Thanh Quang, phóng viên RFA
Bên ngoài TAND Hà Nội trước một phiên xử. Ảnh minh họa.
Khoảng 10 năm về trước, cơ quan công an, Viện Kiểm sát Nhân dân rồi
giới "cầm cân nẩy mực" Bắc Giang - nói theo lời tác giả Khánh Sơn của
bài "Án tù oan trái và 'tòa vô cảm' " - đã "thở phào nhẹ nhõm" bởi hồ sơ
vụ án cuối cùng đã khép lại sau khi các cơ quan công quyền cho là có
"đầy đủ bằng chứng không thể chối cãi" để kết án tù chung thân về tội
"sát nhân" đối với người nông dân chất phác Nguyễn Thanh Chấn quê xã
Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; và người tù oan khuất này
thậm chí có thể "dựa cột" – tức bị hành quyết - nếu cha của ông không là
liệt sĩ.
Nhưng, sau 10 năm đằng đẵng ngồi tù, nạn nhân Nguyễn Thanh Chấn được
"tạm thời giải oan" khi hôm mùng 6 tháng 11 này, Hội đồng Thẩm phán của
Tòa án Nhân dân Tối cao quyết định hủy bản án phúc thẩm tù chung thân
dành cho ông Chấn như vừa nói sau khi hung thủ Lý Nguyễn Chung ra nhận
tội.
Dân tự giải oan
Blogger Võ Văn Tạo thắc mắc rằng "nếu Chung không nhận tội, ông Chấn
vẫn ở tù. Vậy thì nghĩa vụ làm sáng tỏ vụ án, trừng phạt tội ác, bảo vệ
công lý của cơ quan điều tra, VKS và tòa án để ở đâu ?".
Qua bài "Chênh vênh pháp lý từ vụ 'người tù chung thân'", blogger
Thanh Nhã nêu lên câu hỏi rằng các cơ quan tố tụng liên hệ đã làm gì
trong suốt 10 năm đọa đày số phận của một con người trong khi, trớ trêu
thay, "người chứng minh nỗi nghiệt oan này không phải đến từ cơ quan
chức trách như tòa án, viện kiểm sát hay công an mà chính là tự gia đình
của ông Chấn. Nỗi oan ức thấu trời xanh, một lần nữa do chính tay người
dân giải oan bằng cái thứ nghiệp vụ rất nông dân: gửi đơn, khiếu nại,
tự điều tra…".
Việc "người dân giải oan" đó khiến blogger Đào Tuấn liên tưởng tới
"tiếng trống Đăng Văn". Qua bài "Khi những người phụ nữ nổi trống kêu
oan trước Tam Tòa", tác giả Đào Tuấn nhắc lại chuyện một phụ nữ thôn dã
miệt Vĩnh Long là bà Nguyễn Thị Tôn, hồi năm 1840, đã trải qua cả tháng
trời vượt biển bằng ghe bầu đến Kinh Thành Huế phủ đầu trước Tam Tòa
trong Đại nội Hoàng Thành, gióng lên 3 hồi trống Đăng Văn kêu oan cho
chồng. Nhà văn Đào Tuấn kể tiếp, sau tiếng trống Đăng Văn ấy, Vua Minh
Mạng đích thân duyệt lãm vụ án và ra tuyên cáo tha tội tử hình cho chồng
phụ nữ kêu oan Nguyễn Thị Tôn, đó là thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Rồi tác
giả nêu lên câu hỏi rằng "Phải chăng những hồi ‘kích cổ Đăng Văn’ vẫn
đang hãi hùng vang lên đến tận bây giờ khi những người vợ nhẫn nại, với
hy vọng và tuyệt vọng, suốt 10 năm qua ròng rã kêu oan cho chồng?!". Nhà
văn Đào Tuấn lưu ý:
"Thúc trống Đăng Văn” suốt 10 năm trong sự mù lòa của nữ thần
công lý, người vợ của bị án chung thân Nguyễn Thanh Chấn đã phải “tự xử”
bằng cách mua máy ghi âm. Ghi lén lại toàn bộ lời tố cáo hung thủ từ
chính người nhà của y. Và sau đó, đã đem những bằng chứng đó nộp cho
chính những người đã luận tội oan chồng mình. Và thật chua chát, công lý
bấy giờ mới chợt tỉnh giấc. Thậm chí còn chưa kịp nhận ra rằng việc để
người dân phải tự giải oan, còn có thể nói gì hơn, đang là một biểu hiện
cho sự bất lực của công lý. Công lý đã ở đâu khi “tiếng trống kêu oan”
vẫn không ngừng được những Nguyễn Thị Tôn đương đại với thân tàn ma dại
gõ suốt 10 năm qua?
