Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Sửa đổi Hiến pháp Việt Nam: Tại sao Washington cần quan tâm

Murray Hiebert, Kyle Springer
Diên Vỹ chuyển ngữ
Ngày 21 tháng Mươi, Quốc hội Việt Nam đã về Hà Nội để tham gia chương trình nghị sự kéo dài một tháng trong đó các đại biểu sẽ thông qua văn bản hiến pháp mới. Trong khi các nhà lập pháp nhóm họp, kinh tế Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng trưởng ổn định như vẫn từng trong năm qua, nhưng thấp hơn 2% so với mục tiêu hàng năm 7% do chính quyền đặt ra. Những vấn đề khác sẽ được đề cập trong hội nghị bao gồm việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các thảo luận về kế hoạch kinh tế trong tương lai và việc sửa đổi luật đất đai hiện thời.
Việt Nam đã trở thành một đối tác ngày càng quan trọng của Hoa Kỳ trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Trong tháng Bảy, gần 20 năm sau khi hai quốc gia bình thường hoá quan hệ ngoại giao, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã đón tiếp chủ tịch Trương Tấn Sang của Việt Nam, hai bên đã đồng ý thành lập một quan hệ toàn diện để nâng quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam lên tầng cao mới. Trong khía cạnh này, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã lưu tâm hơn đến những diễn tiến tại Việt Nam, đặc biệt là những hoạt động dẫn đến hệ quả lâu dài. Một trong những diễn tiến này là việc sửa đổi hiến pháp Việt Nam, vốn được soạn thảo vào năm 1992.

Trong khi các nhóm đấu tranh nhân quyền đang đề nghị đưa bảng hiến pháp mới quyền tự do bầu cử, một thay đổi quan trọng khác cần được thảo luận - và cũng là điều mà chính quyền Hoa Kỳ nên quan tâm - đó là Điều khoản 19, trong đó giao cho các doanh nghiệp nhà nước vai trò chủ đạo trong nền kinh tế Việt Nam. Điều này có nghĩa là chính sách nhà nước cho đến nay vẫn được lập ra để cho các doanh nghiệp nhà nước được dễ dàng huy động mặt bằng, vốn và đặc cách cho họ những giới hạn pháp lý. Thay đổi điều khoản về doanh nghiệp nhà nước là một vấn đề gây ảnh hưởng lớn, không những đối với hướng đi tương lai của chính Việt Nam mà còn đối với những quan hệ thương mại ngày càng chặt chẽ với thế giới và đặc biệt là với Hoa Kỳ.
Trong một cuộc phỏng vấn được quảng bá rộng rãi với tờ báo Bloomberg tại New York vào tháng trước, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã cam kết đổi mới lĩnh vực quốc doanh và tạo ra sân chơi công bình giữa các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp nước ngoài trong năm năm tới. Theo ông Dũng, các công ty nhà nước Việt Nam về lâu dài sẽ chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng quốc gia và các lĩnh vực mà ngành doanh nghiệp tư nhân không được phép, trong khi mở cửa cho các lĩnh vực kinh tế khác, đặc biệt là ngân hàng và tài chính được tự do cạnh tranh.
Chuyến thăm New York của Dũng là một phần trong nỗ lực liên tục của Hà Nội nhằm mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam trong khi mức tăng trưởng kinh tế đang nguội dần trong những năm qua. Khi Chủ tịch Sang gặp gỡ Tổng thống Obama và các quan chức thương mại cao cấp của Hoa Kỳ vào tháng Bảy, ông đã tái xác nhận cam kết của Việt Nam trong việc hoàn tất những đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Hoa Kỳ và 10 quốc gia khác, và đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ tạo điều kiện giúp đỡ Việt Nam được tham gia vào khối hiệp ước. Một trong những điều khoản của TPP bao gồm việc các quốc gia đồng ý tạo dựng một sân chơi công bình giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.
Sửa đổi Điều khoản 19 là một chủ đề gây tranh cãi lớn đối với giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam, vừa qua họ đã tiến hành những bước đi táo bạo như tổ chức một cuộc lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên đối với các quan chức cao cấp của chính phủ và của Đảng Cộng sản trong mùa hè vừa qua. Đối với Hà Nội, lĩnh vực quốc doanh to lớn đại diện cho sự kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế. Nhiều nhà lãnh đạo bảo thủ muốn giữ nguyên điều khoản về doanh nghiệp nhà nước, viện lý do là để yểm trợ “quá trình tiến đến nền kinh tế xã hội chủ nghĩa” của đất nước”, và tảng lờ vai trò to lớn của nguồn vốn nước ngoài cũng như tư nhân trong việc biến đổi Việt Nam thành một trong những địa điểm hấp dẫn đầu tư nhất trong khu vực và một trong các quốc gia xuất khẩu gạo, áo quần, giày thể thao và bàn ghế lớn nhất thế giới.
