Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

Một lời xin lỗi

Tưởng Năng Tiến
Trong hơn nửa thế kỷ qua, có lẽ, đây là lần đầu tiên công luận mới được biết đến một điểm son (hiếm hoi) trong hệ thống lao tù ở Việt Nam – theo như tường thuật của phóng viên Trọng Thịnh, trên Tiền phong Online:
Ngày 28/6, tại Trại giam Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) sơ kết đợt phát động phạm nhân viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi”. Sau hơn nửa năm, đã có gần 600 bức thư…
Ông Nguyễn Văn Quý (Xã Phú An, Nhơn Trạnh, Đồng Nai), cha của nạn nhân Nguyễn Văn Lợi đã rất ngạc nhiên khi nhận được lá thư xin lỗi của phạm nhân Từ Khánh Thiện – người đang thụ án về tội giết con ông…
Ảnh: Phạm nhân Nguyễn Minh Quang và bà Nguyễn Kim Oanh. Ảnh:Trọng Thịnh
Bà Nguyễn Kim Oanh (Hố Nai, Trảng Bom, Đồng Nai), mẹ của nạn nhân Lê Văn Vũ thì không tin rằng kẻ trong băng nhóm giết con mình là Nguyễn Minh Quang lại gửi thư cho bà. Dù còn nguyên đó nỗi đau mất con nhưng dòng chữ chân thành của kẻ giết người đã khiến bà cảm động: “Hôm nay con muốn viết lên hai từ xin lỗi dù đã quá muộn màng và con biết rằng không thể nào làm cho bác quên hết buồn đau của những chuyện đã qua”.
Bà Oanh kể: “Tôi đã suy nghĩ nhiều lắm. Tội của thằng Quang thì pháp luật đã xử nó, mình giữ lại thù oán cũng chẳng được gì. Tuổi của nó còn trẻ, còn tương lai ở phía trước. Vì thế tôi muốn đích thân lên trại để nói tôi tha thứ cho cháu.”

Cũng trên Tiền phong Online, vào ngày 21 tháng 10 năm 2013 vừa qua, lại có thêm một bài báo nữa (Trào lưu tự thú về cách mạng văn hoá ở Trung Quốc) cũng cảm động không kém – do ký giả Sơn Duân lược dịch:
Với tư cách Chủ tịch Hội Cựu học sinh giai đoạn 1966 -1968 tại Trường trung học Bắc Kinh số 8, Trần Tiểu Lỗ (67 tuổi) đứng dậy, cúi đầu và đại diện cho các học sinh nói lời xin lỗi vì làm nhục và đánh đập thầy cô giáo trong thời Cách mạng Văn hóa. Các cựu học sinh khác cũng làm theo Trần. Những lời nói hối hận hòa lẫn với ngôn từ an ủi và nước mắt tuôn tràn trên các khuôn mặt. Theo tờ China Daily, trước khi tổ chức cuộc gặp, Trần đã đăng tải lời xin lỗi trên trang blog của nhóm cựu học sinh vì “trách nhiệm trực tiếp trong việc lên án và đưa nhiều người đến trại cải tạo”. Theo ông Trần, lời xin lỗi tận đáy lòng của ông với các thầy cô và bạn cũ “dù muộn nhưng cần thiết”.
Cuối bài viết này, sau khi đăng lại trên trang Đàn Chim Việt, có vị độc giả đã gửi đến phản hồi như sau:
Tudo.com says: Vậy khi nào CSVN sám hối về Cải cách Ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm miền Bắc ?
Câu hỏi (khá) bất ngờ này khiến tôi chợt nhớ đến một đoạn văn của blogger Cu Làng Cát:
Gia đình tôi, bị quy địa chủ trong những năm tháng Cải cách Ruộng đất. Đó là điều vô lý, thật là vô lý. Đến bây giờ bố tôi và tôi vẫn không hiểu vì sao một gia đình nghèo đói như thế này, bỏ tất cả theo kháng chiến, không một mảnh đất cắm dùi thời kỳ đó mà vẫn bị quy là địa chủ… Bố tôi kể, đợt Cải cách Ruộng đất oan sai nhiều lắm.
