Hôm qua nói chuyện dân oan xứ Hàn, nghĩ bụng sao không có ai làm phim dân oan xứ Việt cho mình xem. Hôm nay đọc, thì mới biết có rất nhiều kịch bản, chỉ chưa có "kinh phí" để thực hiện đó thôi. Cũng như hôm nọ lẩn thẩn nghĩ sao VN không chịu xây dựng một phim trường làm nơi cho các bộ phim được thực hiện ngay tại VN, đồng thời có thể làm nơi giải trí cho dân, cho khách du lịch, dĩ nhiên là có lợi nhuận, khỏi phải chạy sang Trung Quốc đóng phim Việt làm giàu cho thiên hạ, trong khi đó người ta chia nhau xẻ khu vực Tuyền Lâm để xây biệt thự, sân golf.
Cứ nhìn tấm hình trong bài này thì mới thấy được mọi chuyện đều do Đảng tác động rồi mới tới nhà nước. Mà đảng CSVN vốn từ xưa vẫn hoạt động "bí mật", cho nên dân tới không gặp ai, không biết là ai cũng phải thôi. Khổ các cụ cứ hỏi cho bằng được làm gì, cho mệt. Các cụ chả hiểu nội quy của đảng viên tí nào cả. Có lẽ chỉ ở VN mới có những tấm bảng kỳ cục như vậy, ở các nước khác chả bao giờ ghi thế vì các đảng luôn thay phiên nhau làm việc cho nên họ không thể để cho đảng này nhầm lẫn với đảng kia. Kể ra đảng CSVN hiện nay rất "chính danh" ghi rõ ràng cho dân biết là đảng cầm quyền chứ không phải chính phủ nào (dân chọn) cả. Do đó các cụ cứ yên chí có đi đâu cũng chả gặp ai, dù có hàng vạn nghị quyết chính phủ thì đảng còn sờ sờ ra đó làm sao giải quyết được vì đó là "chuyện ngoài nội bộ".
Tấn bi hài kịch “tiếp dân”: Người dân được gì qua việc Chính phủ quyết định đổi mới công tác tiếp dân
Cũng phải mấy lần người này mới ghi tên dưới mấy dòng chữ, và không đóng dấu gì cả. Xin số điện thoại của cơ quan tiếp dân, đáp không có.
Kính thưa Giáo sư NGUYỄN HUỆ CHI,
Chúng tôi là những người dân trình độ hiểu biết thấp kém, hằng ngày vẫn cố tìm đọc những bài viết của các bậc trí thức trên trang bô-xít Việt Nam, để học hỏi và mở mang kiến thức.
Hạnh phúc cho chúng tôi biết bao nhiêu kể từ ngày có một trang mạng đưa những tin tức cần thiết, trung thực; với những ý kiến nhận xét về các vấn đề của đất nước rất phù hợp lòng dân. Chúng tôi có cảm giác là từ nay người dân không còn phải sống với thân phận của kẻ thấp cổ bé miệng nữa. Nhiều chuyện muốn nói, nay đã được Giáo sư và các cộng sự của Ông nói giúp. Xin cho tôi thay mặt số bà con chung quanh tôi, gần đây vẫn liên tục theo dõi những bài viết trên mạng Bô-xít Việt Nam, gởi lời cảm ơn chân thành tới Ông và những tác giả có bài viết trên mạng.
Từ thực tế cuộc sống, chúng tôi cũng xin mạo muội viết ít dòng gởi cho trang mạng. Nếu được đăng để góp tiếng nói chung thì tốt. Còn không thì coi như chúng tôi cung cấp cho Ban biên tập một ít tư liệu để tham khảo.
Mong Giáo sư hiểu cho tâm trạng và tấm lòng của chúng tôi.
Kính chúc Giáo sư và các cộng sự luôn dồi dào sức khỏe để tiếp tục phục vụ cho nhân dân và đất nước.
Trân trọng kính chào.
Những người đã đến nơi tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước được nêu trong bài viết gửi kèm:
