Thứ Tư, 9 tháng 9, 2009

Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau

Đọc cái tin sau từ báo Tuổi Trẻ VN hôm nay, post lên đây kẻo nhỡ chốc nữa có người "anh em" lạ đòi gỡ xuống thì mất toi bài viết lịch sử. :-) Nghe người đọc báo ở đây chắc xúc động quá hay sao mà giọng cứ càng lúc càng đi xuống, nghe phiền tim quá đi mất thôi.


Phóng sự - Ký sự
Thứ Ba, 08/09/2009, 06:31 (GMT+7)

Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau

TT - Hơn 35 năm trước, những người con đất Việt đã nhận lệnh vượt trùng dương ra quần đảo Hoàng Sa canh giữ biển trời Tổ quốc. Họ tự hào ra đi trong tâm thế của người Việt ra canh giữ đảo biển của người Việt! Bây giờ nhắc lại, mắt họ rưng rưng, tim họ nghẹn lại khi Hoàng Sa vẫn còn trong tay nước ngoài.

Quân đồn trú Pháp - Việt chào cờ trên đảo Hoàng Sa

Từ số báo này, Tuổi Trẻ đăng tải hồi ức của những người từng canh giữ biển trời Hoàng Sa 35 năm trước. Thời gian dài trôi qua, nhưng những gì tận mắt họ chứng kiến, những gì họ trực tiếp tham gia không thể phai mờ trong tâm trí.

Kỳ 1:

Hoàng Sa trong ký ức một đảo trưởng

Ông Nguyễn Văn Đức
Cách nay đúng 40 năm, ông Nguyễn Văn Đức đã cùng các cộng sự vượt trùng dương đến với Hoàng Sa. Nhiệm vụ của ông là canh giữ biển trời Tổ quốc với chức vụ là đảo trưởng theo lệnh của Bộ chỉ huy biệt khu Quảng Đà. Lúc đó ông vừa tròn 22 tuổi, là một trong những đảo trưởng trẻ nhất từng làm nhiệm vụ trấn giữ tại quần đảo Hoàng Sa.

1. Mái đầu ông Nguyễn Văn Đức đã điểm muối tiêu của tuổi ngoài 60. Hỏi ngày nào đáng nhớ trong cuộc đời của mình, ông trả lời không chút đắn đo: “Đó là ngày 14-10-1969, tôi nhận được tờ sự vụ lệnh biên chế về trung đội Hoàng Sa ra đảo làm nhiệm vụ dưới chức danh đảo trưởng”.

Buột miệng hỏi ông về những lo lắng trước lúc lên đường làm nhiệm vụ, ông phản ứng: “Tại sao phải lo lắng? Đó là đất của cha ông mình để lại, là máu mủ thân yêu của Tổ quốc nên chúng tôi ra đi như lẽ bình thường, hiển nhiên. Chẳng có chút gì phải lo sợ khi chúng tôi đi trong tâm thế của một người Việt ra canh giữ đảo biển của người Việt! Khi đó quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Sài Gòn, thuộc về người Việt, đó là sự thật lịch sử không thể chối cãi”.

Một ngày cuối tháng 10-1969, ông Đức cùng trung đội Hoàng Sa gồm 34 người và bốn nhân viên khí tượng rời cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) lên đường làm nhiệm vụ. Sau hơn 24 giờ lênh đênh trên biển, Hoàng Sa thân yêu hiện dần lên trước mắt ông.

Ông Đức nhớ lại: “Lúc đầu biển khá êm, nhưng khi rời đất liền được khoảng hơn 100km thì sóng lớn dần. Từ xa Hoàng Sa hiện lên giữa nền xanh của đại dương. Bao bọc quanh Hoàng Sa là những rạn san hô rộng lớn, vì thế chúng tôi không thể cặp tàu vào được mà phải dùng canô để chuyển quân và quân trang vào đảo. Trên đảo có một tòa nhà lớn được xây dựng từ thời Pháp thuộc, cao khoảng 8m, tường dày 2m dành cho đảo trưởng.

Trong phòng làm việc của đảo trưởng có một bức tường ghi tên tất cả những người lính đã ra đây giữ đảo. Và tên của chúng tôi đã được ghi lên đó, đó là niềm vinh dự lớn lao của một người con đất Việt. Xung quanh đảo là những rừng cây, tuy không to lớn nhưng cũng đủ để che chắn nắng gió cho lính đảo. Hình ảnh lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất tuyệt đẹp của Tổ quốc nơi xa đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ y nguyên. Xúc động lắm”.