Kể từ khi Việt Nam phát động công cuộc đổi mới kinh tế thị trường vào cuối thập niên 1980, các doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và là động cơ thúc đẩy tăng trưởng trong những giai đoạn đầu của quá trình đổi mới với khoảng 40% tổng sản lượng kinh tế. Tuy thế, khi Việt Nam ngày càng mở cửa với đầu tư nước ngoài kể từ những năm giữa thập niên 2000 và tầng lớp doanh nghiệp trong nước nổi lên, các doanh nghiệp nhà nước đã lâm vào tình trạng thua lỗ nặng nề, với nhiều doanh nghiệp mang nợ lớn từ các ngân hàng nhà nước vì những thất bại từ việc đầu tư vào các lĩnh vực không chuyên của mình.
Vướng mắc của Hà Nội là trong khi giới lãnh đạo thừa hiểu sự cần thiết phải tái cơ cấu lĩnh vực quốc doanh cũng như nền kinh tế nói chung, họ muốn thực hiện điều ấy trong khi lại cũng muốn giữ nguyên vai trò chủ đạo của lĩnh vực quốc doanh trong tương lai. Điều này không có nghĩa là Việt Nam đã không đạt được tiến triển nào trong việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước. Trong những năm qua, con số các công ty do nhà nước sở hữu toàn diện đã giảm từ 12 nghìn xuống còn 1.300.
Các quan chức Hoa Kỳ chỉ ra rằng Việt Nam đã là một đối tác dễ chịu nhất khi đàm phán về TPP, ngay cả trong các lĩnh vực khó khăn như doanh nghiệp nhà nước và quyền tiếp cận thị trường. Tương lai các doanh nghiệp nhà nước gắn liền với TPP, mà nguyên tắc của nó sẽ bắt buộc các thành viên phải đặt các doanh nghiệp, tư nhân hay nhà nước, vào một sân chơi công bình. Trong bối cảnh này, nếu Hà Nội không thông qua được một điều khoản thiên thị trường và luôn được mong mỏi, đó là giới hại vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, thì sẽ khiến các công ty Hoa Kỳ thất vọng. Điều này cũng gửi đi những tín hiệu trái ngược về uy tín và cam kết của Việt Nam, đặc biệt là sau những chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch Sang và Thủ tướng Dũng trong ba tháng qua.
Một trong những động cơ khiến chính quyền thay đổi điều khoản về doanh nghiệp nhà nước trong hiến pháp là vốn đầu tư nước ngoài đã chững lại trong vài năm qua. Năm ngoái, đầu tư nước ngoài chiếm 51,6% tổng sản lượng nội địa của Việt Nam, giảm từ 53,3% trong năm 2010; con số trung bình của toàn Đông nam Á là 56,4%. Vì không là một bước ngoặc thay đổi về chính sách trong thời điểm mà giá lao động ngày càng tăng, về lâu dài Việt Nam có thể bị tụt hậu so với những nền kinh tế đang tăng nhanh trong khu vực như Cambodia và Miến Điện về mặt hấp dẫn vốn nước ngoài.
Dù sao Việt Nam vẫn là một mục tiêu hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoại quốc. Trong một báo cáo thăm dò viễn cảnh kinh doanh của ASEAN do Văn phòng Thương mại Hoa Kỳ và Văn phòng Thương Mại Hoa Kỳ ở Singapore đồng xuất bản, các giám đốc doanh nghiệp Hoa Kỳ được thăm dò cho biết Việt Nam là mục tiêu hấp dẫn thứ hai đối với các mở rộng thương mại mới tại Đông nam Á, sau Indonesia. Quốc gia này cũng nổi lên như một cơ sở sản xuất của các công ty công nghệ cao trên thế giới. Nhưng một nền kinh tế lưỡng tầng, trong đó các doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu có vốn nước ngoài và các doanh nghiệp nhà nước đang đi về hai hướng khác nhau sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tiềm năng tăng trưởng của cả nước cũng như tính cạnh tranh chung về mặt hấp dẫn đầu tư ngoại quốc trong những năm tới.
Bảo đảm việc các điều khoản thuận lợi cho thị trường tự do được ghi rõ trong hiến pháp sẽ tái tạo niềm tin từ các nhà đầu tư quốc tế và sẽ được xem là biểu hiện của chính phủ trong việc cam kết cải cách kinh tế thật sự. Trong khi Washington và Hà Nội đẩy mạnh các thảo luận để nâng cấp mối hợp tác kinh tế trong phạm vi của TPP, chính quyền và lĩnh vực tư nhân Hoa Kỳ muốn trông thấy những bước đi của Hà Nội trong việc củng cố những cam kết cải cách trước đây và, quan trọng hơn nữa là biểu hiện được vị thế của một đối tác uy tín.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"