1. Thái văn Dậu, nông dân,85 tuổi,
2. Võ văn Tấn, nông dân, 78 tuổi.
3. Nguyễn Văn Lãnh, nông dân, 60 tuổi.
4. Thái Văn Thiện, nông dân, 56 tuổi.
5. Lê Văn Việt, nông dân , 62 tuổi.
6. Lê văn Hóa, nông dân, 52 tuổi.
7. Thái Văn Bì, nông dân, 56 tuổi,
8. Lê thành Nhơn, nông dân, 52 tuổi.
Chúng tôi cùng cư ngụ tại Phường Phú Mỹ và Phường Phú Tân, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Quyết định đổi mới công tác tiếp công dân lại không căn cứ vào nguyện vọng bức xúc của nhân dân, không phát xuất từ ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, hoặc từ yêu cầu của Quốc hội, là cơ quan đại diện chính thức của nhân dân cả nước. Quyết định số 858/QD-TTg của Thủ tướng đã phê duyệt đề án đổi mới công tác tiếp công dân.được ban hành căn cứ vào kết luận của Ban Bí thư tại Thông báo số 307-TB/TU ngày 10-02-2010. Đã không quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của dân, chắc chắn đề án nầy sẽ chẳng đáp ứng gì cho những yêu cầu bức xúc của người dân.Và không khéo, đây chỉ là một trong những đề án người ta vẽ ra để có cớ tiêu tiền tỷ của nhân dân và rốt cuộc làm cho người dân khổ thêm. Phải chăng cách đổi mới công tác tiếp công dân tốt nhất là dẹp bỏ đi những trụ sở tiếp dân mà hiện nay chỉ có tác dụng như những lô-cốt ngăn chặn người dân đến tiếp xúc với người có trách nhiệm trong chính quyền? Tại sao chính quyền của dân, do dân và vì dân mà người dân không được bén mảng đến trụ sở các cơ quan hành chánh? Cán bộ chính quyền ăn lương của dân, có trách nhiệm giải quyết công việc cho dân, thì phải trực tiếp tiếp xúc để nghe dân nói, dân yêu cầu mà giải quyết. Không được né tránh, không được đặt ra cơ quan này, cơ quan khác để làm thay!
****************
Báo chí đã đưa tin: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có quyết định đổi mới công tác tiếp công dân. Nào là tiếp công dân phải gắn với việc giải quyết khiếu nại, phải tăng cường trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo trong tiếp công dân, phải trang bị nối mạng để người dân có thể theo dõi kết quả giải quyết khiếu kiện, kiến nghị của mình…
Chúng tôi là những người bị UBND tỉnh Bình Dương thu hồi và bồi thường đất trái pháp luật, và đã bị cưỡng chế lấy hết sạch tài sản, đất đai; đang thất nghiệp, không biết làm gì để sống. Chúng tôi đã vác đơn khiếu kiện khắp nơi nhưng chưa được ai trả lời một tiếng nào. Bốn lần kéo nhau đi Hà Nội, đưa đơn tận tay một số cán bộ như Ông Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Đức Thuận… Ăn chực nằm chờ hằng tháng trời để nhận được mấy tờ phiếu chuyển.
Sau mấy năm chờ đợi, chúng tôi mỗi người ký một lá đơn khiếu nại Ông Nguyễn Tấn Dũng đã ký Công văn 295/CP-CN ngày 19-3-2003 để làm cơ sở cho UBND tỉnh Bình Dương thu hồi bồi thường đất trái pháp luật của chúng tôi làm Khu Liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị tỉnh Bình Dương. 12 gia đình liệt sỹ cũng ký chung một lá đơn tương tự, gởi cho Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng vào ngày 27-7-2009. Tiếp tục chờ đợi mãi, chẳng có hồi đáp gì. Chúng tôi lại ký đơn nhắc Thủ tướng trả lời đơn khiếu nại của chúng tôi đúng theo quy định của Luật tố cáo khiếu nại. Cũng im lặng.
Nay, nghe tin có Quyết định đổi mới công tác tiếp công dân, bà con cử 8 người, thay mặt cho gần 50 hộ dân đến trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại TP Hồ Chí Minh để yêu cầu Thủ tướng trả lời.
Ngày 19-7-2010, thức dậy từ 3 giờ sáng, đi qua bốn chặng xe, 8 người chúng tôi đã tới được trụ sở tiếp dân ở đường Hồ Ngọc [Học?] Lãm, quận Bình Tân. Ở đây đã có vài chục người, dân các tỉnh Long An, Bình Thuận, Đồng tháp, Tiền Giang… tự xé một tờ giấy để viết nội dung đăng ký xin tiếp, đưa vào trong và chờ đợi. Một lúc khá lâu, chúng tôi được gọi vào để trả lời: hôm nay đông quá, thứ Tư trở lại.
Chúng tôi yêu cầu cho giấy hẹn. Năm lần bảy lượt, người tiếp dân mới lấy một mảnh giấy nhỏ, ghi nguệch ngoạc mấy chữ. Chúng tôi yêu cầu ghi rõ họ tên, chức vụ người hẹn và đóng dấu vào. Cũng phải mấy lần người này mới ghi tên dưới mấy dòng chữ, và không đóng dấu gì cả. Xin số điện thoại của cơ quan tiếp dân, đáp không có.
