Thứ Năm, 16 tháng 7, 2009

Quê hương ở đâu

Nhiều lúc bạn bè cứ hỏi và "chiêu dụ" đi về VN, về một quê hương mà theo bạn bè "Bây giờ thay đổi nhiều lắm". Mỗi lần như thế lại khiến cho tôi ngồi nghĩ ngợi. Ờ thì tôi đã từng có một tổ quốc, nhưng quê hương ở đâu thì tôi chẳng biết hay đúng hơn chẳng còn, nếu như có người giải thích

"Cảnh đẹp mắt tôi trông thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở về chốn quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất cũ kỹ của nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỹu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan, kể không sao cho xiết được".

Giải thích thế, thì tôi làm gì còn có quê hương, lớn lên ở thành thị, có thấy bụi tre xó vườn là của người ta, tôi cũng chẳng biết làng mạc quê tôi ra sao cả, dù tôi cũng có khi đi vào con đường khúc khủyu làng mạc của thiên hạ, cứ như là đi du lịch thế thôi, rồi chả lẽ tôi đi ở con đường làng bên Tây, bên Tầu tôi cũng cho là làng tôi, thì e chẳng được. Sau biến cố 75 thì ngôi nhà cũ, con đường cũ cũng biến mất, chẳng còn hàng rào, tường cũ gì cả thế thì hãy nói cho tôi biết tôi tìm lại quê hương ở đâu cơ chứ. Cho nên đọc bài của tác giả Bùi Văn Phú, dù không hoàn toàn đồng ý với ông vì dù sao ông có những sinh hoạt khác môi trường khác, ông có vẻ rất là người Mỹ như ông nói, nhưng tôi thì chắc "còn khuya" lắm mới thành người Mỹ, nhưng cũng như ông mà bị xem là Việt Kiều thì tôi cũng không chịu chút nào, chẳng thà cứ gọi là người Việt gốc mít còn có lý hơn đấy . Tôi có thể lâu lâu quên tiếng Việt bởi vì sống cũng hơn nửa đời nơi xứ người, có khi cả ngày tôi chằng nói tiếng Việt với ai cả. Nhưng tôi cảm thấy đời sống ở đây thoải mái, chính phủ làm gì mà tôi không ưa thì tôi cũng "đi kiện" ngay, tôi không biết nói thì tôi cũng đi ủng hộ người ta nói hộ cho tôi mà không sợ bị bắt bị làm khó dễ bị mang cái án "chống đối nhà nước". Tôi cứ phát biểu "vung vít" cho nhà báo đăng mà không sợ họ cắt bỏ điều gì, họ còn năn nỉ tôi nói vì tôi tiết kiệm lời lắm :-), lâu lâu người nghe cứ phá ra cưới vì tôi nói năng hơi ngớ ngẩn nhưng những người bản xứ vẫn chấp nhận tôi, cho tôi cái quyền ăn nói ngang hàng như họ.

Vì thế bảo tôi về quê hương, thì tôi cũng như ông Phú, nơi nào cho tôi cảm giác bình yên, buổi sáng chỉ nghe tiếng chim hót không phải là tiếng loa đầu ngõ giáo dục tôi phải theo sống theo lời dậy của ai hết, Chuá, Phật dậy mà tôi còn nghi ngờ huống chi người nào đó, thì nơi ấy là quê hương của tôi.

Chỉ có điều lòng tôi vẫn lâu lâu để ở bên kia bờ biển (biển nào thì không thể tiết lộ điạ điểm được), cho nên mới sinh ra cái chuyện gõ tào lao một mình trên blog, đôi khi tự nghĩ sao mình không như người ta mơ mộng, xem thiên hạ làm thơ tán tụng nhau ở một đất nước rất nhiều nhà thơ. Cứ lo đọc những chuyện mất nước tan nhà, thân gái dặm trường ở bên kia bờ làm chi rồi băn khoăn đến nỗi chán nản muốn dẹp luôn cái blog này vì nghĩ bao nhiêu blogger viết hay ho góp ý với nhà nước mà nhà nước còn chẳng nghe, tôi chả có ý kiến ý cò gì với ai, điều tôi nghĩ cũng đã có người kia nghĩ hộ rồi, chỉ có mỗi một việc link vào giới thiệu cho người chưa có thì giờ tìm kiếm đọc thế thôi. Nhưng rồi cũng tới lúc mỏi mệt, những tin tức không làm phấn khởi hơn, tôi cần đi xa, đóng cửa blog không suy nghĩ tới nó nữa, chuyện nước nhà để người trong nước lo, và nếu bạn có hỏi đi đâu, xin thưa đi tìm quê hương đó ạ, nhưng nhất định không phải cái đất nước mà người dân ở xa phải làm đơn xin nhập hay từ tịch một cách rất ư là rắc rối.
Thôi cứ nói một câu trong phim cũ "Xin nhận nơi đây làm quê hương". Hỏi ở đâu hở, xin thưa "my backyard".:-)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"