Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Văn hóa trách nhiệm: cách hành xử của chính phủ Nga và Rosatom. (II)

Thục Quyên (Save Vietnam´s Nature)

Trường hợp Chernobyl.

"Không gọi là chiến tranh, nhưng nhắc tới Chernobyl thì phải dùng những từ ngữ như di tản, cấm địa, khu vực tử thần, thiệt hại nhân mạng. Vậy gọi nó là gì khác khi con người lâm vào thảm trạng cùng cực của khổ đau, bệnh hoạn và chết chóc?" (BS V. Smolnikova)
Bác sĩ nhi đồng Valentina Smolnikova đang tường trình về kinh nghiệm cứu trợ những trẻ em nạn nhân được đưa về bệnh viện vùng Buda-Koshelevo, Belarus, ngay sau thảm họa và những năm nối tiếp (1) (Hội Nghị Quốc Tế 2011 tại Berlin kỷ niệm 25 năm Chernobyl)

Thảm họa

Khoảng 1 giờ 24 phút sáng sớm ngày 26 tháng 4 năm 1986, lò phản ứng số 4 nhà máy điện Chernobyl Ukraina nổ tung, gây ra tai nạn hạt nhân cấp độ 7 và được coi là trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân thế giới. Những hậu quả tàn khốc trên thiên nhiên và con người cho tới nay vẫn tiếp diễn và chưa có phương thức để mong ngăn chận hay trừ khử.
(Ảnh Arte France)
Ukraina lúc đó còn là một thành viên của Liên bang Xô viết và truyền thống bưng bít thông tin cũng như cố tình cản trở nghiên cứu về tác hại sức khỏe dân chúng của chính quyền Xô viết đã ém nhẹm sự thật và gây tình trạng hoang mang, ngờ vực, mâu thuẫn, bất lợi cho việc rút kinh nghiệm để học hỏi hầu giúp đỡ nhân đạo cho những nạn nhân còn đang khốn khổ và bảo vệ sự tồn vong của những thế hệ tương lai.
Sự kiện Liên bang Xô viết chính thức chấm dứt tồn tại ngày 25 tháng 12 năm 1991 và sự tan rã của đảng Cộng sản tại Nga, Belarus và Ukraina dẫn đến kết quả là một số hồ sơ mật liên quan tới thảm họa Chernobyl được giải mã và một số nhân chứng như các bác sĩ, nhân viên y tế, chuyên viên nhà máy, những thường dân và quân nhân bị trưng dụng trong việc dọn dẹp sau khi lò phản ứng phát nổ, đã có cơ hội lên tiếng.

Nhân chứng Valeri Alekseevich Legasov

là một nhà hóa học vô cơ và là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.
Công việc nổi bật của ông là được chính phủ Liên Xô ủy nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban điều tra thảm họa Chernobyl và lập kế hoạch giảm thiểu hậu quả tai hại.
Công việc trên đòi hỏi phải dấn thân vào nơi rủi ro ngay từ những giờ phút đầu, đánh giá tình hình và lấy quyết định nhanh chóng. Cùng những người "thanh lý" (liquidator), Legasov bị đẩy vào tình thế phải hành động theo cách "thử và sai", cùng lúc hy sinh chính sức khỏe của mình.
Từ dự định 2 tuần, Legasov đã ở lại Chernobyl 4 tháng trực tiếp điều hành công việc và báo cáo về Ủy ban Trung Ương Cộng sản Liên Xô, đề nghị kế hoạch đối phó như di tản dân chúng, bắt đầu bằng cuộc di tản tức khắc toàn bộ 50.000 dân số thành phố Pripyat, sát cạnh nhà máy Chernobyl.
Trên bản dự thảo báo cáo đầu tiên cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại Vienna tháng 8/1986, người có thẩm quyền tại Cục An ninh Ủy ban Trung ương Cộng sản Liên xô đã phê bằng chữ viết tay: Đảng và hệ thống Tư pháp cần xử lý nghiêm khắc người báo cáo. Việc soạn thảo một bản báo cáo mới phải được giao cho Bộ Ngoại giao và KGB (Komitet Gosudarstvennoy Bezopasnosti - Ủy ban An ninh Quốc gia) (2)
Nhưng Mikhail Gorbachev lúc đó là Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô, theo tinh thần"Glasnost" và "Perestroika" do chính mình đưa ra, đã giữ ý định giao trọng trách cho Legasov qua Vienna.
Bản báo cáo của Legasov trước IAEA về mức độ và hậu quả của thảm họa Chernobyl được đánh giá là trung thực và có độ sâu phân tích, nhưng vì vạch rõ nguyên nhân chính vụ tai nạn là do những yếu kém trong thiết kế lò RBMK, báo cáo đã gây cho ông những khó khăn, trù dập của Bộ Kỹ thuật và Công nghiệp Hạt nhân (tiền thân của Rosatom) cũng như Ủy ban Trung Ương Cộng sản Liên Xô.
Sau hai năm bệnh hoạn vì nhiễm phóng xạ và uất ức không đưa được sự thật về thảm họa ra ánh sáng để phòng ngừa tai nạn trong tương lai, đúng ngày kỷ niệm thảm họa Chernobyl, Legasov đã tự tử và để lại một "di sản" là những cuốn băng thu âm lời tường trình "Sự thật về Chernobyl" của ông, phê bình những ém nhẹm sự thật của trung ương cùng những hỗn loạn thiếu tổ chức và vô trách nhiệm trong kế hoạch tiếp cứu người dân.
Một phần những cuốn băng này đã được giới thông tin Âu châu như BBC, Spiegel... chuyển tải.