2. Ông Nguyễn Văn Đức kể: “Nhiệm vụ của chúng tôi là đo đạc, báo cáo về sở chỉ huy ở đất liền những tin tức ở Hoàng Sa mỗi ngày. Anh em khí tượng làm nhiệm vụ quan trắc và báo cáo tình hình thời tiết để phục vụ cho tàu bè lưu thông trong vùng. Trang bị vũ trang lúc ấy không nhiều, chỉ có hai khẩu đại liên 50mm nhưng anh em vẫn kiểm soát được toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Tàu bè quốc tế ngang qua đều tôn trọng chủ quyền của chúng ta, và chúng ta cũng sẵn sàng hỗ trợ tàu bè khi gặp bão tố. Những lúc rảnh rỗi chúng tôi thường dùng canô đi qua các đảo lân cận để chơi vì cảnh quan ở đây rất hữu tình. Đảo Cát, đảo Chim, đảo Elbe, đảo Duncan, đảo Drumond... chúng tôi đều đã đặt chân đến”.

Tờ sự vụ lệnh quyết định điều chuẩn úy Nguyễn Văn Đức làm đảo trưởng Hoàng Sa tháng 10-1969 trong đợt thay quân thứ 38 của quân đội chính quyền Sài Gòn tại Hoàng Sa - Ảnh: Thế Anh

Trầm ngâm nhớ lại những ngày tháng gắn bó với mảnh đất xa xôi của Tổ quốc, cựu chuẩn úy Nguyễn Văn Đức kể tiếp: “Khi thủy triều xuống, cả rạn san hô hiện lên tuyệt đẹp như một rừng hoa biển. Mỗi khi nhớ đất liền, anh em lại lấy vài cành san hô bỏ vô chậu, bắt vài con cá nhỏ ngồi ngắm nghía bên tách cà phê đen. Có sống ở đảo mới thấy nhớ đất liền, yêu quê cha đất tổ. Thời tiết ở đây khá ôn hòa nhưng gió mạnh lắm, nhiều khi anh em bị gió đẩy ngã sóng soài. Tuy vất vả, thiếu thốn nhưng anh em thấy vui và hãnh diện khi được trấn giữ biển đảo quê nhà”.

Ông nói có hai di tích ở đảo Hoàng Sa ông không thể nào quên. Đó là cái miếu nhỏ ở góc đảo mà anh em lính đảo vẫn thường ra đó để tìm chút an bình giữa sóng gió.

Ông kể: “Mỗi khi sóng to gió lớn hay thấy lòng bất an, anh em chúng tôi thường tìm đến ngôi miếu. Lạ lắm, chỉ cần ngửi thấy mùi nhang khói là cảm giác ở xa đất liền như được gần lại. Hơn nữa, mùi nhang khói như gợi lên những tiềm thức về quê cha đất tổ, nhớ về nguồn cội. Đó là những điều cần thiết để những người con đất Việt như chúng tôi yên lòng nơi đầu sóng ngọn gió giữ gìn biển đảo của cha ông để lại. Cạnh đó là một nghĩa trang có hơn 30 ngôi mộ là hài cốt của những chiến sĩ người Việt ngã xuống vì bệnh tật nơi đảo xa, là nắm xương của những người con Việt đã nằm xuống sau những lần đụng độ với âm mưu xâm lược của ngoại bang.

Ở đó còn có cả hài cốt của những ngư dân từ miền Trung, miền Bắc gặp nạn trên đường mưu sinh. Và cũng có cả những nắm xương của lính nước ngoài bị chúng ta hạ gục khi âm mưu đánh chiếm đảo. Có một điều là chúng tôi không phân biệt địch ta khi họ đã ngã xuống, mỗi ngày rằm hay cuối tháng chúng tôi đều thắp nhang lên những nấm mồ hoang. Có lẽ đó là một nét đặc biệt của người Việt mình, là một hành xử đầy tính nhân văn, “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn” mà mỗi người Việt chúng ta còn lưu giữ được từ dòng máu Lạc Hồng!”.

