Thomas A. Bass
Bùi Xuân Bách dịch
Giờ đây viên tướng đã qua đời, nhưng có lẽ con người này còn có thể
hồi sinh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất hôm mồng 4 tháng 10-2013 ở tuổi
102. Những cáo phó, sơ lược tiểu sử về ông, nhiều bản trong số đó được
viết từ nhiều năm trước, chỉ cung cấp một sự diễn dịch chính thức về một
cuộc đời mà chỉ gần đây các nhà sử học mới khai thác, một cuộc đời –
bất chấp sự trường thọ của nó – chưa hề được xem xét chi tiết.
Những bản cáo phó về Tướng Giáp, cùng một lúc đã gán cho ông quá
nhiều và quá ít công trạng. Ông quả thực là kiến trúc sư của chiến thắng
huy hoàng tại Điện Biên Phủ năm 1954 chống người Pháp, chấm dứt cuộc
chiến Đông Dương thứ nhất, và Graham Greene đã đúng khi gọi đó là một
bước ngoặt quan trọng trong lịch sử thế giới. Đây là lần đầu tiên trong
lịch sử của chủ nghĩa thực dân phương Tây, một đạo quân châu Á đã đánh
bại một đạo quân châu Âu trong một trận đánh chính quy. Thông điệp đã
vang vọng tới Algeria và các thuộc địa khác, trong khi họ noi theo tấm
gương thành công của Việt Nam. “Việc những thanh niên Mỹ vẫn tiếp tục
chết ở Việt Nam chỉ nói lên rằng, cần phải có thời gian để tiếng vọng,
thậm chí, của một thất bại hoàn toàn có thể đi hết một vòng quả đất”,
Greene viết.
Phần lớn những cáo phó về Tướng Giáp đều gắn cho ông công lao đã
chiến thắng cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai, cuộc kháng chiến chống
Mỹ. Trong đó đều nói rằng ông đã dàn dựng kế hoạch cho cuộc Tổng tấn
công Tết Mậu Thân 1968 và chiến dịch cuối cùng, chiến dịch kết thúc cuộc
chiến với sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn năm 1975. Những phát biểu
này hoàn toàn tảng lờ các thông tin được biết trong những năm gần đây,
các tài liệu lưu trữ và những nét tiểu sử chỉ giờ đây mới phát lộ. Ngay
từ năm 1963, sau khi phản đối Nghị quyết 9 về việc tiến hành chiến tranh
trực tiếp chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tướng Giáp đã bị gạt sang
một bên trong cuộc tranh giành quyền lực của Lê Duẩn cùng các nhà lý
luận khác trong Đảng. Sau đó, ông Hồ tự cách ly mình ra bằng cách đi
Trung Quốc chữa bệnh. Ông Giáp thì đi Hungary. Tướng Giáp đã ở lại
Hungary năm tháng, khi cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân được lên kế
hoạch. Mãi hai ngày trước khi chiến dịch bắt đầu, một chiếc chuyên cơ
của Trung Quốc mới chở ông về lại ViệtNam. Giáp – người mà danh chính
ngôn thuận vẫn là Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang và Bộ trưởng Quốc
phòng – đã bàng hoàng khi được biết những chi tiết về cuộc tiến công
biển người vào các đô thị Nam Việt Nam và các mục tiêu quân sự khác. Ông
biết rằng các lực lượng vũ trang giải phóng trong Nam quá thua kém về
mặt hỏa lực và không một cuộc đồng khởi nào có thể cứu họ khỏi bị tàn
sát. Điều mà ông nhận được chỉ vì ông đúng – là một dạng lưu đày mới,
ngay trong nội bộ. Ba chục tướng tá và những người cộng sự gần gũi của
ông đã bị bắt và bỏ tù vì họ đã không nhiệt tình đầy đủ trong việc ủng
hộ đường lối của Đảng.
Là người lính có kỷ luật, suốt năm mươi năm Tướng Giáp đã giữ kín
miệng về cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng. Những đồng sự
cộng sản đã hạ tầng công tác của ông, từ Phó Thủ tướng xuống Chủ tịch Ủy
ban Quốc gia Dân số và Sinh đẻ có Kế hoạch, nhưng sống càng lâu, ông
càng trở thành biểu tượng của sự thông minh và trung thực, lòng dũng cảm
và sự nhìn xa trông rộng của dân Việt. Ông đã phát biểu chống lại sự
tham nhũng và nhà nước công an khắc nghiệt của Việt Nam. Ông đã chống
lại việc Chính phủ cho phép Trung Quốc khai thác mỏ bauxite ở Tây
Nguyên.
