Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

Phân tích cáo trạng

Nguyễn Ngọc Già - Phân tích cáo trạng truy tố công dân Cù Huy Hà Vũ (phần 1)

Nguyễn Ngọc Già 
Tuy chưa có gì đảm bảo đây là cáo trạng chính thức truy tố công dân Cù Huy Hà Vũ vi phạm điểm c khoản 1 điều 88 theo Luật hình sự, nhưng chúng ta có thể thấy cáo trạng này còn khá nhiều điều chưa chuẩn và thiếu thuyết phục đối với ai có hiểu biết nhất định về pháp luật Việt Nam.
Chúng ta thử cùng phân tích dựa trên Hiến pháp và pháp luật hiện hành để tìm ra những điểm sai trái và không thuyết phục trước một vụ án điển hình đang dần có vẻ đi vào bài bản để đạt được một nếp sống văn minh, thượng tôn luật pháp tại những quốc gia còn nghèo và lạc hậu - như Việt Nam.

 Dựa trên khung bài của cáo trạng, chúng ta có thể thấy như sau:
Ngày 21 tháng 10 năm 2010, Sở Thông tin và truyền thông thành phố Hà Nội có công văn gửi Công an thành phố Hà Nội đề nghị làm rõ việc phát hiện trên mạng Internet có một số bài trả lời phỏng vấn của người tự xưng danh là Cù Huy Hà Vũ có nội dung đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đòi đa nguyên, đa đảng, xuyên tạc cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Mở đầu cáo trạng, người dân nhận thấy rõ, căn nguyên của vụ án xuất phát từ công văn của Sở Thông tin và Truyền thông Tp. Hà Nội gởi cho Công an Tp. Hà Nội "đề nghị làm rõ..." - đây là hành vi TỐ CÁO cá nhân (hay cơ quan) nào đó có biểu hiện vi phạm pháp luật. Hành vi tố cáo của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đối với một công dân là hành vi lạm dụng pháp luật, do đó Công an Tp. Hà Nội không thể xem đây là chứng cớ khả thi để tiến hành theo dõi, điều tra. Viện kiểm sát ND Tp. Hà Nội dẫn hành vi lạm dụng pháp luật này vào trong bản cáo trạng là một hành động tiếp tay cho việc lạm dụng pháp luật và đã mặc nhiên công nhận Công an Tp. Hà Nội cũng vi phạm pháp luật nốt! Mặt khác, đối với bất kỳ công văn nào của cơ quan Nhà nước, khi phát hành ra khỏi đơn vị mình, yêu cầu tối quan trọng cần phải có là số công văn và ngày tháng năm gởi đi. Theo đó, người dân không thấy số công văn trong bản cáo trạng - một thiếu sót quả rất đáng ngờ đối với người phụ trách bộ phận phát hành công văn này (có thể là Chánh văn phòng hoặc Trưởng phòng Hành chánh - Nhân sự). Thật khó có thể tha thứ được việc làm tắc trách cũng như nghiệp vụ văn thư - lưu trữ quá kém của Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội trước một nội dung vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến sinh mạng của một công dân.
Tiếp theo,
Hồi 0 giờ 05 phút ngày 05 tháng 11 năm 2010 sau khi nhận được tin báo của quần chúng về việc có hoạt động mại dâm và sử dụng ma túy tại phòng 101 khách sạn Mạch Lâm tại đường số 28 số 10, phường 11, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh, công an phường 11, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức kiểm tra hành chính phát hiện một đôi nam nữ ở trong phòng không có đăng ký kết hôn. Kiểm tra giấy tờ tùy thân xác định hai người có tên là Cù Huy Hà Vũ và Hồ Lê Như Quỳnh. Kiểm tra đồ vật của Cù Huy Hà Vũ có 212.231.000 đồng; 1 máy tính xách tay và 2 USB. Công an phường đã đưa cả hai đối tượng về trụ sở làm rõ. Tại Công an phường, kiểm tra máy tính xách tay và 2 USB của Cù Huy Hà Vũ thấy có chứa 40 đầu tài liệu, trong đó có một số bài do Vũ viết, trả lời phỏng vấn có nội dung đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đòi đa nguyên, đa đảng, xuyên tạc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Công an phường 11 đã báo cáo và chuyển toàn bộ hồ sơ đến Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an để xử lý.
Đoản văn này không dính dáng và hoàn toàn không có liên đới với đoản văn trên (công văn của Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội). Nói cách khác, chỉ khi nào Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội "tố cáo"(!) công dân Cù Huy Hà Vũ mua dâm và sử dụng ma túy(?!) thì hai đoản văn này mới có thể gắn kết và liên đới với nhau. Thêm vào đó, cứ tạm giả sử "sau khi nhận được tin báo của quần chúng về việc có hoạt động mại dâm và sử dụng ma túy..." thì khi tạm giữ ông Vũ và bà Quỳnh, công an cũng chỉ được phép xoay quanh nội dung "mại dâm và ma túy" mà thôi. Vì... mại dâm là phần thuộc dưới...lỗ rốn(!) nhưng khi công an xông vào phòng ông Vũ đang thuê thì bà Quỳnh vẫn mặc nguyên quần áo và có phần vô cùng kín... mít(!); trong khi đó, ma túy thì (tất nhiên) có thể ngụy trang trong laptop. Tuy nhiên, thật đáng tiếc cho "sự mẫn cán" của "công an nhân dân", không những bà Quỳnh còn "nguyên xi" cả quần lẫn áo kín cổ-dài tay mà "công an chúng ta" chẳng tìm ra được... nửa tép heroin khi "kiểm tra máy tính xách tay và 2 USB của Cù Huy Hà Vũ" thay vào đó, công an chỉ "thấy có chứa 40 đầu tài liệu...",(?!). Tại đây, hành vi "mại dâm và ma túy" đã được khẳng định là không hề có, vì vậy ông Vũ và bà Quỳnh (lẽ ra) phải được trả tự do ngay lập tức sau cuộc kiểm tra hành chính. Điều sai trái của Công an còn ở chỗ "Công an phường 11 quận 6 đã báo cáo và chuyển toàn bộ hồ sơ đến Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an để xử lý". Quá lạ! Cấp công an phường khi phát hiện sự việc lại không báo về cho cấp trên trực tiếp của mình là công an quận mà DÁM vượt cấp báo thẳng, báo ngay, báo cấp kỳ lên tuốt tới... BỘ CÔNG AN vào lúc nửa đêm thế ư(?!)
