Phan Châu Thành
Đọc bài “Cận cảnh” nguyên nhân Liên xô tan rã của tướng công an Lê
Văn Cương, tôi thấy có ba cảm giác khác nhau lẫn lộn: buồn cười cho cái
nhìn cận cảnh của một nhà chiến lược công an (!), mừng và lo cho tương
lai gần của đất nước đau thương này quá!
Tại sao buồn cười?
Buồn cười, là vì cách treo đầu dê bán thịt chó của bài viết. Nói là
“cận cảnh nguyên nhân”, được hiểu là “nhìn cận cảnh” sự kiện để rút ra
nguyên nhân của nó, nhưng lại chả có một bức tranh cận cảnh nào cả! Và
vì thế, các nguyên nhân tướng Cương rút ra đều chung chung và là cái
nhìn từ xa, cả về khảng cách và thời gian, theo cách nhìn xoi mói của
một công an điều tra có nhiệm vụ phải tìm ra thủ phạm vụ án. Và tướng
Cương có ngay kết luận chắc chắn: “À đây rồi! Thủ phạm chính là
Gorbachov và Bộ chính trị đảng CSLX!” Và nguyên nhân là: “Suy thoái đạo
đức!”, “Thiếu dân chủ trong đảng”, “Có thế lực thù địch!”… vẫn những bài
ca cũ rất quen.
Điều này làm chúng ta liên tưởng đến cách điều tra án mạng của công
an Bắc Giang ở làng Me với thủ phạm được kết án là Nguyên Thanh Chấn!
Để chứng minh Gorbachov và hàng chục triệu đảng viên đã chấp nhận
giải thể đảng CSLX bị tương Cương “kết án oan”, tôi sẽ xin trình bầy một
cái nhìn cận cảnh Liên xô những ngày sắp tan rã của tôi và xin đưa ra
nguyên nhân sự đổ vỡ đó, theo quan điểm của cá nhân, ở phần sau.
Tại sao mừng?
Mừng, vì một vị tướng viện trưởng Viện Chiến lược Bộ công an và đã có
đến 22 năm để suy ngẫm rồi, mà vẫn không thể nhìn ra một chút nào
nguyên nhân thực sự làm Liên xô tan rã, thì chắc cả đảng cộng sản Việt
nam hiện nay cũng vậy thôi? Tôi suy luận và hy vọng thế!
Tại sao tôi lại mừng? Vì khi đảng CSVN không nhìn ra nguyên nhân Liên
xô tan rã thì họ không học được bài học nào cho mình cả, và họ sẽ không
chuẩn bị được gì cho ngày chết (à quên: tan rã) của mình. Kết quả là họ
cũng sẽ tan rã nhanh và bất ngờ như đảng CSLX vậy! Và đó sẽ là sự kiện
đáng mừng lớn lao cho cả dân tộc ta!
Và tại sao lo?
Tôi cũng rất lo. Lo, vì dù không nhìn ra các nguyên nhân sâu xa đích
thực của sự kiện, ông Cương vẫn đưa ra ba nguyên nhân chính, theo ông,
và dường như đó cũng là quan điểm chính thống của đảng CSVN. Điều đáng
lo là từ đó. Các nguyên nhân trên đều tập trung đổ tội cho sai lầm của
con người cộng sản (đạo đức và cách làm việc của họ), chứ không phải sai
lầm trong hệ tư tưởng và cấu trúc hệ thống cộng sản. Điều đó có nghĩa
là để giảm thiểu các nguyên nhân đó đảng ta sẽ tập trung “quyết liệt”
vào việc kiểm soát con người.
Và đó đúng là điều đảng đã và đang làm hiện nay, quyết liệt trong và
ngoài đảng: các phong trào học tập đạo đức tư tưởng HCM liên miên, các
đợt đấu tranh phê và tự phê của đảng, việc siết chặt “tự do” của công
dân bằng luật pháp, vũ lực chống các “thế lực thù địch”, và cả cố gắng
gia cố hiến pháp của đảng để kiểm soát dân chặt chẽ hơn.
Một cái nhìn cận cảnh Liên xô tháng 8 năm 1990, vài tháng trước khi tan rã
Khoảng tháng 8 năm 1990 tôi có tham gia một đoàn doanh nhân đi công
tác dài ngày một số nước Châu Âu (bao gồm cả Nga, Balan, Tây Đức, Pháp),
liên quan một công trình dầu khí rất lớn trong nước. Chúng tôi ở Nga
làm việc ba tuần với các đối tác. Cảm nhận của tôi khi quay trở lại nước
Nga sau 10 năm (lần trước là 1980, trong thời gian Olimpics Moscow)
thật là hoàn toàn trái ngược với những gì trước đó.