Từ vô tội thành có tội
Hóa ra, theo nhà văn Đào Tuấn, công lý trong vụ án Bắc Giang bị giam
cầm sau 4 bức tường đá. Hóa ra công lý được thực thi bằng cách không
cho người tù oan khuất ấy ngủ, bằng cách để “đại bàng thăm hỏi” khiến
nạn nhân bị bầm dập, bằng cách “dạy thực nghiệm hiện trường” để gán ghép
hành động phạm tội cho người vô tội. Như vậy thì làm sao người dân có
thể tin vào một thứ "công lý chỉ tạo ra oan khiên", thứ "công lý như
những lưỡi kiếm cắt phựt sợi dây niềm tin cuối cùng". Với kiểu "công lý
hà hiếp" đó, nhà văn Đào Tuấn lưu ý tiếp, không chừng sẽ đến một lúc
người dân sẽ tự xử để tìm công lý bằng chính cái cách người ta đã "thực
thi công lý” đối với mình.
An ninh canh gác bên ngoài khu vực TAND TPHCM trong một phiên xử. Ảnh minh họa. AFP photo
Qua vụ người tù oan chung thân Nguyễn Thanh Chấn, Tác giả Thanh Nhã báo động:
. .. rất nhiều vụ án mà mỗi lần ra tòa, bị cáo liên tục kêu oan
trong khi tại cơ quan điều tra thì nhận tội. Ai cũng nói mình bị ép
cung, bị điều tra viên dùng nhục hình, mớm cung với đủ thứ thủ thuật.
Nhiều vụ án khác nhau, nhiều số phận pháp lý khác nhau, nhưng mỗi lần
nghe bị cáo phân bua, tòa đều bác. Đáp án chung cho các trường hợp này
là: không có cơ sở để xác định bị cáo bị ép cung, bị nhục hình. Câu hỏi
đặt ra là làm thế nào bị cáo chứng minh được mình bị ép cung, bị nhục
hình khi chỉ mỗi mình bị cáo đối mặt với điều tra viên ?
Qua bài "Với cách làm án kiểu này, ai cũng có thể là 'ông Chấn dự
bị' ", blogger Lê Đức Dục lưu ý rằng nếu không có tấm bằng Tổ quốc ghi
công cha là liệt sĩ thì ông Nguyễn Thanh Chấn có thể đã "dựa cột" (như
đã từng có hàng ngàn người "dựa cột" đầy oan khuất như vậy), và thế là
"xong một kiếp người". Tác giả giả sử "xong kiếp người" của nạn nhân
mang tên Nguyễn Thanh Chấn ấy, thì "kiếp đời" của thân nhân, từ vợ, con,
cháu, chút chit của ông vẫn "chưa xong" vì họ vẫn phải mãi mang vác
trĩu nặng cái "nỗi nhục ê chề là con cháu của một kẻ giết người", mà lại
đi giết "một người đàn bà chân yếu tay mềm đang cắp nách con thơ" chỉ
vì điều mà giới đàn áp người dân cô thế cùng phe thiếu đạo đức nghề
nghiệp gọi là "nhục dục và cướp của". Tác giả Lê Đức Dục nêu lên câu hỏi
rằng làm sao trả lại 10 năm cuộc đời tù tội của nạn nhân ? Bao nhiêu
tiền đền bù cho ông mới đủ? Blogger Lê Đức Dục nhấn mạnh:
Thật ra 10 năm tù đó chỉ là sự thiệt thòi rất nhỏ so với cuộc đời
của những đứa con ông đã tan nát từ ngày người cha nhận bản án, làm sao
đong đếm nỗi đau đến từ hàng xóm, từ bạn bè, từ xã hội? Con không dám
đến trường vì bị miệt thị là con của kẻ giết người, dang dở học hành,
đóng kín tương lai, vợ hóa tâm thần, mẹ già suy sụp…Vì thế, khi án oan
nay dù được cởi, nhưng đường tới tương lai của những đứa con ông thật
khó để làm lại khi 10 năm qua, khoảng thời gian tạo dựng nền móng tương
lai của một người trẻ bị chôn vùi trong oan khuất và tủi nhục, điều đó
kinh khủng hơn cả 3.680 ngày ngồi tù oan của ông Chấn!
Tác giả lưu ý rằng từ thân phận nông dân vô tội này, sau khi qua các
"cửa ải" công an, VKS, tòa án, thì bổng biến thành kẻ sát nhân tàn bạo.
Theo cung cách điều tra, xét xử như vậy, thì bất cứ ai ở xã hội VN hiện
nay, một ngày nào đó, cũng có thể “trở thành ông Chấn"! Hay nói cách
khác, với cách "làm án" như vậy, mỗi người dân trong nước đều là "ông
Chấn dự bị !"
Ai cũng có thể là nạn nhân
Blogger Cánh Cò cũng có nhận định tương tự, rằng "mười năm oan sai
là cái cớ để người dân khắp nơi soi lại chính mình trong xã hội mà họ đã
cảm thấy nhiễu nhương nhưng chưa thật sự xác định rằng một ngày nào đó
chính họ sẽ là nạn nhân...". Và người tù oan khuất Nguyễn Thanh Chấn
"nghiễm nhiên trở thành trường hợp điển hình về hành vi bất nhân của
công an điều tra và sự toa rập của hệ thống tòa án" VN hiện giờ.