Bia chủ quyền VN ở Hoàng Sa được dựng vào những năm 1930 (ảnh chụp tại phòng lưu trữ tư liệu Hoàng Sa, Đà Nẵng)

3. Ngày 19-1-1974, ngày quân Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa - một phần máu xương của Tổ quốc VN, là ngày ông Đức cảm thấy đau đớn nhất trong cuộc đời mình. Ông xúc động kể lại: “Khi hay tin Hoàng Sa bị quân Trung Quốc tước đoạt bằng vũ lực, tôi đau đớn đến mức nước mắt không thể chảy được, lòng dạ như ai xát muối. Tôi biết ngoài kia những đứa con của đất Việt sẽ phải đổ máu vì quê hương. Tôi đau vì một mảnh đất tuyệt đẹp và giàu có của nước nhà đã bị ngoại bang vô cớ cướp đoạt. Đó là nỗi đau của một người con đất Việt!”.

Là một người từng học và hiểu biết về luật quốc tế, ngay trong ngày Hoàng Sa bị chiếm đó ông đã âm thầm lục tìm lại những tài liệu liên quan, gói ghém cẩn thận nhằm làm bằng chứng chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa. Đó là tờ sự vụ lệnh đã nhàu nát và úa vàng vì thời gian.

35 năm sau, ông Đức quyết định liên hệ với chính quyền và báo Tuổi Trẻ để cung cấp những bằng chứng quý báu đó. Có lẽ những ai quen biết ông đều không mấy khó hiểu về hành động yêu nước của ông khi biết trong ngày 30-4-1975, ông đã từng xuống tàu để rời Việt Nam, nhưng trong một tích tắc của thời khắc lịch sử ông đã nhảy lại lên bờ, bởi ông biết không nơi đâu bằng quê hương.

Ông Đức lần giở lại tờ sự vụ lệnh năm nào rồi nói: “Chừng nào Hoàng Sa vẫn còn trong tay ngoại bang thì niềm vui vẫn chưa thể gọi là trọn vẹn được. Tôi sợ rằng lớp trẻ sẽ quên mất Hoàng Sa, sẽ quên mất một phần máu thịt của Tổ quốc, sẽ quên mất rằng có rất nhiều người con của đất Việt đã ngã xuống vì Hoàng Sa trong ngày đáng nhớ 19-1-1974”. Có lẽ đó không chỉ là điều trăn trở của riêng ông.

THẾ ANH

Thứ Tư, 09/09/2009, 01:05 (GMT+7)

Hoàng Sa - tường trình 35 năm sau - Kỳ 2: Biển động

Ông Lữ Công Bảy
TT - Tác giả câu chuyện này là người đã có mặt trong cuộc hải chiến Hoàng Sa 35 năm trước: ông Lữ Công Bảy - quân nhân trên chiến hạm Trần Khánh Dư HQ-4. Sau ngày giải phóng 1975, ông Bảy vẫn ở lại VN, phục vụ trong lực lượng hải quân quân đội nhân dân VN. Hiện ông là nhân viên bảo vệ của Đài truyền hình VN tại TP.HCM.

>> Kỳ 1: Hoàng Sa trong ký ức một đảo trưởng

Khi tôi ghi lại những dòng hồi ký này, sự việc đã xảy ra 35 năm (1974 - 2009). Đã 35 năm trôi qua, những gì tận mắt tôi đã chứng kiến, những gì tôi đã trực tiếp tham gia trong trận hải chiến với hải quân Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa ngày 19-1-1974 vẫn không phai mờ trong tâm trí tôi.

Lúc bấy giờ tôi là thượng sĩ giám lộ (giám sát lộ trình - hàng hải) trên khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 (chiến hạm tối tân nhất của hải quân Sài Gòn thời bấy giờ) với chức danh hạ sĩ quan phụ tá trưởng ngành giám lộ, kiêm hạ sĩ quan phụ tá trưởng khối hành quân.

Với chức danh đó, lúc nào (trong nhiệm sở tác chiến hay hải hành) tôi đều phải có mặt thường xuyên trên đài chỉ huy, thường xuyên bên hạm trưởng Vũ Hữu San (trung tá hải quân). Nhiệm vụ của anh em chúng tôi là ghi lại nhật ký tác chiến, nhật ký hàng hải, xác định vị trí của chiến hạm, đồng thời nhận và chuyển những tài liệu bằng đèn và cờ.

Hôm ấy, ngày 16-1-1974, gió mùa đông bắc thổi mạnh trên biển Đông. Biển động mạnh. Chiến hạm chúng tôi đang tuần tiễu vùng biển Quảng Ngãi từ Sa Huỳnh đến cù lao Ré (đảo Lý Sơn). Đây đã là ngày thứ 14 lênh đênh trên biển. Chỉ còn một ngày nữa chiến hạm sẽ được về Đà Nẵng nghỉ bến, anh em thủy thủ đoàn rộn ràng nghĩ đến ngày được vào đất liền.