Thứ nhất, chúng tôi được chứng kiến một nước Nga loạn lạc và mất an
ninh khắp nơi. Chúng tôi được khuyến cáo không nên ra khỏi khách sạn
buổi tối và không đi một mình, không đi qua công viên dù giữa ban ngày
để tránh bị cướp bóc. Không có những buổi chiều đi dạo công viên Moscow
với mùa thu Levital mà thời sinh viên tôi yêu thích nữa… Nhân viên khách
sạn (người Nga) còn dặn chúng tôi đừng nói chuyện và tin bất kỳ người
Nga ngoài phố bởi nếu không chúng tôi sẽ bị lừa hết sạch tiền bạc…
Thứ hai, chúng tôi chứng kiến một nước Nga rất đói nghèo và khủng
hoảng kinh tế trầm trọng. Đồng rúp mất giá hàng ngày (hôm nay nước Nga
đã phái cắt đi ba bốn số không sau đồng Rúp cũ, từ những ngày lạm phát
đó). Các siêu thị trống rỗng, một số nơi có hàng hóa trên kệ thì đó chỉ
là hai thứ: rượu votka và dưa chuột muối. Mọi thứ đầu đắt đỏ và phải mua
ở chợ giời – bằng tiền đô, có thể mua mọi thứ.
Thứ ba, về văn hóa, tôi vô cùng ngạc nhiên vì chỉ sau 10 năm tôi đã
thấy văn hóa và đạo đức người Nga xuống cấp khủng khiếp, không ai còn
tin ai điều gì và tất cả chỉ có tiền mới giải quyết được. Một buổi chiều
sẩm tối, một thanh niên Nga khôi ngô và một cô gái Nga trẻ măng và
tuyệt đẹp, có lẽ chừng 16-17 tuổi, gõ cửa vào phòng tôi và sếp (chúng
tôi ở phòng đôi). Vì cả tôi và sếp đều nói tiếng Nga tốt nên chúng tôi
nói chuyện với họ vui vẻ xem họ cần gì. Tôi ngỡ ngàng khi biết mục đích
viếng thăm của họ là: chúng tôi có muốn vui vẻ với cô gái đó không thì
có bé sẽ “chiều” cả hai, hoặc anh chàng kia sẽ dẫn thêm cô gái khác nữa,
và chúng tôi sẽ phải trả thêm tiền để họ được vào khách sạn… Tôi còn
đang bàng hoàng vì sự thật phũ phàng về dân tộc Nga mà tôi vốn luôn thần
tượng, thì sếp tôi trêu: “Thế nào, cậu có muốn trả thù dân tộc không?”
Tôi chống chế: “Nhưng em có mối thù dân tộc nào với chúng nó đâu?!”
Thứ tư, chúng tôi cùng chứng kiến một nước Nga vô cũng lạc hậu trong
kinh doanh. Ở đó, giữa Moscow, cuối năm 1990, trong những tòa nhà thương
mại to lớn của họ mà chúng tôi không tìm được một cái máy fax để liên
lạc, hay máy tính nào để làm văn bản. Cả cơ quan chỉ có 1 máy tính để ở
phòng riêng và chỉ sếp lớn mới có có chìa khóa. Sau 1 ngày mới mượn được
khóa phòng đó thì khi mở ra chúng tôi thấy một chiếc thùng gỗ to rất
đẹp như chiếc tủ lùn giữa phòng, có khóa kín. Lúc đó họ mới thú nhận
không ai được dùng máy tính nên sếp cho đóng tủ khóa lại, và giờ không
có cô thư ký… Còn Ngân hàng Narodnui Bank (NH Quốc gia LX) thì không có
tiền để chúng tôi rút từ thẻ hay tài khoản quốc tế, và để có tiền sống
và làm việc chúng tôi phải chuyển tiền qua ngân hàng Suez từ Pháp sang,
có lẽ là ngân hàng hiếm hoi còn hoạt động chút ít…
Thứ năm, về thái độ chính trị của người dân. Nếu chúng tôi chỉ nói
tiếng Anh với họ, họ sẽ tưởng chúng tôi đến từ các nước tư bản và họ sẽ
vô cùng yêu quí, giúp đỡ (với hy vọng được bo tiền đô). Nếu chúng tôi
nói mình là người Việt và biết tiếng Nga thì họ sẽ khinh rẻ, chửi rủa bỏ
đi, và chửi rủa luôn cả hệ thống XHCN của Nga và Việt nam nữa. Khắp
nơi, họ công khai chửi rủa cán bộ cộng sản tham nhũng, ăn cướp, công
khai căm thù tất cả những gì là cộng sản kể cả khi họ chính là cộng sản!
