Thứ Năm, 13 tháng 8, 2009

Trái tim Đông Âu

Trước khi đi hứa hẹn (lèo) với vài bạn là đi về sẽ kể chuyện chu du thế giới ra sao, nhưng mà đi thì ham chơi, tối về lăn ra ngủ nên quên hết mọi chuyện trên trời dưới bể, ý quên bên đó không có bể chỉ có đất. Lại nữa các xứ Đông Âu giầu thì chưa giầu nhưng tiền chém internet thì quá cắt cổ cho những kẻ qua đường trú ở khách sạn của họ, có lẽ họ nghĩ dân đi chơi thì cứ chém cho chúng chết. May sao có bài viết sau đây mô tả đầy đủ chi tiết (đỡ cho tôi ghi chép) không sai tí ti ông cụ nào về những chi tiết ở Đông Âu cho dân du lịch kiểu cỡi ngựa xem hoa như tôi, bài tác giả viết từ năm 2004 cách nay đã nửa thập niên rồi mà vẫn chẳng thay đổi tí nào, chỉ khác là tuyến đường của ông đi từ Nam lên Bắc còn tôi thì đi ngược lại, nhưng đại khái cũng nhìn như thế, cũng thấy dân Balan thì ghét dân Đức và Nga, ghét người Nga tới cái độ nhìn thấy cái cung văn hoá Nga xây cho họ từ thời cộng sản, họ chỉ muốn đập đi cho đỡ ngứa mắt nhưng ông tổng thống sau thời cộng sản khuyên cứ để đó để làm chứng cho món quà mà người dân Balan đã phải trả với một cái giá rất đắt và cũng nhờ nó mà khi lên trên đỉnh tháp có thể nhìn thấy cả thành phố Warsaw rất đẹp và đẹp hơn là không phải nhìn chính cái cung văn hóa ấy. Cũng nói về cuộc ly dị "nhung" của Tiệp và Slokavia, để rồi Slokavia hối tiếc là đã ly dị để trở thành một nước nghèo vì tài sản, tài nguyên của quốc gia ngày trước nằm cả bên Cộng hoà Tiệp ngày nay, cứ như bất cứ cuộc ly dị nào, một bên sẽ cảm thấy mình mất mát "nghèo đói" hơn. Cho nên có những cuộc hôn nhân dù chẳng bằng lòng nhau nhưng cứ phải sống với nhau nếu không thì trở nên mất mát một cách... khủng khiếp.


Cung văn hoá do Nga xây ở Balan

Có điều tác giả Bắc Giang không thấy nói đến một chi tiết mà tôi cho là thiêu thiếu, đó là con gái Balan chân rất dài và họ rất đẹp với khuôn mặt thanh tú, tóc vàng da trắng, làm như con gái ở đây không biết già hay sao đó. Đến Budapest thì ngoài dòng sông Danube với bản nhạc Gloomy Sunday (Chủ nhật buồn)mà các bạn có thể đọc lời giới thiệu của Hoàng Linh trong bài viết giới thiệu, còn có những người con gái đa tình mà theo người giới thiệu có lẽ tác giả Người thứ Tám của tập truyện Z-28 với nhân vật Tống văn Bình dù chưa từng đến Budapest nhưng ông đã mô tả đúng tính cách đa tình của họ, mà có lẽ nhờ paprika, một loại ớt cay nổi tiếng của vùng này. Nếu nói vì tính cay mà người nữ đa tình thì chắc tôi phải xếp tất cả những người bạn gái Huế ăn cay của tôi cũng đa tình nốt :-)


Bên dòng Danube


Buổi sáng vừa đi vưà nghe Chủ Nhật Buồn, nhìn theo dòng người, già nhiều trẻ ít vì nghe kể những người trẻ sau khi học xong họ thường bỏ đến các quốc gia lân cận để kiếm sống, vì thế thành phố Budapest tuy đẹp nhưng mang một vẻ đẹp buồn bã như vẫn còn ngủ yên dù mặt trời đã lên rất cao. Bước đi giữa lòng thủ đô qua những con đường nho nhỏ, tôi có cảm tưởng tôi cũng là một người già lặng lẽ đếm chân mình trên con phố nhỏ, buồn như một ngày chủ nhật của một thời Seress Rezső. Budapest với tôi là những giờ phút nhàn hạ nhẩn nha đi trên đường phố cổ ngắm nhìn những chuyến xe bus cũ kỹ đổ ra những người đàn bà có gương mặt gần gủi với Á Châu, những giờ phút ngẫm nghĩ về một đời người trải qua các thời kỳ, chứng kiến những đổ nát của lịch sử để vươn lên.

