Mấy tuần nay trên mạng luôn nói về những cuộc cách mạng vào cuối năm 2010, cuộc cách mạng hoa Lài rồi mong có cuộc cách mạng hoa Nhài ở VN. Tôi chả thắc mắc gì vì không tin tưởng lắm có cuộc cách mạng hoa Lài ở VN, vì tôi tin nếu có thì sẽ là hoa Sen, nhưng mà không phải là cuộc cách mạng chỉ là một cuộc phô trương biểu diễn hoa Sen khi đảng ta chọn hoa Sen làm Quốc Hoa thì sẽ có khối con buôn làm giàu bằng cách in một loạt áo in hình Hoa Sen cho thanh niên mặc để trưng bày Quốc Hoa, hoặc là các trường học sẽ cho thêu huy hiệu của trường vào áo của thanh thiếu niên, đẹp chán, như các vụ thanh niên đổ ra đường phố mặc áo đỏ sao vàng những ngày cổ võ cho bóng đá chẳng hạn, ai may ai in những chiếc áo đỏ đó chắc hẳn sẽ thay màu áo cho phù hợp với hoa Sen. Áo trắng sen hồng hẳn là đẹp hơn cái màu đỏ rất chói mắt cho một xứ sở nóng nực, nhìn cứ như cả nước đang ... đổ máu, đến khiếp, một biểu tượng người Việt thích đánh nhau hay sao đó. Nếu lỡ có con trâu nào chạy ra đường phố thì hẳn cái đám đông màu đỏ đó có lắm người bị trâu húc lắm :-).
Nhưng dù sao thì cái vụ hoa Lài hoa Nhài chằng làm tôi quan tâm mà tôi chỉ thắc mắc sao gọi Nhài hay Lài, tò mò vào mạng xem.
Ở đây nói hai tên là cũng là một loài hoa?
Lúc thì hình ở Wiki Hoa Lài thế này. giống hình cây hoa đàng trước nhà tôi, có mùi hoa thơm mà tôi vẫn cứ nghĩ là hoa dạ lý hương. Trong khi hình ở nơi khác hoa Nhài thì giống cây hoa trồng trong chậu ở vườn nhà tôi, mà cánh hoa đôi khi tìm thấy trong trà, hay những bát chè trong những ngày lễ giỗ.
Rồi ở nơi khác lại có tấm hình hoa Lài trị bệnh sao giống cây hoa trên giàn hoa sau nhà.
Đâm ra nghĩ lẩn thẩn ai mà mơ chọn một cuộc cách mạng hoa Lài (hoa Nhài) ở VN thì nguy hiểm quá, chả biết dùng hoa gì cho đúng với tên, nó lại lạng quạng nhầm lẫn như đầu thế kỷ 20 cũng có một cuộc cách mạng tập hợp các đảng phái, người dân ai cũng tưởng là cùng đứng lên chống thực dân Pháp rồi thì sẽ có dân chủ bầu bán tự do, ai dè cho tới bây giờ được nghe 1 "đảng lãnh đạo" và vẫn chỉ mơ một màu hoa khác. Thôi xin can. Chờ cho có Quốc Hoa như Hoa Sen rồi thì đi biểu diễn thế là đủ.