Tóm lại, cái nhìn cận cảnh nước Nga hay Liên xô của cá nhân tôi lúc
đó là: đó là một cường quốc đã tự sụp đổ hoàn toàn về mọi mặt, chỉ còn
cái xác vô hồn. Liên xô năm 1990 thua xa Việt Nam năm 1990 về mọi mặt,
trừ kích cỡ. Tôi đã cảm thấy thương hại cho dân tộc khổng lồ một thời
đang tan rã đó.
Câu hỏi ở đây là, tại sao họ đã “xuống” nhanh thế?
Và nguyên nhân đích thực làm Liên Xô tan rã
Câu trả lời là: trước đó, những năm 1980, họ không phải là cường quốc
kinh tế (chỉ mạnh về quân sự thôi). Nói Liên xô sụp đổ khi đang trên
đỉnh cao tăng trưởng kinh tế là không chính xác! Họ đã thổi phồng và nói
dối về tất cả mọi thành tựu “cường quốc kinh tế và chính trị” của mình -
sự lừa dối tích tụ mấy chục năm. Và họ đã gồng mình lên mấy chục năm
cho giống với hình ảnh cường quốc chính trị, kinh tế đó. Đến cuối những
năm 80s, với những biến cố ở Đông Âu mà họ đã không thể làm gì được nữa
(ngoài giải pháp can thiệp quân sự bị loại bỏ), họ đơn giản là buông
xuôi và chấp nhận sự thật mình chỉ là con hổ giấy. Họ không lừa dối nhau
và chính mình nữa, từ dân đến các đảng viên, đến lãnh đạo tối cao của
đảng đều bắt đầu phải nhìn nhận sự thật. Họ là dân tộc có văn hóa, có
liêm sỉ, có tự trọng, họ bắt đầu nhìn thẳng vào, nhìn kỹ lại hệ tư tưởng
và thể chế chính trị cộng sản của mình…
Chính hệ tư tưởng (Mác-Lenin) sai lầm từ trong giả thuyết sau 74 năm
cố áp dụng đã làm đạo đức con người băng hoại, làm các dân tộc trong
Liên bang Sô viết suy vong, làm cuôc sống người Nga bị bần cùng…
Trong những ngày tháng 8/1990 tôi đã nghe được những phát biểu của
công khai của Vasiliev, Elsin, Gorbachov…- các ủy viên Bộ chính trị đảng
CSLX lúc đó – tất cả đều một tinh thần: “Đủ rồi! Khvachit! Chúng ta
sống giả dối thế đủ rồi!” Khi người Nga đã nói “Khvachit! Đủ rồi!” đó là
họ tuyên bố mạnh mẽ nhất rằng họ sẽ hành động thay đổi hay sẽ lật đổ,
đánh đuổi ai đó hoàn toàn! Họ không chịu đựng được chế độ cộng sản nữa,
cả dân tộc đã đồng thanh như thế…
Trong bối cảnh như thế, họ chọn ra ban lãnh đạo đảng với Gorbachov
đứng đầu. Trong bối cảnh đạo đức xã hội (thực sự hối cải) đó Gorbachov
tuyên bố giải tán đảng cộng sản. Và trong bối cảnh đó hàng chục triệu
đảng viên đảng CSLX đi đầu là Elsin chấp nhận tuyên bố giải tán đảng của
TBT của mình như một điều nên làm và hợp lý nhất, đúng đắn nhất.
Đó là kết thúc tất yếu của cái xấu được giả dối thành cái tốt. Hệ tư
tưởng sai có thể đánh lừa được một vài, được hàng chục dân tộc, kể cả
dân tộc vĩ đại như dân tộc Nga, và sự lừa dối có thể kéo dài đến gần cả
thế kỷ - như 74 năm cộng sản của nước Nga, nhưng không thể lừa tất cả
mọi người hoặc lừa người Nga mãi mãi.
Đảng CSLX đã nhận ra sai lầm của mình, và dừng “thí nghiệm XHCN” lại từ 22 năm trước, vì dân tộc họ.
Nhưng đến hôm nay dường như đảng cộng sản VN vẫn cố tình không được
bài học Nước Nga đó, và vẫn đang cố ép buộc dân tộc Việt Nam đi theo con
đường sai lầm đó.
Cố tình ép buộc nhân dân đi theo con đường sai lầm là tội ác đối với
dân tộc, độc ác hơn nhiều khi 68 năm trước đảng vô tình dẫn dân tộc vào
con đường bế tắc này.
PCT