Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Hiến pháp, khoa học, lợi ích và thực tế

TS Nguyễn Sỹ Phương CHLB Đức
I - Thước đo nào cho một văn bản Hiến pháp?
Một con sói xuống uống nước phía thượng nguồn, nhác thấy một con cừu uống nước phía hạ nguồn liền quát, sao mày dám làm đục dòng nước ta uống, ta sẽ ăn thịt mày. Câu chuyện ngụ ngôn chân lý thuộc về kẻ mạnh của phương Tây trên cho một hình ảnh giữa khoa học (ở đây là quy luật dòng chảy) và cách thức xử sự đối với khoa học đó tùy thuộc lợi ích sử dụng nó (ăn thịt con cừu). Khác với loài vật chỉ hành động bản năng theo lợi ích, loài người có ý thức, lợi ích chỉ mới là điều kiện cần đạt tới, muốn thành công phải bảo đảm khoa học tức điều kiện đủ, không thể bất chấp khoa học như sói coi nước chảy ngược được. Hậu hoạ có thể rút ra từ câu chuyện cổ tích “Bộ quần áo mới của Hoàng đế“. Để đạt được lợi ích buộc ai cũng phải thừa nhận bộ quần áo mới, Hoàng Đế dựa vào “học thuyết“, chỉ những ai trung thành hoặc không trễ nại mới có thể nhìn thấy nó. Học thuyết đó bị phá sản làm lợi ích bộ quần áo mới cũng mất nốt, khi trẻ em vốn không bị chi phối bởi lợi ích nào cả, trông thấy, reo lên, “Hoàng Đế cởi truồng“ bác bỏ học thuyết trên. Ý nghĩa câu chuyện này còn minh chứng cho nguyên lý, thực tế là thước đo của khoa học, chứ không phải quyền lực hay lợi ích. Thừa nhận khoa học, nhưng sử dụng nó không tính kỹ tới tương quan lợi ích đạt được chắc chắn thất bại. Thuyết tương đối Einstein tới nay được cho là đúng, nhưng công thức tính vận tốc, quãng đường, thời gian của nó thực tế không dùng, ngoại trừ nghiên cứu khoa học, bởi vô nghĩa.

Khác với động vật không mang tính cá thể chỉ phân biệt giống loài, nói cách khác chết con nọ có con kia, loài người không thể lấy người nọ sống thay người kia, chết người này có người khác. Vì vậy, khái niệm lợi ích ở đây được hiểu là lợi ích từng con người cụ thể cộng lại chứ không phải lợi ích chung chung như đối với giống loài động vật; nếu không bảo đảm được nguyên lý đó càng thất bại hơn, bởi tạo ra trong lòng nó xung đột lợi ích triệt tiêu lẫn nhau. Chế độ Xã hội Chủ nghĩa Quốc gia Đức (gọi tắt Quốc xã) bị nhân loại chôn vùi là 1 thực tế, khi Hitler theo đuổi lý tưởng đẹp đẽ nhất xây dựng một dân tộc Đức thượng đẳng (được đại đa số dân Đức ủng hộ bầu lên nắm quyền), nhưng lại bằng cách tiêu diệt hết những người bị coi giá trị thấp, thiểu năng, đồng tính, người nước ngoài, ngoại lai, đảng cộng sản, và tiếp đó là các đảng đối lập khác. Chỉ tính trong 2 năm đầu Hitler cầm quyền, hơn nửa triệu người như vậy bị giết, và được giải thích, sẽ bù đắp bằng những người giá trị cao được ưu tiên sinh đẻ hàng năm (như chọn giống động vật). Chế độ thực dân là một minh chứng thời đại. Được xây dựng cả thế kỷ hầu khắp toàn cầu rốt cuộc bị lịch sử đào thải, chỉ vì chúng giương cao ngọn cờ khoa học “mọi người sinh ra đều bình đẳng, tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể chối cãi được“, nhưng lại nhằm phục vụ chỉ cho lợi ích riêng chúng, bằng cách hy sinh lợi ích nước khác “tới cướp đất nước ta áp bức đồng bào ta“.
