Diên Vỹ chuyển ngữ
Tập đoàn cao su khổng lồ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tại Việt Nam đã
không giữ lời hứa trong việc giải quyết những lạm dụng môi trường và
nhân quyền tại các cơ sở cao su của mình tại Lào và Cambodia. Global
Witness đã tuyên bố vào hôm nay. Tổ chức này nói rằng công ty HAGL hiện
đang tạo rủi ro cho các nhà đầu tư của mình trong đó có Deutsche Bank và
International Finance Corporation, và đề nghị họ nên chuyển hướng đầu
tư đi nơi khác.
Tháng Năm 2013, bài điều tra Những ông Trùm Cao su
đã cho thấy những thiệt hại nặng nề về môi trường và xã hội tại các khu
vực trồng cao su của HAGL cũng như những khu vực chung quanh tại
Cambodia và Lào, bao gồm việc chiếm đất của người dân địa phương và khai
quang rừng trên bình diện rộng. Mặc dù công ty đã cam kết giải quyết
những vấn nạn cấp bách này nhưng có ít bằng chứng cho thấy đã có những
thay đổi thật sự.
“HAGL cam kết rất nhiều nhưng chẳng giữ những hứa hẹn của mình. Họ
thông báo với chúng tôi và mọi người là rất nghiêm túc trong việc thay
đổi cung cách hoạt động, nhưng các bằng chứng cho thấy rằng việc khai
thác gỗ vẫn tiếp tục và những người dân với đất đai bị san bằng vẫn đang
vất vả kiếm miếng ăn,” Megan MacInnes thuộc Global Witness cho biết.
Global Witness đã ra kỳ hạn cho HAGL và các nhà đầu tư sáu tháng để
giải quyết các vấn đề được đưa ra trong bản báo cáo và trong cuốn phim
phóng sự Những ông Trùm Cao su Sau buổi hội kiến đầu tiên với
Global Witness vào tháng Sáu, công ty này đã ra lệnh đình chỉ việc khai
quang và trồng trọt tại khu vực đất thuê mướn của mình trong bốn tháng,
và đã đồng ý đến thăm viếng các làng mạc bị ảnh hưởng để thảo luận và
giải quyết các khó khăn mà người dân địa phương phải đối diện.
Tuy nhiên, vào tháng Tám, Global Witness đã phỏng vấn người dân trong
bảy ngôi làng chung quanh khu vực đất đai mà HAGL đang thuê mướn tại
Cambodia. Trong ba ngôi làng, người dân cho biết là công ty này vẫn chưa
đến gặp họ, trong khi tại bốn ngôi làng khác, được biết là các quan
chức HAGL đã từ chối thảo luận những tranh chấp về đất hoặc rừng. Trong
sáu ngôi làng kể trên, người dân cho biết việc đốn gỗ vẫn tiếp tục diễn
ra chung quanh các đồn điền cao su của HAGL, bất chấp lệnh tạm ngưng.
Việc phân tích các không ảnh từ vệ tinh độc lập chụp các khu rừng trong
phạm vi thuê mướn của HAGL từ tháng Bảy đến tháng Tám cũng cho thấy
chúng vẫn bị khai thác.
Trong buổi gặp mặt lần thứ hai với Global Witness vào tháng Chín,
HAGL đã đồng ý với một kế hoạch kiểm toán độc lập đối với các nông trại
cao su để giải quyết các vấn đề trên. Tuy nhiên, công ty này vẫn chưa
thực hiện lời hứa của mình, thay vì thế lại quyết định chú trọng vào các
“chương trình xã hội” mà thực ra chỉ là một hoạt động quan hệ công
chúng không hơn không kém..
“Tháng Mười một này chấm dứt thời hạn sáu tháng để công ty giải quyết
những rắc rối trên. Sự bất động của HAGL cho đến nay khiến chúng tôi
không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kết luận rằng nó đã không có
thiện ý giải quyết các vấn đề này hoặc nhận lãnh trách nhiệm một cách
thực tâm,” bà Megan MacInnes nói. “Mọi người dân đang phải chịu đựng
hàng ngày về hệ quả thuê đất của HAGL cũng nhận thức rõ những rủi ro về
môi trường và xã hội mà công ty này đang gây ra - và chúng tôi cho rằng
các nhà đầu tư cũng nên quan tâm đến việc này, để từ đó chuyển hướng đầu
tư của mình.”
Khi bị Global Witness chất vấn vào ngày 13 tháng Mười một 2013, HAGL
đã phản bác tình trạng thiếu tiến triển trên. Công ty này nói rằng họ đã
tạo công ăn việc làm và tiến hành những dự án phát triển kinh tế và xã
hội (bao gồm việc xây dựng đường xá, nhà cửa và bệnh viện), nhưng vì mùa
mưa và sự kiện bầu cử toàn quốc tại Cambodia đã ngăn cản công ty tiếp
cận những cộng đồng bị ảnh hưởng. HAGL nhận rằng họ đã thực hiện lệnh
tạm ngưng khai thác, cho rằng các bằng chứng từ không ảnh vệ tinh do
Global Witness cung cấp là “không đáng tin cậy”. Bên cạnh đó, HAGL nói
rằng họ ”đang tìm kiếm một công ty tư vấn độc lập để giúp HAGL thực
hiện việc thăm dò và cố vấn HAGL trong việc làm tốt hơn các vấn đề liên
quan đến cộng đồng địa phương” nhưng các nhà tư vấn này phải đi cùng với nhân viên của công ty để ”bảo đảm tính độc lập trong kết quả tìm kiếm của các nhà tư vấn”.
Thương lượng giữa Global Witness và công ty khai tác cao su thứ hai của Việt Nam, vốn cũng bị tố giác trong báo cáo Những ông Trùm Cao su là Tập đoàn Cao su Việt Nam, hiện đang tiếp tục.