H. H.
“Các Viện Khổng Tử [VKT] kiểm duyệt những cuộc tranh luận chính
trị và hạn chế tự do trao đổi ý tưởng. Vậy thì tại sao các trường đại học Mỹ
lại đỡ đầu chúng?”.
Câu hỏi in đậm trên đầu bài báo của The Nation (xem ở đây) có lẽ
khá dễ trả lời: Nhà nước TQ chi đậm cho các VKT của họ, đổi lấy những thoả
thuận pro-Trung được ký kết với các đại học Mỹ và giữ kín với công
chúng. Một thí dụ: Trường Stanford nhận 4 triệu đôla từ Hanban (Hán ban – Hội
đồng tiếng Hán quốc tế), cơ quan trách nhiệm tối cao của các VKT, trong đó: 1
triệu cho các hội thảo, 1 triệu cho các học bổng nghiên cứu sau đại học, 2
triệu chi tiêu cho các giáo sư.
Được biết số VKT trên khắp thế giới hiện là
khoảng 400, không kể các “lớp học về Khổng Tử” với số lượng khoảng 600 tại các
trường trung và tiểu học.
Các VKT trên toàn cầu có quy chế hết sức chặt chẽ, được kiểm soát
thống nhất từ Bắc Kinh bởi Hanban.
Mặc dù các tài liệu chính thức nói Hanban là bộ phận của Bộ Giáo
dục TQ, nhưng thực ra nó là một hội đồng gồm quan chức 12 bộ ngành (Ngoại giao,
Giáo dục, Tài chính, Văn hoá, Phòng Thông tin của Hội đồng Nhà nước, Cục Báo
chí Xuất bản…) do Phó Thủ tướng, Uỷ viên Bộ Chính trị Lưu Duyên Đông (Liu
Yandong) trực tiếp lãnh đạo. Nó là công cụ của ĐCS mang danh một tổ chức giáo
dục quốc tế.
Hanban giành quyền cung cấp sách giáo khoa, giảng viên, chương
trình, và chỉ định người TQ làm đồng giám đốc (cùng với một người của đại học
sở tại). Hanban làm mọi việc để các VKT rọi một “ánh sáng đúng” về TQ, hay nói
trắng ra như Uỷ viên Bộ Chính trị Lý Trường Xuân (Li Changchun) thì VKT là “một
phần quan trọng của thiết chế tuyên truyền hải ngoại của TQ”.
Lý Trường Xuân và Lưu Duyên
Đông bắt tay các sinh viên VKT tại Đại hội VKT lần thứ 5 ngày 10/12/2010 tại
Trung tâm Hội nghị Quốc gia Bắc Kinh. Ảnh: VTV
Trong các thoả thuận của VKT với các trường ĐH Mỹ có điều 5, yêu
cầu hoạt động của VKT phải tuân theo phong tục, luật lệ của TQ cũng như của
nước sở tại. Tờ Nation nêu câu hỏi: Làm sao có thể chấp nhận điều này ở
một nước như Hoa Kỳ trong khi luật pháp TQ kết tội hình sự các phát biểu về
chính trị và niềm tin, là những gì được bảo vệ bởi Tu chính án số 1 Hoa Kỳ. Vậy
nếu các ĐH Mỹ chấp nhận điều 5 trong thoả thuận với VKT, họ sẽ là đồng loã về
tội phân biệt đối xử khi tuyển dụng (discriminatory hiring) hay vi phạm quyền
tự do ngôn luận.
Một chi tiết tinh vi trong chương trình học của VKT đã được một
vạch ra: quy định sử dụng chữ Trung văn chuẩn do nhà nước TQ ban hành sẽ tự
nhiên đào thải mọi văn bản không được nhà nước chuyển tự, từ cổ văn cho đến các
văn bản của người Hoa ngoài đại lục như Đài Loan, Hồng Kông…
Các VKT áp dụng những “vùng cấm” mà chính quyền Bắc Kinh áp đặt
cho đời sống công cộng: không bàn về Đạt Lai Lạt Ma, không mời Đạt Lai Lạt Ma
đến trường, không nói đến Tây Tạng, Đài Loan, đến quân đội TQ, đến sự đấu đá
trong cấp lãnh đạo TQ, cùng rất nhiều húy kỵ như vụ thảm sát Thiên An Môn, việc
bỏ tù các người bất đồng, phong trào dân chủ, các nhà văn bị vào sổ đen, sự
thao túng đồng nhân dân tệ, ô nhiễm môi trường, phong trào đòi tự trị ở Tân
Cương… Gần đây, có chỉ thị rõ ràng từ Bắc Kinh cấm 7 đề tài thảo luận trong các
lớp tiếng Trung quốc tế trong đó có vấn đề những giá trị phổ quát, tự do báo
chí và những sai lầm lịch sử của ĐCSTQ.
Các VKT còn công khai vận động chính trị như: VKT ở ĐH North
Carolina, ở ĐH Sydney đã vận động để ngăn cản Đạt Lai Lạt Ma đến nói chuyện.