Vậy những tiền đề khoa học nào, lợi ích nào được dùng làm thước đo, đo lường một văn bản Hiến pháp, để xem nó đúng sai chỗ nào, mức độ ra sao?
II - Tiền đề khoa học hiến pháp
Khoa học được xây dựng trên những tiền đề, nguyên lý, phạm trù, khái niệm nhất định. Khi nói đúng khoa học mặc nhiên được hiểu đúng với các tiền đề đó, hay nói cách khác tiền đề được dùng làm thước đo. Hình học phẳng đưa ra Xuất phát từ khái niệm điểm đường với tiên đề qua một điểm ngoài 1 đường thẳng chỉ có thể kẻ được 1 đường thẳng song song với đường thẳng cho trước và chỉ một mà thôi. Vì vậy khi nói các định lý hệ quả hình học phẳng đúng, thì mặc nhiên được coi đúng với các khái niệm tiên đề trên. Không thể lấy tiên đề hình học Phi Ơ-Clit: có thể kẻ được nhiều đường thẳng chứ không chỉ một để chứng minh các định lý hình học phẳng được. Cũng vậy, vật lý sơ khai đưa ra tiền đề quả đất đứng yên, chính vì vậy hệ qủa mặt trời, mặt trăng, và vũ trụ quay quanh nó là đúng, theo nghĩa đúng với tiền đề trên, còn gọi là hệ quy chiếu, trong xã hội học gọi là quan điểm. Không thiếu lịch giờ ngày tháng mùa năm xây dựng từ hồi đó đến nay vẫn dùng, đều xuất phát từ tiền đề qủa đất đứng yên. Tới vật lý cổ điển khẳng định không chỉ quả đất quay quanh mặt trời, mà mặt trời còn quay quanh trục thiên hà... do xuất phát từ tiền đề, hệ quy chiếu là hệ trục tọa độ 3 chiều cố định trong không gian. Đến vật lý tương đối đưa ra công thức tính không gian, thời gian co giãn theo tốc độ. Công thức này đúng, bởi nó được rút ra từ tiên đề: ánh sáng có tốc độ tối đa và không đổi trong mọi hệ quy chiếu, nghĩa là công thức đó đúng với tiền đề trên (không đúng với tiền đề vật lý cổ điển hay sơ khai).
Hiến pháp cũng vậy. Một văn bản Hiến pháp khoa học hay không, trước hết phải đối chiếu với những tiền đề, nguyên lý, phạm trù khái niệm của bộ môn khoa học Hiến pháp. Tuy nhiên khoa học luôn phát triển, như quang học khởi đầu đưa ra tiền đề sóng ánh sáng, tiếp theo lại khẳng định hạt ánh sáng, và ngày nay thì thống nhất ánh sáng vừa tính sóng vừa tính hạt. Khoa học Hiến pháp cũng vậy, lịch sử khởi nguồn từ năm 2300 trước Công nguyên, khi vua Urukagina ở thành phố Lagash, nước Sumer ban hành một văn bản luật lần đầu tiên trong lịch sử nhà nước nhân loại, được coi là Hiến pháp xưa nhất, qua cả một quá trình phát triển hàng ngàn năm cho ta kiến thức khoa học Hiến pháp hiện đại, được dùng làm thước đo đo lường một bản hiến pháp ban hành ngày nay có tính khoa học hay không. Theo đó, ngoại diên và nội hàm khái niệm Hiến pháp ngày nay, bao gồm các dấu hiệu:
1- Là văn bản luật. Tức mang tính chế tài, nghĩa là:
1.1- Được cơ quan dân cử ban hành;
1.2- Khi vi phạm được xét xử;
1.3- Án quyết phải được thi hành, ngoại trừ bất khả kháng.