Hồng Lạc - Tính chính danh của Đảng CSVN và con đường dân chủ không có mùi hương hoa sen
Có lẽ cái gốc của vấn đề xuyên suốt trong vụ án Cù Huy Hà Vũ chính là tính chính danh về chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) vì như chúng ta đã phân tích trong một số bài trước về bản cáo trạng của VKSNDHN, TSCHHV đã không phạm tội chống lại Nhà nước CHXHCNVN. Thế nhưng từ trước đến nay, các vụ án liên quan đến chính trị mà chính quyền không thừa nhận là vụ án chính trị đều gắn quan hệ giữa Đảng – Nhà nước (nếu có ý đụng chạm đến quyền lợi độc tôn của Đảng (*) thì coi như đụng đến Nhà nước) vì đa số các bài viết, bài phỏng vấn, các ý kiến mà các bị cáo nêu ra đều bị coi là chống Nhà nước thông qua các việc sau:
•Viết bài, tài liệu, trả lời phỏng vấn đài và báo nước ngoài có nêu lên các vấn đề có liên quan đến vai trò lãnh đạo của ĐCSVN hay do các đảng viên ĐCSVN gây ra như nạn tham nhũng, nạn phe nhóm liên kết rút ruột tài sản công; Nạn chạy chức, chạy quyền, mua bán bằng giả; Nạn phe nhóm lũng đoạn hệ thống chính trị, nạn ngồi lỳ trên ghế; Nạn ô dù, con ông cháu cha; Nạn dâm ô trẻ vị thành niên, bao che cho nhau và đổ lỗi cho nạn nhân; Nạn cửa quyền, hách dịch, ức hiếp, dọa nạt và ăn chặn tiền của nhân dân; Nạn chây lì không chịu tiếp thu ý kiến phản biện và phê bình, thẳng tay xóa sổ các tổ chức nghiên cứu và phản biện xã hội; Nạn để cho một phần biên giới, hải đảo và lãnh hải rơi vào tay của nước ngoài mà không có những biện pháp phù hợp để đòi lại; Nạn bắt bớ, giam cầm những người nêu ra ý kiến trái ngược hay biểu tình ôn hòa trước đại sứ quán; Nạn cưỡng bức các tôn giáo không tuân theo sự xếp đặt của chính quyền v.v…
•Hành động viết và lưu hành các bài báo, tài liệu có nội dung liên quan đến dân chủ, nhân quyền, đa nguyên, đa đảng. Viết và lưu hành các bài báo và tài liệu liên quan đến phong trào dân chủ ở trong nước và nước ngoài. Viết và lưu hành các bài báo, tài liệu liên quan đến các đảng phái, các tổ chức chính trị, đặc biệt là các tài liệu mang hơi hướng của những manh nha cho việc ra đời các tổ chức chính trị, các đảng phái khác ngoài ĐCSVN.
Những việc này theo chính quyền là sự phôi thai các mầm móng của các tổ chức và đảng phái, đe dọa sự tồn vong của ĐCSVN, đảng phái duy nhất được điều 4 Hiến pháp mặc định sự lãnh đạo của nhà nước và xã hội vì khi các tổ chức và đảng phái khác ra đời sẽ tập hợp lực lượng đối lập và sẽ gây áp lực đối với một chính thể đã bọc lộ sự thối nát, sự yếu kém trong công tác điều hành và quản lý nhà nước.
•Hành động viết và lưu hành các bài báo, tài liệu kiến nghị con đường hòa hợp dân tộc, xóa bỏ sự thù hận, tha bổng các viên chức và sĩ quan VNCH.
Các vấn đề này đều không phù hợp với chủ trương của ĐCSVN luôn coi những viên chức và sĩ quan VNCH là ngụy quân và ngụy quyền, những phần tử được coi là xấu và từ trước năm 1975 đến tới hôm nay thì ĐCSVN cũng vẫn coi họ như những kẻ thù “không đội trời chung” và vẫn tuyên truyền không ngừng nghỉ, vẫn ca ngợi những thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
•Hành động treo băng rôn, khẩu hiệu liên quan đến dân chủ, nhân quyền, đòi chủ quyền biển đảo.v.v…
Những hành động này bị coi là tuyên truyền, xúi dục chống phá nhà nước, gây bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền.
•Lập các trang mạng hay blog cá nhân có nội dung tự do, cởi mở, thông tin đa chiều, thông tin trung thực nhưng không có lợi cho sự độc tôn ĐCSVN.
