muốn nói đến cơ hội bị bỏ lỡ của gia đình ông Diệm, của người Mỹ và của những người quốc gia trong việc chiến thắng phe CS, tức VNDCCH. Suy cho cùng đó mới là mục đích cuối cùng cho sự can thiệp của Mỹ vào VN. Việc thành lập QGVN, nước VNCH, thủ tướng rồi tổng thống Diệm, cũng chỉ vì mục đích tối hậu là chống cộng. Tiếc rằng tất cả các bên kể trên đều không vì mục đích cuối cùng đó, để tuột mất cơ hội, mà sau 50 năm, tôi cho là cơ hội duy nhất có thể chiến thắng hay ít nhất là không thua phe CS.

Để thắng cộng sản thì phải giống cộng sản

Lịch sử cho thấy, ngoài việc lật đổ chế độ CS bằng cách mạng màu, phi bạo lực kiểu Đông Âu và nước Đức thì chỉ có phát xít Đức đã từng chiến thắng Liên Xô, anh cả hùng mạnh nhất của các nước CS, trong một thời gian ngắn, chiến thắng gần như tuyệt đối bằng bạo lực nhưng rút cuộc vẫn thất bại thảm hại. Phát xít Nhật hùng mạnh chiếm gần hết châu Á nhưng vẫn thua quân LX và buộc phải hòa hoãn với LX để rảnh tay xâm chiếm các nước khác. Ngoài ra, chính CS mới trị được CS bằng bạo lực như ta đã thấy khi quân đội LX đàn áp sự nổi dậy ở các nước Đông Âu, CS VN chiến thắng CS Campuchia, CS TQ "dạy cho CSVN 1 bài học" năm 1979. Nói cách khác, trong thời kỳ cực thịnh của chế độ CS, từ khi bắt đầu có chiến tranh lạnh 1950 đến đến khi CNCS bộc lộ những khiếm khuyết không thể hàn gắn khoảng 1985, thì phe tư bản không thể giành chiến thắng trước phe CS ở bất cứ quốc gia nào. Chiến tranh Triều Tiên được coi như hòa giữa 2 phe. Khi CS Đông Âu sụp đổ thì có thể hiểu là các quốc gia CS đó tự sụp đổ là chính chứ không hề có tấn công bạo lực từ phía tư bản. Trong 1 bài viết khác, phân tích về Nguyên nhân thắng và bại trong chiến tranh Việt Nam, tôi đã cho là chế độ CS là tối ưu cho cỗ máy chiến tranh. Vậy có thể kết luận là chỉ có CS mới thắng được CS bằng bạo lực, suy rộng ra thì muốn thắng CS thì phải giống CS. Chúng ta đều thấy phát xít Đức đã từng thắng LX cũng là do chủ nghĩa phát xít có nhiều đặc điểm giống với chủ nghĩa CS, đều là chế độ toàn trị, nhưng CS toàn trị ở cấp độ cao hơn và toàn trị cấp cao đã chiến thắng toàn trị cấp thấp

Sự tương đồng giữa đệ nhất cộng hòa và VNDCCH

Anh em ông Diệm đã xây dựng chế độ đi rất đúng hướng để chống CS, đó là phải giống CS. Lưu ý là phân tích trên của tôi ở thời điểm hiện nay, sau 50 năm, lịch sử đã cho chúng ta thấy là CS không thể thua bởi dân chủ, tư bản, còn vào thời điểm 1954-1975 thì không ai dám chắc điều đó. Như vậy tầm nhìn của ông Diệm, có lẽ chính xác hơn là ông Nhu, thật đáng ca ngợi, tiếc rằng 2 ông không đủ khéo léo, mềm dẻo vận hành quốc gia để tồn tại chứ chưa nói là để chống cộng. Người Mỹ và những người quốc gia chống ông Diệm cũng không nhận ra tầm nhìn đó của anh em ông Diệm, để có thể hòa hoãn vì mục đích cuối cùng là chống cộng. Vậy chế độ ông Diệm và chế độ CS miền Bắc có điểm gì tương đồng?