1.4- Là thước đo pháp lý, nên nó phải đưa ra được những chuẩn mực, quy tắc xử sự, có khả năng định lượng.
Thiếu 1 trong 4 dấu hiệu trên không phải là 1 văn bản luật, một văn bản hiến pháp như vậy thiếu tính khoa học.
2- Không phải tất cả văn bản luật thoả mãn 4 dấu hiệu trên đều là hiến pháp mà chỉ văn bản luật gốc, tức thoả mãn các dấu hiệu:
2.1- Các luật khác phải phù hợp với nó, hay dẫn xuất từ nó;
2.2- Được dùng làm thước đo để đo lường các văn bản luật khác và hành xử của cơ quan công quyền có đúng với nó hay không. Đây chính là giá trị sử dụng pháp lý của Hiến pháp. Theo Mác “Đường tàu không có tàu chạy thì gọi là thanh sắt“; hiến pháp cũng vậy, nếu không bao giờ được sử dụng làm thước đo trên, thì cũng có nghĩa không có giá trị sử dụng pháp lý, chỉ mang ý nghĩa tư tưởng của một bản tuyên ngôn hay nghị quyết của một tổ chức, không được coi là Hiến pháp về mặt khoa học.
Do chưá đựng 2 dấu hiệu 1 và 2 mà Hiến pháp Đức đã được sử dụng để xét xử 80.046 vụ bị cáo buộc sai Hiến pháp trong vòng 40 năm 1951-1990 và lên gấp đôi 151.424 vụ trong 15 năm nước Đức thống nhất 1990-2005.
2.3- Đối tượng điều chỉnh của nó là các mối quan hệ pháp lý về cơ cấu tổ chức nhà nước, giữa các nhánh quyền lực và các cấp, những quyền và trách nhiệm quan trọng nhất của chúng, các chuẩn mực quy tắc xử sự cả nội dung lẫn thủ tục phải thực hiện khi ra quyết định, những giới hạn quyền lực không được phép vượt qua.
2.4- Xuất phát từ 3 dấu hiệu trên, nên hiến pháp: chỉ có thể sửa khi điều khoản đó bị thực tế chống lại tới mức, không thay đổi không thể được, thông thường do quốc hội thực hiện; chỉ có thể thay hoàn toàn thông qua hội nghị đại biểu hay quốc hội lập pháp, khi thay đổi thể chế (bằng hoà bình hay bạo lực).
III - Tiền đề khoa học về chính trị, nhà nước
Đối tượng điều chỉnh liên quan tới nhà nước, nên một văn bản hiến pháp khoa học hay không còn phải xem xét dưới góc độ khoa học chính trị, nhà nước. Gần 200 quốc gia trên thế giới, được khoa học chính trị phân loại theo hình thức hiến định (constitutional form), thành nhóm Cộng hòa (republic) 137 nước (trong đó có Việt Nam), 38 nước Quân chủ lập hiến (constitutional monarchy), 6 nước Quân chủ chuyên chế (absolute monarchy). Phân loại theo nguồn gốc quyền lực (power source) có bốn loại hình: Dân chủ (rule of the people – Democracy, gồm 25 quốc gia dân chủ đầy đủ, 53 dân chủ khiếm khuyết Flawed democracy, chiếm chừng 1/3 thế giới, không có Việt Nam), Quân quyền (monarchy), Thần quyền (theocracy), Chuyên quyền (authoritarianism). Phân loại theo ý thức hệ, sẽ có loại hình nhà nước Xã hội Chủ nghĩa và không Xã hội Chủ nghĩa.
1- Loại hình Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa dựa trên tiền đề:
1.1- Về chính trị, nhà nước với cả 3 nhánh quyền lực cùng toàn xã hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
1.2- Về kinh tế theo mô hình quản lý tập trung trên nền tảng công hữu tư liệu sản xuất.