Nhân chứng Alla Jaroshinskaya

là một ký giả và một nữ chính trị gia gốc Ukraina.
Tháng 12 năm 1991, với tư cách là một đại biểu thuộc Ủy ban Xô viết tối cao Liên Xô điều tra các quan chức có liên quan đến vụ tai nạn hạt nhân Chernobyl, Alla Jaroshinskaya đã khám phá ra hồ sơ mật Chernobyl, gồm 40 biên bản dày 600 trang những cuộc họp, những tài liệu, thư từ trao đổi trong đảng Cộng sản và chính quyền Liên Xô (3).
Tài liệu này, theo bà, đã được trả bằng hàng chục ngàn cái chết của nhân viên cứu trợ và các nạn nhân Chernobyl, cũng như những mất mát về sức khỏe và chất lượng cuộc sống của chín triệu người vẫn phải chấp nhận cư ngụ trong các vùng đất bị ô nhiễm.
Trong bài "Chernobyl: sự dối trá" tường trình ngày 7/04/ 2006 trước "Hội nghị Chernobyl" của Hiệp hội Y sĩ Quốc tế Phòng ngừa Chiến tranh hạt nhân, Alla Jaroshinskaya đã giải mật một số tài liệu thuộc hồ sơ bà đang có trong tay:
1/ Tài liệu ngày 27/06/1968 mang chữ ký của Schulzhenko, Trưởng phòng, trụ sở 3 bộ Y tế Liên Xô, "Về việc tăng mức độ bảo mật trong công tác thanh lý hậu quả của tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl"
Điều 4. Thông tin về tai nạn phải được giữ bí mật.
Điều 8. Thông tin về kết quả điều trị y tế phải được giữ bí mật.
Điều 9. Thông tin về mức độ bị nhiễm phóng xạ của nhân viên tham gia thanh lý hậu quả của tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl phải được giữ bí mật.
2/ Tài liệu ngày 8/07/1987 mang chữ ký của Đại tá Bakschutow, Chỉ huy trưởng Ủy ban cố vấn quân sự 10, dịch vụ y tế: văn kiện # 205.
Điều 2. Ngoại trừ những người bị hội chứng nhiễm xạ cấp tính, tất cả những trường hợp bệnh khác nghiêm trọng cấp tính hay mãn tính ở những người đã được trưng dụng vào chương trình thanh lý hậu quả tai nạn nhà máy ĐHN Chernobyl đều không được phép liệt kê có quan hệ tới bị ảnh hưởng phóng xạ.
Điều 3. Trong hồ sơ sức khỏe những người được trưng dụng vào chương trình thanh lý, nếu đã không bị nhiễm xạ cấp tính thì không được ghi lại sự hiện diện của họ trong chương trình này và cũng không ghi lại lượng nhiễm xạ của họ.
3/ Tài liệu ngày 24/09/1987 do chính Ủy ban Chính phủ Chernobyl ban hành: "Danh mục các thông tin liên quan đến tai nạn nhà máy điện hạt nhân Chernobyl không được phép công bố trên báo chí, truyền thanh và truyền hình": văn kiện # 423.
Điều 2. (không được đăng tải) những thông tin có dữ liệu về suy thoái khả năng lao động hoặc mất hoàn toàn khả năng lao động của những nhân viên làm việc tại nhà máy cũng như của những người được trưng dụng đến thanh lý hậu quả sau tai nạn nhà máy điện hạt nhân xảy ra.