Thường thì khi viết các chủ đề trên, người viết sẽ nêu lên những suy nghĩ của riêng mình và đưa ra những cách thức giải quyết vấn đề mà tựu trung lại thì vẫn không thể khác là phải đổi mới hệ thống chính trị, phải bỏ điều 4 – Hiến pháp 1992 và phải trả lại quyền lợi chính trị cho người dân, phải đa nguyên để kinh tế, xã hội phát triển, phải đa đảng để tránh độc đoán, chuyên quyền v.v… và khi nói đến những khái niệm đó thì không thể không nói đến vai trò của ĐCSVN và vì vậy, mặc dù không tìm được từ ngữ “chống phá nhà nước” thì với quan hệ được chốt chặn bởi điều 4 Hiến pháp thì chính quyền thường có những bản án định sẵn và tùy theo mối quan hệ với chính quyền, tùy theo tình hình dư luận, tùy theo cách ép buộc khai nhận tội trạng để trao cho những nhà hoạt động dân chủ, những người bất đồng chính kiến, hay những người có hành động mà ĐCSVN coi là phạm pháp những bản án khác nhau về tội danh “lật đổ” hay “chống phá nhà nước” mà những Viện công tố hay Thẩm phán đoàn không cần nhiều thời gian để tranh tụng, không cần nhiều thời gian để nghị án.
Như vậy, chúng ta sẽ thấy, ĐCSVN luôn coi tất cả những gì có thể gây ra áp lực với họ là chống phá nhà nước. Ở đây, tôi muốn các bạn xem xét ở hai phương án so sánh sau:
(1) Nếu ĐCSVN có vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội một cách chính danh (thể hiện bằng những luận cứ đa chiều) thì việc coi mối quan hệ ràng buộc về tội danh:
Những hành động gây áp lực cho sự tồn vong của ĐCSVN = chống Đảng = chống phá Nhà nước CHXHCNVN: có thể coi là đúng.
(2) Nếu ĐCSVN có vai trò lãnh đạo nhà nước một cách không chính danh (thể hiện bằng những luận cứ đa chiều) thì việc coi mối quan hệ ràng buộc về tội danh:
Những hành động gây áp lực cho sự tồn vong của ĐCSVN = chống Đảng = chống phá Nhà nước CHXHCNVN: là sai.
Những luận cứ đa chiều gồm:
•Những phân tích của TSCHHV trong bài “TS Cù Huy Hà Vũ từ khởi kiện thủ tướng đến yêu cầu xóa bỏ điều 4 Hiến pháp" thì ông đã nói đến sự không chính danh của ĐCSVN dưới con mắt của một người dân, một cử tri.
•Trong bài của LS Lê Công Định “bàn về chính danh trong thể chế pháp trị” cũng nói về sự không chính danh của thế chế hiện hành.
•Trong phân tích của tôi ở bài “thử bới lông tìm vết bản cáo trạng vụ án Cù Huy Hà Vũ” cũng đã nói về sự không chính danh của ĐCSVN.
•Vậy nếu những bài viết trên bị cho là có thiên hướng “bất lợi” cho ĐCSVN thì chúng ta hãy xem xét một ý kiến mà khi nêu nó ra, khó ai bên phía chính quyền “dám” phản đối vì đó là lời của ông tổ ĐCSVN, người mà hiện nay, ĐCSVN đang kêu gọi tất cả mọi người dân, tất cả các đảng viên ĐCSVN học tập và làm theo tấm gương của ông, đó là chủ tịch Hồ Chí Minh (CTHCM) hay còn gọi là Cụ Hồ để xem, ĐCSVN hôm nay có được như những gì mà Cụ Hồ ước mong hay không và nếu theo lời Cụ thì ĐCSVN có còn đủ chính danh để tiếp tục lãnh đạo đất nước hay phải thay đổi mà một trong những việc là sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đặc biệt là điều 4, vốn là tâm điểm của cả hai phía, về phía chính quyền thì sợ phải “tự sát” như lời của ông Nguyễn Minh Triết còn về phía những người đòi hỏi sự chính đáng và công bằng thì phản đối vì đây là một cái chốt canh giống như cái chốt cấm xe lớn lưu thông bằng cọc bê tông đóng xuống đường mà cỗ xe dân chủ muốn đi qua thì phải đào nó lên.