Việc kiểm tra hành chính nói trên cũng sai, bởi theo:
Điều 86. Tạm giữ 1. Tạm giữ có thể được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.
...
3. Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm giữ phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Quyết định tạm giữ phải ghi rõ lý do tạm giữ, ngày hết hạn tạm giữ và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.
Theo trên, khi kiểm tra ông Vũ và bà Quỳnh không có bất kỳ chứng cớ nào để có thể kết luận hai người này có liên quan đến "mại dâm và ma túy" thì công an phải thả người ngay chứ không thể "táy máy", "tó mó" để vọc máy tính của người ta như thế, vì mục đích lục lọi máy tính là để xem có ma túy hay không và chắc hẳn "công an nhân dân" không có ý định tìm chất nhờn hay tinh dịch dính vào đấy chứ(?!). Ngay đây, "công an nhân dân" đã vi phạm vào Chương II "Những nguyên tắc cơ bản" của Bộ luật Tố tụng hình sự, cụ thể tại
Điều 8. Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân Không ai được xâm phạm chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân.
Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín, khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy định của Bộ luật này.
Song song đó, công an cũng đã vi phạm vào Luật cư trú:
Điều 31. Lưu trú và thông báo lưu trú 1. Lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú.
2.Gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác khi có người từ đủ mười bốn tuổi trở lên đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp hoặc bằng điện thoại.
Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thông báo địa điểm, số điện thoại nơi tiếp nhận thông báo lưu trú cho nhân dân biết.
3. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ, nếu người đến lưu trú sau 23 giờ thì thông báo lưu trú vào sáng ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.
4. Việc thông báo lưu trú được ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú.
Theo Điều 31 nêu trên, việc ông Vũ lưu trú tại KS. Mạch Lâm thì trách nhiệm chủ khách sạn phải khai báo với công an, do đó công an không thể dùng cụm từ "kiểm tra hành chính" để vi phạm đến lợi ích công dân. Mặt khác cụm từ "kiểm tra hành chính" chỉ dùng cho các doanh nghiệp theo Nghị định 61/1998/NĐ-CP, không áp dụng cho công dân đang lưu trú hợp pháp. Nói cách khác, một lần nữa, "công an nhân dân" đã lạm dụng pháp luật rất thô bạo qua tình tiết gọi là "KIỂM TRA HÀNH CHÍNH"!!!
Phân tích qua chi tiết "nhận được tin báo của quần chúng về việc có hoạt động mại dâm và sử dụng ma túy tại phòng 101 khách sạn Mạch Lâm tại đường số 28 số 10, phường 11, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh" người dân chúng ta lại thấy công an, viện kiểm sát dường như nghiệp vụ còn non tay qua một chi tiết vu vơ của một hay vài "quần chúng" nào đó báo có "ma túy và mại dâm" thì xồng xộc nhào vô(!), nếu quả thế thì công an chẳng bao giờ có đủ người và đủ thời gian để làm xuể với những lời tố giác khơi khơi như thế, bên cạnh đó, Nhà nước đã có Luật Khiếu nại tố cáo và Nghị định của Chính phủ số 53/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 quy định chi tiết thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo, tại
Điều 43. Trong trường hợp người tố cáo trình bày trực tiếp thì người tiếp nhận phải ghi rõ nội dung tố cáo, họ tên, địa chỉ người tố cáo; khi cần thiết thì ghi âm lời tố cáo. Bản ghi nội dung tố cáo phải cho người tố cáo đọc lại, nghe lại và ký xác nhận. Việc xử lý tố cáo trực tiếp được thực hiện như xử lý đơn tố cáo quy định tại Điều 42 của Nghị định này.
Vậy, công an khi nhận lời tố cáo của 'quần chúng" về việc có "ma túy và mại dâm" tại phòng 101 KS. Mạch Lâm đã làm đúng theo Luật khiếu nại tố cáo và Nghị định 53 nói trên không? Người dân chúng ta cần biết khi Chính phủ quy định chi tiết Luật Khiếu nại tố cáo bằng Nghị định 53 nhằm để tránh tình trạng người tố cáo "vô duyên vô cớ", hoặc "nhìn mặt ai đó thấy ghét" hoặc "nghe nói bừa" rồi đi tố cáo... đại(!), lúc đó làm phiền "công an nhân dân" đang bận trăm công ngàn việc và dễ dẫn đến tình trạng "tố cáo ẩu" người lương thiện.
Ngoài ra, theo khoản 3 điều 80, Bộ Luật tố tụng hình sự còn quy định:
Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã quy định tại Điều 81 và Điều 82 của Bộ luật này
Quả là chỉ mới phân tích sơ khởi trình tự bắt người hết sức bậy bạ của "công an nhân dân", chúng ta đã nhặt ra hàng loạt hạt sạn khó nuốt trong bản cáo trạng (được cho là chính thức)của Viện Kiểm sát nhân dân Tp. Hà Nội.
(còn tiếp)
Nguyễn Ngọc Già
Tham khảo:

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"