Chưa kịp dùng cơm trưa thì từ trung tâm truyền tin đưa lên đài chỉ huy một công điện thượng khẩn: lệnh cho tàu về ngay Đà Nẵng. 17 giờ tàu về đến quân cảng Đà Nẵng (cảng Tiên Sa). Hạm trưởng San và đại úy Diên - trưởng khối hành quân, được lệnh lên họp khẩn cấp ở trung tâm hành quân Bộ tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải. Từ trung tâm hành quân, hạm trưởng điện về tàu lệnh cho ban ẩm thực lên bờ đi chợ (tiếp tế lương thực).

20 giờ hạm trưởng San về tàu. Lệnh cấm trại 100% được ban ra. Ban cơ khí chuẩn bị bắt ống để nhận dầu và nước ngọt. Đến 21g, hai chiếc xe GMC chở một trung đội với đầy đủ vũ khí đạn dược xuất hiện. Lần đầu tiên trước mắt tôi được chứng kiến một toán quân mặc quân phục lạ lùng. Sau một hồi dọ hỏi tôi mới biết đây là lực lượng biệt hải. Tôi được lệnh từ đại úy Diên chuẩn bị hải đồ đi Hoàng Sa. 23g, tàu khẩn cấp rời cảng Tiên Sa trực chỉ Hoàng Sa. Tôi cảm giác có một chuyện gì lớn lao sắp xảy ra.

Ngày N+1

11g30 ngày 17-1, khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ-4 đã có mặt tại quần đảo Hoàng Sa. Trước đó ngày 16-1, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 do hải quân trung tá Lê Văn Thự làm hạm trưởng cũng đã có mặt tại Hoàng Sa.

HQ-4 tiến gần đảo Vĩnh Lạc. Còi tác chiến vang lên, tất cả thủy thủ đoàn đã sẵn sàng ở vị trí chiến đấu. 14 giờ, trung đội biệt hải được lệnh rời tàu trên ba xuồng cao su, 20 phút sau trung đội biệt hải đã đổ bộ lên rìa đảo an toàn và nhận lệnh tiến sâu vào đảo lục soát.

Báo cáo từ đoàn quân gửi về: không phát hiện gì ngoài vài nấm mộ hình như mới đắp, không có bia, chỉ có cọc gỗ và bảng gỗ đóng trước đầu mộ ghi bằng chữ Trung Quốc với ngày sinh và ngày chết hàng mấy chục năm về trước.

Các chiến sĩ biệt hải được lệnh đào bới các nấm mộ giả lên, hóa ra chẳng thấy xương cốt gì cả. Đây là những nấm mộ ngụy tạo mà ai đó đã dựng lên để chứng tỏ có người Trung Quốc đã sống và chết trên đảo mà thôi. 16g30, lực lượng biệt hải được lệnh rút về tàu.

Đến buổi chiều, phòng chiến báo theo dõi qua hệ thống rađa tầm xa đã phát hiện hai mục tiêu trên biển đang di chuyển đến quần đảo Hoàng Sa. Từ nóc đài chỉ huy, các bộ phận quan sát bằng ống nhòm đã nhìn thấy hai tàu chiến lạ. Trung tâm chiến báo được lệnh theo dõi và báo cáo thường xuyên mọi hoạt động, hướng đi, khoảng cách của hai tàu trên.

Đêm 17 rạng 18-1 là một đêm cực kỳ căng thẳng. Còi nhiệm sở tác chiến báo động suốt đêm. Phía Trung Quốc tăng cường lực lượng và cố tình khiêu khích, các chiến hạm của họ tiến sâu vào lãnh hải Hoàng Sa. Tàu HQ-4 và HQ-16 dùng tín hiệu cảnh cáo: Đây là lãnh hải của Việt Nam. Yêu cầu các ông hãy rời khỏi đây ngay! Phía Trung Quốc đáp trả, cho rằng Hoàng Sa là của họ.

Tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc chặn đường tàu VN trên đường ra Hoàng Sa - Ảnh tư liệu

Ngày N+2

Sáng 18-1, chiến hạm HQ-4 của chúng tôi tiến về đảo Cam Tuyền. Lúc 8g, trung đội biệt hải được lệnh đổ bộ lên đảo. Sau khi lục soát chỉ phát hiện những nấm mộ mới đắp không hài cốt y như ở đảo Vĩnh Lạc.