Theo GS. Nguyễn Khắc Mai- Giám đốc Trung tâm Minh triết Việt, trong một hội thảo Hôm 14/5/2010, Trung tâm nghiên cứu Minh triết Việt, Nxb Trí thức và Quỹ văn hoá Phan Chu Trinh đã tổ chức Toạ đàm khoa học về Minh triết Hồ Chí Minh kỷ niệm 120 năm ngày ông ra đời. ông khẳng định, Cụ Hồ luôn canh cánh: muốn "bảo thân" đảng phải "chính danh". Tránh được "hình danh", "chế danh" chưa đủ, đảng còn phải phấn đấu có được "thiện danh". Cụ Hồ từng nói: "Chớ tưởng cứ dán hai chữ cộng sản lên trán mà làm cho người ta sợ" vì người hiểu sâu sắc, "thiện danh" của đảng chính là "đảng yêu nước, đảng của dân tộc".
Vậy, theo cách hiểu của Cụ Hồ thì ĐCSVN muốn tồn tại, muốn hiện diện chính đáng trong đời sống đất nước, tức là “bảo thân” thì phải được “chính danh”. Theo Cụ Hồ thì như vậy thậm chí còn chưa đủ mà còn phải “thiện danh” nữa và như Cụ nói, “đảng yêu nước, đảng của dân tộc”. Theo cách so sánh trên thì Cụ nói phải tránh “hình danh”, “chế danh” tức là tránh hình thức, tránh ngụy tạo, áp đặt, tự phong. Nếu tránh hình thức thì tính chính danh phải là thực chất, có nghĩa là Đảng phải được đại đa số người dân công nhận thông qua những cách thức thực chất và cách thức duy nhất để có được thực chất chỉ có thể là sự bầu chọn theo phương thức bầu cử phổ thông dân chủ, trực tiếp hay gián tiếp. Để tránh sự mạo nhận, ngụy tạo thì điều bắt buộc là phải đưa điều 4 ra khỏi Hiến pháp vì kết quả bầu cử là theo định kỳ (4 hoặc 5 năm một lần) và nó sẽ thay đổi theo số phiếu bầu thu được. Vì nếu không bỏ điều 4 – Hiến pháp thì coi như chưa bỏ đi điều giúp cho ĐCSVN luôn có thể “chế danh” như lời Cụ Hồ và thậm chí nếu theo ý Cụ Hồ thì những người thảo bản Hiến pháp 1992 phải chịu trách nhiệm về việc để cho sự “chế danh” tác oai, tác quái.
Theo như Cụ Hồ nói thì đối với ĐCSVN, tính “chính danh” cũng còn chưa đủ mà phải “thiện danh” nữa, điều này có nghĩa là ĐCSVN phải từ tâm, khiêm tốn, thanh liêm và chính trực như lời Cụ “cần-kiệm-liêm-chính-chí công-vô tư”. Nếu những mong muốn của Cụ Hồ trở thành hiện thực thì ĐCSVN sẽ phải trở thành một đảng hiền hòa và sống chung hòa bình với các đảng phái khác. Như vậy thì việc bỏ điều 4 cũng không đồng nghĩa với “tự sát” (nếu Đảng có đầy đủ những phẩm chất như Cụ Hồ nói) mà chỉ là một điều bắt buộc trong việc thể hiện đầy đủ tính "chính danh" của ĐCSVN.
Như những phân tích về các ý kiến từ nhiều phía nói trên thì rõ ràng là ĐCSVN không có tính chính danh chính trị về quản lý Nhà nước và xã hội. Người ta thường nói, “tư tưởng lớn gặp nhau”, ở đây tôi không cho rằng, những con người trên đều có tư tưởng lớn mà nó chỉ thể hiện một cái nhìn thực tế, một cái nhìn khách quan, đúng đắn và cầu thị thì bao giờ cũng hội tụ về một điểm, đó là điểm đến của chân lý tối thượng.