Chế độ chính trị

Miền Bắc theo chế độ CS toàn trị, miền Nam theo chế độ độc tài, gia đình trị, tôn giáo trị. Hẳn các bạn đều biết, chế độ toàn trị có rất nhiều điểm tương đồng với chế độ độc tài. "Tôn giáo" của miền Bắc là CNCS, chúa là Mác còn tôn giáo của miền Nam là Thiên chúa giáo. Miền Bắc theo chế độ độc đảng, nói đúng hơn là 1 đảng lãnh đạo là đảng Lao Động (CS), với triết thuyết là triết học Mác – Lê nin, có 2 đảng là Xã hội và Dân chủ làm vì. Miền Nam cũng gần như vậy với đảng Cần lao Nhân vị lãnh đạo tuyệt đối, với thuyết Cần lao nhân vị, 1 số đảng phái quốc gia vẫn tồn tại nhưng không được nắm quyền.

Lãnh tụ tinh thần

Khác với chế độ dân chủ, chế độ độc tài, toàn trị nào cũng cần phải có lãnh tụ. Miền Bắc có ông Hồ Chí Minh, miền Nam có ông Ngô Đình Diệm. Ông Hồ là người có uy tín cao với dân Bắc và 1 bộ phận dân Nam, có công đánh đuổi thực dân Pháp. Ông Diệm cũng có uy tín cao với dân Nam và 1 bộ phận dân Bắc do có xuất xứ quan to triều đình từ khi còn rất trẻ, cũng có tiếng về đả thực bài phong. Hai ông đều có thời gian bôn ba nước ngoài "tìm đường cứu nước" và vận động hành lang để giành quyền lực. Tuy hai chế độ không đội trời chung nhưng nhiều tài liệu cho thấy ông Hồ và ông Diệm, về mặt cá nhân, vẫn kính trọng nhau cho dù bộ máy tuyên truyền của mỗi phe đều đả kích lãnh tụ đối phương không ra gì. Khi ông Diệm bị Việt Minh bắt thì ông Hồ đã ra lệnh thả.
Cả ông Diệm lẫn ông Hồ đều chỉ là lãnh tụ tinh thần nhiều hơn là chính trị gia điều hành đất nước. Ông Hồ bị vô hiệu hóa bởi Lê Duẩn, Lê Đức Thọ trong khi ông Diệm bị lấn quyền bởi những người anh em là ông Nhu, ông Cẩn, ông Thục. Về cuộc sống cá nhân 2 ông cũng có những điểm tương đồng để dễ dàng được tuyên truyền trở thành lãnh tụ. Hai ông đều không có vợ, 1 cách chính thức, có cuộc sống khá giản dị so với chức vụ, tư cách đạo đức được nhiều người kính trọng, không có điều tiếng về tham nhũng (hiếm gặp ở các lãnh tụ độc tài).

Những cánh tay nối dài của đảng cầm quyền

Chế độ toàn trị có 1 đặc điểm nhận biết là người ta muốn quản lý toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của người dân thông qua đảng cầm quyền các “cánh tay nối dài” len lỏi vào mọi ngõ ngách của xã hội. Ở miền Bắc, đảng CS có chi bộ đến cấp xã, xóm, trong quân đội, công an. Đảng có tổ chức xã hội vệ tinh như hội Phụ nữ, đoàn Thanh niên CS, đội Thiếu niên tiền phong, Mặt trận tổ quốc, Hội sinh viên…Tất cả đều do đảng CS chi phối. Miền Bắc quản lý “phần hồn” của người dân bằng duy nhất triết thuyết là CN Mác.
Tuy không phải toàn trị như miền Bắc nhưng chế độ ông Diệm cũng đã được ông Nhu xây dựng theo 1 mô hình khá tương đồng với bộ máy toàn trị. Ông Nhu lập nên đảng Cần lao Nhân vị với thuyết Cần lao, đảng Cần lao cũng len lỏi tương đối sâu vào các cấp chính quyền, quân đội, cảnh sát. Đảng cũng có những tổ chức vệ tinh như Phụ nữ liên đới, Thanh niên cộng hòa. Miền Nam mong muốn quản lý phần hồn của nhân dân thông qua Thiên chúa giáo và thuyết Cần lao. Khốn thay là cả 2 thứ đó không thể sử dụng để tuyên truyền hiệu quả, sâu rộng được như chủ nghĩa Mác.