Đến 11g, đài khí tượng và quân đồn trú đảo Hoàng Sa báo cáo có hai tàu đánh cá vũ trang mang cờ Trung Quốc xâm nhập và tiến gần đến đảo Hoàng Sa, tàu HQ 4 và HQ 16 được lệnh tiến về đảo Hoàng Sa. Khi tiến đến gần tàu đánh cá vũ trang của Trung Quốc, tàu HQ-4 dùng tín hiệu cảnh cáo và đuổi đi nhưng cả hai tàu Trung Quốc cố tình khiêu khích.

Tàu HQ-4 tiến thẳng đến một tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc. Trên tàu có khoảng 30 thuyền viên mặc đồng phục màu xanh dương đậm. Tàu được trang bị hai thượng liên (một đằng trước mũi và một đằng sau lái tàu), ngoài ra có rất nhiều súng AK 47. Tàu HQ-4 quyết định áp sát mạn tàu đánh cá Trung Quốc để xua đuổi.

Hai bên đánh nhau bằng... võ mồm. Thấy không tác dụng, tàu HQ-4 lùi ra dùng mũi tàu ủi thẳng vào tàu Trung Quốc, mũi tàu HQ-4 và neo mũi vướng vào cửa và hành lang phòng lái làm gãy hành lang và cong cửa phòng lái của tàu Trung Quốc. Trước thái độ cương quyết của hải quân VN, họ vội vàng tháo lui. Chiến hạm HQ-16 cũng quyết liệt xua đuổi tàu đánh cá vũ trang còn lại.

Cũng trong sáng 18-1, tuần dương hạm Trần Bình Trọng HQ-5 do trung tá hải quân Phạm Trọng Quỳnh làm hạm trưởng được lệnh tăng cường ra Hoàng Sa. Cùng đi trên HQ-5 có đại tá Hà Văn Ngạc, được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng lực lượng bảo vệ Hoàng Sa. Ngoài ra, đi theo tàu có một trung đội người nhái (lực lượng đặc biệt của hải quân).

Lúc 15g30 chiều 18-1, lệnh đại tá Ngạc cho ba chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-16 sắp đội hình hàng dọc tiến thẳng về đảo Duy Mộng. Khoảng 16g, có hai tàu chiến Trung Quốc bắt đầu khiêu khích, cắt đường ngang mũi HQ-4 và HQ-16. Đội hình bị chia cắt không thể tiến lên được vì các tàu rất gần nhau, các khẩu đại bác sẵn sàng nhả đạn nhưng không ai được lệnh nổ súng.

Đêm 18 rạng ngày 19-1, tàu chiến và tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc vẫn tiếp tục khiêu khích, tiến đến gần đảo Hoàng Sa. Chiến hạm HQ-4 phải dùng còi hơi thật to và đèn hồ quang trên nóc đài chỉ huy rọi thẳng vào đội hình tàu Trung Quốc. Tình hình dịu hơn khi tàu Trung Quốc rút lui về hướng bắc.

Đến nửa đêm, hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 do thiếu tá hải quân Ngụy Văn Thà làm hạm trưởng đã ra chi viện cho lực lượng bảo vệ Hoàng Sa.

LỮ CÔNG BẢY (còn tiếp)

Tình hình tại biển Đông đột ngột trở nên căng thẳng vào ngày 11-1-1974 khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang được chính quyền Sài Gòn quản lý, là một phần lãnh thổ của họ. Ngay sau tuyên bố nói trên, hải quân Trung Quốc đã mở màn chiến dịch xâm chiếm Hoàng Sa bằng cách tung nhiều chiến hạm và tàu đánh cá vũ trang xâm nhập hải phận Hoàng Sa.

Trong các ngày kế tiếp, phía Trung Quốc bất ngờ đổ người lên các đảo của Việt Nam. Đến ngày 15-1-1974, quân Trung Quốc đã chiếm đóng các đảo Cam Tuyền (Robert), Vĩnh Lạc (Money), Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond)...

Ngày 12-1-1974, ngoại trưởng Vương Văn Bắc của chính quyền Sài Gòn đã cực lực bác bỏ luận điệu ngang ngược và lên án hành động gây hấn của Trung Quốc, đồng thời Bộ tư lệnh Hải quân Sài Gòn đã đưa bốn chiến hạm ra vùng biển Hoàng Sa để bảo vệ lãnh thổ. Và trận hải chiến Hoàng Sa đã nổ ra ngày 19-1-1974.

B.T.


Báo Tuổi Trẻ

Kỳ 1

Kỳ 2


Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"