Blogger Cánh Cò nhắc lại rằng nạn nhân bị bắt, bị kết án giết người
cướp của và cơ quan điều tra đã mang ông ra tòa mà không có vật chứng
hay nhân chứng nào trong khi Hội đồng xét xử chỉ dựa vào cáo buộc của
Viện kiểm sát để rồi phán quyết "bản án tử hình nhưng sau khi xét rằng
cha của bị can là liệt sĩ nên đã ân xá thành chung thân". Và trong 10
năm lao lý oan khuất ấy, blogger Cánh Cò nhấn mạnh, người tù oan khiên
này đã trải qua "những đêm dài khủng khiếp", bị tra tấn dã man bởi những
kẻ máu lạnh mang thẻ đảng và ra sức "đạt chỉ tiêu", dù kinh nghiệm
nghiệp vụ thừa sức cho những kẻ ấy biết rằng "ông Chấn không phải là
phạm nhân". Như vậy là ông Chấn bị buộc phải "hợp tác", thậm chí bị bắt
"thực hiện hành vi giết người theo kịch bản của công an", như ông kể lại
với báo Dân Trí mà blogger Cánh Cò trích dẫn, rằng "ông đã phải thức
suốt mấy đêm liền để tập diễn lại hành động giết người của mình. Dùng
một người tù khác giả làm nạn nhân để tập bê, tập đâm bằng thìa, tập bao
giờ cho thuần thục thì thôi. Sau đó, ông Chấn được di lý tới một ngôi
nhà dân ở ngoài trại để quay phim thực nghiệm hiện trường trong một buổi
sáng".
Như vậy là, theo Cánh Cò, sau khi bị bức cung, bị giam chung với đầu
gấu, bị đánh đập, tra tấn, ông Chấn cuối cùng phải tham gia vở kịch do
cán bộ điều tra đạo diễn; rồi ra tòa bị án tử hình được giảm xuống còn
chung thân nhờ người cha liệt sĩ; rồi sau 10 năm bị tù đầy, ông vừa được
tạm tha.
Một điều cũng gây băn khoăn đáng kể trong công luận là nạn nhân
nhanh chóng "cảm ơn đảng và chính phủ đã cho tôi sống lại lần nữa" ngay
khi bước chân ra khỏi cổng trại giam. Tức là, blogger Cánh Cò lưu ý,
người tù oan khuất này lại đi cảm ơn chính "những kẻ đã tạo chứng cớ
giả, ép cung, tra tấn, hành hạ và tạo ra kịch bản bắt ông học cho thuộc
về việc ông giết người, điều mà ông hoàn toàn không làm".
Nhưng điều này không khó hiểu vì, blogger Cánh Cò nhận thấy, nạn
nhân "chỉ là một sản phẩm tuyệt hảo của chế độ” sau khi bị cấy “lá bùa
ơn đảng, ơn chính phủ” vào người; và điều này cũng thể hiện "sự sợ hãi
tột đỉnh của nạn nhân đối với chế độ", thể hiện niềm tin của nạn nhân
sau cảnh tù oan nghiệt tột cùng, rằng chỉ có đảng và nhà nước mới "hóa
giải" được tình cảnh áp đặt đó cho nạn nhân.
Blogger Cánh Cò không khỏi lưu ý rằng niềm tin ấy "giống như thuở sơ
khai con người tin vào mọi loại thần linh, kể cả quái vật hung ác, để
tồn tại. Blogger Cánh Cò giải thích:
Nếu không là quái vật thì làm sao một nhân viên điều tra lại có
thể ung dung tạo dựng một kịch bản giết người và bắt người khác đóng để
sau đó kết tội sát nhân ? Nếu không phải là quái vật thì tại sao từ
Chánh án, Hội đồng xét xử, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa sơ thẩm và phúc
thẩm khi dư sức biết bằng chứng là ngụy tạo vẫn kết án tử hình đối với
một con người đang sống bình thường và chưa một lần phạm pháp ? Nếu
không phải là quái vật thì tại sao trong 10 năm trời người vợ bất hạnh
cùng khổ ấy chạy kêu cứu khắp nơi mà không một cơ quan nào đoái hoài tới
dù chỉ là một lời kính chuyển?
Nếu không là quái vật thì tại sao bản án đã được thi hành gần
mười năm, bị can đang nằm trong tù mà phóng viên báo chí vẫn viết bài
khơi lại diễn tiến câu chuyện như đang xảy ra và kết luận rằng đã giết
người lại còn kêu oan! Nếu không là quái vật thì tại sao tới hôm nay
những tay giết người hay liên can đến vụ án ấy vẫn ung dung ngoài vòng
pháp luật và vẫn lên tiếng như những nhà đạo đức? Bộ trưởng Tư pháp
không cảm thấy có liên đới. Bộ trưởng công an lại càng không. Viện
trưởng viện kiểm sát tối cao vô can, Thẩm phán tòa án Nhân dân tối cao
cũng vẫn còn rất xa với đường ranh trách nhiệm.
Và blogger Cánh Cò nhấn mạnh, "những quái vật ấy nếu không được ông
Nguyễn Thanh Chấn quỳ lạy như lạy thần linh với câu bùa chú 'Ơn đảng, ơn
chính phủ' thì mới là chuyện lạ.