Khi đến Sydney, vị này đã phải nói ngoài khuôn viên trường ĐH và trong lúc ấy,
VKT tài trợ cho một buổi thuyết giảng của một GS người Hoa từng tuyên bố công
khai Tây Tạng là bộ phận của TQ. VKT ở ĐH Waterloo huy động sinh viên biểu tình
ủng hộ chính quyền TQ đàn áp cuộc nổi dậy của Tây Tạng. VKT ở ĐH McMaster và ĐH
Tel Aviv đã gặp rắc rối với chính quyền địa phương vì những hoạt động chống
Pháp Luân Công.
Cũng vừa mới đây, trang mạng tiếng Anh chính thức của Hanban công
bố những yêu cầu tuyển giảng viên tiếng Trung hải ngoại, trong đó nói rõ “những
người dự tuyển không được có hồ sơ tham gia Pháp Luân Công hay những tổ chức
bất hợp pháp khác hay có tiền án, tiền sự”. Tờ Nation hài hước: cứ theo
những chuẩn này, một người như Lưu Hiểu Ba, Khôi nguyên Nobel Hoà Bình, sẽ
không bao giờ có cơ may được làm giảng viên tiếng Trung tại VKT!
Những hoạt động tuyên truyền chính trị cuả VKT bị phản ứng ở nhiều
nơi trên thế giới. Một video về chiến tranh Triều Tiên nhan đề “Cuộc chiến
chống đế quốc Mỹ gây hấn và trợ giúp Nam Hàn” vừa bị rút khỏi trang mạng của
Hanban sau khi các GS Trường Kinh tế London lên tiếng chất vấn về các học liệu
của VKT dặt ở trường này từ 2007.
Tháng 6 năm 2011, một kiến nghị với hơn 4000 chữ ký được gửi lên
Nghị viện bang New South Wales (Australia) đòi rút các lớp học của VKT đặt tại
một số trường công lập. Lý do là chính quyền đã thừa nhận rằng những đề tài có
ý kiến trái ngược như vụ thảm sát Thiên An Môn và hồ sơ nhân quyền TQ sẽ không
được thảo luận trong chương trình của VKT. Bản kiến nghị tuyên bố rằng chính
quyền ngoại quốc không được quyết định những gì được dạy trong các trường học
của bang New South Wales và không được đưa tuyên truyèn vào chương trình
học.Tháng 10 năm 2011, nghị sĩ Jamie Parker của Đảng Xanh lại đưa ra một kiến
nghị có khảng 10.000 chữ ký ủng hộ những yêu cầu trên.
Gần đây có hai sự cố liên quan đến các VKT ở ĐH MacMaster và
Waterloo, Canada.
Năm học này, trường McMaster kết thúc thoả thuận với VKT sau khi
có khiếu kiện về việc phân biệt đối xử trong tuyển dụng tại Toà án Nhân quyền
Ontario. Một giảng viên tiếng Trung, cô Sonia Zhao, thưa VKT ở trường này vì
trong hợp đồng mà VKT yêu cầu cô ký, có khoản đòi hỏi cô từ bỏ Pháp Luân Công
thì mới được tuyển dụng. Cô tuyên bố: “Trong thời gian huấn luyện tại Bắc Kinh,
họ đã bảo tôi đừng nói đến chuyện Tây Tạng hay các đề tài nhạy cảm khác… Nếu
học viên cứ cố nài, thì cô chỉ việc tìm cách chuyển đề tài hoặc nói cái gì mà
ĐCS thích.”
Một vụ khác nổ ra ở ĐH Waterloo, ông hiệu trưởng trường này không
được biết các hợp đồng mà giảng viên VKT đã ký và không kiểm soát được nội dung
của những hợp đồng ấy. Có lẽ điều đó giải thích vì sao có cuộc vận động của
viên giám đốc người TQ huy động sinh viên bảo vệ hành động của TQ ở Tây Tạng.
Năm 2008, khi TQ đàn áp cuộc nổi dậy của Tây Tạng, cô Yan Li, nguyên là phóng
viên Tân Hoa Xã, đã tập họp sinh viên VKT ở ĐH Waterloo để “cùng hành động
chống lại truyền thông Canada” đã phản ánh mạnh mẽ cuộc trấn áp. Yan Li lên lớp
giảng về tình hình Tây Tạng theo ý cô, sử dụng một bản đồ TQ bao gồm Tây Tạng.
Thế là sinh viên tung ra một chiến dịch chống lại truyền thông Canada, họ coi
tivi, báo chí, mạng… đã xuyên tạc tình hình để bênh vực phe nổi dậy ở Tây Tạng.
Chiến dịch thành công đến nỗi tivi phải lên tiếng xin lỗi vì đã trình bày tình
hình chưa khách quan!
Viết đến đây tôi rùng mình khi liên tưởng (chắc không xa sự thực):
một ngày nào đó, một cô giảng viên xinh đẹp người TQ của VKT tại Hà Nội giảng
cho học viên Việt Nam về Trường Sa, Hoàng Sa, sử dụng chiếc bản đồ “đường lưỡi
bò”!!! Chuyện gì sẽ xảy ra???
H. H.
Nguồn:
Bauxite Việt Nam