1.3- Về tư tưởng, văn hóa lấy học thuyết Mác Lê-nin làm nền tảng chính trị. Hiến pháp Xã hội Chủ nghĩa được coi là đúng với tiền đề khoa học chính trị, khi đáp ứng đầy đủ các dấu hiệu trên.
2- Loại hình nhà nước dân chủ đầy đủ ngược lại xây dựng và hoạt động trên tiền đề:
2.1- Các đảng không nằm trên xã hội hay nhà nước để lãnh đạo nó, mà chỉ là những bộ phận khác nhau trong nhân dân, phản ảnh ý nguyện chính trị các bộ phận khác nhau trong nhân dân, nhằm tham chính (được bầu vào quốc hội), chấp chính (được lập chính phủ, gọi là cầm quyền) để thực hiện ý nguyện đó.
2.2- Kinh tế thị trường.
2.3- Tư tưởng đa nguyên.
2.4- Hiến pháp họ vì vậy, có chức năng kép một mặt tạo dựng nhà nước theo mô hình tam quyền phân lập với các chuẩn mực, quy tắc xử sự cho từng cơ quan quyền lực. Mặt khác phải đưa ra những quy phạm bảo đảm quyền lực đó được giới hạn bởi quyền cơ bản. Áp dụng cơ chế bảo hiến nhằm bảo đảm chức năng tối thượng của hiến pháp, trên cơ sở những chuẩn mực quy tắc xử sự trong hiến pháp, tuyên phán một văn bản luật vi phạm hiến pháp phải đình chỉ, hay sửa đổi hiến pháp sai không có hiệu lực. Quyền lập hiến thuộc về nhân dân. Vì vậy, bản hiến pháp đầu tiên hay thay hoàn toàn phải thông qua hội nghị đại biểu hay quốc hội lập hiến và cần được dân phúc quyết hoặc hình thức tương đương. Sửa điều luật cần được thông qua cơ quan lập hiến với đa số áp đảo.
Để dẫn chứng cho phân loại trên, có thể tham khảo các quốc gia điển hình: 1- Ở các quốc gia Hồi giáo như Afghanistan, Iran, Mauretanien, Sudan, Pakistan…, hiến pháp đều dựa trên nền tảng kinh Koran (loại hình thần quyền). Như “Hiến pháp Cộng hoà Hồi giáo Iran phấn đấu tạo dựng các định chế văn hoá, xã hội, chính trị và kinh tế Iran theo các nguyên tắc cơ bản và quy ước đạo Hồi“. Định chế đó thừa nhận vai trò lãnh đạo tinh thần của giáo chủ, nhà nước nhân danh Hồi giáo quyết định trực tiếp mọi hoạt động văn hoá xã hội chính trị kinh tế, và người dân có bổn phận chấp hành. 2- Hiến pháp Mỹ, loại hình dân chủ, chỉ thừa nhận 2 chủ thể, theo nguyên lý, người dân chứ không phải đảng phái hay tôn giáo hay vua chuá, là chủ nhân nhà nước, có toàn quyền định đoạt nhà nước, chứ không phải ngược lại. “Chính phủ lập ra được trao quyền lực chính đáng dựa trên ý chí nhân dân; bất cứ lúc nào nếu chính quyền phá vỡ những mục tiêu trên, nhân dân đều có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó lập nên chính quyền mới“. 3- Thụy Điển là một Vương quốc, quân chủ lập hiến. Nhưng nguyên lý “tất cả quyền lực nhà nước đều từ nhân dân“ được hiến pháp họ quy phạm hoá chi tiết, hơn bất kỳ nhà nước dân chủ nào, đứng số 1 thế giới, “Quyền lực người dân Thụy Điển (chứ không phải nhân dân chung chung) được hình thành từ tập hợp các ý kiến biểu đạt tự do, quyền biểu quyết ngang nhau, nhà nước trung ương và cơ quan hành chính điạ phương phải biến thành hiện thực (chứ không phải chung chung dân chủ gián tiếp và trực tiếp)“. 4- Hiến pháp Liên Xô 1977 sửa lần cuối năm 1990 được xây dựng dựa trên nền tảng ý thức hệ: “Cách mạng tháng 10 đã tạo dựng được nền chuyên chính vô sản, lập ra nhà nước kiểu mới Xô Viết là công cụ chính bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội“, “đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đội tiên phong của nhân dân“. 5- Hiến pháp Trung Quốc năm 1982, sửa đổi ngày 14.3.2004, cũng dựa trên ý thức hệ như Liên Xô, bổ sung đặc thù Trung Quốc: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, được dẫn dắt bởi chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, học thuyết Đặng Tiểu Bình, và thuyết Ba Đại diện...“. Mỗi loại nhà nước trên xây dựng trên tiền đề chính trị đặc trưng cho loại nhà nước đó, không thể lấy tiền đề loại nhà nước này để làm thước đo đánh giá nhà nước khác và theo đó hiến pháp họ, có đúng khoa học về chính trị nhà nước hay không.
