Hà Hiển
Theo blog Hà Hiển
Việc Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vừa qua đang được báo chí nhà nước hết lời ca ngợi, coi đó như là một bằng chứng cho thấy Việt Nam đã đạt được những thành tích to lớn trong việc bảo vệ nhân quyền. Điển hình là bài phỏng vấn một quan chức của Quốc hội Việt Nam về vấn đề này. Cả bài trả lời phỏng vấn của ông này với các câu hỏi đã được định hướng của phóng viên, tuy khá dài nhưng chỉ xoay quanh việc tán dương những thành tích bảo vệ nhân quyền của Việt Nam và truyền đi thông điệp rằng mình phải tiến bộ to lớn thế này, thành tích rực rỡ thế kia thì người ta mới bầu chứ! rằng đây là “một đòn đánh mạnh” vào “các thế lực thù địch” đã “bôi nhọ, vu cáo chúng ta về vấn đề này” trong thời gian qua…
Ý kiến trên không phải là không có cơ sở nhưng cũng không hoàn toàn đúng.
Tại sao ý kiến trên không phải là không có cơ sở? Vì dù ít dù nhiều
thì trước thời điểm bỏ phiếu, trong năm qua Việt Nam cũng đã có một số
dấu hiệu nương tay hơn với những người bất đồng chính kiến, có thể kể ra
các ví dụ cụ thể là các bản án treo đối với Nguyễn Phương Uyên, Đinh
Nhật Uy… Trước đó Việt Nam chưa từng có án treo đối với những loại “tội
phạm” này. Cũng phải nói rằng so với những năm 90 của thế kỷ trước, Việt
Nam hiện nay cũng đã có nhiều không khí tự do hơn đôi chút, mặc dù còn
rất xa mới đạt tới những tiêu chuẩn mà LHQ đặt ra trong lĩnh vực thúc
đẩy và bảo vệ nhân quyền.
Tuy nhiên, ý kiến trên không hoàn toàn đúng là vì tiêu chí do Liên
hợp quốc (LHQ) đưa ra để xem xét tư cách ứng cử viên vào tổ chức này
không đòi hỏi tất cả các ứng cử viên phải là những quốc gia mẫu mực
trong việc bảo vệ nhân quyền mà chỉ cần có đóng góp vào việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, và có những hứa hẹn và cam kết một cách tự nguyện trong lĩnh vực này.
Mặt khác, việc phân phối số ghế vào cơ quan này của LHQ cũng không chỉ
đơn thuần xét về “đạo đức tư cách” như trên mà còn có tính “cơ cấu vùng
miền”, cụ thể là: 13 cho Châu Phi, 13 cho châu Á, 6 cho Đông Âu, 8
cho châu Mỹ La tinh và vùng Caribê, và 7 cho nhóm các nước Tây Âu và
những nước khác. Đó là chưa nói đến việc tranh giành ảnh hưởng giữa
các nước/ nhóm nước trên bàn cờ chính trị thế giới cũng làm cho việc đề
cử, ứng cử, bỏ phiều không hoàn toàn chỉ dựa trên tiêu chuẩn khách quan
đơn thuần về nhân quyền mà còn bị chi phối bởi những yếu tố chính trị
khác.
Việt Nam lần này nằm trong số 4 nước tại châu Á ứng cử vào Hội đồng
Nhân quyền trong khi khu vực Châu Á cũng được phân phối vừa vặn 4 ghế để
thay thế cho các thành viên cùng khu vực vừa hết nhiệm kỳ. Tình hình
trong nước cũng có dấu hiệu bớt căng thẳng hơn qua các bản án treo “giơ
cao đánh khẽ” vừa qua. Còn “hứa hẹn” và “cam kết” – nói nôm na dân dã là
“thề thốt” – thì khỏi phải nói – đó luôn luôn là thế mạnh của Việt Nam!
Trong hoàn cảnh đó, kết hợp với các yếu tố chính trị có tính thực dụng
“có đi có lại” chi phối quan hệ giữa các nước, thì việc Việt Nam được
bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền kỳ này là điều không có gì
phải ngạc nhiên.
Vấn đề quan trọng hơn là khi đã trở thành một thành viên của Hội đồng
Nhân quyền rồi thì Việt Nam sẽ làm gì? Cụ thể là tình hình có được cải
thiện hơn nữa để bớt đi những lời kêu ca phàn nàn ở trong cũng như ngoài
nước hay không? Những “hứa hẹn” hay “cam kết” sẽ biến thành thực tế như
thế nào? Những câu hỏi này đặt ra những thách thức không nhỏ cho Việt
Nam. Trong Nghị quyết thành lập Hội đồng Nhân quyền có câu: “các thành viên được bầu vào Hội đồng phải duy trì các tiêu chuẩn cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền”. Nên nhớ Đại hội đồng LHQ có thể
đình chỉ các quyền và đặc quyền của bất kỳ thành viên nào liên tục vi
phạm thô bạo và có hệ thống các quyền con người trong nhiệm kỳ mà nó là
thành viên.
Vì vậy, những ai đã ăn mừng vì sự kiện này thì đồng thời cũng nên giữ
cho cái đầu thật tỉnh táo, tránh lạc quan tếu để nhìn thấy những thách
thức trên mà dũng cảm vượt qua. Hãy coi việc trở thành thành viên của
Hội đồng Nhân quyền là cơ hội tự điều chỉnh lại mình một cách hoàn toàn
tự nguyện để vượt lên chính mình hơn là lợi dụng nó như là một công cụ
để “giáng một đòn mạnh” vào người này hay người khác. Lối “tư duy đánh
đấm” này là hoàn toàn xa lạ và đi ngược lại ý chí thúc đẩy nhân quyền
của LHQ mà các thành viên của Hội đồng Nhân quyền, hơn ai hết phải nhận
thức được một cách đầy đủ để hành động với một tinh thần trách nhiệm cao
nhất.(*)
——————————————————————–
(*) Bài viết có sử dụng một số thông tin đăng trên trang Wikipedia về Hội đồng Nhân quyền thể hiện ở một số câu và đoạn câu được in nghiêng.