Balan có nhịp sống đang vươn lên sau thời cộng sản, thì Hung cũng chậm chạp đi tới với những công trình xây dựng, mà có lẽ tính chất ù lì của thời cộng sản vẫn còn đọng lại cho nên cứ từ từ mà tiến tới. Chỉ có Tiệp Khắc đã vượt cả hai nước bạn thời hậu cộng sản, với những xa lộ chật đầy những xe, thủ đô Prague, nơi được xem như Paris của Đông Âu, lại không bị tàn phá bởi chiến tranh cho nên thu hút rất đông du khách. Tiệp lại không thiếu những thành phố nho nhỏ với những cổ thành, đời sống thanh bình không còn mang dấu vết gì của thời cộng sản, khác với Poland hay Hungary vẫn còn những ngôi làng trông nghèo khó, với những bức tượng chẳng có hình thù kiến trúc hay ho gì từ thời bao cấp. Đường xá vẫn còn chật hẹp, cây cỏ mọc lộn xộn tràn cả ra đường, khác với khung cảnh ngăn nắp của Tiệp và dĩ nhiên là thua rất xa sự gọn gàng sạch sẽ của Áo và Đức. Người ta nói với tôi con gái Áo khô lạnh, còn tôi thì thấy phụ nữ Đức cứng cỏi và có vẻ "xem trời bằng vung" hay sao đó, nhưng nói là nói cho vui thế thôi, mới nhìn thấy vài người làm sao mà xét đoán lếu láo cả dân tộc người ta được cơ chứ, cứ như cô cháu tôi ở Tiệp nói, con gái Tiệp đẹp nhất đó bác, tôi thì thấy họ giống giống con gái Cali ở cái vẻ nâu nâu có lẽ gần Thổ nên lai họ chăng, có điều phải nói mấy cô gái VN con nhà tử tế ở Tiệp trông quyến rũ và ngoan hiền nết na hơn con gái VN ở Bolsa :-), ai muốn lấy con gái VN thì nên qua Tiệp thay vì về VN, dù sao các cô gái ở đây còn mang nhiều nét quyến rũ của con gái VN, nhưng họ được giáo dục ở Châu Âu, cho nên sẽ thích hợp với cách sống cảm nghĩ của người ở Mỹ Châu hơn (?) may là gõ trên net chứ mà đứng ở Bolsa tuyên bố vậy chắc là ăn vài cái nguýt.

Từ cổ thành Prague


Thành phố Karlory vary nơi có suối nước nóng và các danh nhân tài tử thế giới đến để tịnh dưỡng, có con đường Goethe đã từng đi qua.

Lần này tới Vienna là lần thứ hai, tôi cảm thấy thành phố trở nên quen thuộc, còn nhớ những góc phố có tiệm Icecafé, bánh ngọt ngon mà người ta giới thiệu, những tiệm kem để tha hồ làm những đứa trẻ con ăn kem giữa đường mà không sợ xấu hổ, kể ra đi chơi cũng khiến cho trí nhớ tốt hơn, và lần này tôi được dịp đi xa hơn đến cả nghĩa trang của giới quí tộc nơi có những ngôi mộ của Beethoven, John Strauss, Mozart, Schubert với những bức tượng chạm trỗ tuyệt đẹp. Và lần nào tới Vienna tôi cũng phải làm một chuyện không thể thiếu như các nhạc sĩ thời xa xưa phải đến Vienna để thành danh, còn tôi đến Vienna để chỉ nghe những nghệ sĩ thời nay đánh những cung đàn của các nhạc sĩ thời xưa, dĩ nhiên trình độ nghe của tôi là trình độ "đàn gảy tai trâu", nghe xong là quên ngay lập tức.

