Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

Hoàng Lan


Bình thường tôi tránh copy của người khác, chỉ link cho người đọc Đừng mất niềm tin , nhưng bài này của một nữ sinh viên hay đúng hơn phải nói cô là một nữ lưu của thời đại tương lai của VN.
Tôi post lại để nhỡ bạn đọc ở VN không vào đọc được ở trang trên. Bài của cô đáng để cho tuổi trẻ (cũng như tuổi già) suy nghĩ và hy vọng.



Hoàng Lan Theo THTNDC
Mấy ngày vừa qua, sau việc anh Nguyễn Tiến Trung và bạn đồng chí hướng đồng loạt nhận vi phạm pháp luật nước CHXHCN Việt Nam và xin khoan hồng, một số nhà báo có hỏi tôi: “Cảm giác của Lan bây giờ ra sao?” Tôi chưa bao giờ trả lời thẳng vào câu hỏi ấy, phần vì thận trọng, phần nhiều vì không muốn biểu lộ cảm xúc riêng tư của mình. Nhưng đến giờ, tôi cảm thấy tôi cần phải viết, vì sau gia đình anh Trung, tôi là người gần gũi với anh Trung nhất và hiểu anh ấy hơn những người khác. Tôi cảm thấy tôi cần góp tiếng nói vào cuộc tranh luận, vì tôi không đồng tình với phản ứng của một số người.
Cá nhân và dân tộc
Xem những đoạn video, tôi không hề cảm thấy thất vọng, mà chỉ cảm thấy buồn và thương bạn mình, vì tôi biết họ đang phải nói những điều trái với lương tâm. Có gì đau xót hơn khi những người đã chọn hi sinh sự nghiệp và đời sống riêng tư để đi theo tiếng gọi của lương tâm họ, nay lại phải nói lên những điều trái với niềm tin của mình.
Tôi tin rằng những gì anh Trung đã nói lên trong đoạn băng nhận tội, xin khoan hồng là trái với lương tâm của anh. Tôi hiểu anh Trung đủ để biết rằng anh Trung không phải là người vì áp lực, vì thiếu thốn hay vì tù tội mà nản lòng. Khi anh Trung ở trong quân đội, khi anh không chịu đọc Mười lời thề, người ta cũng đã đe dọa sẽ làm anh “biến khỏi trái đất này mà không ai biết.” Tôi hiểu anh Trung đủ để biết rằng anh không phải là người hoạt động chính trị vì danh, vì lợi, vì tiền, mà là vì anh muốn làm những điều có ý nghĩa trong cuộc đời này, và vì anh luôn muốn dân tộc và đất nước Việt Nam giàu mạnh.
Nếu chỉ một mình anh Trung nhận tội, có lẽ tôi sẽ lo lắng, và hoang mang rằng có thể anh đã nản chí. Nhưng tôi hoàn toàn không cho là như vậy, vì cả 4 người cùng nhận tội, xin khoan hồng. Người ta có thể nghĩ Trung bị đe dọa tính mạng mà sợ hãi phải đầu hàng, vậy họ sẽ nghĩ thế nào đây về lời nhận tội của bác Trần Anh Kim, vốn là một cựu chiến binh, đã từng vào sinh ra tử, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng? Người ta có thể nghĩ Trung còn trẻ, chưa từng trải, vậy người ta nghĩ thế nào về ông Tổng giám đốc OCI Trần Huỳnh Duy Thức đã gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng và đưa công ty anh trở thành một trong những công ty nội địa hiếm hoi vươn ra thị trường nước ngoài? Cũng cần biết rằng chuyện đe dọa tính mạng với Trung không phải là mới, người ta đã đe dọa tính mạng Trung từ bức thư ngỏ đầu tiên gửi ông Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, và tiếp tục đe dọa tính mạng anh nếu tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, đe dọa tính mạng anh khi anh không chịu đọc Mười lời thề. Không, tôi hoàn toàn không nghĩ rằng anh Trung và các anh em khác đã ngã lòng. Phỏng đoán của tôi là có thể họ đã chấp nhận hy sinh danh dự của mình vì lợi ích cao hơn của đất nước. Trung và các anh em khác không phải là những người hoạt động chính trị để đánh bóng cá nhân, nên tôi biết, nếu phải lựa chọn giữa bản thân họ và lợi ích quốc gia, họ sẽ đặt dân tộc lên trên bản thân mình. Hơn nữa, trong cuộc chiến dân chủ/phản dân chủ, nào có phải là cuộc đối đầu một mất một còn, cay cú ăn thua. Nhường một bước để giữ hòa khí, đoàn kết mà đương đầu với những thế lực ngoại bang đã và đang lấn đất, chiếm biển, giết hại dân thường vô tội, thì cũng đáng để làm lắm chứ. Và nếu Nhà nước thực sự thả những người này ra sớm sau khi họ đã xin khoan hồng, thì đó sẽ là cách hành xử hợp đạo lý, hợp lòng dân, và có lợi cho Việt Nam trên trường quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp trong khu vực.