Cụ Hồ nói: "Nước ta là một nước dân chủ, chế độ ta là một chế độ dân chủ, đã dân chủ thì ai ai cũng có quyền tự do thảo luận để tìm tòi chân lý. Khi chân lý đã tìm thấy rồi, thì quyền tự do tư tưởng hoá ra quyền tự do phục tùng chân lý".
Ở thời điểm mà Cụ Hồ nói ra câu đó thì ông đã nhận thức được về mối quan hệ rất chặt chẽ giữa dân chủ và tự do tư tưởng. Cụ Hồ nhận thức về một chế độ dân chủ trong một “nhất thể hóa” tuy vậy, ý kiến của ông là để ngỏ cho những ý kiến khác nhau trong một sự cởi mở về tự do tư tưởng “ai ai cũng có quyền tự do thảo luận để tìm tòi chân lý” và “Khi chân lý đã tìm thấy rồi, thì quyền tự do tư tưởng hoá ra quyền tự do phục tùng chân lý”. Như vậy, có thể thấy rằng, Cụ Hồ không có ý muốn bó buộc các luồng tư tưởng khác nhau vào một hệ tư tưởng mà sau này ĐCSVN bắt buộc mọi người dân phải đi theo, đó là CN Mác – Lê Nin. Đây chính là một sai lầm của ĐCSVN trong giai đoạn sau này, một sự nhào nặn, bất tuân phục quan điểm của Chủ tịch HCM trong khi đó lại hô hào tất cả mọi người dân là học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM. Trong trường hợp các tình tiết liên quan đến vụ án CHHV thì ai mới là người đã học tập và làm theo HCM và ai mới là kẻ chống lại những lời giáo huấn của ông? hẳn các bạn đã có câu trả lời.
Từ những sự phân tích của tất cả các ý kiến đa chiều trên cho ta thấy những điều sau:
•ĐCSVN không có tính chính danh về chính trị do họ không phải là lựa chọn của đa số người dân thông qua bầu cử dân chủ.
•ĐCSVN sử dụng Hiến pháp 1992 - điều 4 để “chế danh”, tự cho mình quyền cai trị đối với đất nước, điều này là sai trái và đi ngược lại những lời giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
•ĐCSVN đã không thực hiện lời giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải “thiện danh”, có nghĩa là phải biết tôn trọng quyền tự do tư tưởng và chính kiến khác nhau, cùng tồn tại và cạnh tranh bình đẳng với các đảng phái chính trị khác. Đảng đồng hoá dân tôc bằng một chủ thuyết xa lạ và duy nhất, đó là CN Mác – Lê Nin, làm cho cả dân tộc chìm trong nguy muội, không ngóc đầu lên được.
•ĐCSVN đã không biết lắng nghe các ý kiến thảo luận để “tìm ra chân lý” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh vì vậy, Đảng tự cho mình mọi quyền hành mà không được sự đồng thuận của đại đa số người dân và không chịu trách nhiệm về những sai sót, đổ vỡ của đất nước, Đảng chưa bao giờ đưa ra một lời xin lỗi khi dẫn đất nước đến khủng hoảng.
Chúng ta hãy đọc tiếp câu sau sẽ thấy quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng trùng với quan điểm của các nhà hoạt động dân chủ: trong công tác dân vận là "không được bỏ sót một người nào, không phí phạm một tài năng nào dù là nhỏ nhất" cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy được tầm quan trọng của “chất xám” trong lãnh đạo và quản lý, trong xây dựng đất nước điều này cũng đồng nghĩa với việc để cho tất cả các cá nhân có tài năng, có tư tưởng, chính kiến khác nhau tham gia quản lý xã hội và điều kiện tiên quyết phải là xóa bỏ sự thù hận dân tộc, cùng nhau hàn gắn vết thương, đó chính là những điều mà TSCHHV đã từng kêu gọi ĐCSVN qua “Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam cộng hòa, lấy “Việt Nam” làm quốc hiệu để hòa giải dân tộc".