Ngôi mộ của Franz Schubert


Nói đến Bá Linh thì người ta nhắc đến bức tường ngăn đôi Đông Tây của thành phố và trại Auschwitz, ở Poland, nơi giam giữ và giết người Do Thái của Đức Quốc Xã. Đó là một ngôi trại lớn nhất Âu Châu gồm ba trại, một hình ảnh đau buồn sẽ mang đến cho bạn, khi bạn đứng nhìn một khoảng trống trùng trùng ngút ngàn đối với mắt bạn, đầy những hàng rào kẽm gai có mắc điện để làm nơi giam giữ 6 tuyến đường xe hoả đổ hàng ngàn người Do Thái đến các trại giam gần đó với lời trấn an giả dối là họ được đưa đến để đi lao động, nơi có những tủ kính trưng bày những khối tóc của người Do Thái đã bị cạo đi trước khi vào lò thiêu, cả tấn giầy của người đã chết, mà trong đó những đôi giày be bé khiến cho người xem dù trẻ nhất cũng phải rưng rưng hai dòng lệ, những cặp tình nhân chỉ còn biết khóc trên vai nhau khi chứng kiến một quá khứ đau thương như thế, đi qua những nhà tù, những lò thiêu dù có dửng dưng cách mấy chắc hẳn không ai có thể không tự hỏi sao lại có những kẻ lạnh lùng giết người hàng loạt như thế. Có lẽ ông tổng thống đương nhiệm của Iran, Mahmoud Ahmadinejad cũng không thể tin được cho nên ông ta mới cho là nơi ấy chỉ là ngụy tạo chăng? Bởi vì tất cả những gì diễn ra nơi ấy có thể quá mức tưởng tượng của người bình thường. Một cách giết người có hệ thống không hơn không kém.


Chỉ có ở xứ cộng sản anh em mới có những "nụ hôn tuyệt vời" như thế



Mural ở bức tường Bá Linh
Có ai tới đây nhớ dò tìm tên hai người VN trong tháng 8, 09 nhé





Tượng đài tưởng nhớ những người đã chết vì Đức Quốc Xã

Mảnh tường ngăn đôi Berlin



Chiếc xe cũ được sản xuất từ Đông Đức thời bao cấp, được làm bằng giấy và nhựa


Dù sao tới Bá Linh để nhìn thấy bức tường cũ đã được đập đổ, ngày nay các họa sĩ phải xin phép cả năm trời để tới đó vẽ lên những bức tranh. Sự phát triển tột độ mà chính phủ Đức đã dành cho phiá Đông Bá Linh, du khách tới Charlie Point nơi từng có trạm kiểm soát của quân đội Mỹ, ngăn cách hai phiá Đông Tây, nơi từng suýt có chiến tranh thế giới thứ ba xảy ra tại nơi ấy. Nhưng dù có phát triển nhưng Bá Linh vẫn là thành phố thất nghiệp, không hiểu có phải vì cái thái độ thời bao cấp vẫn còn tạo ra những con người còn lười biếng chỉ chờ nhà nước lo, mà theo người hướng dẫn kể đã có dịp một tổ chức vận động để xây lại bức tường Bá Linh ngăn cách lại lòng người đã từng ở hai thể chế cộng hoà và cộng sản khác nhau. Dĩ nhiên bức tường đã không được xây dựng lại nhưng bức tường trong lòng dân Đức hình như vẫn còn.

Nghe chuyện người mà sao thấy giông giống ở một nơi nào trên trái đất có cái mảnh đất hình cong cong hình chữ S, nơi có dòng Bến Hải đã một thời ngăn đôi, dòng Bến Hải nay đã được nối lại nhưng lòng người hình như vẫn chưa có chiếc cầu bắc qua thì phải (?),hi hi, ai bảo tôi nói vớ vẩn ư, cứ vào các công sở miền Nam mà hỏi có phải dân Nam bị thống trị không? Tuy vậy có một điều tôi học hỏi được từ gia đình ở Đông Âu trong chuyến đi này, các em tôi nói "Người VN có quốc tịch nước khác thì không còn là dân VN, nhà nước không có quyền gì để đả động tới họ, chỉ có chúng em vẫn còn mang hộ chiếu VN mới là Việt kiều mà họ luôn muốn kiểm soát, mới có cái vụ xin nhập hay từ bỏ quốc tịch".
À thì ra thế, mấy ông nhà báo ở hải ngoại Bắc Mỹ không biết có nắm rõ chuyện này không mà cứ "tung tin" rối mù cả lên. Đã là dân nước khác thì đừng có lo chuyện VN nữa, không phải lo chuyện xin xỏ nhập tịch, ai mà thèm nhận đâu mà cứ rối rít tít mù lên, để cho nhà nước dành thì giờ lo cho con dân của VN. Cứ tự nhận là dân VN trong khi đã cầm passport nước khác rồi, rối rít làm chi cho nhà nước và đảng ta rối trí lên cơ chứ.



Bức hình chụp ở Berlin, giờ quên mất nó là "cái gì", chắc phải nhờ ông bạn Đức chỉ dùm cho vậy :-), khổ thế đấy già cả cứ đi đâu là bỏ quên trái tim ở đó nên về nhà hổng nhớ gì hết.


Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"