Người oan toàn người giỏi, người tài và rất nhiều đảng viên bị giết… Tôi đã nhiều lần ngồi nhậu với nhà thơ Ngô Minh, ông cũng mang trong mình nổi đau của oan sai Cải cách Ruộng đất. Khi rượu vào mềm môi, tôi hỏi: “Chuyện gia đình chú bị quy sai địa chủ chú có đau không?” Ông cười nhưng từng thớ thịt trên mặt giật liên tục, như đang cố nuốt một nỗi đau mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu nổi…”
Nỗi đau này (chắc chắn) sẽ giảm bớt ít nhiều – nếu trong lần nhậu tới – vào lúc rượu vừa mềm môi thì bưu tá viên xuất hiện và đưa cho nhà thơ Ngô Minh một bức thư gửi từ Văn phòng Thủ tướng Chính phủ của nước CHXHCNV, với nội dung (đại khái) như sau:
Ngày… tháng… năm …
Kính gửi…. ông/bà…
Thay mặt Chính phủ nước CHXHCNV, chúng tôi xin trân trọng gửi đến ông/bà lời xin lỗi chân thành nhất về những mất mát, thiệt hại cũng như đau buồn đã xảy ra cho gia đình và thân quyến do nhiều sai lầm (vô cùng đáng tiếc, và đáng trách) đã khiến cho cụ ông Ngô Văn Thắng bị oan mạng trong cuộc Cải cách Ruộng đất vào năm 1956. Chúng tôi kính mong được ông/bà bao dung chấp nhận lời xin lỗi muộn màng này.
Ký tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Thử tưởng tượng xem hai vị nhà thơ và nhà báo của chúng ta sẽ ngạc nhiên cỡ nào khi đọc những dòng chữ ngắn ngủi và giản dị trên? Bữa đó, hai chả – không chừng – dám uống tới sáng luôn vì xúc động!
Hãy tưởng tượng tiếp: có chiều, khi ngày đã đi dần vào tối, một bưu tá viên (khác) sùm sụp áo mưa len lách vào đến căn nhà số 24 ngõ 267 2/16 đường Hoàng Hoa Thám, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội để giao cho bà Ngô Thị Kim Thoa một bức thư khác – cũng gửi từ Văn phòng Thủ tướng Chính Phủ:
Ngày… tháng… năm …
Kính gửi…
Thay mặt Chính phủ nước CHXHCNV, chúng tôi xin trân trọng gửi đến bà lời xin lỗi chân thành nhất về những mất mát, thiệt hại cũng như đau buồn đã xảy ra cho gia đình và thân quyến do nhiều sai lầm, vô cùng đáng tiếc, đã khiến ông nhà (thi sĩ Phùng Cung) vô cớ bị bắt đi biệt tích và giam giữ rất nhiều năm – sau vụ án Nhân văn Giai phẩm – vào đầu thập niên 1950. Chúng tôi kính mong được bà bao dung chấp nhận lời xin lỗi muộn màng này…
Ký tên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Cũng vào buổi chiều mưa này, một bức thư khác nữa – với nội dung gần tương tự – đã được gửi đến bà Lê Hồng Ngọc ở ngõ số 26 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nộị… Đêm hôm ấy ngọn đèn dầu trên bàn thờ của Phùng Cung và Hoàng Minh Chính có thể sẽ được khêu sáng hơn một tí, chỉ tí xíu thôi nhưng chắc cũng đủ làm cho những gian nhà quạnh quẽ của những bà quả phụ (đang bước vào tuổi tám mươi) được đỡ phần lạnh lẽo.
Có những bức thư khó chuyển hơn vì người nhận sinh sống ở những nơi xa xôi, và hẻo lánh hơn nhiều:
Trên bản đồ quân sự cũng như bản đồ của Nha Địa dư không bao giờ có địa danh “Đèo Bá Thở”. Bởi vì đặt cái tên cho ngọn đèo này chính là tôi và một vài người bạn… Ngọn đồi nằm không xa trại giam chúng tôi trong tỉnh Yên Bái. Ngày ngày đội chúng tôi có mười anh em phải băng qua bên kia cái đèo khốn nạn này, tới một khu rừng toàn thị là tre, nứa, giang…
Mấy ngày đầu chúng tôi không chú ý tới cuối dốc bên kia có một cái nhà tranh đã sập. Người chủ căn nhà lấy vài thân tre to, chống cái mái lên, nên mái nhà chạm đất. Tất nhiên trong tình trạng đó nó không có cửa. Chúng tôi đã vài lần đi về ngang đó và tưởng nó đã bỏ hoang, bởi vì trông nó còn thua một cái chòi chăn vịt ở miền Nam.