Ra khỏi phòng, chúng tôi quan sát kỹ cái nơi tiếp dân của cơ quan lãnh đạo cao nhất nước.
Đây là nơi tiếp dân của Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc Hội… mà không hề có lịch ghi trong tuần, ngày nào ai tiếp, tiếp ở đâu, cán bộ nào tiếp…
Ngoài cổng, tấm bảng của trụ sở cũng không ghi số điện thoại, cái phương tiện tối thiểu của bất cứ nơi nào cần giao dịch với công chúng. Từ tiệm hớt tóc, uốn tóc cho tới cửa hàng tạp hóa nhò, quán ăn nhỏ, người ta cũng ghi số điện thoại để tiện cho việc giao tiếp. Ở đây không có, mà hỏi cũng không cho.
Công nhân viên chức theo quy định, khi làm việc phải mang bảng tên, có mã số viên chức hẳn hoi. Ở đây, người tiếp dân không đeo bảng gì cả, trên bàn làm việc cũng không có bảng tên và chức vụ của anh ta.
Nhìn tờ giấy hẹn trên tay, chúng tôi ngao ngán cho cái kiểu tiếp dân ở trụ sở này. Đành phải lặn lội qua bốn chặng xe để về nhà. Mất một ngày trời, mất bao nhiêu tiền xe, để được một tờ giấy hẹn thua cả tờ giấy dùng để… đi vệ sinh.
Sáng thứ tư 21-7-2010, mọi người thức dậy sớm hơn để ra tỉnh kịp đi chuyến xe đầu tiên về thành phố. Cũng phải lặn lội qua bốn chặng xe, kẹt đường kẹt sá hằng mấy tiếng đồng hồ, mới đến được trụ sở tiềp công dân. Chờ đợi, đưa hồ sơ ra, xin gặp cán bộ tiếp dân.
Người hướng dẫn bảo: việc này, nếu muốn gặp Văn phòng Chính phủ thì phải trở lại vào ngày thứ Ba và thứ Năm hàng tuần, Văn phòng Chính phủ tiếp dân vào những ngày đó. Hôm nay không có. Còn Thanh tra chúng tôi chỉ tiếp dân, không giải quyết trả lời đơn đã gởi cho Thủ tướng và cũng không nhận đơn gởi cho Thủ tướng.
- Thế tại sao hôm thứ hai anh không hẹn chúng tôi vào thứ Ba, thứ Năm mà lại hẹn thứ Tư?
- Hôm đó đông người, tôi chỉ hẹn ngày trở lại chứ không biết là các anh cần gặp Văn phòng Chính phủ!
- Xin cho chúng tôi gặp cán bộ phụ trách trụ sở tiếp dân.
- Không có ở đây.
- Cho tôi biết tên và số điện thoại của ông ấy.
- Tôi không có.
Chúng tôi lại phải ra về để lại phải trở lên vào một hôm khác.
Sáng 27-7-2010, chúng tôi lại đi. Ông Thái văn Dậu 85 tuổi, đi hai lần đã mỏi mệt, hôm nay thay Ông Võ văn Tấn, 76 tuổi. Không quen xe cộ, trên đường ông ói lên ói xuống đến ngất xỉu. Chúng tôi cạo gió, cứu cấp cho ông, nhưng vẫn phải đi cho đến nơi kịp lúc. Cuối cùng, rồi cũng đến.
Cán bộ tiếp dân chỉ cho một người vào, mặc dù chúng tôi đăng ký 8 người cùng một vụ.
Khi tôi vừa ngồi xuống ghế, cán bộ hỏi:
- Anh tên gì, cho coi chứng minh nhân dân!
Sau khi nói tên và đưa CMND, tôi hỏi lại:
- Còn anh tên gì? (vì anh ta không đeo bảng tên, trên bàn cũng không có)
- Tên Dương.
- Xin nói rõ họ tên:
- Trần Bình Dương.
Tôi thoáng nghĩ: tên này láu cá thật; biết mình là dân tỉnh Bình Dương nên bịa ra cái tên Bình Dương. Chẳng lẽ lại phải hỏi giấy tờ của hắn. Tôi chưa kịp hỏi lại thì hắn tiếp:
- Anh đến đây có yêu cầu gì?
Tôi trình bày vắn tắt nội dung yêu cầu và đưa ra lá đơn gởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với chữ ký của 45 hộ dân. Hắn xem và hỏi tôi một số việc, ghi ghi chép chép, rồi trả đơn, mời tôi về.
Tôi yêu cầu được gởi đơn để chuyển cho Thủ tướng, hắn trả lời:
- Ở đây chúng tôi chỉ có nhiệm vụ tiếp dân, ghi nhận và báo cáo. Anh muốn gởi đơn thì gởi trực tiếp cho Thủ tướng qua đường Bưu điện.