Hồ sơ Gorbachev.

(Mikhail Gorbachev là Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô 1985-1991 và Tổng thống Liên Xô 1990-1991)
Đầu năm 2011, sử gia Pavel Stroilov, hiện đang sống ở London, đã bí mật sao chép một phần tài liệu từ "hồ sơ Gorbachev" và chuyển cho tờ tuần báo Đức SPIEGEL (4)
Tài liệu tiết lộ chi tiết một cuộc họp đặc biệt sôi nổi vào ngày 3/07/1986 giữa các lãnh đạo đảng Cộng sản, các chuyên gia và các thành viên Ủy ban chính phủ điều tra về tai nạn Chernobyl, kể cả TS Legasov, và cho thấy các chuyên gia Nga đã có những nghi ngờ về các lò phản ứng Chernobyl ngay từ trước thảm họa 1986.
Trong cuộc họp, Thứ trưởng bộ Năng lượng Shasharin đã nhìn nhận điểm yếu của loại lò điện hạt nhân RBMK dùng tại Chernobyl, và đề nghị cũng nên tắt các lò tương tự tại Smolensk, Kursk, và 2 lò tại Leningrad.
Trả lời câu hỏi của một thành viên Bộ chính trị, Shasharin xác nhận tình trạng thiếu an toàn trên, tuy nhiều người biết nhưng không bao giờ được ghi nhận bằng văn bản, và có "một thế lực" chống lại tin này được loan truyền.
Bộ trưởng Bộ Đặc trách Năng lượng Hạt nhân Efim Slavsky cho biết lúc trước đã từng có vấn đề tại nhà máy điện hạt nhân Leningrad vì trục của một tua bin có vết nứt. Nếu tua bin vỡ thì nhà máy đã nổ tung, vô phương cứu gỡ.
Bộ trưởng bộ Năng lượng Anatoli Mayorets tuyên bố thẳng thắn: loại lò phản ứng này không tốt! Một tai nạn tương tự đã xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Leningrad vào năm 1975 nhưng không ai chú trọng nghiên cứu vấn đề. Và một tai nạn tương tự cũng đã xảy ra ở Chernobyl vào năm 1982, chỉ không có thất thoát phóng xạ nhiều. Rút cục rồi cũng không ai rút được kinh nghiệm gì từ những tai nạn này. Mayorets lo lắng những nước Âu châu có vẻ đã biết về vấn đề của loại lò xử dụng tại Chernobyl và đặt câu hỏi có nên tiếp tục che dấu sự thật này đối với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA? Ngoài ra trong tương lai cũng cần tránh xây những thành phố sát cạnh những nhà máy điện nguyên tử vì muốn bớt tốn kém.
Trong cuộn băng tài liệu, Gorbachev đã giận dữ đặt vấn đề tại sao không được loan tin đầy đủ?
"Họ có biết hậu quả tiềm tàng của những tai nạn đó? Thật là ngu xuẩn!
Chúng ta đã tạo ra bao nhiêu vùng cấm địa trong xứ sở này? Mọi chuyện đều được Ủy ban Trung ương tuyên bố là bí mật nhà nước! Thậm chí chính phủ không xác định cả những địa điểm có nhà máy điện hạt nhân hay những loại lò phản ứng đang sử dụng. Toàn bộ là một hệ thống xu nịnh, tự tôn, lừa dối, lạm dụng quyền thế và đàn áp bất đồng chính kiến!" (4)
Gorbachev đã tóm gọn tình thế trong một câu bình luận sắc bén (5): Chúng ta đã trở thành con tin của ngành kỹ nghệ hạt nhân!
Thục Quyên (Save Vietnam´s Nature)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"