Trong khi tin tức về việc ông qua đời lan truyền trên mạng internet –
không có một thông báo chính thức nào được công bố cho tới ngày hôm sau
– hàng trăm nghìn người Việt Nam đã đổ ra các đường phố mang theo những
bó hoa vàng và ảnh của con người đã từng tham gia tạo nên nước Việt Nam
hiện đại và cũng là người đại diện tiêu biểu nhất cho những hy vọng và
giá trị của đất nước. Mọi người đã khóc vì tất cả những gì họ đã phải
chịu đựng trong suốt ba mươi năm chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Họ khóc
vì những lời hứa cuội của những con người tầm vóc nhỏ hơn ông, nhưng đã
gạt ra rìa một viên tướng vĩ đại.
Tôi đã đến thăm nhà báo Sài Gòn kiêm điệp viên Phạm Xuân Ẩn chỉ ít
lâu trước khi ông mất năm 2006. Lúc đó ông bước tới cái ngăn kéo trong
phòng khách của mình và lôi ra một tập giấy. “Đây là bức thư mười bảy
trang của Tướng Giáp”, ông nói. Đó là một trong những bức thư tướng Giáp
gửi cho Bộ Chính trị vào cuối đời, phê phán ảnh hưởng của Trung Quốc
trong công việc nội bộ của Việt Nam, nạn tham nhũng, hối lộ, việc theo
dõi của công an, sự tàn phá môi sinh, và những căn bệnh xã hội khác. Ẩn
kể với tôi rằng, ba mươi tướng lĩnh đã ký thỉnh nguyện thư ủng hộ Tướng
Giáp. “Thật nguy hiểm nếu anh đứng về một phía nào đó”, Ẩn nói. “Nguyên
nhân khiến chúng tôi không có sách lịch sử Việt Nam do người Việt Nam
viết, là do anh không thể nói thật. Đó là tại sao tất cả sách trên giá
của tôi đều do người ngoại quốc viết.”
Thượng nghị sĩ John McCain và những nhà bình luận khác đã từng phê
phán ông Giáp về việc phí phạm sinh mạng những người lính của mình. Sự
nhẫn tâm của ông không thể nào so sánh được với các viên chỉ huy người
Anh trong Đại chiến Thế giới thứ nhất, và ông đã phản đối ý kiến của các
cố vấn Trung Quốc, muốn dùng chiến thuật biển người để đánh Pháp tại
Điện Biên Phủ. Thay vào đó, Tướng Giáp đã lựa chọn chiến thuật bao vây
và kiên trì sử dụng pháo binh. Những lời khuyên còn tồi tệ hơn của Trung
Quốc đã góp phần tạo ra cuộc Tổng tấn công Mậu Thân. Tướng Giáp không
phải người để đổ lỗi về thất bại quân sự nặng nề này, với cái giá phải
trả là một nửa số quân của cộng sản ở miền Nam và việc xóa sổ các đơn vị
Việt cộng như những lực lượng chiến đấu. Sự phê phán cuối cùng của McCain,
rằng Tướng Giáp đã liều lĩnh đẩy đất nước của ông tới chỗ “bị tàn phá
gần như hoàn toàn”, để “đánh bại bất cứ địch thủ nào, dù họ có mạnh tới
đâu chăng nữa” cũng có thể áp dụng cho những nhà cách mạng thành công
khác – như George Washington chẳng hạn.
Trong số các cán bộ cách mạng Việt Nam, Tướng Giáp là người được
giáo dục theo phương pháp cổ điển, với bằng cấp về triết học, lịch sử,
luật pháp và chính trị, một người vượt trội hơn hẳn trong cái ban lãnh
đạo tập thể không rõ mặt của đất nước ông, một người yêu phong lan và
văn chương Pháp – thậm chí cả sau khi người Pháp đã tra tấn vợ ông tới
chết – người đã dám đương đầu với mạng lưới kiểm duyệt của Việt Nam để
nói lên sự thật. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi có hàng trăm nghìn
người Việt Nam đã dự đám tang và tiễn đưa quan tài của ông tới nơi chôn
cất, trên một sườn núi trông ra biển. Ông đã mở ra một thế giới hiện
đại, hậu thực dân. Ông là biểu tượng của độc lập và quyền tự quyết.
Những gì ông đã nói là một động lực cho cái Thiện trên đời này, và những
gì ông chưa nói ra thì lại thuộc về chúng ta để khám phá. Giờ đây viên
tướng đã đi xa, ta hãy nhìn lại con người này.
20-10-2013
Thomas A. Bass, GS Anh ngữ và Báo chí tại Viện Đại học Tiểu bang New York (SUNY), Albany, là tác giả của hai cuốn sách về Việt Nam, The Spy Who Loved Us: The Vietnam War and Pham Xuan An’s Dangerous Game) và Vietnamerica: The War Comes Home. Ý kiến của ông đã được đăng (có lược chút ít) trên tờ Washington Post ngày 2-11-2013, nhan đề “The man who was Vietnam’s master of war”. Bản dịch này được thực hiện theo nguyên bản do tác giả cung cấp, nhan đề “On the Death of General Vo Nguyen Giap”.
Thomas A. Bass