Một hôm cả bọn chúng tôi thấy trời còn sớm, nên nghỉ lại bên kia dốc một lát trước khi “bá thở”. Chúng tôi nghe lục đục trong cái chòi bỏ hoang, và phát giác đuợc một cụ già thật già. Nét mặt bà cụ nhăn nheo hệt như những vết nẻ của ruộng bị hạn hán nhiều ngày. Bà già có một cặp mắt nâu đục, lờ đờ và đầy rỉ mắt. Bà già mặc một cái áo bông vá chằng vá đụp. Phải gọi đây là cái áo vá trên những miếng vá. Nó nặng dễ chừng đến năm ký chứ không chơi. Chúng tôi gạ chuyện, song tất nhiên bà già biết chúng tôi là tù ‘Ngụy’ nên không hé răng một nửa lời.
Hôm sau trong lúc đốn tre chúng tôi hội ý. Chúng tôi lấy dư ra mỗi ngày vài cây về giấu ở gần căn lều của bà cụ. Được vài ngày đủ tre để dựng lại căn lều, chúng tôi để hai người lại sửa còn tám người vào rừng đốn tre cho đủ số lượng của mười người. Chúng tôi cũng cắt tranh về để dậm lại những chỗ quá mục nát. Căn nhà sửa xong, có cửa để chui ra chui vào. Bà già khi đó tự động nói chuyện với tụi tôi:
- Lão có ba đứa con, một đứa đã có giấy tử sĩ, hai đưa kia thì hoà bình lâu rồi, nhưng lão không hề nhận được một chữ của chúng từ ngày chúng đi… (Hoàng Khởi Phong. “Bên kia Đèo Bá Thở”. Cây tùng trước bão. Thời Văn: Westminster, CA 2001)
Tôi hy vọng (mỏng manh) rằng có thể vẫn còn đủ thời gian để thêm một bức thư khác nữa, cũng từ Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, đến kịp Bên kia Đèo Bá Thở. Dù đây chỉ là một bức thư chung, gửi đến hàng vạn người, với chữ ký đã in sẵn chăng nữa – chắc chắn – nó vẫn được người nhận trang trọng cất giữ mãi cho đến khi nhắm mắt.
- Cứ thư từ linh tinh khắp nơi như thế (e) nhiêu khê, phiền phức, và tốn giấy mực quá không?
- Dạ, không đâu. Tôi tin rằng số tiền hơn bốn trăm tỉ đồng (để xây Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng) không chỉ đủ để gửi thư xin lỗi mà còn có thể gửi thêm cả hài cốt (thật) của rất nhiều người lính đến (vô số) những bà mẹ đang thoi thóp – Bên kia Đèo Bá Thở.
Còn với hàng trăm ngàn tỉ đã chi cho Vinashin thì (ôi thôi) cả nước – từ Nam ra Bắc – chắc ai cũng có thể nhận được một lá thư xin lỗi về những chuyện đáng tiếc đã qua vì gia đình có người bị chôn sống trong hồi Tết Mậu Thân, có người bị vùi thây trong trại cải tạo, có người bị chìm nghỉm trong lòng đại dương, hay cả dòng họ tan nát và tứ tán vì những cuộc cải tạo công thương nghiệp…
Những bức thư xin lỗi kể trên, nếu được viết bằng thiện ý và lòng thành – chắc chắn – sẽ tạo dựng lại được ít nhiều niềm tin đã mất (từ lâu) trong lòng người, và làm mờ bớt (phần nào) nào cái nét bất nhân của chế độ hiện hành. Điều đáng tiếc là “thiện ý” cũng như “lòng thành” vốn không hề có trong thâm tâm của những người cộng sản cầm quyền ở Việt Nam, bất kể thế hệ nào.
Tưởng Năng Tiến

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"