Dù gì, đây cũng chỉ là một phỏng đoán giữa muôn vàn phỏng đoán khác. Tôi đưa ra giả thuyết này để chỉ ra rằng, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Chừng nào chưa có đủ dữ kiện, thì đừng kết luận điều gì, và lại càng không nên lên án người trong cuộc.
Con đường chính trị
Là một người hoạt động chính trị, tôi hiểu rất rõ vì sao người đời thường nói chính trị khắc nghiệt và không muốn dấn thân vào con đường này. Khắc nghiệt bởi tôi thấy những người lãnh đạo chính trị, cần phải có niềm tin – tin vào lý tưởng của mình, tin vào các giá trị và các nguyên tắc mà mình đã chọn lựa, và phải có bản lĩnh sẵn sàng kiên trì thuyết phục quần chúng, gây dựng lực lượng để làm nên nghiệp lớn. Khắc nghiệt, nhất là trong những đoạn đường đầu của con đường chính trị “cách mạng” lội ngược dòng, bởi vì họ thường cô độc. Cô độc không phải vì không có ai hiểu hay ủng hộ họ, mà cô độc vì không mấy ai hiểu những tâm tư, trăn trở, những hỉ nộ ái ố rất người, nhưng cũng rất sâu sắc và mãnh liệt của họ. Lãnh đạo chính trị thường không biểu lộ những cảm xúc riêng tư để luôn hết mình và tích cực cho việc chung, bởi người đời mong được thấy những lãnh đạo chính trị luôn mạnh mẽ, luôn lạc quan, luôn xông xáo để họ đi theo. Nhưng, có ai chắc “bia đá không đau...”
Tôi nói chính trị khắc nghiệt, cũng vì bởi người đời hi vọng nhiều quá, nên khi những người làm chính trị dường như làm điều gì không vừa ý họ, làm họ thất vọng, thì họ không tiếc lời chỉ trích, thóa mạ, ngay cả khi thực chất sự việc chưa được làm sáng tỏ. Trò chơi chính trị với những chiến lược, với những nước cờ chiến thuật, không phải lúc nào cũng có thể công bố công khai hay giải thích cặn kẽ. Người làm chính trị vì vậy cần phải cứng rắn, kiên định với chiến lược của họ kể cả khi một số người vì không hiểu mà chỉ trích, nếu họ tin rằng họ đang đi đúng con đường để đạt được mục tiêu có lợi nhất cho đất nước. Những việc này không phải ai cũng hiểu, vì vậy, công việc chính trị luôn có rất nhiều áp lực.