Tôi để lên bàn một xấp mấy chục giấy hồi báo của VEXPRESS và nói:
-Tôi đã gởi cả trăm đơn thư qua Bưu điện, thậm chí đã đưa tận tay ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Thủ tướng, nhưng không được trả lời nên hôm nay mới phải tới đây.
- Vậy thì anh gởi đơn cho Quốc hội!
- Tôi cũng đã gởi cho Quốc hội mấy chục lá đơn.
- Vậy thì anh kiện ra tòa án!
Tôi nghĩ đã đến lúc phải rời khỏi chỗ này, nên yêu cầu cho xin một biên bản tiếp công dân. Nói thế nào thì nói, hắn vẫn từ chối:
- Tôi chỉ có trách nhiệm tiếp dân và báo cáo về trên, không thể lập biên bản hay cấp biên nhận gì cả.
Tám người chúng tôi lại lặn lội mưa gió trở về. Ba lần đến trụ sở tiếp dân, chúng tôi đã thấy. Đổi mới công tác tiếp công dân là vậy đó. Giải quyết dứt điểm những vụ khiếu kiện đông người, kéo dài là vậy đó. Ức quá, tôi tìm cho bằng được Quyết định của Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng mà báo chí đã đưa tin.
Ngày 14-6-2010, quyết định số 858/QD-TTg của Thủ tướng đã phê duyệt đề án đổi mới công tác tiếp công dân. Quyết định này được ban hành căn cứ vào kết luận của Ban Bí thư tại thông báo số 307-TB/TU ngày 10-02-2010, có hiệu lực kể từ ngày ký. Nhưng về thời gian tiến độ thực hiện đề án,quyết định ghi:
“1. Kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ cho cơ quan tiếp công dân:
a)Trước ngày 30-12-2011 hoàn thành việc bồi dưỡng nghiệp vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo cho 100% cán bộ làm công tác tiếp công dân.
b) Trước ngày 30-6-2012 các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc sắp xếp, bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân;kiện toàn tổ chứ, bộ máy cơ quan tiếp công dân ở các bộ, ngành, địa phương.
2. Bảo đảm cơ sở vật chất, trang bị phương tiện làm việc cho trụ sở tiếp công dân.
Trước ngày 30-12-2011 hoàn thành việc đảm bảo cơ sở vật chất, trang bị phương tiện làm việc cho trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trụ sở tiếp công dân của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi tiềp công dân của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp huyện”.
Chẳng hiểu nội dung kết luận của Ban Bi thư như thế nào, nhưng rõ ràng quyết định đổi mới này được ban hành không phải phát xuất từ các yêu cầu, nguyện vọng bức xúc của người dân, và cũng không phải từ yêu cầu của các đại biểu Quốc hội. Nên cứ tà tà mà làm, có sao đâu. Còn từ giờ tới cuối năm 2012, cứ tiếp tục coi dân như cỏ rác, đến cuối tháng 6-2012 mới phải hoàn thành việc sắp xếp, bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân mà! Từ đây tới đó, cứ tiếp công dân theo cái kiểu hành dân là chính; kể cả có không làm hoặc làm ngược lại những điều quy định rõ ràng trong Nghị định của Chính phủ số 89/CP ngày 07-8-1997 ban hành quy chế tổ chức tiếp công dân, cũng không sao!
Thực ra, những nơi tiếp dân từ trung ương tới địa phương được tổ chức như những điểm chốt chặn để không cho người dân đến các cơ quan lãnh đạo của Tỉnh, Bộ, Chính phủ, Đảng, Quốc hội. Đã có trụ sở tiếp dân rồi thì mọi việc cần thiết, người dân cứ phải tới đó. Trụ sở Hội đồng Nhân dân, Trụ Sở UBND, Trụ sở cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội người dân không được quyền tới.
Nhưng những nơi tiếp dân thì chẳng ai có thẩm quyền và có trách nhiệm giải quyết những việc mà người dân cần, kể cả việc nhận để chuyển lại đơn cho Thủ tướng, cho Chủ tịch UBND tỉnh, huyện. Có nài nỉ lắm, họ cũng nhận, nhưng không có biên nhận giấy tờ gì cả, thế thì cũng như không.
Có lẽ cách đổi mới công tác tiếp dân tốt nhất là phải dẹp bỏ các trụ sở tiếp dân và các cơ quan hành chánh nhà nước phải trực tiếp tiếp nhận yêu cầu của người dân để giải quyết đúng theo quy định pháp luật. Chính quyền 4 cấp này là của dân, do dân và vì dân mà!
NÔNG DÂN BÌNH DƯƠNG