ĐCSVN ngày nay đã không có được những gì mà Cụ Hồ mong muốn vì sự độc đoán chuyên quyền của nó. Dẫu những hy vọng của Cụ Hồ có là thực tâm đi chăng nữa thì ý muốn cho một đứa con độc nhất được nuông chiều mà không có sự săn sóc, chế tài sẽ trở nên hư hỏng là điều khó tránh khỏi. Trong một bài viết trước đây của tôi với bút danh Viên Mẫn “Chia sẻ nỗi lòng sau khi đọc bài của GS-TS. Mạch Quang Thắng”, tôi đã so sánh ĐCSVN với những người đi xe gắn máy, cho dù biết rằng, chiếc mũ bảo hiểm là cần thiết và để bảo vệ tính mạng cho họ thì nếu không có chế tài với mức phạt 40.000 đồng/ lần thì có lẽ không mấy ai đội (thực tế chỉ lác đác vài phần trăm). ĐCSVN cũng vậy, họ không chịu bất kỳ một sự chế tài nào, thậm chí là họ không sợ nguy hiểm vì chấn thương sọ não như người đi xe gắn máy, họ lãnh đạo nhưng không phải chịu trách nhiệm, họ quyết định các chính sách quốc gia trong khi không có bất kỳ một điều luật nào để chế tài trách nhiệm của họ nên cho dù có góp ý hay sửa chữa bao nhiêu thì ĐCSVN cũng sẽ đi tới sự băng hoại, thối nát và đó là điều mà Cụ Hồ không thể tiên liệu được và việc ĐCSVN “dán hai chữ cộng sản lên trán” để dọa nạt “làm cho người ta sợ" là điều khó tránh khỏi, đúng như những gì mà Cụ Hồ đã từng lo lắng.
Những lý giải trên chính là câu trả lời cho GS Nguyễn Khắc Mai (GSNKM) khi ông phân trần “Cụ Hồ nói hay sao khó đi vào cuộc sống đến thế!”. Xin nói thêm cùng GS NKM là Cụ Hồ nói hay nhưng Cụ thật sự chưa hiểu hết những mối quan hệ có tính ràng buộc về tính chính danh trong sự ganh đua chính trị, trong việc chế tài lẫn nhau giữa các đảng phái nên nó “khó đi vào cuộc sống” là điều hiển nhiên. Nếu ngược lại, nó dễ đi vào cuộc sống thì đó là điều bất hợp lý, phản khoa học. Ý muốn của Cụ Hồ hay của bất kỳ ai nếu chỉ là cảm tính, thiếu những luận cứ khoa học, thiếu tính kinh viện, tham chiếu từ những nền dân chủ khác thì đó cũng chỉ là mong muốn mà không bao giờ có thể được thành tựu. Cụ Hồ biết tầm quan trọng của tự do tư tưởng nhưng Cụ lại không biết được là tự do tư tưởng sẽ bị cái “độc quyền”, “độc đoán” làm triệt tiêu nên theo ý Cụ thì tự do tư tưởng hay dân chủ đều có thể “sống chung” trong một tư tưởng của một đảng phái thống soái xã hội. Thứ dân chủ mà Cụ Hồ mong muốn có thể là tốt đẹp, trong sáng nhưng không thể nói là minh triết vì đó là thứ dân chủ mà không bao giờ có dân chủ, nó như đồng lúa khi chưa khoán hộ đầy cỏ dại và sâu bệnh, nó là thứ mà ngày xưa ta thường nói là “CCCP- các chú cứ phá, có Liên Xô chịu”, nó là thứ “cha chung” nên “không ai khóc” cả và đó cũng chính là điều đã khiến cho biết bao nhiêu GS-TS khoa học xã hội mòn bút viết và viết mà không thể tìm ra lời giải khi họ không “dám” nói đến yếu tố cần thiết nhất, quan trọng nhất cho bất cứ thứ dân chủ nào, đó chính là sự đa nguyên chính trị và công cụ chế tài chính trị quan trọng, đó là sự ganh đua và chế tài lẫn nhau giữa các đảng phái chính trị. Tính chính danh chỉ có thể có khi có sự ganh đua chính trị và sự ganh đua chính trị sẽ chọn ra những đảng phái chính danh để điều hành đất nước. Hiểu được tầm quan trọng của mối quan hệ mật thiết trên, chính là chìa khoá để mở ra cánh cửa dân chủ.