IV - Tiền đề khoa học logic
Hiến pháp được thể hiện bằng văn bản, vì vậy phải bảo đảm khoa học logic hình thức. Logic học đòi hỏi các phạm trù khái niệm sử dụng phải mang tính phổ quát, nghĩa là nằm trong hệ thống khoa học thế giới, không thể thay đổi nội hàm và ngoại diên của nó, càng không thể mâu thuẫn với các khái niệm phổ quát hiện có, như Hà Tây gọi “tép là tôm“, hay Nghị Lộc Nghệ An phát âm thường mất dấu, gọi cà là “ca có cuống“ và cá là “ca có đuôi“. Đặc biệt không được phép vi phạm nguyên lý “bài trung“: chỉ hoặc đúng hoặc sai, không thể vừa đúng vừa sai, hay đánh tráo khái niệm, không thể lấy nội hàm dân chủ đưa vào khái niệm phi dân chủ và ngược lại chẳng hạn.
V - Tiền đề lợi ích
Khoa học hiến pháp đã chỉ ra có nhiều loại hiến pháp. Câu hỏi được đặt ra tại sao các quốc gia lại chọn loại hiến pháp này mà không chọn loại hiến pháp khác? Câu trả lời: do lợi ích quyết định. Chính vì thế, lời mở đầu Hiến pháp I Ran khẳng định: “nó phù hợp với tâm niệm cộng đồng Hồi giáo“. Hiến pháp Trung Quốc cũng vậy, “quần chúng nhân dân các dân tộc Trung Quốc tiếp tục giữ vững chuyên chính vô sản, biến Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa. (Thực tế đúng thế không lại thuộc lĩnh vực điều tra xã hội học). Lợi ích (từng được Mác sử dụng làm tiền đề giải thích quy luật vận động của các hình thái kinh tế xã hội nhân loại đã qua, từ chiếm hữu nô lệ tới phong kiến, tư bản) không phải một khái niệm bất biến, mà luôn phát triển, từ chế độ nô lệ, phong kiến, lợi ích chỉ dành cho thiểu số (vua bảo thần tử thần bất tử bất trung) đến ngày nay cho tất cả (mọi công dân đều bình đẳng), từ khởi thủy chỉ mang nghĩa tồn tại (mọi người sinh ra đều có quyền sống) tới ngày nay bao gồm tổng hợp mọi lợi ích kinh tế, văn hoá, tinh thần, dân sự, chính trị... (có quyền lựa chọn chế độ chính trị, kinh tế, lập tham gia đảng phái..). Vì vậy khi dùng để đo lường hiến pháp, khái niệm lợi ích phải được hiểu theo kiến thức khoa học ngày nay, cho tất cả mọi người và trên mọi lĩnh vực.
*(Kỳ tiếp: Chế độ chính trị nhìn dưới góc độ khoa học và lợi ích)
N.S.P.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"