Theo blog Quê Choa
Lê Vinh Huy
Chuyện giám độc thẩm mỹ viện Cát Tường, Nguyễn Mạnh Tường ném chị Nguyễn Thị Thanh Huyền xuống sông Hồng để phi tang cho đến nay vẫn chưa tìm được xác đã làm lay động bao nhiêu lòng người. Hàng ngày người ta đọc báo, lên mạng để theo dõi. Trước để biết xác đã tìm được chưa, nhằm chia sẻ bớt nổi đau của thân nhân chị; sau để biết người ta xử lí vấn đề này như thế nào. Ai là người chịu trách nhiệm và kẻ thủ ác sẽ bị xử lí ra sao. Bao nhiêu câu hỏi đang đặt ra cho lương tâm con người.
Do tích cực tìm xác của chị Huyền mà người ta đã phát hiện ra 6 xác người nữa trôi dạt trên sông. Dư luận bỗng giật mình thấy lâu nay vô tâm quá. Nếu không có vụ việc này thì làm sao biết được chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày và chỉ trên một đoạn của sông Hồng dài chỉ độ 50 km (bằng 10% chiều dài của sông Hồng chảy trên lãnh thổ nước ta) đã có đến 7 xác người (kể cả chị Huyền) và có thể nhiều hơn nữa (có thể còn nhiều xác chưa phát hiện).
Dư luận thường hay có sự liên tưởng và diễn dịch (và hoàn toàn có lý), vì vậy họ đang thắc mắc chỉ một đoạn (dài 50 km) của một con sông (sông Hồng) mà như thế thì trên cả nước với 2 360 con sông (có độ dài từ 10 km trở lên), dài hàng chục ngàn km thì mỗi năm có bao nhiêu xác người trôi sông, trong đó bao nhiêu người tự vẫn, bao nhiêu người bị sát hại và bao nhiêu những trường hợp tương tự như vụ thẩm mĩ viện Cát Tường. Tại sao lại có nhiều phận người oan khuất đến như vậy (dù là do tự vận hoặc do bị hại)? Và tại sao xã hội lại bất an đến thế?
Bên cạnh sự ưu tư của dư luận về trường hợp “y đức” ở thẫm mỹ viện Cát Tường người ta lại ưu tư một việc khác từ hệ quả của việc này, đó là “báo đức”. Tôi tạm dùng từ này vì không biết dùng từ nào khác để nói về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Người ta ngạc nhiên về chuyện các phóng viên báo chí khi theo đuổi săn tin về vụ thẫm mỹ viện Cát Tường, về việc tìm kiếm xác chị Nguyễn Thị Thanh Huyền lại vô cảm trước những xác chết vô tình được tìm thấy trên sông. Sau khi phát hiện ra những xác chết đó không phải là xác chị Huyền thì các phóng viên cũng bỏ đi và cũng không hề thấy họ quay lại để tìm hiểu xem xác chết này như thế nào để thông tin cho dư luận được rõ. Lẽ nào đối với họ chỉ có thông tin về xác chị Huyền mới quan trọng đối với họ và mới là nhiệm vụ thông tin của họ?
Có nhiều người cảm thấy buồn vì khi báo chí đang lên án sự “vô cảm” của xã hội, của một số người, thì chính họ cũng đang mắc bệnh “vô cảm” theo một kiểu khác, từ căn bệnh nghề nghiệp của mình. Mời đọc lại một ...suy nghĩ: (đã được phương tiện thông tin nước ngoài đăng tải):
“Đáng buồn thay khi 6 thi thể này ngay lập tức bị quên lãng, gần như tất thảy đều lắc đầu ngao ngán vì …đó không phải là chị Huyền. Rõ ràng, đây là một sự thật đau lòng!”
“Nhưng chẳng thấy bất cứ một ai, bất cứ một tổ chức hay cơ quan nào lên tiếng về 6 thi thể bạc mệnh trôi sông kia cả. Ai dám chắc rằng, những cái chết kia là không dã man, và không bất hạnh như chị Huyền!?
“Tôi tự hỏi rằng, phải chăng “dư luận” đang quan tâm đến vụ việc “thẩm mỹ viện Cát Tường” phần nhiều là do sự tò mò, hơn là những bản năng về đạo đức?
(Bài viết của Khánh Sơn trên BBC được đăng lại trên blog Quê Choa)
Có phải chính các nhà báo đã tạo ra cảm giác phân biệt. Có những cái chết được “quan tâm” nhưng cũng có những cái chết bị “lãng quên”. Tại sao chết rồi vẫn có những “số phận” khác nhau. Ai đã tạo ra thảm trạng này?
Từ việc này tôi chợt nhớ một chuyện tếu, được kể trong một bữa nhậu nhằm “chọc quê” một anh bạn làm phóng viên báo chí. Chuyện kể, một anh phóng viên được tòa soạn cử đi viết tường thuật về buổi lễ khánh thành một ngôi chùa lớn. Anh phóng viên xách máy đi từ sáng sớm và hứa sẽ gửi bài về sớm nhất cho tòa soạn. Đến 21 giờ vẫn không thấy người phóng viên gửi bài về. Cả tòa soạn nóng ruột, tất cả các bài khác đều đã xong chỉ còn bài phóng sự là hoàn tất, chuyển cho nhà in. Thư ký tòa soạn liền bật điện thoại gọi cho người phóng viên. 5 phút sau tòa soạn nhận được tin nhắn ngắn gọn “Không có bài. Buổi lễ khánh thành hoãn lại vì cây cột chính của ngôi chùa đã ngã đè chết vị sư trù trì. Hết.”. Chuyện chỉ có thế nhưng dĩ nhiên ai cũng biết thái độ của tòa soạn và số phận của anh phóng viên sau đó.
Lẽ nào các phóng viên báo chí khi đưa tin về vụ thẩm mỹ viện Cát Tường cũng giống như người phóng viên được tòa soạn đưa đi tường thuật lễ khánh thành ngôi chùa được kể?
Không muốn phê bình các nhà báo, nhưng có lẽ cứ ca ngợi mãi cũng không nên, ai rồi cũng có khi phạm sai lầm. Bài viết này chỉ nhằm giải tỏa một boăn khoăn và nếu được xin là một góp ý nhỏ để rút kinh nghiệm.