Tinh thần dân tộc và sự phụ thuộc hạn chế vào đồng minh

Miền Bắc đã tuyên truyền kích động tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc rất thành công cho dù vẫn phụ thuộc lớn vào viện trợ nước ngoài do chỉ nhận viện trợ nước ngoài, không để lính nước ngoài tham chiến trực tiếp, chỉ huy cách trận đánh mà chỉ nhận chuyên gia nước ngoài vào huấn luyện. Miền Bắc không để các đồng minh can thiệp sâu vào chính trị trong nước.
Miền Nam cũng như vậy, ông Diệm không đồng ý để quân đội Mỹ tham chiến trực tiếp, chỉ nhận viện trợ và cố vấn. Mỹ cũng không thể can thiệp sâu vào chính trị VNCH.

Cách thức thu phục nhân tâm

Miền Bắc tạo được sự chính danh để cầm quyền thông qua việc giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, chống phong kiến và thu phục nhân tâm của đa số dân thông qua cải cách ruộng đất, cướp ruộng đất, tài sản của người giàu chia cho người nghèo.
Trong khi đó ông Diệm cũng giương cao ngọn cờ “Đả thực bài phong” thông qua việc đưa yêu sách với người Pháp đòi quyền tự chủ cho người Việt từ khi còn là thượng thư bộ Lại. Sau đó ông tìm mọi cách để đuổi thực dân Pháp khỏi miền Nam sau năm 54 bằng cách triệt hạ các tổ chức, cá nhân thân Pháp như các giáo phái, Bình Xuyên, tướng Nguyễn Văn Hinh và đỉnh điểm là cuộc trưng cầu dân ý để phế bỏ Quốc trưởng Bảo Đại. Sau đó ông có công lớn trong việc định cư cho gần 2 triệu đồng bào Bắc di cư. So với dân số miền Nam lúc đó khoảng hơn 10 triệu người thì ông đã chiếm được lòng của gần 20% dân số thông qua việc này. Ngoài ra, ông Diệm cũng có chương trình Cải cách điền địa, chính quyền mua lại ruộng đất của người giàu để chia cho người nghèo, xóa bỏ chế độ nông nô.

Đàn áp đối lập, hạn chế tự do ngôn luận

Đây là hệ quả của chế độ toàn trị và độc tài. Cả 2 miền đều có sự đàn áp đối lập và hạn chế tự do ngôn luận. Miền Bắc đàn áp mầm mống của sự phản kháng từ trong trứng nước thông qua cải cách ruộng đất và với “thế trận an ninh nhân dân”, mọi người dân đều là tù nhân dự khuyết. Miền Nam có Tố cộng diệt cộng và luật 10/59 và đàn áp đảng phái chính trị, tôn giáo đối lập.