Những người đã từng nói ủng hộ dân chủ, hi vọng vào những lực lượng đấu tranh mới, nay quay lại đả kích, chỉ trích không tiếc lời các anh em dân chủ, như vậy họ đã trúng kế những người cố tình đặt ra màn kịch “nhận tội, xin khoan hồng” rồi. Xin đừng nhìn vào đoạn video đó như một sự hèn nhát của các anh em dân chủ, mà cần phải nhận rõ rằng đó là sự lúng túng của một Nhà nước nắm trong tay quân đội, quyền lực, tiền bạc, mà công khai hành xử một cách phi pháp. Có gì đau xót hơn cho tôi, một thanh niên, một người học luật, khi chứng kiến lực lượng “bảo vệ pháp luật” ngang nhiên hành xử một cách vi phạm pháp luật như vậy? Một Nhà nước đàng hoàng cần phải thượng tôn pháp luật. Mà nếu vậy nếu cáo buộc ai vi phạm pháp luật thì cần phải mang ra xét xử đàng hoàng. Có cần sử dụng hệ thống truyền thông Nhà nước răm rắp xếp hàng đi theo lề phải để bôi nhọ và hạ thấp danh dự của bốn con người có nhiều hoài bão lớn cho đất nước? Nhân dân đóng thuế nuôi Nhà nước để Nhà nước phục vụ nhân dân, đào tạo và tìm kiếm người hiền tài phục vụ đất nước, chứ không phải để nuôi bộ máy công quyền làm những trò trái pháp luật, trái đạo lý và hãm hại nhân tài như vậy.
Giữ niềm tin chung vì luôn còn hi vọng
Tôi chỉ mong rằng, những người ủng hộ dân chủ và mong muốn những đổi mới cho đất nước, hãy chủ động hơn trong tiến trình dân chủ hóa, và hãy giữ niềm tin, đừng rơi vào cái bẫy chia rẽ, bôi nhọ mà những người chủ trương dựng lên vốn đã quá sành sỏi lão luyện để làm việc ấy. Đừng nhìn phong trào dân chủ qua hình ảnh của vài cá nhân, mà hãy nhìn con đường dân chủ như bức tranh lớn cho đất nước. Họ có thể thất vọng vì một vài cá nhân, đó là quyền của họ, nhưng đừng vì thế mà bi quan về triển vọng dân chủ, đừng vì thế mà không suy nghĩ sâu hơn về câu hỏi vì sao, trong tình thế như thế nào mà những người dân chủ lại hành xử lạ lùng như vậy. Một số sự việc có thể lạ lùng và phi lý nếu đứng tách riêng ra. Nhưng nếu đặt chúng trong bức tranh lớn để lý giải, thì sự lạ lùng không đến nỗi lạ lùng như vậy, và sự tưởng như vô lý thực ra lại có thể có lý.
Chính trị không phải chỉ là hô khẩu hiệu, hay tỏ vẻ cứng rắn anh hùng bất chấp tất cả. Chính trị là khôn khéo, lấy đạo người làm gốc, quy phục nhân tâm để cùng nhau thực hiện những mục tiêu, lợi ích của quốc gia, dân tộc. Tôi giữ niềm tin rằng anh Trung cũng như các anh em kia đã làm những gì họ cho là cần phải làm vì lợi ích chung, cho dù phải hy sinh danh dự của họ. Chết cho Tổ Quốc không phải là chuyện khó, dám Sống trong thử thách và Sống một cuộc đời có ích cho Tổ Quốc thì khó hơn nhiều.
Cho dù có chuyện gì xảy ra, tôi tự hào vì những gì những người anh em của tôi đã dám nói, đã dám làm. Tôi cảm nhận rõ những tâm tư trăn trở của họ, những tâm tư của những người làm chính trị, và những cảm xúc, tình cảm rất Người. Nếu tôi đã không có tài năng, dũng khí để làm được những gì họ đã làm, thì tôi biết rằng bây giờ tôi cần đứng sau lưng họ, bảo vệ họ, làm tất cả những gì mà một tôi nhỏ bé có thể làm được. Quan trọng hơn, tôi sẽ giữ niềm tin. Mất niềm tin vì những thủ đoạn gây chia rẽ và bôi nhọ chuyên nghiệp và đầy ác ý là một phản ứng không nên có.
Hoàng Lan.
Bloomington, Indiana, 23 tháng 8 năm 2009

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"