ĐCSVN không có được tính “chính danh” về chính trị nhưng liệu có cách nào đó để nó trở nên chính danh? Câu trả lời không quá khó nếu ĐCSVN biết lột bỏ chiếc áo cũ kỹ, cáu bẩn của mình, vứt bỏ những quan niệm lạc hậu vào sọt rác một cách không thương tiếc, hãy biết lắng nghe những ý kiến chân tình, khoa học, biết chấp nhận sự “thiện danh” để cho các chủ thuyết, các luồng tư tưởng cọ xát lẫn nhau để hình thành nên một xã hội đa nguyên, đa đảng, biết đặt quyền lợi và cuộc sống của người dân làm trọng, biết biến những khẩu hiệu “đoàn kết - đại đoàn kết” thành hành động cụ thể chứ không chỉ là lời nói suông. Đó chính là cách duy nhất để Đảng lấy được tính chính danh và đồng thời nó sẽ song hành cùng con đường dân chủ hoá thực sự cho đất nước. Hãy hành động khi chưa quá muộn!
ĐCSVN sẽ lấy được tính chính danh hay không khi nó đã sai lầm và lún sâu vào tham nhũng, bè phái? Câu trả lời chỉ có thể là từ tất cả các đảng viên của Đảng. Nếu ĐCSVN vẫn tồn tại một cách “mạo danh” và áp đặt một xã hội cưỡng bức - công an trị lên tất cả mọi mặt của đời sống xã hội thì tiến trình dân chủ sẽ phải đi theo một chiều hướng khác có thể lâu dài hơn và thậm chí là đổ máu khi những “bông hoa sen” (**) bắt đầu toả hương từ vũng bùn tăm tối.
Vụ án CHHV có thể là điểm khởi đầu để ĐCSVN thể hiện những bước đi đầu tiên tiến tới một sự đổi mới toàn diện bằng việc xoá bỏ bản cáo trạng, trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ và nếu phiên toà có diễn ra thì nó phải theo đúng trình tự, “đúng người, đúng tội” giống như một phiên toà như ở bất kỳ một nước dân chủ nào khác.
Ngày công dân CHHV sớm ra khỏi chốn lao tù sẽ đánh dấu một thắng lợi không chỉ cho bản thân ông, của phong trào dân chủ mà còn là thắng lợi của những người “làm luật” vì luật pháp đã bắt đầu được coi trọng. Thắng lợi này sẽ có thể giúp cho ĐCSVN bắt đầu một công cuộc đổi mới toàn diện trên con đường dân chủ hoá đất nước theo một trình tự khoa học để dẫn tới một cuộc tổng tuyển cử thật sự dân chủ.
Chúng ta hy vọng một sự thay đổi cần thiết và sẽ không muốn nền dân chủ của Việt Nam đến từ “hương hoa sen” phảng phất mùi tanh của bùn và máu của người dân nhưng nếu điều đó bắt buộc phải diễn ra thì chúng ta cũng sẽ không quản ngại hy sinh gian khổ để đem lại cuộc sống tốt đẹp cho đất nước khi thời cơ đã thực sự chín muồi.
Sài Gòn 9/2/2011
Hồng Lạc
____________________________
Chú thích:
(*) Từ Đảng viết hoa để chỉ ĐCSVN
(**) Hoa sen được nhiều người coi là quốc hoa và là biểu trưng của một cuộc cách mạng (nếu có) ở Việt Nam trong tương lai.