Cơ hội bị bỏ lỡ

Chúng ta đã thấy, thực tế là với các điểm tương đồng kể trên, chính quyền VNDCCH đều vận dụng hiệu quả hơn chính quyền đệ nhất cộng hòa. Chế độ toàn trị là sự phát triển cao hơn chế độ độc tài. Chế độ độc tài gia đình trị chỉ giao quyền lực cho 1 nhóm rất nhỏ trong gia tộc, trong khi đó chế độ CS giao quyền cho 1 nhóm lớn hơn là các đảng viên CS, vì vậy chế độ toàn trị quản lý sự đồng thuận của người dân (tự nguyện hay cưỡng bức) 1 cách hiệu quả hơn. Miền Bắc không bao giờ có đảo chính, vì Bộ chính trị, Ban bí thư luôn biết quân đội, công an đang nghĩ gì, muốn gì và không muốn gì. Trong khi đó đảng Cần lao chưa có đủ chân rết chui sâu vào bộ máy quân đội. Miền Bắc không có khái niệm quân đội phi chính trị, còn miền Nam thì quân đội dễ dàng đánh lẫn nhau vì bất đồng quan điểm.
Lãnh tụ Hồ Chí Minh, công bằng mà nói, chắc chắn được lòng dân nhiều hơn lãnh tụ Ngô Đình Diệm. Ông có xuất thân con quan nhỏ, có cuộc sống giản dị, gần gũi với quần chúng (chiếm số đông). Trái lại, ông Diệm với xuất thân quan to triều đình với lối sống quan cách xa rời quần chúng hơn, ông Đả thực bài phong trong khi vẫn bị mang tiếng là cộng tác với Pháp và đã từng làm quan triều đình.
Cánh tay nối dài của đảng CS làm việc hiệu quả hơn cánh tay nối dài của đảng Cần lao nhiều lần. Các tổ chức này của đảng CS chui được vào mọi ngõ ngách của xã hội, tuyên truyền cho từ đứa trẻ lên 5 cho đến cụ già 80 tuổi, phát hiện sớm mọi mầm mống phản kháng để triệt hạ. Trong khi các tổ chức tương tự của đảng Cần lao nhiều khi chỉ mang tính hình thức.
Triết học Mác Lê nin, triết thuyết của đảng CS chắc chắn chặt chẽ, chi tiết do được đúc rút từ kinh nghiệm đấu tranh cách mạng của CS toàn thế giới. Trong khi Thuyết Cần lao là do ông Nhu nghĩ ra, không hề dễ hiểu và gần gũi với quần chúng, chưa được kiểm chứng qua thực tế nên rất khó cho công tác tuyên truyền.
Tuy không hề muốn nhưng ông Diệm vẫn bị Mỹ chi phối tương đối nhiều trong chính trị, nó thể hiện ngay từ việc ông được lên nắm quyền, ông giành chính quyền từ Bảo Đại, củng cố quyền lực bởi đàn áp các tổ chức đối lập. Tất cả đều có bàn tay của Mỹ. Trong khi đó, Liên Xô và Trung Quốc không dựng lên được chính quyền HCM, việc giành chính quyền, đàn áp đối lập đều do ông HCM và các cộng sự thực hiện dựa trên nền tảng của CNCS. Do vậy, tính chính danh của VNDCCH cao hơn VNCH. Nói cách khác, miền bắc lệ thuộc vào triết thuyết CS là chính, miền Nam lệ thuộc vào vật chất và sự can thiệp trực tiếp của tư bản là chính. Một đằng lệ thuộc về tinh thần, 1 đằng lề thuộc vào vật chất. Đã 60 năm trôi qua, chúng ta nhận thấy là sự phụ thuộc về tình thần còn nguy hiểm gấp nhiều lần sự phụ thuộc vào vật chất. Vì vật chất thì dần dần chúng ta sẽ có thể tự chủ được, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã làm nhưng về tinh thần thì sự phụ thuộc như vòng kim cô siết chặt hết thế hệ này đến thế hệ khác không thể thoát ra được.
