Võ Văn Tạo
Nhiều ngày nay, trên các báo, “lề đảng” lẫn “lề dân”, công luận vô cùng phẫn nộ khi biết tin 6 sĩ quan công an tỉnh Bắc Giang liên can vụ án oan nghiệt Nguyễn Thanh Chấn, bị giám đốc công an tỉnh yêu cầu viết tường trình, đã đồng loạt trơ trẽn phủ nhận hành vi dùng nhục hình, bức cung ông Chấn.
Công luận cũng hết sức bất bình khi chính đại tá Phạm Văn Minh - giám đốc đương nhiệm Công an Bắc Giang, 10 năm về trước, khi xảy ra vụ ông Chấn, là Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang; và ông này vừa báo cáo lãnh đạo Tỉnh ủy Bắc Giang để trả lời báo chí rằng xem xét lại (theo yêu cầu của Tỉnh ủy) quá trình điều tra vụ án, thấy “không có vấn đề gì”(!?).
Công luận lấy làm lạ khi ông Minh, với cương vị Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh khi đó, không phải làm tường trình (dù cấp phó là ông Thái Xuân Dũng – người giúp việc của ông Minh – ký Kết luận điều tra, đề nghị VSK truy tố, thì theo quy định của pháp luật, ông Minh vẫn liên đới chịu trách nhiệm). “Cùng hội cùng thuyền”, mà bây giờ đại tá Minh lại “vô can”, sắm vai “quan thanh tra” trong scandal này, khỏi động não cũng biết công lý sẽ còn bị nhạo báng cỡ nào!
“Không có vấn đề gì”(!?). Ô hay! Tỉnh ủy được báo cáo vậy mà chỉ đành biết vậy và trả lời báo chí như vậy? Không có cách nào buộc các điều tra viên thành khẩn? Cái gọi là “thiên tài” lãnh đạo “sáng suốt”, “anh minh” của “Đảng ta” biến đâu mất rồi? Không lẽ đành để mấy tay điều tra viên cục súc giỡn mặt, coi như “thằng Bờm”?
“Không có vấn đề gì” mà VKSNDTC kháng nghị tái thẩm (và đã được TANDTC chấp nhận), ông Chấn được trả tự do?
Như đã phân tích trong các bài viết trước, để ký quyết định tạm đình chỉ thi hành án, trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Chấn, VKSNDTC phải cầm chắc 100% ông vô tội. Không cơ quan, không quan chức nào nào dám thả một nghi can giết người, vì hệ lụy của chuyện đó là khôn lường (bỏ trốn, tiếp tục gây án…). Vô tội mà bị các cơ quan tố tụng khép tội đặc biệt nghiêm trọng, nếu không có cha là liệt sĩ, thì ông Chấn đã bị tử hình! Oan sai là điều không thể phủ nhận. Vậy mà rà soát lại quá trình làm án, lại thấy “không có vấn đề gì”(!?). Quái lạ! Câu chuyện có vẻ như còn khó hiểu hơn cái bổ đề của Giáo sư Ngô Bảo Châu!
Những ngày qua, hàng trăm bài báo đã tường thuật lại vụ án rất đầy đủ và chi tiết. Bằng lý trí và trái tim mách bảo, công luận tin ông Chấn – một người dân vốn chất phác, thuần hậu ở ngoài đời; thụ án trại giam cũng được giám thị cảm nhận như vậy.
Ông Chấn nói bị các điều tra viên dùng nhiều tiểu xảo, hăm dọa, quát mắng, cho bạn tù đánh đập để bức cung, đạo diễn thực nghiệm hiện trường, mớm lời nhận tội… các điều tra viên tường trình rằng không có việc tra tấn, bức cung như ông Chấn nói. Công luận quá biết ai chất phác trung thực, ai dối trá đến trơ trẽn, vô liêm sỉ.
Rất có thể, bằng động tác chối tội, các điều tra viên mong thoát được sự trừng phạt của pháp luật. Thoát hay không, còn phụ thuộc vào trách nhiệm và năng lực của lãnh đạo và các điều tra viên của VKSNDTC. Bởi theo quy định hiện hành của pháp luật, việc điều tra nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp là của duy nhất VKSNDTC. Rõ ràng, vụ gây oan sai cho ông Chấn là hành vi vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm các tội “dùng nhục hình”, “bức cung”, “truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội”… Với chức trách được luật pháp quy định, các cá nhân hữu trách trong VKSDNTC sẽ bị coi là vi phạm pháp luật, nếu không truy cứu trách nhiệm hình sự những người vi phạm pháp luật trong vụ oan sai của ông Chấn, theo quy định tại điều 294 của Bộ luật Hình sự (Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội). Nhưng đó chỉ là khía cạnh pháp luật.
Bên cạnh pháp luật, còn có tòa án lương tâm và dư luận xã hội. Qua báo chí phản ánh, mọi người đều tin chắc đã xảy ra chuyện ép cung ông Chấn, dẫn đến oan sai. Và các điều tra viên Công an Bắc Giang biết rõ hơn ai hết chuyện ép cung này. Họ cũng biết chắc chắn rằng, khi họ phủ nhận, chỉ những “thằng Bờm” mới có thể nói “ừ”. Họ cũng không thể không biết trước rằng công luận thừa biết họ quanh co chối tội. Thật không còn gì vô liêm sỉ và trơ trẽn hơn! Vì vậy, bình luận vụ chối tội này, đã có 2 tờ báo “lề đảng” (Tri Thức Trẻ và Soha) đánh động công luận “ĐỪNG TRÔNG CHỜ VÀO LƯƠNG TÂM KẺ CƯỚP”.
Ai cũng vậy, sai lầm trong công việc là điều khó tránh. Nhưng thái độ thành khẩn, cầu thị có thể giúp khắc phục phần nào và cũng giúp tránh lặp lại sai lầm. Trong vụ oan sai ông Chấn, với hành vi chối tội, chưa biết các điều tra viên Công an Bắc Giang có tránh khỏi bị pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, nhưng chắc chắn họ đã tự kết án mình một bản án TỬ HÌNH về nhân cách trong tòa án công luận!
Không, họ làm gì có lương tâm! Nên công luận cũng đừng mong có một bản án lương tâm dày vò họ!
V.V.T.