Thứ Ba, 30 tháng 9, 2008

Mai Thảo và người đọc

Tạp chí Hợp Lưu có số 100 kỷ niệm 10 năm ngày giỗ một nhà văn lớn của Việt Nam trước 75, nhà văn Mai Thảo. Những nhà văn nhà báo đã nói gần hết những kỷ niệm với ông và văn chương của ông. Tôi chỉ là người đọc không có gì kỷ niệm với ông cả, nhưng đọc cái câu trong bài viết của ông MT-HDN tự nhiên tôi thấy ông ác độc trong câu văn của ông, khi so sánh với văn chương hải ngoại của ông (chả ăn nhập gì tới ông Mai Thảo)

Ông MT viết thế này "Tôi vẫn còn sống, vẫn còn trú thân đất người và hằng tháng nhắn nhủ tới người quen thân sơ trong cộng đồng phiêu bạt bằng thứ ngôn ngữ đang héo hon dần đi. Đó là thứ kinh nguyệt chẳng đều đặn của mụ xồn xồn đang biến đổi tâm sinh lý"

Đành rằng ông ví von văn của ông, nhưng sao ông lại lôi chuyện riêng của người phụ nữ vào trang giấy cho người khác đọc, văn chương ví von kiểu đó chẳng héo hon cũng là điều ngạc nhiên, hay là ông ở vùng Quận Cam, nghe radio gọi vào kể lể chuyện bệnh đàn bà với bác sĩ nên ông coi đó là chuyện thường ngày ở huyện cứ tự nhiên mà nói mà đổ tội cho mấy bà xồn xồn như ông nói. Tội nghiệp cho họ. Ông không có compassion chút nào cả khi viết như thế.
Nhưng đó không phải là điều tôi hôm nay, nguyên do thúc đẩy một người đọc như tôi viết về ông Mai Thảo cũng nhờ đọc cái câu kỳ khôi của ông thôi.
Tôi không biết gì về ông Mai Thảo khi còn ở trong nước, nếu có thì tôi không nhớ, có lẽ lúc ấy tôi chưa tới tuổi đọc sách của ông. Mãi đến khi ra nước ngoài tôi đọc cuốn truyện "Để tưởng nhớ mùi hương" với nhân vật chính tên Trang, tôi mới biết nhà văn Mai Thảo, qua ngòi bút mà những người khác khen ông về một lối văn sang trọng, ông đã mô tả tâm hồn một người đàn bà đã có chồng với những ray rức băn khoăn, tôi không còn nhớ rõ câu truyện, chỉ nhớ mang máng đó là những khắc khoải cho đời người phụ nữ đã được mô tả trau chuốt qua lối văn của ông, tưởng chừng ông đã đi vào đời sống của họ, hiểu từng chi tiết một. Cho nên bây giờ đọc lời ông nói với ông MT-HDN
"Thế hệ cậu, thời mà cậu đang sống thở này, phải nên bảo là thời bất hạnh. Ngày xưa, những cô sinh viên thướt tha ôm sách vở đến giảng đường bao giờ cũng ép vào lòng họ cuốn "Để tưởng nhớ mùi hương"".
Tôi mới hiểu không chỉ riêng tôi mà cả một thế hệ trước đó cũng như thế, và khi tôi đọc ông nếu không có biến cố 75 thì tôi vẫn còn là cô sinh viên đâu đó, có khi đọc xong tôi cũng sẽ chỉ sống đời ... độc thân như ông để khỏi "tưởng nhớ một mùi" nào hết. Không may biến cố 75 xảy ra, tôi đọc ông khi tôi đã có chồng, cho nên ôm cuốn sách vào lòng mà chua xót cho phận đời của nhân vật nữ tên Trang.
Qua đó tôi đã là đọc giả trung thành với Văn từ số đầu tiên, tôi cũng nhận những giòng chữ nắn nót ông viết trên bao báo. Tôi cắt vài bao làm bao giữ giấy tờ có chữ của ông, tôi không biết là ông trân trọng độc giả đến vậy (nếu không tôi đã giữ lại những bao báo ấy như một kỷ niệm rồi) bởi vì trước sau tôi chỉ là người đọc báo, tôi đón đọc những lá thư của ông trong các số báo. Chỉ sau này khi ông chuyển giao báo lại hai vợ chồng nhà văn NXH, mà bà vợ nhà văn dùng hết mấy trang báo để tâm sự riêng với thân quen của bà, báo trở thành trang quảng cáo, nhập hai số làm một, số nhận được, số không nhận được? Tức, gửi thư báo không mua nữa thì báo cứ gửi đến, đành phải trả thêm tiền. Gửi thư, báo đã trả tiền mà không nhận báo nữa, thì không thấy ai trả lời và báo cũng mất luôn, tiền thì không thấy ai nói. Thôi thì tặng lại cho văn chương. Dù sao cũng không nên để cho văn chương Việt chết. Và vì thế mà tôi mới thấy nhà văn Mai Thảo thật sự quí độc giả của ông, một mình ông làm mà báo đến đều đặn, hầu như không có quảng cáo. Ông đi rồi, tủ báo Văn của tôi dang dở số, có điều tôi cũng trân trọng báo của ông, các tờ báo của ông, tôi đọc và gìữ kỹ như còn mới như khi ông gửi, chỉ thiếu cái bao thư có dòng chữ của ông. Đó là điều ân hận.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"