Miền Bắc thu phục nhân tâm thông qua CCRĐ hiệu quả hơn Cải cách điền địa của miền Nam, do miền Bắc cải cách triệt để, đào tận gốc, trốc tận rễ giai cấp địa chủ. Thêm nữa, phía CS đưa giai cấp vô sản lên nắm chính quyền. Không có phương pháp dân túy nào tốt hơn điều đó. Trong khi đó, ông Diệm vẫn duy trì giai cấp địa chủ, người nông dân không được làm lãnh đạo. Cả 2 miền lúc đó đều có đa số dân là nông dân, nên rõ ràng miền Bắc đã thu phục được nhân tâm của đa số dân hơn miền Nam. Tuy vậy, đó cũng là con dao 2 lưỡi. Việc thu phục nhân tâm bằng bạo lực kiểu đó cũng là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến nền kinh tế, chính trị CS được dẫn dắt bởi những người thiếu kiến thức, năng lực, hồng hơn là chuyên và là mầm mống dẫn đến sự sụp đổ của CS Đông Âu và sự trì trệ về kinh tế của các nước CS. Đó cũng là nguyên nhân khiến xã hội miền Bắc những năm 50-56 trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết, trong khi miền Nam lúc đó lại thanh bình thịnh trị hơn. Rất may cho phía CS là chế độ toàn trị đã nhanh chóng dập tắt mọi cuộc nổi loạn, kiềm chế được sự hỗn loạn để đưa xã hội vào sự ổn định nhanh chóng.
Miền bắc tuyệt đối không có đối lập, ngay cả tôn giáo cũng bị đàn áp từ trứng nước. Hoàn toàn không có báo chí tư nhân, không có biểu tình, bãi khóa. Trong khi miền Nam, tuy có đàn áp, nhưng vẫn cho phép sự tồn tại của các tôn giáo ngoài Thiên chúa giáo, vẫn có báo chí tư nhân, vẫn cho phép biểu tình, bãi khóa. Và đó là 1 trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Như vậy, có thể nói, tuy ông Nhu, não bộ của chế độ ông Diệm, đã nhận ra được những mặt mạnh của chế độ CS để học theo nhưng mọi thứ đều dưới CS 1 bậc. Tuy vậy, sau khi chế độ ông Diệm sụp đổ thì nền đệ nhị CH của ông Diệm lại không hề kế thừa được viễn kiến của ông Nhu, không tạo dựng được lãnh tụ tinh thần (kể cả lãnh tụ đã chết), không có được uy tín trong dân chúng. Đảng Dân chủ của ông Thiệu có tổ chức kém xa đảng Cần lao, coi như không có triết thuyết (là điều tối kỵ cho 1 đảng phái chính trị). Chính quyền ông Thiệu để lệ thuộc quá nhiều vào Mỹ, để quân đồng minh can thiệp trực tiếp, bắn giết đồng bào nên khó thu phục nhân tâm, làm mất tính chính danh. Đảng dân chủ không có những cánh tay nối dài, không quản lý được báo chí, ngôn luận do dân chủ hơn chế độ ông Diệm, dẫn đến xã hội hỗn loạn hơn. Có thể nói, đệ nhị CH thua xa đệ nhất CH về khả năng chống cộng, thua gần như mọi mặt đã liệt kê ở trên. Vì vậy, việc VNCH thua VNDCCH là điều khó tránh khỏi. Nếu Mỹ và các nhân vật quốc gia khác có được tầm nhìn như ông Nhu, quyết tâm duy trì VNCH là 1 chế độ độc tài, quản lý xã hội bằng bạo lực thì may ra có thể đương đầu (chứ khó thể chiến thắng) với CS miền Bắc, như Đài Loan, Hàn Quốc đã từng làm.
Lịch sử đã sang trang, nhắc lại chuyện này chỉ để ôn cố tri tân. Bây giờ không còn là thời thịnh trị của chế độ độc tài nữa, ngược lại, các chế độ độc tài và CS trên thế giới đã và đang lần lượt sụp đổ mà không cần bạo lực. Dân trí cũng đã cao hơn, không còn phù hợp với sự áp đặt của chế độ độc tài, người dân không cần phải có các lãnh tụ nữa. Bài viết coi như sự tưởng nhớ đến 1 chế độ chính trị đã suy tàn, 50 năm đã là khoảng lùi cần thiết để có thể đánh giá tương đối khách quan, nhất là khi tác giả sinh ra sau chiến tranh.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"