Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

“Ngoại cảm” dự đoán Việt Nam vượt Nhật – Hàn!

“Việt Nam sẽ không thua kém Nhật Bản, Hàn Quốc”. Câu nói của bộ trưởng Kế hoạch đầu tư tại diễn đàn Quốc hội sáng 1.11 làm nhiều người giật mình.
Ông Bùi Quang Vinh đã tin tưởng và tự hào trí tuệ dân tộc Việt Nam và có một cảm hứng như thế. Dĩ nhiên, tin vào trí tuệ dân tộc là điều tốt, nhưng vin vào đó để thổi phồng lên một điều chưa bao giờ có thật trong vòng mấy chục năm qua của nền kinh tế đất nước so với các nước khu vực và Nhật, Hàn thì quả là… hơn cả tự tin.
Nếu phát huy được lòng người, tình cảm dân tộc thì đất nước chắc chắn phát triển, nhưng với tình trạng như hiện nay về sự thật các mối quan hệ vận hành kinh tế, các quan hệ xã hội… thì thật khó cho niềm tin trên.
Nếu tiếp tục ru ngủ nhau, chắc chắn sẽ còn thua cả Lào và Campuchia. Có ý kiến cho rằng, Campuchia đã hơn Việt Nam ở một số lĩnh vực và thời gian tới, họ sẽ trở thành đất nước tiến xa hơn nhiều với những cảm hứng mới mẻ hơn.
Ông Bùi Quang Vinh “ngoại cảm” như thế cũng khiến nhiều người vui khi nghe ngôn rộn ràng, nhưng nhìn lại, Việt Nam của chúng ta lạc hậu với Nhật Bản, Hàn Quốc quá nửa thế kỷ. Vậy thì cách gì đây để vươn tới trình độ như thế đã là hạnh phúc chứ chưa nói đến vượt cả họ theo cách “ngoại cảm” của ông Vinh.

Mấy năm trước, khi Vinashin lở loét, toàn dân mất hơn 80.000 tỷ đồng qua cung cách làm ăn thua lỗ của nắm đấm thép. Sau nhiều lần phẫu thuật, cái tên Vinashin không còn lõa thể nữa mà được cho “biến mất” và trở thành một cái tên mới Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC), cái tên Vinashin đã trở thành áo giấy, “hóa vàng”, tên mới của SBIC hoàn toàn không có lỗ lũy kế, vốn điều lệ là 9.520 tỷ đồng, không một ai có thể “ngoại cảm” được SBIC sau bao nhiêu năm sẽ có lãi và trả được nợ cho chúa chổm Vinashin. Ve sầu đã thoát xác nhưng món nợ tiền thật vẫn còn đó, không ai lý giải được rằng “trâu” sẽ “cày” như thế nào, người sẽ “bừa” ra làm sao trong khung cảnh nền kinh tế khó khăn để trả nợ cho di sản này.
Thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình trước đây từng đăng đàn nói như muốn chia đôi giải Nobel kinh tế vì thành tích của đơn vị điều tiết vĩ mô này, cách nói như dội thêm dầu vào lửa trước bao khó khăn lúc đó.
Nhưng ngày 1.11, người từng đòi giải thưởng trứ danh thế giới đã nói rằng: “chúng tôi ý thức sâu sắc rằng cử tri cả nước luôn công tâm, luôn luôn công bằng và nhân ái, nên chúng tôi không ngừng phấn đấu và không ngừng cống hiến, nhưng con đường phía trước còn nhiều chông gai khó khăn, nên mong đại biểu và cử tri tiếp tục ủng hộ và giám sát”.
Cử tri là ai? Nói cho cùng là nhân dân, ông Bình rất biết cách đánh vào lòng “nhân ái” của cử tri để tranh thủ sự thông cảm. Các lần trước ông đưa ra những bình luận và hoạt ngô về vàng, về điều hành vĩ mô như một phương cách “ngoại cảm” đặc biệt cho phép giải thích chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước.
Còn lần này, ông tìm cách khác, lòng “nhân ái” để tiếp diễn cảm hứng riêng của ông và ngành là “cống hiến”, “phấn đấu”. Trong các lần “ngoại cảm” trước đây, vẻ như ông Bình đẩy lên sự lạc quan lãng mạn, còn bây giờ, ông “ngoại cảm” chặng đường phía trước rất khác; “chông gai khó khăn”.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"