Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Công lý 30 hèo và những Trùm Sò đương đại

Đào Tuấn
Theo báo Lao Động

Ông Chấn khóc nức nở khi nghe bà con hỏi thăm.
Sau khi vụ án oan ở Bắc Giang bất ngờ được phát hiện với việc hung thủ tự thú, trên báo chí, thẩm phán chủ tọa phiên tòa năm xưa - ông Nguyễn Minh Năng - chặc lưỡi đáp rằng “Tôi quên phiên xử đó rồi. Giờ tôi không trả lời gì. Giờ bị cáo bị oan sai thì trách nhiệm là do… Quốc hội”.
Cũng có thể nói là ông đã quên. Bao nhiêu năm qua, có biết bao nhiêu bị án chung thân, tử hình đã được ông “Nhân danh nước cộng hòa...”, giờ nhớ sao cho xiết! Nhưng cũng có thể nói là ông không muốn nhớ tới vụ án, mà chính ông đã đẩy người vô tội vào chốn lao lý.
Trong khi đó, dù chỉ là một luật sư chỉ định, ông Nguyễn Đức Biền vẫn nhớ như in rằng “Chứng cứ buộc tội trong vụ này lỏng lẻo, không thuyết phục”. Ông thậm chí còn nhớ câu duy nhất mà bị cáo Chấn đã nói với ông tại phiên tòa 10 năm trước, rằng: “Người ta xui (nhận tội), chứ em không làm”.

Công lý đã thực sự ngủ quên trong vụ án này, khi vị thẩm phán năm xưa sẵn sàng chấp nhận “kích thước cơ học” của hai dấu chân ông Chấn “gần đúng” kích thước những dấu vết hung thủ để lại hiện trường, sẵn sàng bỏ qua nguyên tắc suy đoán vô tội khi quy kết khoảng thời gian 20 phút ông Chấn “không chứng minh được mình làm gì, đi đâu và với ai”, trong khi bỏ qua chứng cứ ngoại phạm là cú điện thoại mà luật sư đưa ra.
Ngày hôm qua, trước Quốc hội, ĐBQH Công Lý đã nói về việc phải bổ sung “án lệ”, phải bổ sung quy định “quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND Tối cao là quyết định cuối cùng, không bị kháng cáo, kháng nghị” như những thiết chế để đảm bảo tòa án có thẩm quyền tuyệt đối trong việc bảo vệ… công lý. Không khó để đoán, ông Công Lý, là một chánh án tòa án cấp tỉnh.
Nhưng liệu có “án lệ” nào được coi là bảo vệ công lý, khi tuyên một người phạm tội chỉ vì một dấu chân “gần đúng”?
Nghĩ các cụ ta xưa sao mà thâm thúy khi trong tuồng Nghêu - Sò - Ốc - Hến để cho Trùm Sò than về công lý rằng: Qua nhà thị Hến, gặp nó qua trữ đồ gian, tôi bắt thị lên quan huyện, mà hỏng biết cha quan huyện này chả xử cái cách gì á…
Chả xử cái kiểu gì mà quần áo vàng vòng tiền bạc của tôi chả tịch thu hết, còn kêu Lễ Cửu đè Trùm Sò đánh 30 hèo, tôi giả đò chết, ổng nói Lễ Cửu: Nó chết thây kệ nó, đè xuống đánh 30 hèo nữa, (khiến) tôi chết rồi phải lồm cồm ngồi dậy thưa “chưa, chưa chết, quan ơi”.
Ra là công lý 30 hèo. Cái công lý thời ấy khiến người mất cắp thêm một lần sạch trơn gia sản. Cái công lý khiến người chết cũng phải sống lại mà kêu than.
Một vụ án oan chỉ có thể phát hiện nhờ hung thủ tự thú, cho thấy một vị thẩm phán có chữ Minh trong tên, nhưng cái tâm chưa chắc đã sáng.
Và cái cần của các cơ quan tư pháp ngay lúc này, có lẽ chưa phải là án lệ, mà là sự đàng hoàng, minh bạch để không một lương dân nào bị ép cung đến mức tự nhận tội giết người.
Cái cần, chưa phải là quy chế tuyệt đối đúng cho những “quyết định cuối cùng” của tòa tối cao, mà phải là sự chấm dứt tuyệt đối những bản án bỏ túi từ những cuộc họp thống nhất án của liên ngành.
Và cái cần nhất, chưa thấy ai nói, là sự độc lập của tư pháp, đủ để chỉ tuân theo pháp luật.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"